Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

CHUYỆN RỪNG NGHÈO VÀ... KHÔNG NGHÈO



          Hồi mới lên Tây Nguyên làm việc, thú thật tôi đã hết sức ngạc nhiên khi thấy có những khu rừng miên man chạy cả ngày xe chưa hết, nhưng chả thấy lá gì, chỉ bụi đỏ mù mịt. Những thân cây khô khẳng chĩa lên trời như những bộ xương, dưới đất, lá khô và bui đỏ. Bụi dày cả nửa mét đến nỗi xe bị pan. Thường xe chỉ bị pan khi gặp mưa, đây giữa mùa khô không khốc mà vẫn bị pan, bánh xe quay tít mà xe vẫn đứng yên, người đỏ ngòm như cây bụi đỏ. Thì là bánh xe sa xuống cái rãnh mà xe lớn chạy, để lại sống trâu ấy. Cầu xe thì bị cái sống trâu ấy đỡ, bánh xe chỉ bơi trong bụi. Lần ấy, bác tài đầy kinh nghiệm của huyện biên giới Chư Prông đã đưa chúng tôi... lạc sang đất Campuchia mấy chục cây số bằng xe Uoat 2 cầu. Tức là tôi cũng chỉ nghĩ được tới là, thế cái rừng này có tác dụng gì nhỉ?

         
Là tôi, gã trai thành phố học văn, mới ra trường nghĩ thế. Sau này mới biết nhiều điều, biết rằng, thế mà không phải thế.

          Biết rằng, rừng khộp, mà người ta cố tình coi là rừng nghèo ấy, nhưng nó lại không nghèo, dẫu mới trông thì nó rất nghèo, nhất là mùa khô. Nó chính là một phần của Tây Nguyên, làm nên Tây Nguyên. Chả thế mà ở Đăk Lăk có hẳn một khu rừng quốc gia bảo tồn rừng khộp.

          Nó, rừng khộp ấy, về nguyên tắc, chỉ có 2 tầng. Rừng giàu là phải nhiều tầng. Đây chỉ có tầng trên, chủ yếu là cây dầu, giá trị kinh tế không cao, và dưới đất là cỏ tranh, le và vài loại cây nhỏ khác.

          Rõ ràng, so với rừng nguyên sinh, rừng giàu thì nó chả có cớ gì để so. Nhưng, nếu không có nó thì Tây Nguyên sẽ ra sao? Tôi đã hỏi một ông kỹ sư lâm nghiệp và mới được ông ấy giải thích cho thủng ra, rằng là, đất Tây Nguyên ở vùng ấy vùng ấy, hàng trăm ngàn héc ta, phía dưới chủ yếu là đá, chả rừng nào sống được, trừ rừng... khộp. Rằng phải có nó để giữ đất, giữ nước cho Tây Nguyên và cả đồng bằng. Nó như cái thùng tố nô khổng lồ chứa nước mùa khô và giữ nước mùa mưa. Chưa hết, nhìn thế chứ nó hết sức đa dạng sinh học. Rằng các loại thú quý như mang, hoẵng, hổ, bò tót, rùa, thỏ... chỉ sống ở rừng bị coi là nghèo này, lấy rừng khộp làm nơi kiếm ăn và sinh sản.

          Thế nên, khi mà cách đây hơn chục năm, chả hiểu do ai tham mưu mà người ta lại cho... chuyển đổi rừng nghèo, tức là cho triệt hạ rừng khộp, kế hoạch là 50 ngàn héc ta, để chuyển sang trồng cà phê và cao su. Rầm rầm rộ rộ, rồi đến lúc tỉnh ra thì một loạt cán bộ chủ chốt bị kỷ luật, và quan trọng là, cao su không thể sống được trên đất ấy. Rồi lại xin... chuyển đổi lần nữa, để trở lại... rừng khộp.

          Anh bạn còn giải thích, ông nghe rừng Taiga bao giờ chưa. Ồi, nghe hoài, hồi nhỏ học địa lý cũng thuộc loại giỏi, rồi đọc bao nhiêu truyện của Liên Xô ngày xưa liên quan đến rừng Taiga. Đấy đấy. Nó là một phần của vùng Châu Âu, đại lục Alaska, Thụy Điển, Canađa, Phần Lan, phía Bắc nước Mỹ, Kazakhstan, Hokkaido của Nhật Bản và phần lớn Siberi (Nga)... nó thực ra cũng như rừng khộp, dù nó thì ngập nước còn khộp thì khô. Và không ai có ý định phá rừng Taiga để trồng thứ gì kinh tế hơn cả, mà người ta nghiên cứu để rừng ấy phát huy hết vai trò, tác dụng của mình trong đời sống con người.

