Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

"ÔI TIẾNG VIỆT NHƯ BÙN VÀ NHƯ LỤA"



          Câu thơ trên của nhà thơ tài hoa Lưu Quang Vũ mấy năm trước được đưa vào đề thi và xảy ra... cãi nhau.

          Người ta khẳng định không có từ bùn, mà thay vào đó là đất cày. "Ôi tiếng Việt như đất cày như lụa". Đất cày nó thanh cao, nó hơi thở, nó mặn nồng, nó công nông vân vân, còn bùn nó dơ, nó cặn bã vân vân nữa.

          Nhưng sau, chị Lưu Khánh Thơ, em ruột nhà thơ, lục trong di cảo thì là Lưu Quang Vũ viết là "như bùn", một nhà thơ khi biên tập bài này đăng báo Văn Nghệ, để cho an toàn, đã sửa lại là "đất cày". Đến khi gia đình in tuyển cho anh Vũ thì đã lấy lại là "bùn". Hết cãi nhau.

          Là dẫn đề thế để lan quyên đến câu chuyện tôi vừa gặp.

          Ấy là trong một bài báo, tôi có dùng cụm từ "Đều như vắt chanh". Cái cụm từ này tôi nghe và biết và cũng sử dụng từ bé, ở ngoài Bắc. Rất nhiều người cũng hay dùng nó, để nói cái sự đều đặn khi vắt quả chanh lấy nước, pha nước chanh, vào nước chấm, nước rau... chẳng hạn. Tức nó là động từ, chỉ động tác. Bài báo của tôi có nhắc đến việc, "đều như vắt chanh, sáng nào cũng nhận được tin nhắn", thì có mấy bạn vào comment giải thích rằng, "đều như vắt TRANH" mới đúng, tức vắt tranh là danh từ. Nó như vắt cơm vậy.

          Tôi mới chợt giật mình, nghĩ lại, ừ nhỉ, vắt quả chanh thì làm sao mà đều được, mà lặp đi lặp lại như nhau được. Là lâu nay chúng ta hay nói theo thói quen, ít khi suy nghĩ bởi những câu thành ngữ đã rất quen. Ngay các nhà văn nhà báo, những người đầy chữ cũng rất hay sử dụng sai từ "đào ngũ" thành "đảo ngũ" để chỉ một anh trốn khỏi đơn vị quân đội. Đảo là di chuyển từ đơn vị này sang đơn vị kia, còn trường hợp trốn thì phải là đào, đào ngũ mới đúng. Trở lại chuyện vắt chanh, có bạn còn comment rất kỹ: "Lỗi "tr" thành "ch" không quan trọng. Lỗi chọn thành ngữ đặt vào câu văn không hợp, không vừa vặn mới là điều chúng ta, cả anh VCH nữa, chú ý. Ngữ cảnh ở đây là sự xuất hiện tin nhắn thường xuyên mỗi sáng. Không đến hẹn mà lại lên. Còn "đều như vắt tranh", thành ngữ thiên về ý mô tả kích cỡ nắm tranh sen đều đặn nhờ bàn tay khéo léo. Phải tìm một thành ngữ khác xứng hợp đặt vào.

Các bạn là thợ chữ cả. Tôi chân thực góp lời để cùng nhau bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt". Thế là tôi bèn tổ chức một cuộc "tọa đàm online" trên facebook, và kết quả là, có rất nhiều cách hiểu về thành ngữ này, nhưng cái cách hiểu như lâu nay là "vắt quả chanh" hầu như bị phản bác. Và té ra, vắt tranh có vẻ đúng hơn. Khi đánh tranh (hoặc lợp), từng nắm tranh phải thật đều thì cái tranh mới chuẩn, mới khít, mới không bị dột.

          Chỉ có điều, từ "vắt" thông dụng ở miền Trung hơn để tả cái "nắm": Vắt cơm thay vì nắm cơm, trong khi miền Bắc thì vắt là động từ, như vắt chanh bỏ vỏ, vắt cổ chày ra nước vân vân... thế mà thành ngữ "đều như vắt chanh/ tranh" lại rất thông dụng ở phía Bắc.

          Có bạn rành rẽ: "Đều như vắt tranh", người Bắc, cụ thể là Hà Nội đôi khi phát âm chữ Tr thành Ch nên tranh thành chanh, lâu dần thành quen. Cũng như một hiện tượng thời tiết vốn dĩ là Dông, nhưng ông Vũ Trọng Phụng viết thành Giông, "Giông tố" ấy, thế là giờ chấp nhận giông. Điều này cũng hợp lý vì chanh vốn quen thuộc hơn tranh, và giờ không mấy nơi lợp tranh nữa. Chanh vắt nước không ám chỉ sự đều đặn. Tranh lợp nhà thì phải dàn thật đều nếu không mái sẽ lồi lõm và dột...

          Có người lại dẫn từ quê mình ra, rằng vắt tranh là mấy ông thợ vẽ xưa vẽ xong vắt tranh lên dây phơi cho khô. Có người lại bảo quê ông ấy dùng cụm từ "đều như giọt tranh", là nước mưa rơi từ mái tranh xuống. Lại có nhà văn quê Quảng Bình bảo quê ông vắt tức là lợp, là rải đều tranh ra để lợp. Lợp mười tấm như một, đều tăm tắp.

          Nhưng đa phần nghiêng về, nắm từng vắt/ nắm tranh rất đều nhau để đánh (đan) cái tranh lợp nhà.

          Cuộc "tọa đàm" ấy cũng vẫn đang tiếp diễn.

          Và tôi mới giật mình, lâu nay có rất nhiều từ, cụm từ, mình hiểu sai, dùng sai, khác với nghĩa gốc, mà cứ vô tư không chịu suy ngẫm cho kỹ.

          Thì ngay như cái câu "nghèo rớt mùng tơi" lâu nay chúng ta đều nghĩ là cái quả/ lá mùng tơi nó rớt xuống. Ơ nó rớt thì liên quan gì đến cái sự nghèo nhỉ, dù nhà thơ Hoàng Trần Cương có câu thơ rất thích viết về quê ông "Mảnh đất nghèo mùng tơi không kịp rớt". Nhân cuộc "tọa đàm" này có bạn cung cấp cho tôi là, mùng tơi là cái cổ của áo tơi mà dân Hà Tĩnh xưa hay dùng, nghèo đến rớt cả cái cổ áo tơi mà vẫn dùng, không có để thay, nó mới là nghèo ạ.

          Hay như câu "lang bạt kỳ hồ". Vợ tôi (và vợ nhiều bác khác) hay ám chỉ chồng lông bông, có dịp là đi, hở ra là đi, đi lang bạt kỳ hồ, té ra nghĩa đen của nó lại là con sói giẫm vào cái yếm của mình, cứ luẩn quẩn loanh quanh thế, không đi đâu được...

          Và còn rất nhiều chữ, nhiều câu, thành ngữ, tục ngữ... như thế nữa.

          Thế mới thấy tiếng Việt của chúng ta nó vừa phong phú, vừa đẹp vừa sang trọng nhưng lại cũng hết sức đa nghĩa. Học và hiểu cho nó hết cũng cả đời người. Lại vẫn xin lấy câu thơ của Lưu Quang Vũ để kết bài, tức là cũng... mở ra, vì có thể sau bài báo này, sẽ có nhiều ý kiến tranh luận lại: "Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình"...


      Đăng ở Reatimes, mang về lưu ạ. Link gốc Ở ĐÂY                                                        

Không có nhận xét nào: