1. DUNG.
Đấy là một cô
gái trẻ, rất xinh, dáng hoa hậu, chân dài lưng thon, rất hay đăng ảnh lên phây
búc. Nhìn qua tưởng là giống các cô gái sống ảo khác. Một lần tôi làm đầu mối
xin tiền và sách, dép... cho một trường học ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Gia
Lai, cần một cái xe tải chở hàng xuống. Đang loay hoay thì một bạn bảo: để em.
Và rút điện thoại gọi. Một lát sau một cái xe tải ầm ầm lao đến. Trên ca bin bước
xuống là một cô gái. Chính là Dung, Đào Thị Phương Dung tôi vừa nhắc trên kia.
Chúng tôi quen
nhau từ đấy.
Cô là chủ một doanh
nghiệp quảng cáo, có việc làm đều đều ở Pleiku, tức là thu nhập được, nuôi được
một số nhân viên. Có ông xã là phóng viên truyền hình. Thi thoảng trêu nhau,
anh này gọi Dung là... đồ điên.
Và không phải
không có lý.
Anh chàng
"ở cùng nhà" với Dung một hôm bật mí với tôi: Mai tụi em nấu cháo
lòng, Dung phải dậy tự 4 giờ sáng, đi chợ mua đồ cho rẻ, rồi về nấu. Tôi hớn hở,
món anh thích á. Chàng nói, mời anh đến ăn, tầm 10 giờ nhé, rồi đi với bọn em
luôn.
Té ra là Dung
nấu cháo lòng cho những người điên. 150 người điên ở cái "trại điên"
cách trung tâm thành phố Pleiku tầm 6 cây số. Một số nhân viên được nghỉ việc để
phụ bà chủ. Tự làm lấy, rất sạch, dù là nấu cho... người điên. Tôi cũng xắn tay
vào phụ, và mới biết, việc xuống trại điên là việc thường xuyên của Dung, thi
thoảng "ông cùng nhà" rỗi thì phụ, hai vợ chồng lái 2 ô tô xuống, một
xe tải chở thức ăn, một xe chở theo mấy nhân viên hoặc người tình nguyện xuống
múc, chia thức ăn. Các món hay làm: Bánh mì (nhanh nhất, tiện nhất), phở, bún,
cơm... nhưng qua "thăm dò xã hội học" thì món mà anh em dưới này
thích nhất là cháo lòng. Đây lại là món làm kỳ công nhất, mất thời gian nhất, bởi
khâu rửa và chế biến.
Và Dung xuống
đây như xuống... nhà mình. Không ai không biết "Dung xinh đẹp". Vài
anh tuyên bố thẳng: Khỏi bệnh sẽ rước Dung về nhà. Hỏi lấy gì nuôi Dung, nói đi
làm nuôi Dung. Dung cũng hay nắm tay người này, khoác vai người kia, thấy những
lúc ấy, mắt anh em sáng bừng lên. Có anh bẽn lẽn đỏ mặt. Có anh di di chân xuống
nền xi măng như lời hứa sắp thành sự thật...
Tôi nhìn Dung
thoăn thoắt múc cháo, xếp ngăn nắp trên bàn. Và anh em điên, rất trật tự, đợi mời
mới tiến đến bưng mỗi người một tô. Không chen lấn, xô đẩy, không giành giật,
cãi nhau. Ơ điên mà thế hơn khối người tỉnh. Cứ nhìn từ lấy ấn đền Trần đến xếp
hàng làm thủ tục ở sân bay thì biết...
Sau cháo đến 2
món anh em điên cũng rất thích là nước ngọt và thuốc lá. Mỗi người một lon nước
ngọt, một điếu thuốc lá. Cũng có tí ngoại lệ, là Dung dúi thêm cho mấy anh
chàng "mê" mình, mỗi người một điếu nữa.
2. KSOR SALY
Tôi có cô học
trò là ca sĩ, hát rất hay, có nhiều huy chương ở các cuộc hội diễn dù tôi chả
thú gì các loại huân huy chương hội diễn ấy, chả lấy nó làm điều, nhưng với cô
này thì tôi kể vào, bởi cô không phải là diễn viên chuyên nghiệp, mà là nhân
viên của ngân hàng chính sách xã hội Gia Lai, tên là Ksor H'hoanh, người Jrai.
Ngoài là nhân viên ngân hàng, cô này là chủ của nhà hàng Ba Zan nổi tiếng ở
thành phố Pleiku. Đấy là cái nhà hàng đầy bản sắc Jrai, là nhà hàng làng trong
phố. Chuyện ấy kể là để dẫn tới chuyện này, ấy là hôm tôi đi "trại
điên" về, có viết một đoạn về nó trên facebook, nhắc tới một cái tên, là
Ksor Saly, H'hoanh vào còm nói: Em trai em đấy thầy ạ. Thương nó quá.
