Một số địa phương phía Bắc không gọi người theo thứ, mà khi
có con thì hay gọi bố mẹ theo tên con đầu. Ví dụ ông An đẻ ra cu Ân thì ông này
sẽ được gọi là ông/ bác/ anh Ân. Ba mẹ tôi khi ở Thanh Hóa thì được gọi là bác
Hùng, vì tôi là con trai cả. Cũng không nhớ là nếu không có con trai thì gọi thế
nào. Người ta tránh tên thật vì sợ húy. Vùng Huế thì gọi trật đi một tí, cũng bởi
cái quy định của triều Nguyễn thời nào, là phải tránh tên húy của các vị vua,
và ngay bản thân trong nhà cũng tránh đi để khỏi xui, khỏi ma nghe tên mà bắt,
nên mới có chuyện chợ Đông Hoa thành chợ Đông Ba, Thanh Hoa thành Thanh Hóa.
Trong nhà tôi, ba tôi tên Lai thì gọi thành Lơi, chú tôi tên Dũng thì gọi thành
Doạn (Doãn nhưng tiếng Huế thành Doạn), dượng tôi tên Bảng thì thành Bởng vân
vân... Có những vùng nông thôn, họ quan niệm tên càng xấu thì càng dễ nuôi, nên
những là moi, móc, gái, bẹp, thậm chí là tên các bộ phận sinh dục được đặt búa
xua những là thằng Cặc con Lồn, lại còn Lồn nậy Lồn dỏ (Lồn lớn Lồn nhỏ, tức 2 đứa tên Lồn luôn)...
Vào
Nam thì gọi theo thứ. Từng người thì đều
đã có tên, nhưng gặp nhau thì đều hỏi thăm dò trước "Xin lỗi anh Hùng là
anh thứ mấy để dễ kêu". "Dạ
tôi con cả". "A vậy thì là anh Hai ạ. Dạ thưa anh Hai Hùng cho em
kính anh một ly". Tức là chức anh cả đã được đặt ở... ngoài Bắc rồi, vào
đây chỉ từ anh Hai trở đi... trong Nam không bao giờ có ông Cả, ông nhất, ông Một,
bởi ông ấy hoặc là cha, hoặc là để thờ vọng, anh cả chỉ được gọi là hai, hai là
to nhất. Tất nhiên cũng có những ngoại lệ, như nhà văn Nguyễn Một tôi quen, ông
này vừa tên là Một, bút danh một thời là Nguyễn Duy Nhất, và tự hào là người có
tên dài nhất Việt Nam: Quốc lộ 1.
Gọi nhau bằng thứ để tránh gọi tên chính, cũng hay, nó là
tập tục từ xửa xưa, vì nhiều lý do nữa chứ chả phải chỉ như tôi nêu trên. Mà quả
là nghe quen thấy nó cũng ấm cúng, gia đình.
Nhưng nó lại có việc thế này, ấy là các cơ quan nhà nước
bây giờ cũng... toàn gọi theo thứ.
Rất nhiều cán bộ ngoài Bắc luân chuyển vào phía Nam, việc
đầu tiên là được gọi theo thứ. Hồi ông Đinh La Thăng vào làm bí thư TP HCM, rất
nhanh đã được gọi là anh Tư.
Trường hợp này chắc là gọi theo thứ tự thật. Còn một số thì gọi theo... chức
vụ. Phàm là người to nhất là anh Hai. Rồi cứ thế mà tuần tự. Nhưng đa phần là gọi
theo thứ mà người ấy khai. Hồi anh C từ Hà Nội vào làm phó bí thư một tỉnh Tây
Nguyên, anh em văn phòng, rất nhanh, phát hiện anh này thứ 7, bèn gọi là anh Bảy
C, và cả tỉnh gọi. Lên cơ quan, vào văn phòng đăng ký gặp anh Bảy, thế là đương
nhiên được đưa vào phòng phó bí thư. Sau anh Bảy này chuyển ra đứng đầu một cơ
quan cấp bộ ở Hà Nội, lại chả thấy ai gọi anh ấy là anh Bảy nữa, lại trở về tên
cũ. Anh Bảy lại được "chuyển giao" cho một anh khác, to hơn. Giờ anh
Bảy này lại quay lại phía Nam làm bí thư một tỉnh, không biết cái tên Bảy có được
khôi phục không?
Nhưng nó lại thế này. Cơ quan ấy nếu đã có một anh Tư rồi chẳng hạn, anh ấy
to nhất cơ quan, thì một anh khác, cũng con thứ tư trong nhà, ở cơ quan ấy, sẽ
chỉ được gọi là anh Bốn thôi. Tôi chơi với một ông giám đốc sở người Quảng
Bình, ông này được gọi là anh Tư rồi nên cơ quan có đến mấy anh Bốn nữa. Bốn
kèm tên thì dễ phân biệt. Còn khi chỉ gọi thứ không thì tức là đã rất thân mật
và kính trọng. Bởi đương nhiên cái thứ ấy nó là tên riêng rồi, chả ai chen vào
tranh. Ông Tư này về quê, bà con chỉ gọi đúng tên của ông ấy, mấy anh em đi
cùng cứ gọi anh Tư anh Tư bà con trợn mắt chả biết con/ cháu mình đổi tên khi
nào?
Nếu có 2 ông Năm thì ông to hơn là Năm, ông kia là... 6
trừ 1 hoặc ông Ngũ- có đứa đểu nó gọi Ngũ... đợi. Bảy, nếu có thêm ông thứ 7 nữa
thì sẽ gọi là anh Thất... đại loại thế.
Nói chung nó rất dễ hiểu nhưng lại cũng rất... lằng nhằng.
Dễ hiểu là ai là con thứ mấy trong nhà thì cứ thứ ấy mà gọi, kèm cái tên là
xong. Ví dụ Hai Rau, Ba Chí, Tư Nở... Nhưng lằng nhằng lại là, có khi thứ ấy mà
lại chả phải là thứ ấy, là thứ ấy nhưng lại không phải là... thứ ấy, nó cứ rất
là... loằng ngoằng, như ông Tư tôi quen, một hôm ổng bảo: Tôi có 2 anh em, tức
mình thứ 3, nhưng anh em nó gọi thứ 4 thành quen, kệ nó. Tìm hiểu thì biết, hồi
ổng mới lên, có một anh "hân hoan thông báo": sếp thứ 4, thế là cứ thế
đồng loạt gọi.
Giờ ra công viên, quảng trường ấy (tất nhiên các tỉnh
phía phía Nam), rất hay thấy những gia đình đưa con nhỏ đi chơi, và hay nghe:
Ba ơi, con xin lỗi Hai đi, con vừa giẫm chân Hai đấy. Con chị nói: Hai không
thèm Ba xin lỗi, Ba phải đưa chân cho Hai giẫm lại. Con em 3 tuổi và con chị 5
tuổi. Bà mẹ trẻ giọng Bắc đặc sệt.
Thì nhập gia tùy tục mà.
Vui phết. Có khi cả cái luận văn tiến sĩ ấy chứ, chắc chắn
hơn hẳn loại luận văn kiểu: "Một vài suy nghĩ về lên lớp đầu giờ..."...,
hoặc "về việc tắm tập thể cho bộ đội"...
Bài gốc đăng Reatimes, Ở ĐÂY
5 nhận xét:
Ở phần đầu , Anh Hùng nói việc lấy tên con để gọi tên cha là giống với quê tôi ( Quảng Nam ). Việc gọi tên nầy không phân biệt trai hay gái anh ạ. Nhưng đến bây giờ chuyện ấy không còn nữa, vì các thế hệ sau không dùng và cho là rắc rối !
Vâng cụ, nó là quy ước chung của đa phần người Việt ạ, đi đâu họ mang đi theo đấy.
Ở Thanh Hóa gọi tên cha mẹ theo tên con đầu cũng không kể trai hay gái, khi con trai có vợ chưa sinh cháu thì gọi là bố nhiêu, mẹ nhiêu; Có cọn trai thì bố cò mẹ cò, con gái thì bố hỉm mẹ hỉm (có nơi gọi chẽm thay cho hỉm)
+Lập gia đình, con đầu lòng, dù gái hay trai, phổng phao bước vào độ thiếu niên, dấu hiệu khởi đầu hoàn thành 4 mục tiêu hôn nhân: nòi giống, tính dục, yêu thương và kinh tế của cặp đôi cha-mẹ ấy, thì, để thay lời ghi nhận, khen ngợi, chia mừng, cộng đồng họ mạc, rồi lan ra xóm giềng, làng xã, tên cha A mẹ B đã được gọi thay bằng tên người con đầu. Dần dần, tên thường gọi lúc thanh xuân của cặp đôi cha-mẹ bị quên lãng, dấu hiệu tròn trĩnh, đúng lộ trình an bài của phận người, kiếp người. Thế mới biết mục tiêu nòi giống trong hôn nhân nó quan trọng như thế nào.
+Văn hóa Tràng An, văn hóa đồng bằng Bắc bộ, nó là cái nền căn cơ của nền văn hóa Việt. Tùy thời gian du cư sau trước, tùy đồng đất, sông nước phía Nam trong cuộc du cư, tùy giao thoa nguồn dân bản địa, một số lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, văn hóa có biến tấu. Nhưng, tựu trung, nát giậu cũng còn vết dấu của bờ tre làng.
+Nhà thơ lớn trong phong trào TN.HS.SV miền Nam Trần Quang Long, sinh ra ở Bát Tràng-Hà Nội, theo cha du cư vào Huế. Học hành, khởi nghiệp đều từ cố đô. Anh dạy học, xuống đường đòi hòa bình, dân sinh dân chủ ở hầu hết các đô thị miền Nam. Rồi thoát ly ra bưng Nam bộ. Anh hy sinh cùng nhà văn Trần Triệu Luật năm 1968 tại Tây Ninh. Tôi nhớ láng máng mấy câu trong bài thơ 'Thưa mẹ, trái tim' của Anh:
Thưa Mẹ,
Năm nay con hai lăm tuổi đầu.
Công danh gì chẳng có.
Cuộc sống lại cơ cầu.
Bữa đói bữa no, cậy nhờ bè bạn.
Lây lất chẳng ra sao.
Mai mốt trát đòi con vào Thủ Đức.
Chắc gì Mẹ gặp con đâu.
Anh Cả, anh Hai, chú Cường, chú Phúc,
Người chết triền đồi. Người chết lũng sâu...
Một gia đình, gốc Bắc, Anh Long vẫn phân ra và gọi Anh Cả, Anh Hai(?)!
+Lại nói về ông Phúc: Viết điếu văn cho lễ truy điệu Chủ Tịch HCM là một người đồng lớn tuổi hơn nhung đồng hương Quảng Nam với ông Phúc: Cụ Đống Ngạc. Cụ Đống Ngạc viết:'Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta sanh ra HCT. Và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta". Tuyệt. Và Cụ Duẩn đã nhấn mạnh các điệp từ "ta" ấy bằng chất giọng rất tuyệt. Triệu triệu dòng nước mắt của đồng bào tuông trào! Ông Phúc kêu gọi chông dịch. Dịch đang vào cao trào, cao điểm nên ông ấy nóng ruột, muốn "thôi thúc" hệ thống chính trị và nhân dân quyết tâm vào cuộc. Có hàng ngàn cách nói, cách viết để thôi thúc. Bắt chước Cụ Đống Ngạc, dùng điệp từ 'TA', đã không đúng ngữ cảnh, không đúng lô gích hành văn, ảnh hưởng sự nghiêm trang của chuyện lớn khác và...tạo cớ cho kẻ không tốt, chúng nhân đó mà bôi bác. Ông Phúc khi dùng câu chữ nên cẩn trọng. Tôi chân thành góp lời.
Lạy cụ, cụ nói rất đúng. Đứng về mặt chữ nghĩa và ăn nói, ông P chưa bao giờ là người tinh tế, huhu.
Đăng nhận xét