Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

CHỊ KHÔNG ĐƠN ĐỘC



          Tôi mới quen chị tầm 3 năm nay. Tôi quen em gái chị trước, rồi biết chị. Và càng biết thì càng... tò mò. Mẹ chị, người phụ nữ có tên đường và tên trường ở TP HCM, 2 em gái của chị đều là những tên tuổi nhiều người biết, nhưng mỗi người chọn một cách để giúp đời. Em gái chị, giờ là thủ trưởng của tôi, thì bỏ toàn bộ vốn liếng, cuộc đời ra để cải tạo một khu đầm lầy ở bưng biền Củ Chi, biến nó thành khu du lịch Một thoáng Việt Nam, một địa chỉ cho những ai quan tâm đến văn hóa, lịch sử, khoa học thứ thiệt. Làm vì một nền văn hóa bản sắc Việt, vì sự hiểu biết của con người chứ không kinh doanh bằng mọi giá, vì những gì tốt đẹp nhất, tử tế nhất...

          Còn chị, đơn độc, một mình ở Pháp phát động vụ kiện Dioxin. Ngay khi gặp, chỉ nghe giới thiệu: Đây là chị Tố Nga, người đang đứng đơn kiện các tập đoàn công nghiệp Mỹ để đòi công bằng cho những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tôi đã à lên, vì hầu như ít người Việt Nam không biết vụ kiện nổi tiếng này. Nhưng gặp chị thì tôi lạ quá. Người phụ nữ hiền lành, nhỏ nhắn, và đặc biệt là khá cao tuổi, sống một mình đơn độc ở Paris với rất ít tiền, để mà đeo đuổi vụ kiện. Và có vẻ như, giai đoạn quyết định của vụ kiện đang đến. Hôm qua chị công bố một bức thư gửi bạn bè. Bức thư khá đủ đầy nên có lẽ không cần viết thêm gì nữa, chỉ đăng lại bức thư chúng ta cũng có thể hình dung toàn bộ sự việc:

