Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

BA NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ... LỤC BÁT



          Một trưa Sài Gòn, ơn giời, khá mát so với những gì nhẽ ra nó phải có, nhưng vẫn chật chội đông đúc và rất dễ gây cáu bẳn, ở một quán vừa cà phê nửa ăn nhậu ngay ngã 6 Gò Vấp, tôi lọt vào một... thế giới đàn bà.

          Thực ra là vẫn có mấy đàn ông, tới 4 gã lận, nhưng vì hôm ấy là đàn bà chủ trì chủ chi và câu chuyện cũng về họ nên 4 đàn ông trở thành... muỗi.

          Câu chuyện xoay quanh một cuốn sách mới ra, tập "lục bát Đặng Nguyệt Anh, Huệ Triệu, Trần Mai Hường".

          Thật là, dù sống và làm việc trong giới này đã lâu, tôi cũng vẫn không nghĩ giữa Sài Gòn trưa ấy lại có cái góc trữ tình với không khí văn chương thú vị đến thế.

          Trong ba tác giả này, hai người là cô giáo dạy văn, một người làm xuất bản sách. Và chính cái người làm xuất bản sách, nhà thơ Trần Mai Hường ấy, thường là người chợt ra những ý định rồi cuốn mọi người vào. Cuốn lục bát này cũng vậy. Là một cuộc ngồi, rồi à lên, và rồi thực hiện. Trước đấy cũng một cuốn 5 đàn bà nữa, cũng rất đình đám.

          Tuyền lục bát, từng người tự chọn, rồi đọc cho nhau rất kỹ, để khi vào tập nó không... chống nhau, không chân giò ngoảnh ra, mà người này đỡ người kia, chùm này đỡ chùm kia. Người làm sách có kinh nghiệm là biết chọn để từng bài thơ, có thể rất hay khi đứng một mình, nhưng khi đứng chung, chúng phải tôn nhau lên. Thêm nữa, lục bát là con dao hai lưỡi, cứ tưởng nó dễ, nó trơn tru, nó dễ đọc. Và nó chết vì chính những thứ ấy. Thậm chí nếu đọc 1, 2 bài thì không sao nhưng đọc cả chùm, chứ chưa nói cả tập, nó sẽ chán như ăn... xôi cả tuần.

          Tập này, may mắn, tôi đọc một hơi mà chưa ngán.

          Tôi vẫn nghĩ, trong đời học sinh mà được học văn với hai cô giáo Đặng Nguyệt Anh và Huệ Triệu thì là hạnh phúc lớn. Chị Đặng Nguyệt Anh khi đang là giáo viên dạy văn ở miền Bắc thời chiến tranh phá hoại đã làm một việc ngoạn mục là... đi xuyên Trường Sơn suốt 90 ngày đêm để vào chiến trường, rồi công tác ở tiểu ban giáo dục R thuộc ban tuyên huấn Trung ương cục Miền Nam. Tất nhiên ngoài tinh thần ngùn ngụt như đa phần mọi người lúc ấy, chị còn một động lực nữa, là chia lửa với chồng, khi ấy cũng đang ở chiến trường. Giờ nhìn chị, không ai có thể nghĩ chị đã từng vượt Trường Sơn suốt 3 tháng bằng đường bộ. Tôi đùa, thời ấy chị đi qua binh trạm nào là binh trạm ấy sáng trưng nhở? Nhớ lần đầu tiên gặp chị ở Nha Trang, hơn hai mươi năm rồi, chị kể có thời chị mở quán cà phê Diêu bông. Tôi sực nhớ câu chuyện hồi ấy nhiều báo đăng, rằng thi sĩ Hoàng Cầm khi nghe ở Sài Gòn có một cô giáo dạy văn yêu thơ Hoàng Cầm, yêu diêu bông đã mở một quán cà phê lấy tên như thế. Thế là Hoàng thi sĩ khăn gói vào ngay để thăm quán và thăm... cô giáo. Vợ chồng chủ quán ân cần tiếp tác giả Diêu bông mấy ngày. Hỏi có phải chuyện chị không, chị bảo đúng rồi. Còn bảo cụ Hoàng Cầm tưởng chị là người Sài Gòn chứ không biết chị là gái Nam Định thứ thiệt. Sở dĩ hồi ấy quán cà phê Diêu bông nổi tiếng vì là, sau mấy chục năm bị im lặng, Hoàng Cầm và Diêu bông mới xuất hiện trở lại chính thức trên văn đàn.

