Hôm
nọ tôi đăng bức ảnh cái bếp trên nhà rông của người Tây Nguyên. Nó trên sàn gỗ
và nghi ngút khói suốt ngày suốt đêm. Nhiều bạn vào hỏi sao phải đốt như thế,
và sao sàn gỗ mà nó không cháy.
Lại vụt nhớ về một tuổi thơ bếp Việt.
Hồi ấy diêm với
những là bật lửa là những thứ cực quý hiếm, thành phố đã quý hiếm nói gì nông
thôn. Mẹ tôi là phó giám đốc nhà máy diêm Thanh Hóa nhưng chúng tôi vẫn vác đèn
đi xin lửa như thường. Nên dân ta không gọi cái quẹt hay cái bật lửa tầm thường
như bây giờ, mà nó trịnh trọng là cái máy lửa. Ngang với máy... bay nhé.
Giữ
lửa cách tốt nhất là làm đống rấm. Đốt
một nắm rạ hoặc rơm to, thực ra là rạ, bởi rơm còn để dành cho trâu bò, khi
cháy được 1/2 thì đổ vài vốc trấu vào phần rạ chưa cháy, đợi vài phút cho lửa
bén vào trấu thì lấp tro, nhớ để "mồm"- tức không lấp tro phía đang
cháy (để cung cấp ô xy), trên cùng đè thêm một cục đất to đáy bẹt để hãm trấu
cháy chậm, gọi là "ông đầu lốc" để phân biệt với " ông đầu
rau", là ông Táo ấy. Khi dùng thì gạt hết phần tro đen đến phần tro đang
cháy thì thổi nhẹ, dí tí rơm đã vò sẵn cho lửa bén vào. Chẳng may "đống rấm"
tắt thì phải sang hàng xóm "xin tí lửa". Có đèn hoa kì thì dễ rồi, nếu
không thì dùng rơm, rạ xoắn lại, kẹp một viên than đỏ, vừa đi vừa thổi... Có
trường hợp lửa bén vào xoắn rạ, hòn than đỏ rơi trúng đống rơm hàng xóm, cháy
đùng đùng...
Rồi giữ lửa bằng
con cúi, Thanh Hóa gọi là "nùn rơm", thường mang ra đồng để hút thuốc
lào. Dùng rơm bện chặt thành một khúc to bằng cổ chân, dài ngắn tuỳ thời gian cần
giữ, thường khoảng 1 mét cho nửa ngày. Đốt đầu nùn cho lửa cháy bén vào thân
nùn thành tro ngun ngún cháy thì tắt lửa, mang ra đồng và để tuỳ hướng gió thì
mới giữ được lửa mà hút thuốc lào... Khi nào cần lửa, dí đóm vào đầu nùn và thổi.
Không phải cứ mạnh là lên lửa mà là phải khéo, tất nhiên là trừ người... sứt
môi hoặc mất răng cửa...
Đi xin lửa
cũng vui. Cầm cái đèn hoa kỳ sang, châm lửa xong bụm tay che gió mang về. Có đứa
con gái hay sang nhà tôi xin lửa, áo nâu quần đen, luôn lấy vạt áo che đèn, nhờ
thế có lần tôi phát hiện, ngực con gái khác ngực con trai, và tại sao con trai
có thể cởi trần mà con gái thì không?
Thì người Tây
Nguyên giữ lửa cũng thế. Khác là, một củi họ nhiều nên họ giữ lửa bằng củi. Củi
cứ ngún suốt ngày đêm thế. Và té ra, cách giữ lửa này không chỉ là giữ lửa mà
nó còn nhiều công dụng khác. Nhờ hơi khói bếp mà mái tranh, cái cột cái kèo nhà
rất chắc chắn, không sợ mối mọt. Những quả bầu đựng nước, cái gùi xếp quanh sàn
lên nước đen bóng. Và những món ăn gác bếp nó đúng là... gác bếp. Hiện nay món
thịt trâu gác bếp của bà con Tây Bắc đang rất có giá. Tương tự như thế là món
nai gác bếp của người Tây Nguyên xưa, giờ hết nai người ta chuyển sang bò. Món
truyền thống nhất là... chuột. Vào nhà Tây Nguyên thấy những xâu chuột treo
trên bếp, có khách quý mới hạ một con...
Và cái bếp của
người Tây Nguyên ấy, nó cũng là một thứ tài hoa cộng thông minh. Bốn thanh gỗ
được lồng vào nhau làm cữ. Đất sét, hoặc đất tổ mối, nhào nhuyễn với muối hoặc
tro. Đặt sát sàn 9 cái bẹ chuối tươi rồi đắp đất ấy lên, trong khuôn khổ cái
khuôn gỗ, thế là có cái bếp. À không, ba cục đá nữa. Có vùng bà con treo nồi
trên bếp chứ không dùng đá như cái kiềng hay ông đầu rau của người Việt, cứ lủng
la lủng lẳng thế nấu.
Và vì thế cái
sàn nhà của người Tây Nguyên là nơi chứa củi. Củi xếp hết sức đẹp. Người con
gái Sê Đăng trước khi lấy chồng phải kiếm cho được cả một gầm sàn củi như thế.
Vì sao nó đẹp. Vì nó đều tăm tắp. Các thanh củi phải bảo đảm không được dài quá
khuôn bếp, thò ra ngoài dễ bị cháy lan ra sàn. Và đấy là cách phòng cháy hữu hiệu
để người Tây Nguyên ở nhà sàn cả ngàn đời mà không, hoặc rất ít, bị cháy. Những
cái đống củi dưới sàn nhà ấy, vô tình trở thành điểm cho rất nhiều tay máy ảnh
xúm vào chụp mỗi khi xuống làng.
Nhỏ tí, tôi
còn được xem mấy ông nông dân dùng tinh tre cọ ra lửa. Họ cứ thế cọ cho tới lúc
lửa phựt lên. Rồi dí vào chính tinh tre ấy, cháy xèo xèo, rồi mới chuyển tiếp
sang con cúi. Rồi chúng tôi được thầy giáo dạy cách loài người lấy lửa từ đá,
cũng bắt chước ngồi lấy đá chọi vào nhau, có thấy lửa tóe lên nhưng không cách
gì châm vào cái bùi nhùi được. Lại nữa, một bác thợ mộc có que diêm nhưng không
có vỏ diêm, bác đã lấy cái kính lão hứng nắng chĩa vào que diêm, và nó bốc
cháy.
Phát minh đầu
tiên và vĩ đại nhất cho tới giờ của loài người, vẫn là tìm ra lửa. Hồi học đại
học chúng tôi luôn nhớ hình ảnh vị thánh Promete đã "tuẫn tiết trên tấm lịch
triết học" ra sao để mà thán phục ông, thán phục tổ tiên mình. Bây giờ,
sau thời đại rơm, sang thời đại củi. Sau củi tới bếp điện, từ dây ma xo tới bếp
điện hồng ngoại. Và bếp từ. Đến mức nhà thành phố cũng vẫn giữ nếp quê cúng ông
Táo nhưng chả biết ông Táo là ông nào, bèn mang ra... cổng cúng.
Và rất nhiều
nhà thành phố giờ hầu như không có... lửa. Duy thắp hương trên bàn thờ, nhiều
nhà cũng quên để trên ấy cái quẹt, hoặc để quẹt thì hết ga, diêm thì ẩm xì...
muốn thắp que nhang lại phải phóng xe đi mua quẹt chứ cũng chả có đèn mà đi xin
lửa.
Và vì thế mà
thấy cái bếp nhà rông cứ rưng rưng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét