Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

TẢN MẠN MÙA DỊCH


          Bài báo này viết ngày 19/3, đăng trên Reatimes. Hôm nay đã có vài thông tin mới. Mới nhất là hôm qua thủ tướng ra lệnh cách ly toàn xã hội, trưa nay là công bố dịch trên toàn quốc.

          Một cuộc chiến đấu mới đang diễn ra, âm thầm, lặng lẽ và hết sức lạ lẫm. Chiến đấu mà không thấy kẻ thù, chiến đấu mà không tiêu diệt đối thủ, mà phải tránh và tự cách ly mình.

           Chiến đấu mà các chiến đấu viên lại được lệnh là... ở đâu ở yên đấy, ngồi đâu ngồi yên đấy. Và càng ngồi một chỗ lại càng yêu nước...

          Dịch covid đang ngày càng là một... thực thể hiện hữu.

          Nói thế là bởi, tôi, và khá nhiều người như tôi, cũng đã từng chủ quan, cho rằng nó đến rồi nó đi. Phàm là con người sống trên đời là phải luôn luôn chiến đấu với các loại dịch, nhất là cúm, năm nào chả có. Dân gian thì đầy kinh nghiệm, từ lấy tóc đánh gió, tới ngải cứu, tới xông, ăn tỏi, cháo hành, thậm chí là... uống nước tiểu.

          Nhưng đến giờ thì không đùa được nữa rồi. Cả thế giới đang căng mình ra mà... đón nhận nó. Tôi thích cách dùng từ đón nhận hơn là chống. Đón nhận là có chống nhưng cũng có cả tìm cách chung sống. Nó như máu người phải có cả hồng cầu và bạch cầu ấy, nó tương hỗ nhau, để tồn tại.

          Giữa cái lúc mà dân Hà Nội đang chen nhau mua khẩu trang, tích trữ có, bán lại có, chen nhau như cái thời bao cấp mua vé xe ấy, thì tôi ra Hà Nội. Tất nhiên là không đi vu vơ, mà có việc.

          Một Hà Nội khác hẳn những gì tôi thấy trên báo và trên mạng xã hội.

          Có thưa vắng hơn, vào các nhà hàng lớn có nhân viên đo thân nhiệt, ở quầy lễ tân và trong cầu thang máy khách sạn để sẵn lọ cồn diệt khuẩn, và quan trọng là, không phải 100% người lúc này đã đeo khẩu trang. Tôi ước chừng 50 đến 60 phần trăm thôi. Các bạn tôi vẫn mặt trần tiếp tôi.

          Thế nhưng khẩu trang vẫn là mặt hàng hiếm. Nghe đồn là ở nước ngoài, sở dĩ họ khuyến cáo người bình thường không đeo khẩu trang là bởi sợ... thiếu, khẩu trang chỉ giành cho nhân viên y tế, nếu ai cũng đeo thì sẽ thiếu khẩu trang cho những người cần. Một chị có con trai đang ở Pháp kể rằng, con trai chị đã bị tắc xi từ chối vì đeo khẩu trang vào tắc xi.

          Nên mấy ngày khẩu trang hiếm hơn mì chính thời bao cấp ấy, nhiều chuyện vui đến hài hước đã xảy ra, như tặng nhau khẩu trang thay quà cưới, như đánh bài ăn... khẩu trang. Và không hài hước: Có những cháu học sinh vùng cao dùng giấy làm khẩu trang. Và giáo viên chụp ảnh này đưa lên mạng bị kiểm điểm vì... bêu xấu ngành. Cũng chả biết là ngành nào.

          Vân vi để kể chuyện là, hôm nọ xem ti vi thấy tổ công tác của tổng cục quản lý thị trường vào "tham quan" và phát hiện một "ổ" sản xuất khẩu trang đầy tính chất... mơ hồ, chả theo khuôn phép nào, nhưng rồi... bất lực vì chả làm gì được. Đây là tổ công tác do bộ Công thương lập, nhưng về tỉnh "bắt quả tang" thì cục trưởng của tỉnh bảo: Anh chả có quyền gì ra lệnh cho tôi. Chỗ ấy của tôi quản lý vân vân...

          Bỏ qua chuyện có tính chất "nội bộ" trong ngành ấy, thì nổi lên một việc cần minh bạch: ấy là, cần một cơ quan bỏ thời gian ra tính thử, toàn dân Việt Nam mà dùng khẩu trang thì cần mỗi tháng là bao nhiêu, năng lực sản xuất của chúng ta là bao nhiêu, để có thể mở thêm hoặc thu hẹp sản xuất lại, và cũng là để phát huy hết nguồn lực trong xã hội, ai sản xuất được khẩu trang đủ chuẩn thì động viên họ làm, và cương quyết dẹp những nơi, những ổ sản xuất khẩu trang không đủ chuẩn, khẩu trang dỏm. Khẩu trang là để giữ vệ sinh, ngừa dịch bệnh, mà chính nó lại là ổ bệnh thì không thể nào chấp nhận được. 