Là thế này: Xuống
trại, bao giờ hơn 100 anh em ở đấy, trừ những người phải nhốt ở phòng riêng,
còn lại đều rất trật tự ngồi ở cái phòng lớn nhất, chúng tôi hay gọi đùa là
phòng khách. Ở giữa, một người ôm đàn, đệm cho tất cả những ai hát và muốn hát.
Khi không có ai hát thì anh chàng này hát. Tiếng đàn điêu luyện, đầy chất
chuyên nghiệp, và giọng hát cũng thế. Một số anh chị em xuống làm từ thiện, hát
tặng anh em điên, anh chàng này cũng đệm được. Anh em điên thì khỏi nói rồi, mỗi
người mỗi giọng, mỗi tông, có khi 3 người cùng hát, mỗi người mỗi phương, thậm chí có người vài ba phương. Anh
chàng này cân tất, đệm rất chuẩn. Hỏi thì biết là người Jrai, tên Saly. Giờ mới
biết là em trai cô H'hoanh này. Và như thế thì anh này con nhà nòi. Bố H'hoanh,
tức cũng là bố Saly, nguyên là một giọng ca vàng của ngành giáo dục Gia Lai, dạy
học ở Phú Bổn, nhưng thường xuyên được ngành "trưng dụng" đi dự các hội
diễn từ Bắc vào Nam, tới đâu huy chương vàng đấy. Và các con cũng thừa hưởng
gien ấy.
Rất tội. Saly
bị điên. Đã đi khắp nơi để chữa nhưng đều bất lực, cuối cùng phải gửi xuống
đây, cũng mấy năm rồi. Năm ngoái, sát tết gia đình xuống đón về ăn tết. Suốt mấy
ngày ở nhà Saly không ngủ, cứ chong chong thức ôm đàn gẩy, thổn thức nỉ non suốt
đêm, cứ lừ lừ thế. Gia đình sợ quá lại mang đến "trại" trả. Mới đến
con dốc từ đường xuống, Saly đã nhảy khỏi xe, hét ầm ĩ tên từng người, và... lại
ăn ngủ bình thường.
"Trại"
có mấy tay đàn cừ khôi, có mấy giọng hát đỉnh, nhưng Saly luôn là số 1. Nhìn
em, không ai nghĩ là em bị điên.
3. PHƯỚC HẠT
Pleiku ngày
xưa, những nhà nghèo thường dạt ra vùng ven, kiếm miếng đất ở thung lũng. Nó vừa
rẻ vừa đỡ lo khoản nước mùa khô, bởi ở đấy đào giếng dễ hơn ở trên đường cao. Nói là
dễ thì cái giếng ở đây cũng phải ba bốn chục mét, quay bằng trục. Đa phần vườn
là trồng cà phê. Chưa biết thu hoạch thế nào nhưng cứ trồng cái đã, tính sau.
Phước (chồng)
và Hạt (vợ) có một ngôi nhà như thế, miếng
đất như thế. Con lít nhít.
Vợ làm vườn,
nuôi con và nuôi... heo. Chồng có cái xe tải nhỏ chở thuê, ai kêu gì chở nấy. Kể,
thời ấy, như thế cũng được liệt vào trung lưu. Cứ êm đềm thế, tới một ngày...
Là bốc đá lên
xe xong, leo lên ca bin rồi Phước thấy một anh chàng rách rưới bẩn thỉu, mặt cứ
ngơ ngơ, quấn lấy xe. Lại nhảy xuống, hỏi nhà ở đâu. Cười ngơ ngác. Bảo tránh
ra cho xe đi. Cũng ngơ ngác cười. Ơ, hay về nhà tao nhé. Gật. Thế là rước ông ấy
lên, cho ngồi ghế phụ, ầm ầm lao xe về nhà trước con mắt thất kinh của vợ con.
Khi ấy điện rất yếu, chỉ nhờ nhờ khuôn mặt hom hem vừa đói vừa bẩn. Mà nhà lại
có con gái. Nhưng Phước đã quyết, chả ai dám cãi. Thì bố trí cho nó một chỗ ngủ.
Cho nó ăn. Và, thấy nó cũng hiền, nói gì nghe nấy.