"Gửi các bạn thân yêu của tôi.
Ngày hôm qua 29 tháng 6, thẩm phán phiên tòa thứ 19 về vụ kiện da cam đã quyết định mở phiên xử tại tòa đại hình Evry vào ngày 12 tháng 10 năm 2020.
Mười hai năm từ lúc quyết định kiện, 6 năm từ khi khởi kiện và có phiên tòa đầu tiên, cuối cùng thì sự kiện mong đợi cũng thực sự bắt đầu. Cám ơn các bạn trong sáu năm qua đã không ngừng động viên, ủng hộ, nhưng hôm nay, để được mọi người cùng đồng lòng , cùng nhau đi đến đích cuối cùng của cuộc chiến đấu đầy cam go này, cho phép tôi được thưa với các bạn những lời từ tâm can.
Làm giao liên Saigon từ năm 8 tuổi, vỏn vẹn 12 năm sống với Ông Bà, từ đó xa nhà, là học sinh miền Nam trong tình yêu thương của nhân dân, thầy cô và bạn bè. Sau đó làm bạn trên đường Trường Sơn, làm đồng chí cùng chung chiến hào, sống chết bên nhau, rồi vào tù chịu roi đòn tra tấn, mỗi giai đoạn quan trọng của đời tôi được gói trong mười năm. Mười năm ở miền Bắc, mười năm trong chiến tranh. Ngày ba mươi tháng tư tôi ôm con ra khỏi tù với ký ức về người mẹ mất tích, về những người bạn đã để lại tuổi xuân ở một nơi nào đó trên mảnh đất còn quá nhiều hố bom, quá nhiều vết tích tàn phá của chất độc da cam.
15 năm làm cô giáo đầy sóng gió và hơn hai mươi năm lang thang nhiều nơi, nhiều xứ để thay người đã mất góp chút sức cuối đời hoàn thành lời thề: vì hạnh phúc của nhân dân . Đến giờ này, lời nguyện ấy vẫn còn tươi xanh, nguyên vẹn.
Một tuần lễ thăm các gia đình nạn nhân da cam đã cho tôi biết những đau khổ cùng cực và ý chí sống mạnh mẽ, tấm lòng nhân ái của những con người thân thể quặt quẹo, nói không ra tiếng nhưng biết lau nước mắt cho người nguyên lành. Một câu hỏi dằn vặt tôi: khi thế hệ cha mẹ họ chết đi rồi, ai sẽ là người chăm sóc họ khi Nhà Nước cũng đang còn quá nhiều khó khăn ? Ai ?
Bởi lẽ đó, khi luật sư William BOURDON và nhà văn Andre BOUNY yêu cầu tôi đứng đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam để quân đội Mỹ rải trên lãnh thổ Việt Nam, tôi đã không từ chối.
Tôi không từ chối sau khi tôi hiểu rằng, lúc bấy giờ, tôi là trường hợp duy nhất có thể kiện và vì vậy là cơ may cuối cùng cho các nạn nhân da cam Việt Nam và tất cả các nạn nhân da cam trên thế giới vì tôi hội đủ ba điều kiện: Tôi đang ở Pháp, là nước duy nhất có luật cho phép luật sư Pháp mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước khác làm hại mình. Tôi có quốc tịch Pháp sau khi nhận huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Và, bản thân tôi là nạn nhân chất độc da cam.
Một câu hỏi được đặt ra: Vụ kiện sẽ rất lâu dài, rất gian nan, liệu tôi có đủ gan, đủ sức đi tới cùng, hay nên chăng chọn một giải pháp ngắn và đơn giản hơn: hòa giải và nhận bồi thường. Chúng tôi đã nói KHÔNG với giải pháp này.
2009 - 2011, hai năm để thuyết phục, hai năm để xóa nghi kỵ, hai năm chịu đựng những hiểu lầm để đạt được sự đồng thuận, cuối cùng tôi đã cầm tờ kết quả xét nghiệm kết luận nồng độ dioxin trong máu của tôi cao hơn tiêu chuẩn qui định. Có thể kiện rồi! Nhưng lại chưa thể!
2011 - 2013, thêm hai năm chờ đợi cho bộ luật của Pháp quay về cho phép các vụ kiện quốc tế. Và tháng 3 năm 2013, khi chúng tôi được phép kiện, khi hồ sơ bắt đầu nghiên cứu từ 2009 đã hoàn chỉnh, thì cần phải có 35.000 euro để được một dịch giả nhậm thệ quốc tế dịch 30 trang tài liệu từ tiếng Pháp qua tiếng Anh, trong khi chúng tôi không có một đồng nào.
Trong một cuộc họp nhỏ, khi nghe nói về vụ kiện, lúc ấy còn đang giữ kín để đối phương chưa bị đánh động, các bạn Pháp, dù không biết tôi là ai, nhưng chỉ trong một tuần, đã gởi cho tôi 16.000 euro. Cảm động hơn nữa, các anh chị Việt kiều từ nhiều nguồn, đã chung tay với chúng tôi, cùng đi tới. Hòa hợp dân tộc đã được vụ kiện giúp thực hiện. Số tiền còn thiếu được gửi từ Việt Nam vừa kịp cho chúng hoàn tất thủ tục.
14 tháng 5 năm 2013, Tòa đại hình Evry đã chấp đơn của tôi, Trần Tố Nga, khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ, đúng một ngày trước khi chúng tôi mất thời hiệu kiện được luật qui định là 5 năm từ khi tuyên bố là nạn nhân chất độc da cam. Lại chờ đợi!
Tháng 4 năm 2014, tôi nhận được thông báo Tòa sẽ mở phiên đầu tiên với danh sách hầu tòa của 19 công ty , tập đoàn hóa chất Mỹ đã từng sản xuất chất khai hoang trong chiến tranh Việt Nam. Đêm hôm đó, cũng như đêm vừa qua, tôi không ngủ được khi thấy đứng đầu danh sách là hai tập đoàn được gọi là người không lố thế giới trong ngành sản xuất hóa chất: Monsanto và Dow Chemical, cũng là hai tập đoàn chủ yếu sản xuất chất da cam trong chiến tranh. Họ chưa một lần ra hầu ở bất cứ tòa án nào ở nhiều nước.
Từ tháng 4 năm 2014 đến tháng 6 năm 2020, tròn 6 năm trôi qua với 19 phiên tòa, với rất nhiều khó khăn, trở ngại vô lý do đối phương không ngừng gây ra. Trong sáu năm ấy, tôi cũng đã trải qua nhiều cơn bịnh ngặt nghèo, tuổi đã ngấp nghé 80, nhưng từ một người đơn lẻ, hôm nay tôi đã có được hàng ngàn, hàng chục ngàn người từ nhiều nước trên thế giới tự nguyện đồng hành. Chính những điều ấy đã không cho phép tôi có, dù một phút, nản lòng, sờn chí. Mà nản sao được khi trước mắt tôi luôn hiện hình ảnh các nạn nhân da cam, ánh mắt hy vọng, trông đợi của họ vào công lý.
Nản sao được khi mình đã tự nhận là đại diện của hàng triệu người đã ngã xuống.
Vậy thì, các bạn ơi, hơn lúc nào hết, vụ kiện chất độc da cam của Trần Tố Nga cần đến sự chung tay, góp sức của mỗi một người trong chúng ta, vì dù nó có mang tên của một người thì đây vẫn là cuộc chiến đấu vì công lý, vì lẽ phải của mỗi người cho những người bất hạnh hơn mình.
Cuộc chiến khốc liệt- mà có cuộc chiến nào không khốc liệt, dù trong thời nào, đang đi tới những trận cuối, dù chưa biết kết thúc lúc nào và như thế nào. Nhưng đây là cuộc chiến đấu cuối cùng, là cơ may cuối cùng, để cho thảm họa da cam không bị rơi vào quên lãng, để cho thế giới nhận rõ tội ác quá khứ, để chặn đứng tội ác thuốc trừ sâu hôm nay, để người gây tội ác ít ra cũng phải thừa nhận tội ác và đền bù tội ác cho nhân loại, cho các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của họ.
Chính vì vậy, từ đây đến ngày xử của tòa, xin các bạn mỗi người giúp lan tỏa thông tin để cả thế giới và các thẩm phán của Tòa hiểu rằng cả Việt nam đang lên tiếng đòi công lý cho nạn nhân da cam, đòi người gây tội phải nhận tội .
Xin các bạn, bằng cách của mình, nói với người thân, với tất cả các bạn của mình, những người ở kế bên mình thông tin về một vụ kiện ở trên đất Pháp nhưng vì chính những nạn nhân Việt Nam mà đã kiên trì diễn ra trên mười năm nay và sẽ còn kéo dài với hy vọng cuối cùng là sự thật được thừa nhận.
Các bạn giúp chia sẻ thư này cho tất cả những người bạn và những người bạn của bạn tiếp tục chia sẻ. Ngày 18 tháng tám là ngày Nạn nhân Da cam, họ sẽ ấm lòng hơn nhờ các bạn.
Kính , Trần Tố Nga"