          Ngay phía Nam Việt Nam cũng có hệ thống rừng ngập mặn, có ai có ý định phá nó để làm cái gì khác đâu, mà giờ đang phải lên kế hoạch bảo tồn nữa.

          Là chúng tôi đang nói về việc, những khu rừng khộp ngày nào, giờ trơ trọi cao su, và là cao su chết chứ không như những rừng cao su chạy ven đường 14.

          Và khi hàng ngàn héc ta rừng khộp ấy trơ trọi thì đồng nghĩa với việc, cái bể chứa nước khổng lồ kia không còn, nước cứ thế tuồn tuột chảy xuống đồng bằng, gây nên lũ lụt, mà mấy năm nay, năm nào cũng rất khủng khiếp, trong khi đấy thì Tây Nguyên hạn hán.

          Chưa hết, đời sống người Tây Nguyên luôn gắn với rừng. Dẫu là rừng nghèo thì nó vẫn có niên đại rừng, ký ức rừng, lớp lang rừng, tâm hồn rừng, văn hóa rừng. Người Tây Nguyên lấy rừng làm chuẩn, để sống trong mối quan hệ tương hỗ với rừng. Hệ thống luật tục của họ cũng lấy rừng làm cái gốc để mọi vấn đề xoay quanh nó.

          Một thế giới rừng hết sức bao la, hết sức phong phú, hết sức nhân văn, hết sức bao dung, hết sức bí ẩn... để người Tây Nguyên dựa vào, sống, và mơ, và khám phá, và tin ở ngày mai.

          Giờ, nó tơ hơ ra.

          Cái thời người ta làm dự án chuyển đổi rừng ấy, có ý kiến là, cao su cũng là rừng, mà lại cho ra tiền, chứ mấy cái rừng khộp, để chả có ích gì? Thậm chí có hẳn một thông tư chữa cháy cho chương trình 120 ngàn héc ta cao su là qui  định cây cao su là cây đa năng, là cây rừng.

          Là tôi lại nhớ tới cái suy nghĩ non nớt của chính mình viết ở đầu bài này. Nhưng tôi khi ấy, gã trai học văn khoa mới ra trường, lần đầu lên Tây Nguyên. Đằng này, toàn những chuyên gia lão luyện, từ tỉnh tới trung ương mà vẫn lập luận thế mới lạ.

Cao su chỉ là cây công nghiệp, còn rừng là cả hệ sinh thái, có văn hóa rừng, có đời sống, có tâm hồn. Rừng bao giờ cũng gồm nhiều tầng nấc, nhiều loại cây và là nơi sinh sống tổng hợp của nhiều động thực vật, dẫu là rừng khộp, bị coi là rừng nghèo, chứ thực ra, vẫn có rừng khộp giàu. Chúng dựa vào nhau mà sống và tồn tại, tưởng là hoang dã nhưng chính chúng tạo nên một đời sống hết sức tinh tế, tương hỗ nhau, làm nên một thế giới rừng vừa bí ẩn vừa rạch ròi, vừa vững bền lại cũng mong manh khoảnh khắc. Đến mấy chủ tịch tỉnh ở Tây Nguyên đã bị kỷ luật vì liên quan đến việc phá rừng “nghèo” trồng cao su. Tất nhiên cao su cũng là quý, làm ra tiền ngay, có thể đảm bảo đời sống lập tức cho hàng vạn đồng bào. Nhưng rừng hơn thế, nó đảm bảo cho sự sống của cả trái đất này, đất nước này. Đã rất nhiều bài học máu xương cho việc phá rừng. Phá từ rừng nguyên sinh, cổ thụ tiến đến rừng nghèo. Nhưng thực ra, nghèo là cách họ tự đặt ra để dễ... phá, chứ rừng khộp chưa bao giờ là rừng nghèo. Người ta gọi nó là rừng nghèo là bởi không trồng... lúa trên đấy được. Mà đúng là có thời chúng ta đã rất hăm hở phá hàng ngàn hecta rừng để... trồng sắn đấy, chả phải chỉ trong chiến tranh đâu, hòa bình rồi vẫn thế.

Nguyên cái chuyện những động vật quý hiếm như nhắc ở trên kia chọn rừng khộp để sinh sống đã là việc hết sức quý rồi. Giờ rừng hết, các loại động vật quý hiếm trên cũng hết theo. Môi trường bị tàn phá, hệ sinh thái thay đổi, cộng thêm thủy điện tầng tầng nấc nấc, Tây Nguyên đang bị hoang hóa dần là chuyện ai cũng biết.