          Thì người như thế mà không làm thơ mới lạ.

          Thơ chị đằm, cái đằm của người đã "ngộ". Tuổi ấy, hành trình sống như thế, vốn tri thức như thế... không ngộ mới lạ. Chị hướng nhiều tới những kết thúc, những viên mãn, những gì như là sự an nhiên để chấp nhận những điều sắp tới:

          Gọi người
          lạc cuối nhân gian
          hãy đi về phía thiên đàng
          đợi tôi!

          Hoặc:

          Mệnh không sao
          Thân không sao
Đành nhắm mắt
Gửi phận vào hư vô...

Dẫu chị vẫn còn rất đam mê:

Tôi còn
Một trái tim mê
cõi em
xin được đi về ngàn năm...

          Huệ Triệu cũng là một người không thể không... làm thơ.

          Là cô giáo dạy văn có tiếng ở Sài Gòn, thời gian dạy kín đặc, vậy thì lấy gì để thư giãn. Thơ. Vâng, cô giáo này đã chọn môt cách thư giãn vừa sang trọng vừa hết sức có lý là làm thơ. Quê Hưng Yên, sinh ở Phú Thọ, thành danh ở Sài Gòn và tôi lại gặp chị lần đầu và là lần duy nhất cho tới giờ là tại... Hà Nội. Sau này mấy lần ngồi với nhóm của chị ở Sài Gòn đều vắng chị vì đang đúng... giờ dạy.

          Trong vai trò giữa nhóm, là so với Đặng Nguyệt Anh và Trần Mai Hường, Huệ Triệu đang vào tuổi chín nhất. Tuổi này, ít nghĩ về tình yêu quắt quay như Trần Mai Hường, cũng chưa tới lúc nghĩ về thiên đàng, về sự kết thúc như Đặng Nguyệt Anh, chị... hồi cố về quê hương, về cha mẹ. Dân Việt ta đa phần là hành phương Nam, số ngược Bắc rất ít. Hàng mấy trăm năm nay là thế, và đang thế. Và cái mà những người con xa quê ấy nhớ nhất chính là quê hương với mẹ già. Giữa Sài Gòn đô hội, thì cái khoảng nắng ở sân, khoảnh rợp trong vườn, tiếng tàu cau rơi, giọng ru của mẹ... luôn trở thành nỗi da diết mỗi khi có thời gian để lắng lại, mỗi khi ngửa mặt lên gặp mẹ:

          Cơm canh cúng mẹ nguội dần
          Khói hương lãng đãng
                                         xa gần mẹ ơi...
          ... Xa rồi mẹ vẫn còn thương
          Cơm canh cúng mẹ mẹ nhường cho con.
                                                   (Cơm canh cúng mẹ)

          Và:
          Đủ đầy là lúc đau thêm
          Cỏ xanh chưa kịp xanh miền cỏ xanh
          À ơi... nương ngọn gió lành
          Gió ru lời mẹ, sao đành... lời con!
                                         (Gió ru lời mẹ)

          Thơ chị, cặp mẹ con cứ díu lấy nhau ấy khá nhiều. Và tôi nhớ lần gặp chị duy nhất đến giờ ở Hà Nội ấy, là chị cũng bay về giỗ mẹ.

          Đây là quê chị:
          Khói sương lấm áo nâu sồng
          Tiếng chuông đi ngược gió sông gọi đò.

          Gợi quá đi chứ ạ. Hình ảnh tiếng chuông ngược gió sông gọi đò là một phát hiện rất đáng... sướng. Là nói nôm na thế, người làm thơ khi sáng tạo hoặc phát hiện được một hình ảnh, một chữ mới, thường là sướng rơi sướng rụng. Theo tôi Huệ Triệu có quyền sướng bởi thi ảnh này.

