Số trước (Ở ĐÂY) chúng
tôi đã trình bày về sự xuất hiện của chiêng ở Tây Nguyên, rằng là người Tây Nguyên
không làm ra chiêng, mà phải đi mua/ đổi từ người Việt, từ Lào, Mã Lai về, và
nhờ mấy yếu tố quan trọng là không gian, con người, đặc biệt là người chỉnh
chiêng, mà nó trở thành đặc sản Tây Nguyên...
Làng
Tây Nguyên vốn dĩ ở rất sâu trong rừng. Nếu từ dưới nhìn lên thì ta hầu như
không thấy (Là đang nói cái thời làng vẫn là làng ấy ạ), chỉ thấy xanh um rừng.
Nhưng khắc đi khắc tới. Tới thì thấy có một bãi đất trống, đa phần là cheo leo
đồi, có suối cặp sát, và trên ấy là một cái làng.
Tất
nhiên không phải làng nào cũng ở trên đồi, cũng có suối. Độ thấp dần trải từ Bắc
vào Nam. Người Sê Đăng, Jẻ, Triêng... thường chọn vùng cao, hiểm trở để ở, nhất
là người Sê Đăng, họ chọn nơi lập làng rất hiểm trở, làng như một pháo đài. Ông
Núp cũng dùng địa thế hiểm trở của làng S'tơ (Kông Hoa) dựa vào lưng dãy Kon Ka
King để lập làng chiến đấu. Nhưng vùng Jrai Ayun Pa, Kông Pa... thì lại ít núi,
tất nhiên vẫn có núi, căn cứ vào tên gọi có chữ Chứ (Chư) ở đầu. Chứ là núi.
Và
các làng đều khá là xa nhau. Nên công dụng ban đầu của chiêng có thể là để
thông tin chăng. Người dân tộc thiểu số thường dùng tiếng hú để gọi nhau. Rồi đến
tù và. Rồi sau đấy có thể là chiêng.
Tiếp
theo chiêng như một sự định giá tài sản. Nhà ai nhiều chiêng nhà ấy giàu, cũng như
làng nào nhà rông to thì làng ấy hùng mạnh. Rồi nó được mang yếu tố tâm linh.
Trong chiêng có các vị thần trú ngụ. Và người ta chia ra các loại chiêng,
chiêng vui chiêng buồn, chiêng hội chiêng tang...
Và
nó gắn với các lễ hội của người Tây Nguyên.
Mà
người Tây Nguyên thì vô vàn lễ, và hội.
Đời
người, đời cây, vạn vật xung quanh... đều gắn với thần linh, và vì thế phải thường
xuyên cúng thần linh. Chẳng hạn một đời người, thì khi sinh ra có lễ thổi tai,
rồi đến khi chết đi, thân xác hòa vào đất rồi, thì có cái lễ bỏ mả (pơ thi) một
trong vài lễ rất lớn của người Tây Nguyên). Giữa thổi tai và pơ thi còn rất nhiều
các loại lễ khác.
Và
thường xuyên có chiêng (rượu ghè nữa) trong các lễ ấy.
Và
nó cũng có những quy tắc rất nghiêm ngặt để mang chiêng ra dùng, chứ không phải
như cây ghi ta, thích lúc nào thì ôm gẩy khi ấy.
Người
ta dùng chiêng thể thỉnh cầu thần linh. Để báo tin, để bày tỏ cảm xúc, để nói
chuyện với nhau vân vân...
Và
không gian của chiêng là làng, không thể khác.
Và
muốn chơi chiêng, phải có tập thể, cũng không thể khác.
Tất
nhiên sau này, một số thanh niên giỏi giang (người Tây Nguyên rất có năng khiếu
về âm nhạc, hội họa) làm ra những giàn chiêng cải tiến. Cũng vẫn mười mấy cái
chiêng, được treo lên giá, và chỉ một người chơi, và họ đệm được nhạc hiện đại,
hòa tấu những bản nhạc thông thường, điều mà chiêng truyền thống không thể làm
được. Giáo sư âm nhạc Tô Ngọc Thanh kịch liệt phản đối việc này, cho là nó...
giết chiêng. Nhưng biết làm sao, khi mà nó lại... tiện hơn. Ngày xưa để chơi
chiêng phải đợi có lễ, rồi cúng hạ chiêng, rồi, yếu tố này rất quan trọng, phải
đủ người, mỗi người phụ trách một chiêng, chưa kể phải có đội xoang (múa). Giờ,
lôi cái giá bằng tre ra, nó như cây sào để phơi quần áo ấy, ngoắc mười mấy cái
chiêng lên, một người chơi, say sưa thể hiện trước bao cặp mắt ngưỡng mộ của
các cô gái xinh đẹp trong làng?
Chiêng
gắn với làng nhưng nó lại là tài sản cá nhân. Chiêng quý là do... gia chủ và
người bán. 5 trâu quý hơn 3 trâu, tất nhiên thế. Khi cúng chiêng cũng được...
ăn như người, ấy là người ta lấy máu động vật hiến tế bôi vào chiêng. Nhà ai có
bộ chiêng nhiều trâu thì nhà ấy giàu hơn. Mà có nhiều bộ thì lại càng giàu. Từng
bộ chiêng được giữ rất cẩn thận, cho vào rọ, treo trên vách. Nhưng cái thời khó
khăn, có một dạo, một mặt thì các con buôn người Kinh đi lùng mua chiêng cổ, một
mặt bà con mang chiêng ra làm... máng lợn. Một nhạc sĩ nổi tiếng đã từng bị một
tỉnh miền Trung làm tổn hại danh tiếng khi chặn xe chở chiêng của ông ra Hà Nội.