          Có lần tôi nói với bạn bè văn chương của tôi rằng, chuyện về gia đình chị có thể viết tới dăm tập tiểu thuyết. Lịch sử gia đình chị, nếu dựng lại, nó chính là hiện thân của cuộc chiến tranh đau khổ và bi tráng của nước ta. Bản thân chị Tố Nga cũng đã viết một cuốn sách, cuốn "Đường trần", nửa như hồi ký nửa như ghi chép, ngồn ngộn tư liệu về bản thân, gia đình và đất nước, gắn quện với nhau. Cầu mong chị vẫn có sức khỏe để tiếp tục cuộc chiến đấu của mình, dẫu với tuổi 80 lại mang trong mình chất dioxin và ung thư nữa, nói đến sức khỏe như nhắc tới một cái gì xa xỉ. Nhưng chị lạc quan lắm, qua điện thoại, tiếng chị vẫn sang sảng...

bài đăng Ở ĐÂY 




                                                                                 

4 nhận xét:

Lê Nguyễn nói...

Vẫn mái tóc ngắn, quăn dợn sóng,không biết đây có phải là cô cựu hiệu trưởng trường Marie Curie ở Sài Gòn?
Kỷ niệm cũ chợt ùa về, trường MC với vài khuôn mặt của "bên thắng cuộc" thật dễ mến. Có lẽ hai trong ba người đấy gốc miền nam. Vì là dân tập kết nên họ thông cảm, dễ dãi hơn. Thầy Thơm dậy môn chính trị, nhưng biết rất rõ mình đang nói dối, đang vẽ bánh với đám hậu sinh của mình. Vì vậy đôi khi lặng ngắm và quan sát chúng, sau bao năm xa cách. Cô Tố Nga vẫn cho những học sinh nghĩ "bệnh" trong mùa thi Lục Cá Nguyệt được thi lại, miễn là có giấy bác sỹ. Xin cám ơn cô. Và người cuối cùng là thầy dạy toán, và những phủ đầu ranh mãnh của người vừa ra trường vài năm với đám học trò miền nam, chỉ cách mình dăm tuổi

Văn Công Hùng nói...

Cám sơn bạn, những nhận xét thú vị. Tôi cũng vào Nam ngay sau 75 và cũng chứng kiến nhiều việc buồn cười giữa trí thức 2 miền. Chuyện bạn kể ấm áp, may thế, hì.

Lê Nguyễn nói...

Như vậy là ông vào nam khoảng thời gian với ông Thôngcao, và người anh họ cũng là cháu đích tôn bên họ ngoại tôi. "May mắn" đấu tố sớm sau khi phủ cờ đỏ miền bắc, nên nội ngoại tôi phải đành bỏ mồ mả tổ tiên ông bà, trốn chạy vào nam. Giờ đến phiên chúng tôi, chắc cũng tại Lạc Long Quân và bà Âu Cơ nên con cháu mãi phải chia lìa. Nhìn về quê hương với những...thật buồn đến nẫu người!

Văn Công Hùng nói...

Vầng, rất buồn, nhà cháu cũng viết nhiều về những chuyện buồn này, những chuyện buồn do chính chúng ta, sau nửa thế kỷ, vẫn y như hồi nào, huhu...