Ngày xưa, từ pleiku chạy chỉ hai chục cây xuống Chư Prông là gặp rừng khộp, gặp... hổ, voi, bò tót, nai, hoẵng... giờ thi thoảng buồn, lấy xe chạy, chạy mãi vẫn chỉ đất đỏ au. Những ngọn núi phía xa trơ trọi và nham nhở như cái đầu bị cắt vụng bằng kéo cùn, kể cả mùa mưa. Nguyên lý của rừng khộp là mùa khô nó ào ào trút lá. Bài thơ "Lá đỏ" của Nguyễn Đình Thi là viết về rừng khộp đấy ạ: "Gặp em trên cao lộng gió/ rừng lạ ào ào lá đỏ". Ngay cái cảnh lá đỏ trút ào ào cũng hết sức đẹp. Nhưng mưa lên, từ cơn mưa đầu mùa ngập ngừng, tất cả những cây lá đang khô khẳng ấy, rùng mình rồi lên mầm, rồi cả cái mùa mưa kéo dài nửa năm ấy, rừng khộp nó đúng nghĩa rừng. Trên cao thì lá dầu, dưới đất thì cỏ tranh, và rừng ngập tràn những niềm vui muông thú hoan ca...

Một đại tá, phó tư lệnh binh đoàn 15, binh đoàn đóng quân ở Pleiku, chuyên làm kinh tế, vừa bị bắt là do có liên quan tới rừng. Trước đấy nữa, cũng một đại tá, giám đốc một công ty trực thuộc binh đoàn 15 đã đi tù, cũng liên quan tới rừng. Chủ tịch tỉnh thì bị kỷ luật, có ông mất chức, cũng bởi liên quan tới rừng. Thế là té ra, tuy gọi nó là rừng nghèo nhưng nó không hề nghèo. Không những nó không nghèo, mà vắng nó, Tây Nguyên mới bị nghèo.

Cái nghèo nhất ở Tây Nguyên bây giờ, là mất đi một chiều sâu của văn hóa rừng, một sự gắn kết hữu cơ giữa người dân với rừng. Làng rừng Tây Nguyên đang vắng đi một yếu tố hết sức quan trọng, hết sức hữu cơ, hết sức mật thiết, là rừng. Chỉ còn những ngôi làng, trơ trọi giữa nắng, giữa gió, và bụi. Những ngôi nhà sàn truyền thống tiện dụng hiền hòa đang được thay bằng nhà xây 134, 135 hết sức lạc lõng với những cư dân Tây Nguyên sống thơm thảo tình nghĩa với rừng hàng ngàn năm nay...

Bài in báo Cảnh sát toàn cầu, năm coovid thứ nhất, bài thứ 3 trong seri... 15 bài về Tây Nguyên.
Bài 1 Ở ĐÂY

Bài 2 Ở ĐÂY



                                                   

2 nhận xét:

Quế Sơn nói...

Khộp là một kiểu rừng, loại rừng. Khộp không là tên riêng một loài cây. Vậy xin Anh Hùng giúp cho: Le là tên riêng một loài cây hay Le cũng lại là một kiểu rừng, loại rừng. Và câu thơ của Anh Vũ Quần Phương'Bài hát ấy từ rừng le, rừng khộp/ Người con gái ấy không về. Và em hát đêm nay'. Không bàn đến đúng sai của câu 2, riêng câu 1, Anh VQP sắp xếp, sử dụng 'rừng le, rừng khộp' như thế đã chỉnh chu?

Văn Công Hùng nói...

Không có cây khộp, mà chỉ có rừng khộp. Nhưng có cây le ạ. Nhà cháu đồ chừng, rừng le cũng là một loại rừng nghèo, chủ yếu là le, nhưng có thêm các loại họ le, như tre nứa vầu luồng... loại nhỏ xen kẽ ạ. Về Khộp, nhà cháu đã có máy bài thanh minh, vì từng có bài thơ trong đấy có câu "Những cây khộp già đăm chiêu trong chiều vắng", cháo ơi là nó xấu hổ. Hồi ấy mói lên Tây Nguyên, tưởng cây dầu là cây khộp ạ. Bác có thể tìm trên google câu lệnh "Khộp Văn Công Hùng" ạ, hì. Cám ơn bác rất nhiều. Sẽ mang câu hỏi của bác đi hỏi các chuyên gia ạ.