Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

CHIỀU NHƯ LỬA ĐỐT LÒNG NHAU




          Năm 1985, trong một chuyến đi với mấy anh em văn nghệ vào một ngôi làng thuộc xã Chư Drăng, khi ấy thuộc huyện Ayun Pa, giờ nó là của huyện Ia Pa để Ayun Pa lên thị xã, tôi lọt vào một khu nhà mồ.

          Chiều thì râm ran nắng, gió thì xào xạc, rừng thì cứ càng vào càng tõe ra, chim kêu vượn hót. Tôi cứ vừa đi vừa ngó nghiêng, đến lúc trước mặt mình, hàng hàng lớp lớp tượng mồ thì tôi... giật mình. Nhìn xung quanh, nhõn mình. Nói thật là sợ... sun tóc, nhưng lại như bị hớp hồn. Hàng trăm pho tượng xếp lớp trong chiều, lóng lánh nắng, như đang nhất loạt... phì phò thở. Lại như có cả những cú nheo mắt, những phát chạm tay, như mời gọi, như muốn giao lưu.

          Đẹp đến ngộp thở, đến mê hoặc dù tôi biết mình đã lạc vào khu nhà mồ của người Jrai. Và trước đó tôi đã biết cách chôn người chết của người Jrai là như thế nào. Nó không đến nỗi thiên táng, tức là treo xác lên cây cho khô như người Jẻ Triêng cách đấy chưa đầy trăm rưởi cây số, hay dựng vào góc bếp làm ma khô như hồi nhỏ tôi hay nghe kể mà không biết có đúng hay không? Người Jrai chôn... chung trong một khu nhà mồ của làng. Chôn chung tức là người trong một gia đình, nếu chết gần nhau khoảng chừng một năm thì sẽ được bỏ vào... chôn chung. Quan lài là những cây gỗ nguyên, rất to, đục rỗng ruột, đặt người chết vào đấy. Khi có người chết mới, người ta lại... lôi ra xếp lại, để có thể một cái cây ấy, xếp được nhiều nhất có thể.

Với người Tây Nguyên, chết chưa phải là hết, mà chết là một trạng thái nghỉ, chuyển từ trạng huống sống này sang trạng huống sống khác, đấy là thế giới của A Tâu, của một tầng trời vĩnh hằng khác. Ở đó, con người luôn mơ về, dù không ai hình dung ra hình hài nó thế nào, và vì thế mà nó luôn lung linh, luôn luôn đẹp…

          Trong thời gian ấy, người sống vẫn thường xuyên ra thăm người chết trong mồ. Cái mồ ấy khi chôn người ta vẫn để hở một lỗ phía trên, và người sống mang cơm nước thức ăn ra bón cho người chết qua lỗ thông hơi ấy. Người ta còn chia của cho người chết. Trong nhà có gì đều được chia đều cho người ngoài mồ, nhưng để phân biệt thì người ta đục thủng hoặc làm hỏng đồ vật ấy đi, rồi mang ra chất xung quanh nhà mồ.

          Cho đến khi đã đủ điều kiện, cả về kinh tế và thời gian thì người ta làm một cái lễ bỏ mả (Pơ Thi).

Các điều kiện tiên quyết để có lễ bỏ mả là: kinh tế, phải có bò gà dê lợn, ít nhất mỗi thứ một con. Có rượu, ít thôi, vì bà con dân làng sẽ mang đến…

          Nhưng cái quan trọng là nhà mồ và tượng mồ.

          Tượng mồ là những cây gỗ tươi nguyên trong rừng, được những trai tráng khỏe mạnh trong làng đi hàng tháng trời trong rừng, đốn và khiêng về.

          Không phải ai cũng đẽo được tượng mồ, mà mỗi làng chỉ có vài ba người làm được việc này.

          Không phải lúc nào cũng có thể đẽo được tượng mồ. Mà phải chọn (và biết cách làm cho) cảm xúc thăng hoa nhất, nói nôm na là… Giàng nhập.

Tượng mồ, từ lâu đã được coi như là một trong những “đặc sản” cả về vật chất và tinh thần của người Tây Nguyên.

          Nó là sản phẩm của một phong tục, tục bỏ mả. Người ta làm một lần rồi bỏ, mãi mãi. Nhưng mà người ngoài nhìn vào thì thấy, té ra nó là một tuyệt tác nghệ thuật.

          Bỏ mả, không thờ cúng nhiều đời như người Kinh, có nhiều lý do giải thích, nhưng tôi thiên về lý do: Nó phù hợp với đời sống du cư một thời.

          Mỗi khi bỏ mả, việc đầu tiên phải chuẩn bị là làm tượng mồ. Lên núi lấy những cây gỗ nguyên, rồi chỉ bằng cái rựa và cây rìu, cộng với tư chất tài hoa bẩm sinh bản năng, chỉ bằng những nét vạc thô, nhưng những cái tượng mồ hết sức sống động, hết sức đẹp, hết sức có hồn... tăm tắp đứng bên nhà mồ. Khi nào xong thì mới bắt đầu lễ bỏ mả.