          Hiện nay chúng ta đang làm rất tốt phần cách ly người lây nhiễm, dù mấy ngày vừa rồi số case dương tính liên tiếp lên rất cao, nhưng so với tình hình chung thì đấy là không thể tránh, bởi số lượng người từ vùng dịch trở về quá đông và lại không tự giác khai báo. Nhưng phần phòng dịch thì có vẻ vẫn chưa quy củ lắm. Mà phòng dịch thì hai thứ hết sức quan trọng là khẩu trang và nước sát trùng. Có vẻ như ai cũng sản xuất được, ai cũng bán được, mà chưa có những quy chuẩn bắt buộc và những cơ quan giám định cụ thể. Ví dụ ai kiểm tra chất lượng những thứ đang bán ra trên thị trường. Ngay ở nhà tôi hiện nay đang có chừng 10 loại nước sát khuẩn do bạn bè và cơ quan tặng, đa phần là tự sản xuất. Có loại có giấy phép, có loại không, hoặc chưa, và đều được dùng miễn nó... có mùi cồn.

          Cũng qua cơn dịch này, chúng ta thấy thêm phẩm chất của người Việt.

          Ấy là năng lực tổ chức, chỉ huy. Cùng lúc cách ly hàng vạn trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng người là điều không dễ. Và chúng ta đã làm tốt, thậm chí là... quá tốt, khiến những người bị cách ly cũng... áy náy. Đã có người tình nguyện trả chi phí cho toàn bộ những ngày được phục vụ miễn phí của họ. Là việc cho đến giờ này, dẫu có ngày tăng lên đến mấy case, nhưng so với tất cả phần còn lại của thế giới, thì nước ta vẫn đang là nơi yên tâm nhất, và chính vì thế mà dòng người Việt ở nước ngoài đang đổ xô về Việt Nam, và những người bị dương tính sau này đều là từ đợt di dân từ Châu Âu về sau case 17.

          Ấy là hành vi tương thân tương ái, hỗ trợ nhau và hỗ trợ chính phủ trong dịch. Từ phát khẩu trang miễn phí tới ủng hộ quyên góp nhiều tỉ đồng, từ cho mượn khách sạn làm nơi cách ly đến các bác sĩ, y tá về hưu sẵn sàng xung phong cùng chống dịch với các đồng nghiệp...

          Đọc tin mà cứ rưng rưng.

          Tuy thế, lại cũng phẫn nộ với những cảnh như đồng loạt phản ứng không bán khẩu trang của cái khu bán vật tư y tế lớn nhất Hà Nội. Một số người về nước tránh dịch thì phán như côn đồ. Một số thì trốn tránh khai báo y tế khiến nhà nước phải rất vất vả điều tra sơ đồ di chuyển để lên phương án cứu chữa cho chính họ và người nhà của họ vân vân...

          Nhưng mà, cuộc sống vẫn cứ phải phát triển thôi. Hãy coi dịch bệnh các thứ là một phần của đời sống, như hàng ngàn năm hay cha ông chúng ta đã bình tĩnh vượt qua, để có hôm nay...

          Có điều là, qua đây chúng ta sẽ có và biết cách để điều chỉnh hành vi sống, từ ăn chơi học tập đến làm việc.

          Thế giới mạng nó có thể giúp cho con người ngồi một mình trong phòng và quan hệ với cả thế giới mà...
Ngồi yên và... uống nước

                                                                    

5 nhận xét:

Quế Sơn nói...

+Về chọn lọc câu chữ để dùng trong chỉ thị 16 của chính phủ, 'cách ly toàn xã hội', riêng tôi, tôi cảm thấy chưa ổn. Vì sao? Nội dung chỉ thị cũng chỉ dừng ở yêu cầu nhân dân hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, giãn cách xã hội. Cách ly toàn xã hội- mức độ, cấp độ, bề rộng, chiều sâu nó lớn lắm. Nhưng mà thôi. Nhìn chung, đội ngũ y tế, công an, quân đội và cả hệ thống cầm quyền, đã vào cuộc sớm, chống dịch rất hiệu quả là quí lắm rồi. Bỏ qua.
+Tôi nảy một ý nhỏ. Tra giọt thuốc sát khuẩn vào mắt, vài giây sau, lưỡi ta đã cảm được vị đắng. Vậy thì, với lão covid 19, đường đi từ mắt đến phổi, nó là đại lộ thênh thang.Cớ sao vùng mắt không được chú trọng? Coi chừng! Không đợi đến covid 24 hoặc 25 đâu, ngay lúc đang tàn hại nhân loại đây, lão 19 sẽ tự thân hoàn thiện vài siêu chiêu. Lão sẽ hóa giải được cái chất mằn mặn tiết ra từ tuyến lệ cho mà xem. Hóa, Sinh mà! Con người mà! Lại miên man về thứ thuốc gọi là diệt cỏ trên dãi đất này!
+Nhân cô gái ở nước ngoài về trốn dịch, phán khi vừa xuống sân bay:'Không có tiền của bọn tao gửi về, lũ chúng bây bốc phân mà ăn', tôi xin góp lời ngoài rìa. Kiều? Gốc nghĩa của nó là tạm cư, ở gởi. Những bà con nào đã có quốc tịch nước sở tại thì không thể gọi là Việt kiều mà phải gọi chính xác là người Mỹ, người Nga, người Pháp...gốc Việt.
+Anh Hùng ơi! Bàn với Anh chút xíu này. Anh đừng giận và hiểu nhầm mình nhé. Kho từ vựng tiếng Việt có từ 'ca' ( nghĩa 'trường hợp', biến âm từ 'cas', thời Pháp thuộc). Nó không biến âm từ tiếng Anh, gần đây, 'case'như Anh viết 02 lần trong bài). Anh viết 'ca' hoặc 'cas', sẽ chính xác hơn. Nói vui với Anh: Tiếng Việt ta có từ 'vết tích', tiếng Tàu cũng có 'vết tích', tiếng Pháp cũng có 'vestige'. Dân nước nào cũng dành 'bản quyền' của mình. Chuyện tranh cãi đến tai Hoàng Xuân Hãn. Ông Hãn cười, "của ai người ấy dùng!".

Văn Công Hùng nói...

Hihi lại một cái còm "chất lừ" của một cao thủ tri thức và chữ. Đa tạ bác ạ.
Hôm qua thì hình như đã có sự điều chỉnh ngôn ngữ rồi, không gọi cách ly xã hội nữa mà nó là giãn cách xã hội.
Hihi còm lại chất hơn bài viết, lần nữa đa tạ bác ạ.

Nặc danh nói...

Ôi! Chữ nghĩa tiếng việt.

Quế Sơn nói...

"Đứng yên là yêu nước". Lúc này khoái được yêu nước nên quanh quẩn mãi trong nhà. Táy máy, làm phiền Anh VCH và bạn đọc, tôi xin gõ mấy dòng. Cũng chuyện tầm phào thôi. Chuyện về câu 'Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa' của Anh Lưu Quang Vũ. Khi ra đề thi cho học sinh, tập thể cán bộ ngành giáo dục tỉa tót thành'như đất cày và như lụa' cho nó sạch đẹp trong học đường. Anh Lưu Quang Vũ đã trở thành người thiên cổ. Bình sinh, Anh cũng không cần giải thích thêm về ý nghĩa sự so sánh ấy là thế nào. Vì có chuyện trái khoái, nên tôi thử 'sờ đuôi, sờ vòi voi'để tả voi. Chỉ mong trúng ý Anh chút chút. Cõi xa, Anh nheo mắt cười là vui rồi. Đối tượng để so sánh với TIẾNG VIỆT là BÙN và LỤA. Bùn có kích cỡ phải tính bằng micromet. Nó là hạt đất, hạt đá cực nhỏ. Quá trình nắng gió, lũ lụt, dòng chảy, thời gian, phong hóa cơ học, nó lắng lọc thành một lớp trầm tích, phù sa giàu dinh dưỡng, thường thì ẩn dưới những bãi bồi ven các sông suối. Đặc tính của BÙN là lỏng, kết dính, mềm, sóng sánh. Ngoài gắn với cây lúa, nông, nó còn gắn với cây dâu, tang. Nông, Tang là 2 nghề chính của người Việt vùng lúa nước. Bùn không là sình. Sình là bùn bị ùn ứ, vẩn tạp mùn và các chất bẩn. Nhìn mảng bùn được tung lên, ta sẽ cảm hết cái mềm mại, sóng sánh, lấp loáng bảy sắc cầu vồng. Lụa là sản phẩm của dâu tằm, kén tơ. Vừa mềm, mỏng; vừa mát và óng ánh. Lụa là chất loại trang phục quí phái, đài các. Tiếng Việt là ngôn ngữ giao tiếp của người Việt, thấm đẫm đất đồng sông nước, câu hò tiếng hát trong nông tang của người Việt, qua thời gian, phong hóa cơ học, ngày nay nó đã trở thành loại ngôn ngữ hàn lâm, bác học, đài các. Ví tiếng Việt như bùn và như lụa là vì vậy, do vậy.
Mong sao, mai sau, đừng ai diễn ý sai cái"Khổng, Khồng, Không" của Anh Văn Công Hùng, cái "Ngọn cỏ nhọn thành gai mà trốn không khỏi úa" của Anh nguyễn Duy! Chào!

Văn Công Hùng nói...

Hihi lại phải khen còm nữa, ngại quá.
Sướng nhất là bác nhớ cái khổng khồng không.