Khởi đầu của cái
"trại điên" này là như thế. Một đồn mười, mười đồn trăm, khắp cả nước,
nhà ai có người điên, sau khi chạy chữa khắp nơi không được, thì bèn mang đến
trại. Có người thì có người nhà dẫn vào thưa gửi đàng hoàng, có người tự đến, cứ ngơ
ngơ tự đến. Có người lang thang miết ngoài phố, gặp người tốt bụng dắt đến... cho tới
lần gần nhất tôi xuống thì số "anh em điên" ở "trại" đã là
150 người.
Một hôm tôi xuống
đúng giờ tắm. Phước đi vắng, anh vẫn phải đi làm kiếm tiền nuôi cái "trại"
này, và nuôi gia đình mình. Cả trăm "anh em" nồng nỗng trần truồng đứng
trong cái khu gọi là nhà tắm. Chị Hạt cầm vòi phun. Người đàn bà nhỏ bé đứng giữa
những gã đàn ông cường tráng, khỏe mạnh, tất cả phát triển bình thường, trừ trí
não. Thế mà lạ, chị nói gì là tất cả nghe răm rắp, dù phải nói hơi to, lại giọng
Bình Định, nên nếu người lần đầu nghe thì bảo là quát. Tôi hỏi một đồng nghiệp
đi cùng: nếu vợ chú, chú có chịu cho làm thế không? Tất nhiên là lắc.
Nuôi mấy đứa
con đã khổ, đây nuôi hơn trăm con người, chả máu mủ ruột rà, mà điên mà khùng,
có người phải xích, phải nhốt riêng. Nguyên chuyện ngửi mùi của từng ấy con người
ở tập trung đã đủ khiếp rồi, mà đây còn phải ngày 3 bữa, còn tắm giặt, còn đủ
thứ nhu cầu của con người. Có người đang đêm trốn, đi lang thang xuống tận huyện
Chư Prông, công an phải chở lên trả. Cháu bé này rất tội. Nhà có điều kiện, bố
mẹ là cán bộ, có ô tô. Đã chữa khắp nơi không khỏi, phải mang con xuống đấy. Hôm tôi xuống,
ông bố đi cùng, bố con nhìn nhau trào nước mắt.
"Trại
viên", gia đình trại viên, và tất cả những ai biết chuyện, đều gọi vợ chồng
Phước Hạt là "Bồ Tát giữa đời thường".
Hạt nhỏ bé giữa "anh em" điên |
4. CON ĐƯỜNG VÀ CÁI LÝ
Lạ nhất là cái
trại này chả có một tí chính danh nào. Cứ tự phát "sinh ra, lớn lên và
phát triển" như thời hồng hoang thế.
Thực ra thì
chính quyền cũng có xuống, làm việc, nhưng bất đồng quan điểm sao đấy, cuối
cùng thì nó cứ tồn tại tự phát thế.
Tôi có nói với
vợ chồng Phước Hạt, bình thường thì không sao, nhưng khi xảy ra chuyện gì thì mệt
đấy. Ngay chuyện nhốt riêng, rồi xích thế, về lý là đủ hình sự đấy. Chưa kể có ai
đấy lăn ra chết chẳng hạn. Mà cái này thì bình thường, người bình thường còn thế
huống gì điên. Nhưng cả 2 vợ chồng bảo: Thì phải chịu chứ sao. Ai nỡ đuổi họ về,
ai nỡ đóng cửa khi mà cả họ và gia đình đều coi đây là nơi cuối cùng để họ tới.
Mới nhất có một bạn ngã gãy tay, chị Hạt phải ở bệnh viện chăm, mình anh Phước ở
nhà lo cho "trại". Tôi đây, vợ đi vắng mấy ngày là đã nháo nhào hết rồi,
mà chỉ một thân một mình. Đây, 150 người điên.
Có một đoạn đường
từ "trại" lên rất xấu, hôm chúng tôi vô tình gặp bí thư tỉnh ủy Gia
Lai, có kể cho ông và ngỏ ý. Ông vui vẻ nhận lời giúp đỡ. Năm 2019 chưa làm được (chính xác là có nhắn nhắc ông mấy lần mà không thấy trả lời),
hy vọng năm này, con đường xuống đấy sẽ bớt nguy hiểm hơn, các nhà hảo tâm vào
thăm đỡ vất vả, mà "500 anh em" trong trại, đi lại cũng đỡ ngã, gãy
tay như case vừa rồi...
Một bài thơ do một người điên chép tặng tác giả |
Thuốc lá, món ưa thích |
1 nhận xét:
Bài viết đời thường, hay và thiết thực lắm. Nội dung ý nghĩa nhân văn vô cùng.
Đăng nhận xét