Tượng mồ sẽ thay người sống đi với người chết mãi mãi. Từ mai mọi vui buồn sướng khổ sẽ có tượng này thay ta chia sẻ với mình. Này là hình dáng người sống buồn đau ôm mặt khóc người chết. Này là chú khỉ tinh nghịch sẽ cùng người chết bầu bạn. Này là mẹ cha, này là hàng xóm... người chết mang theo tất cả những gì lúc sống mình từng có để không lẻ loi lúc sống ở thế giới A tâu, cái thế giới chỉ nằm trong hình dung, trong tưởng tượng, trong ý nghĩ... chứ nào ai đã thấy bao giờ.
 
          Tôi đã lang thang không biết bao nhiêu lần trong các khu nhà mồ, dưới ánh chiều chạng vạng mà mê mẩn ngắm vẻ đẹp mê hồn của các pho tượng mồ. Chúng, những pho tượng mồ ấy, không chỉ là những súc gỗ vô tri vô giác, mà dưới đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, cộng với một cõi tâm thức thiêng liêng của họ, đã trở thành một tuyệt tác dân gian. Dưới ánh chiều, tất cả mọi pho tượng mồ như thức cả dậy, lung linh và huyền ảo, mỗi pho tượng có một sắc thái biểu cảm riêng, một đời sống riêng, hợp thành một thế giới sống động. Người ta nói rằng không phải ai và không phải lúc nào cũng có thể đẽo được tượng mồ. Mỗi làng thường chỉ có vài người, và chỉ vào lúc xuất thần nhất, họ mới làm. Tất nhiên đấy là những phút xuất thần trong khuôn khổ, bởi chỉ khi nào bỏ mả thì người ta mới làm tượng mồ, và những pho tượng ấy chỉ đặt ở nhà mồ. Những pho tượng ấy chính là một thế giới người thu nhỏ với tất cả mọi cung bậc tâm trạng tình cảm. Những người đàn bà ôm mặt, những người đàn ông đánh trống, những hình người cả đàn ông đàn bà khoả thân với bộ phận sinh dục được đặc tả và phóng đại... tất cả hiện lên sinh động rực rỡ và lộng lẫy như cuộc sống vốn vừa diễn ra trước đấy bước vào. Tất nhiên âm hưởng chung là buồn hiu hắt, nỗi buồn không chỉ toát ra từ các pho tượng, mà còn từ khung cảnh khu nhà mồ.

Ðẽo một cây gỗ thành hình người thì dễ, ai cũng có thể làm được, nhất là các nhà điêu khắc, thậm chí là thợ mộc bây giờ. Nhưng thổi hồn vào đấy cho nó thành tượng mồ với khắc khoải những kiếp người thì chỉ nghệ nhân bản địa Tây nguyên làm được trong những thời khắc nhất định. Những thời khắc loé sáng của tâm linh như những "vụ nổ tâm thức" theo cách nói của lý thuyết hiện đại, chính là lúc con người thăng hoa nhất, nhập thân nhất, phiêu diêu với người đang nằm dưới đất đen đất đỏ kia. Người đẽo tượng thì lý giải rất tự nhiên: Giàng bảo làm. Thế thôi.

Là tôi vừa xuống Plei Bông, ngôi làng rất đẹp của họa sĩ Xu Man ngày nào. Đây là nơi rất nhiều văn nghệ sĩ đã xuống ăn ở và sáng tác thời họa sĩ Xu Man còn sống. Có 3 địa điểm rất đẹp mà ai từng đến đây cũng đều phải ra thăm ngó là nhà rông, giọt nước và khu nhà mồ với rất nhiều tượng mồ.

Nhưng giờ, khi ra thăm mộ họa sĩ Xu Man tôi đã... choáng trước sự nguy nga của khu nhà mồ của làng này: Tất cả đã xi măng và tôn hóa. Và, không có một ngôi/ khu mộ nào có tượng nữa. Và nữa, hình như người ta cũng chôn cất người chết vĩnh viễn như người Kinh chứ không bỏ mả nữa. Tất cả các ngôi mộ đều tăm tắp một kiểu: huyệt xi măng, thành mộ và gắn ảnh người chết. Phía trên lợp tôn phỏng mô hình nhà rông, mái dốc vút cao, mộ càng mới thì tôn càng nhiều màu sắc. Trong ngôi mộ của họa sĩ Xu Man có 3 người nằm: Xu Man, vợ ông và con trai thứ.

Có thể tạm thời lý giải như thế này chăng: Ngoài việc học theo người Kinh một cách tự phát việc xây mộ kiên cố, còn một yếu tố rất quan trọng nữa chi phối là: Không còn gỗ để làm. Điều này nó phù hợp với luật lâm nghiệp hiện nay. Và khi không được làm thì sẽ lụt nghề. Cũng như nhà rông, chắc chỉ một thời gian nữa, nếu có đủ nguyên liệu cho các làng làm lại nhà rông truyền thống thì... cũng không còn người biết làm, bởi đây là các nghệ nhân, họ làm toàn bằng sự tài hoa thiên bẩm cộng với sự truyền nghề tự phát. Lâu không được làm, các nghệ nhân qua đời hết rồi, thế là... hết nghề. Chả phải ngẫu nhiên mà các tỉnh Tây Nguyên đều mở các lớp dạy đánh chiêng, dạy dệt vải, đan lát, dạy làm tượng nhà mồ vân vân... Vấn đề là, gỗ ở đâu để làm tượng thì hình như người ta chưa nghĩ tới. Chưa nghĩ tới nhưng các khu nhà mồ đã và đang hoàn toàn vắng bóng tượng mồ... Thêm nữa, đẽo tượng hoàn toàn không phải là nghề, nó không thể là nghề chuyên nghiệp như mấy ông thợ mộc người Kinh cũng như không phải nghiệp như mấy anh họa sĩ điêu khắc... Nó hết sức nghiệp dư và ngẫu hứng, nó hoàn toàn tự phát...

Cũng như thế, không còn không gian làng truyền thống thì chiêng và các loại hình nghệ thuật dân gian như Hri (hmon, khan), xoang... cũng không còn đất để tồn tại, và không còn người sử dụng vải thì nghề dệt thổ cẩm cũng chả còn...

Nhưng lại như thế này, nhân danh "bảo tồn và phát huy", giờ người ta đang bỏ tiền ra để phục chế tượng mồ. Thuê nghệ nhân làm tượng, thi làm tượng, rồi mang về đặt ở ngay phố phường, những nơi không bao giờ có thể đặt tượng mồ.

Nên ngày xưa tôi phải đi cả trăm cây số, thui thủi lếch thếch trong rừng mới gặp tượng mồ. Giờ ngay trên phố Pleiku cũng gặp nhan nhản tượng mồ...

À thế còn tại sao lại là cái tên bài báo như thế. Là tôi có bài thơ "Tượng mồ" làm ngay trong cái buổi chiều năm 1985 ở Chư Drăng ấy, hai câu mở đầu là: "Chiều như lửa đốt lòng nhau/ tượng mồ run rẩy về đâu kiếp người..."...



3 ảnh trên chụp tượng nhà mồ trong một nhà hàng ở thành phố Pleiku


2 ảnh trên là một tiết học bài thơ "Tượng mồ" của nhà cháu của một trường trung học cơ sở tỉnh Gia Lai
Nhà mồ ở Plei Bông hiện nay

Bài in trên báo Cảnh sát toàn cầu phát hành hôm nay

                                                  


6 nhận xét:

Trương Tính nói...

Bài hay quá anh Hùng ạ. Bái phục vốn kiến thức Tây Nguyên và chữ nghĩa của anh!

Văn Công Hùng nói...

Hihi cám ơn ạ, cũng loi choi thôi, nhiều người giỏi lắm ạ.

Quế Sơn nói...

+Tôi có đọc các bài thơ về tượng mồ của Anh, của Anh Nguyễn Trọng Tạo và của Anh Ngô Minh. Cả 3 đều hay cả. Duy 'Tượng mồ' của Anh được chọn đưa vào chương trình ngữ văn địa phương thì đúng hơn-nếu có 'chọn'. Đơn giản, thể thơ, từ ngữ và các ý chính của chủ đề được đóng khung gọn gàng, không thừa, không thiếu và không...mông lung, hợp với môi trường sư phạm.
Khen Anh hoài thấy cũng khách khí. Chê nhẹ Anh Hùng một tí cho vui. Vui thôi, chứ mọi việc đã thành...sách. Sách giáo khoa được xem như văn bản pháp luật!
Anh viết: 'đã đành hồn đã rong chơi/đã đành xác sẽ tơi bời gió sương'. Tôi hiểu, Anh đã cẩn trọng sử dụng các phó từ 'đã', 'sẽ' trước các động từ dành cho 'hồn' và 'xác'. Nhưng, với xác, Anh chọn 'tơi bời gió sương' thì nó dữ dội quá, nó trụi trần quá, dễ gây cho người thân, người trong cuộc, bạn đọc... hiện tượng "ái truất"(từ này tôi cố vắt óc để đặt vào đây cho đúng văn cảnh).
+Có dịp thuận lợi, Anh nhẹ nhàng trao đổi với các thầy cô dạy Ngữ văn ở Gia Lai(thể hiện qua nhiều giáo án), gọi tượng nhà mồ là "pho" chứ không là "bức".
Góp mấy lời với Anh và bạn đọc với tình cảm quí mến những người yêu văn học.

Văn Công Hùng nói...

Lại phải lạy cụ, cụ chuẩn không thể tưởng được ạ?
Mà tóm lại, đến giờ, cụ vẫn là ẩn số?

Unknown nói...

Cháu cũng hay đọc các bài tản văn của chú, và cũng rất thích đọc các comment của độc giả Quế Sơn, đúng là một ẩn số. Cụ Quế Sơn này thực là chứa một kho tàng tri thức khổng lồ

Văn Công Hùng nói...

Hihi cháu cũng là một bí ẩn luôn.