          Trần Mai Hường so với 2 đàn chị kia có vẻ... lệch pha hơn. Trẻ nhất, đã đành. Hoạt nhất, cũng. Đầu têu các trò, cũng người này, tất nhiên là các trò liên quan đến văn chương, đến sáng tác. Như hôm ngồi ấy, tôi nhắc đến một khu du lịch, mắt chị sáng lên: có làm trại ở đấy được không, không thì xuống thực tế, một nhóm thôi... Hai chị kia dạy văn học thì Hường biên tập và xuất bản sách. Cái việc này nó giúp chị suốt ngày chìm đắm trong văn chương, trong chữ. Nó cho chị nhiều nhưng cũng lấy đi của chị không ít. Thời gian, sức lực, cả hao khuyết cảm xúc nữa. Vớ được bản thảo đẹp thì chớ, bản thảo dở là chán mớ đời. Nhưng lại không được nói dở, vẫn phải tìm cách khen, rồi mới "tuy vậy", "giá mà"... các kiểu. Tôi nhiều năm biên tập thơ, cái thời còn rất hăng say và cả ngộ nhận, hay sửa giúp cho bạn những câu chưa hay, đọc trong hoàn cảnh ấy, lóe ra những chữ, câu hay, thay cho bạn rồi lại còn phải ý nhị hỏi bạn là như thế có được không, đồng ý không. Bạn mà đồng ý là mình mất câu hay của mình, bạn không đồng ý thì có khi mình... mất bạn. Sau này có kinh nghiệm, chỉ ai thật thân, nhờ đọc bản thảo thật lòng thì mình góp ý, còn không thì... lơ.

          Tôi đã thấy Trần Mai Hường làm việc với các tác giả về bản thảo. Hết sức chuyên nghiệp và trách nhiệm. Chị chỉ làm khâu trung gian. Đơn giản là, nhiều người có tác phẩm nhưng chưa biết phải làm thế nào cho nó thành sách, thì chị giúp. Anh oai rồi, nổi tiếng rồi thì chị chỉ việc xin giấy phép, nhờ họa sĩ làm bìa, maquete, rồi đưa in, theo dõi in. Còn mới viết, thì chị đọc, rồi sửa, biên tập, cần thì chị tổ chức ra sách luôn. Ở đây nó kỹ hơn biên tập của nhà xuất bản nhiều, bởi chị giúp từng chữ từng câu để nó hay hơn lên. Nói chung là trăm thứ bà Rằn, mệt hơn có con mọn...

          Nhưng chả bao giờ thấy chị buồn, hay than mệt, than bận. Thấy đâu là cười đấy, rồi chụp ảnh, rồi úp phây. Rồi bay đi các nơi làm MC, tổ chức ra sách cho bạn bè...

          Nhưng té ra, đấy là cái vỏ, còn ruột nó thế này:

          Trắng đêm
Sóng sánh gọi nhau
Cùng về trẩy hội trên cầu tương tư
Hỏi người
Đã thấm mê chưa
Mà mang hồn đá
Làm bùa cầu hôn
Trắng đêm
Tưới đẫm màu son
Cho tươi thêm những mất – còn – đầy – vơi

Ai hay từ lạc tiếng cười
Em gieo buồn giữa dòng trôi
Đợi mùa...

Và thơ tình của chị, chao ơi là nó nồng nàn sóng sánh. Hình như chị chỉ làm thơ tình. Nhân tình thế thái cũng từ thơ tình mà ra:

Suốt đời tìm một nghiệm riêng
Em mang đánh cược những thiêng liêng mình...
...Bao giờ tìm được nghiệm riêng
Em thôi xúc xắc
Với duyên phận mình...

Xem thế, thấy đời còn... nông nổi truân chuyên lắm.

Có những câu thơ của chị đầy âm hưởng... Thị Mầu:

Màu ơi
Em bỗng thèm chua
Nửa đêm thương một nỗi chùa rỗng đêm...

Kinh chưa?

Ba tác giả chung một tập, nó sẽ rất khó nếu không biết làm, bởi nó thành ba cụm ghép lại chứ không phải là một tập thơ. Ở đây, các chị đã đầy kinh nghiệm từ khâu chọn bài, đến "xếp chỗ" để ai cũng khoe được thế mạnh của mình, che bớt sở đoản, thế nên đến mức, có 2 bài không phải lục bát lọt vào tập mà in xong tới mấy ngày mới có người phát hiện ra.

Lần nào vào Sài Gòn, dù rất nhiều bạn ở nhiều giới, nhưng tôi cũng có một cuộc ngồi với các bạn văn. Và tôi rất thích cái cảnh ngồi với bạn văn nói chuyện văn giữa ầm ào náo nhiệt của cái thành phố đông dân nhất nước này. Và phát hiện, Sài Gòn dễ thương chính là ở những cái chỗ tưởng như rất khuất này. Ở đấy, có những văn nhân mà gặp họ là cả một trời thú vị. Và từ một cuộc ngồi thú vị ấy, tôi đã được đọc lục bát của 3 người đàn bà này...


                                        

1 nhận xét:

TNC nói...

Người viết giới thiệu cũng rất kỳ công ạ!