Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2020

TÒ MÒ DẪN DỤ DU LỊCH TÂY NGUYÊN


          Trong phong trào nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch như hiện nay, nhất là khi bộ trưởng Văn Thể Du lên tiếng kêu gọi người Việt đi du lịch trong nước để kích cầu du lịch (như lời kêu gọi giải cứu các thứ một dạo, từ trái cây tới thịt lợn), thì Tây Nguyên nổi lên như một mỏ tiềm năng lớn.

          Không phải bây giờ sự tò mò dẫn dụ về Tây Nguyên mới nổi lên, nhưng vì rất nhiều lý do mà lâu nay mới chỉ Đà Lạt là điểm du lịch nổi tiếng. Nhưng Đà Lạt nó lại thuộc về... miền Đông. Tây Nguyên yên ắng dù người ta luôn nhắc tới nó với sự khao khát từ xa.

          Và trong quá trình du lịch ngủ yên, hoặc chỉ hoạt động tự phát, thì chúng ta phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên. Thủy điện mở ra, các lâm trường nông trường mở ra, cuộc sống hiện đại lên, và tất nhiên, bản sắc Tây Nguyên mất đi.

          Tây Nguyên đúng nghĩa thì nó là phải là làng gắn với rừng. Cái văn hóa làng rừng nó tạo nên một nền văn minh phù hợp, để người ta tồn tại và phát triển.

          Suốt bao nhiêu năm, chúng ta đã kịp làm vỡ, làm rạn nứt cái không gian văn hóa ấy. Chúng ta hiện đại hóa nó lên, theo một cách chả giống ai, là làm cho nó giống với những vùng lân cận ở đồng bằng. Chúng ta càng hô hào giữ gìn thì nó càng mất bản sắc, càng ra sức giữ gìn thì nó lại càng chả còn gì để giữ.

Hiện nay đang có chủ trương xây dựng nông thôn mới, có những tiêu chí chung, rất chi tiết và cụ thể. Chúng tôi hết sức ủng hộ những chủ trương, chính sách làm lợi cho nhân dân, làm cho dân ấm no hạnh phúc, nhưng cũng hết sức lo ngại rằng, chủ trương này nếu thực hiện không khéo thì sẽ phá hết cái phần hồn của làng. Mà như chúng tôi nói, nếu làng, của cả người Việt và dân tộc thiểu số, mà thiếu đi cái phần hồn làng, nơi tạo nên sức sống âm ỉ và mãnh liệt, làm nên bản sắc và sức mạnh, truyền thống và trường tồn... thì nông thôn chỉ còn là một vùng đất chết. Ở đó mọi thứ giống nhau, hội trường giống nhau, đường làng giống nhau, nghĩa địa giống nhau, bếp núc giống nhau... thì nó có còn là làng nữa không?

Cũng như thế là chủ trương "cánh đồng mẫu lớn" nếu áp dụng vào Tây Nguyên thì sẽ như thế nào, bởi Tây Nguyên khác với đồng bằng, nó là nền nông nghiệp nương rẫy. Đành rằng chúng ta đã phát triển thủy lợi tới mức có thể tạo ra những đồng bằng hàng ngàn héc ta trên Tây Nguyên, nhưng nó không phải là bản sắc Tây Nguyên. Vậy thì cũng phải tôn trọng những cái rẫy cái nương như thế nào để nó còn cái hồn cái cốt của nền văn minh ấy.

          Những cái nhà rông vô hồn được dựng lên, rất tốn kém mà không có giá trị sử dụng, giá trị văn hóa, bởi nó không phải là nhà rông của chính buôn làng. Nó là những ngôi nhà theo ý chí người khác, vô cảm và vô lý.

          Những cái làng được khoanh vùng để làm du lịch cũng thế. Nó cũng là những ngôi làng chết, không ký ức không có hồn, không chứa đựng trong nó cái phẩm chất của làng.

          Có người hỏi: Du lịch Tây Nguyên cần gì? Tôi cho rằng: cần để yên. Vâng, trước khi muốn làm du lịch ở Tây Nguyên, cần phải giữ Tây Nguyên lại để nó chính là... Tây Nguyên cái đã.

          Đang có hiện tượng người ta nhân danh du lịch để... làm mới Tây Nguyên. Người ta dựng những ngôi nhà rông trong phố, bỏ tiền thuê nghệ nhân làm tượng, có cả tượng nhà mồ, về... quây quần ở đấy, rồi mời khách: Tây Nguyên đấy.

          Người ta phịa ra những "Lễ hội đâm trâu", "lễ hội cồng chiêng" giữa phố rồi bảo: Tây Nguyên đấy, chúng tôi đang giữ gìn đấy.

          Nhưng lại cũng không có nghĩa là lặn lội vào vùng thật sâu thật xa, thấy cái gốc cây lạ, cái thác xíu xiu cũng hô lên: Du lịch đấy.

          Người làm du lịch giỏi là tôn trọng tự nhiên, và liên kết chúng lại với nhau.

            Phải tôn trọng văn hóa bản địa. Anh chỉ chiêm ngắm nó như nó vốn có chứ không thể cải tạo nó. Một số cán bộ văn hóa rất mẫn cán với văn hóa bản địa, nhưng vì thiếu hiểu biết nên đã làm nó chệch đi. Ví dụ họ sáng tác ra các điệu múa mới nhưng rồi bảo Tây Nguyên đấy. Ông Y Dơn, một nghệ sĩ người Jrai thứ thiệt, cũng đã từng sáng tác bài hát "Gặt lúa đông xuân" rồi bảo đấy là dân ca Tây Nguyên. Khổ, người Tây Nguyên có lúa Đông xuân đâu ạ. Đấy là món lúa người Việt mang vào sau 1975, khi có phong trào mang văn minh lúa nước lên cho người Tây Nguyên. Cũng như thế, ông họa sĩ Xu Man người Bahnar chính hiệu cũng từng kể là mình bị bán làm nô lệ như thế nào, bị chủ đánh đập ra làm sao? Ông viết nguyên văn "Cuộc đời Xu Man: Hai mươi lăm năm cuộc đời bị làm nô lệ, mở mắt chủ gọi đi cày". Tôi đồ chừng đây là sản phẩm của... địa chủ thời đấu tố cải cách ruộng đất. Nó như cái truyện Tấm Cám kết hợp với tuyên truyền phản phong phản đế một thời khiến cứ ai là dì ghẻ, là vợ 2 bị quy đồng với ác độc, với căm thù với đày đọa con chồng... Người Tây Nguyên không có chế độ nô lệ, nếu có, nó là một dạng khác. Cũng như không có "tầng lớp trên" trong một làng Tây Nguyên, càng đặc biệt là không có chuyện đi cày.

          Hiện nay số người hiểu sâu sắc văn hóa Tây Nguyên không nhiều, ông Y Dơn, ông Xu Man đều là những người Tây Nguyên tiêu biểu mà còn nghĩ thế viết thế thì những người Việt hời hợt khác rất khó. Tất nhiên nói luôn, cả 2 ông này, dẫu gì thì cũng là hệ quả của kiểu tuyên truyền một thời, và họ say sưa làm thế. Nhưng bây giờ thì phải khác.

          Tôi cho rằng, với Tây Nguyên hiện nay, chả cứ du lịch, mà ở tất cả các lĩnh vực khác, để nó phát triển đúng với Tây Nguyên nhất, thì phải khôi phục văn hóa làng rừng, cái văn hóa từ ngàn xưa làm nên Tây Nguyên.

Làng nông thôn mới bây giờ chủ yếu đã được ngang bằng sổ thẳng, gần như của người Kinh. Vệ sinh hơn, sạch sẽ hơn, nhưng vẫn cứ thấy thiếu thiếu một thứ gì.

Té ra nó là hơi thở làng.

          Cũng như thế, cái nhà rông hay nhà dài luôn gắn với một không gian làng. Dựng nó riêng một góc, thậm chí dựng trên phố, nó không là nhà rông nữa, bởi nó đã bị tách khỏi không gian của nó, không có làng, nhà rông chỉ là một thứ vô hồn. Hiện chúng ta đang có rất nhiều nhà rông vô hồn như thế, ở khắp nước. Chả phải ngẫu nhiên mà ngay trên phố Pleiku nơi tôi sống từng có đến mấy cái nhà rông, dựng khá tốn kém, nhưng rồi lặng lẽ mất đi không kèn không trống, rất ít người còn nhớ từng có những cái nhà rông khổng lồ giữa thành phố Pleiku một dạo. Và ngay ở công viên Lê Nin Hà Nội, một thời có cái nhà rông khổng lồ ngự ở đấy. Sau, chắc do... không hợp phong thủy, nó đã bị cháy.

          Du lịch đánh thức buôn làng, nhưng du lịch cũng xâm lấn buôn làng. Đã có nhiều cảnh báo về việc này và có cảnh báo thêm cũng không thừa. Tất nhiên cuộc sống không bao giờ có thể có sự công bằng, được cái này đành phải mất cái kia. Phát triển nào cũng đi kèm mất mát, trong văn minh vẫn có văn minh tiến bộ và văn minh phản nhân văn, phản văn hóa. Nhưng cố làm sao cái mất phải nhỏ hơn cái được, và cái được phải là bản chất, là hạt nhân của đời sống, là cái trường tồn, cái mãi mãi. Bởi vật chất đành rằng không bao giờ là đủ, nhưng cái cuối cùng còn lại phải là văn hóa, là cốt lõi đời sống nhân văn của con người. Những thứ ấy không ngày một ngày hai có được, nó là sự dồn nén, tích tụ, vun vén từ hàng ngàn đời, nó tồn tại vì nó hợp quy luật. Cái gì hợp lý thì tồn tại, nhưng hình như, bây giờ có những thứ không hợp lý cũng đang tồn tại?

          Chỗ tôi đang làm, ở khu du lịch "Một thoáng Việt Nam" ở Củ Chi ấy, chúng tôi có những khu văn hóa Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên. Chúng tôi mời những nghệ nhân bản địa về đấy sống, ở ngay những ngôi nhà ấy, làm những công việc thường ngày của họ. Tất nhiên đấy là những nghệ nhân tài hoa, để những gì họ làm, sản phẩm của họ, chính là tinh hoa vùng đất mà họ đại diện. Ở khu Tây Nguyên, chúng tôi có 3 nghệ nhân, lương hàng tháng nạp vào thẻ, cơm ăn ngày 4 bữa, họ sống đúng như hàng ngày họ sống ở buôn làng, dọn dẹp nhà cửa, đan lát, làm đàn... chưa nói đến chuyện bán những sản phẩm họ làm, mà trước hết họ chính là họ. Các khu nhà Huế, nhà Bắc Bộ, Nam Bộ cũng vậy. Một mặt, mời khách tới tận nơi, nhưng mặt nữa, cũng ủng hộ việc "xuất khẩu" văn hóa, du lịch đến những khu du lịch tập trung như thế...

(Bài in trên báo Cảnh sát toàn cầu phát hành hôm nay ạ)






                                                                                  
         

2 nhận xét:

Quốc Nguyên nói...

Hay quá nhưng có bị chậm không nhà văn ơi?

Văn Công Hùng nói...

Chậm còn hơn không,huhu