Nghe nói ông này mua chiêng, và được tặng nữa, để ở một tỉnh miền Trung, rồi
sau đó chở ra nhà chính ở Hà Nội, rồi bị chặn lại, báo chí vào cuộc ê hề. Nhưng
những người buôn chiêng thứ thiệt thì lại... an toàn. Tôi có ông bạn viết văn
viết báo nhưng làm nghề phụ buôn chiêng, cứ khi nào đọc báo thấy ông thảm thiết
kêu: Chiêng Tây Nguyên chảy máu là tôi biết ông vừa trúng một quả chiêng. Cũng
khi ấy, tôi lang thang xuống làng, thì thấy nhan nhản chiêng được đặt ngửa
trong vườn đổ cám vào cho lợn ăn.
Tôi
có hỏi một số chuyên gia cách phân loại chiêng quý, thì họ nói chiêng quý là do
nó có được trộn vàng hoặc đồng đen. Hỏi sao biết trong ấy có vàng hoặc đồng
đen, lại bảo nghe thì biết. Thế thì tài, rất tài thật, chứ loại người trần tai
thịt như tôi, thấy chiêng nào cũng như chiêng nào. Vậy nên bà con mang chiêng
ra cho lợn ăn, mấy anh Kinh thấy xót, bèn mua lại, cũng chả có gì là... lạ.
Rồi
cứ thế thì nguy quá. Làng Tây Nguyên mà không còn rừng (đang không còn), không
còn chiêng, không còn nhà rông nhà sàn... thì nguy quá. Và Unesco bèn công nhận
không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền
khẩu và phi vật thể nhân loại. Và thế là các tỉnh Tây Nguyên tưng bừng tuyên
truyền về chiêng để bảo tồn gìn giữ và phát huy nó.
Một trong những việc quan trọng ấy là,
một vài tỉnh xuất ngân sách mua tặng mỗi làng một bộ chiêng.
Nhưng có điều là, như đã nói, chiêng vốn
dĩ là tài sản của từng gia đình, nên quả thật, việc mua chiêng rồi phát cho
làng nó có vẻ chưa hợp lý lắm. Và như thế, lúc này, chiêng chỉ còn mang chức
năng nhạc cụ. Lúc nào làng có khách, hay lễ gì mang tính nhà nước, thì làng tổ
chức đánh chiêng, còn cái phần quan trọng, thiêng liêng nhất của chiêng, cái phần
mà vì nó chiêng phải có mặt, phải tồn tại... thì lại bị bỏ qua.
Cũng như thế là có thời người ta hô
hào và rầm rộ làm nhà rông văn hóa. Mỗi xã một nhà rông văn hóa to vật vã,
ngoài vỏ nhà rông thì ruột cũng trang bị nó thành một thiết chế văn hóa, có ăm
li loa đài, có chỗ hội họp vân vân. Nhưng vấn đề là, đa phần sau khi long trọng
tổ chức khánh thành và bàn giao với cờ quạt biểu ngữ tưng bừng thì... nhà rông để
không. Nó bởi mấy nguyên nhân sau: Một là nhà rông chỉ có ở làng chứ không thể
có ở xã. Đơn vị dân cư nhỏ nhất của người Tây Nguyên là làng. Và nó bền chặt,
nó không chịu "nhường cơm xẻ áo", nên nhà rông văn hóa, đa phần là
làm ở gần trụ sở xã, chả làng nào chịu nhận là của mình, chỉ mấy ông xã ngắm, rồi
để hoang. Thứ nữa, nó được xây bằng bê tông, lợp tôn chói lòa, hết sức chỏi với
hệ thống nhà sàn truyền thống (khi ấy). Nữa là, thói quen sinh hoạt khiến cho
cái nhà rông văn hóa trở thành thứ... đáng gờm với bà con (nhà rông truyền thống
sàn bằng gỗ hoặc le, có nhiều kẽ hở để uống rượu cần không bị ướt sàn, để hút
thuốc nhổ, để... vất xương vân vân, nhà rông văn hóa sàn xi măng không đáp ứng
được các việc ấy)... thế là phá sản cả kế hoạch rất lớn "vì Tây
Nguyên" phát triển. Giờ đi ngang dọc Tây Nguyên, thi thoảng vẫn thấy những
cái nhà rông văn hóa dạo nào, ngơ ngác như những con bò lạc vào phố.
Làng bây giờ cũng nhiều đổi thay.
Là vừa do sự phát triển tự phát, vừa
là thực hiện chủ trương nông thôn mới, nên về kinh tế có thể có những sự tăng
trưởng nhất định, nhưng văn hóa, có vẻ như đang chạm đến sự nhạy cảm của làng.
Là cái hồn cái cốt của làng, cái làm nên những bí ẩn, làm nên tầng tầng ký ức,
cái mà nó khiến cho những người con của làng dù có đi chân trời góc biển cũng
đau đáu để trở về, không con nữa.
Và ngay cái không gian của chiêng ấy,
có vẻ như nó cũng không còn toàn vẹn như xưa. Nó mất đi cái hồi hộp, cái đắm
say, cái nhịp thở... làm nên hồn cốt của lễ hội. Nó chỉ là sự trách nhiệm,
nghĩa vụ, sự quán tính, bắt buộc... Chiêng và làng không còn quyện vào nhau như
nó từng đã thế, hàng mấy trăm năm đã thế...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét