Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

XEM NGƯỜI THÁI LÀM DU LỊCH (Kỳ 2)



Có cảm giác người Thái trước khi làm gì cũng nghĩ tới... du lịch, thiết kế cái gì người ta cũng ưu tiên cho du lịch, nên du lịch nó lan tới từng ngõ ngách, nó ăn sâu vào từng khúc quanh, từng con dốc, từng gốc cây từng cụm hoa... Ví dụ như thuỷ điện chẳng hạn. Chắc nó không đẹp, không tầm cỡ, không hoành tráng như mấy cái thuỷ điện ở Việt Nam tôi từng tới, nhưng cái khác là, mọi thứ chuẩn bị phục vụ cho du lịch rất chuẩn, từ sân đậu xe, toilet, tới mấy cái bảng, cái trái tim, cái ghế treo... dựng lên cho khách chụp ảnh. Thuỷ điện Srinagarind thuộc tỉnh Kanchanaburi khách cũng nườm nượp vào thăm đập, chụp ảnh búa xua rồi lại ra thác, lại chụp ảnh, rồi lăn ra bãi cỏ, rất rộng và đẹp, rồi mấy cái nấm giả vân vân... mà chả thấy thu vé gì. Ở Việt Nam cũng có vài nơi tổ chức cho khách du lịch tham quan, nhưng như thủy điện Ia Ly chẳng hạn, khi thiết kế chỉ là làm thủy điện, đến khi xong rồi thấy khách khoái tới xem thì... thành lập một ban du lịch, của nhà máy, tất nhiên. Nên nó hết sức nghiệp dư và luộm thuộm. Và bán vé, tất nhiên. Hết sức tủn mủn và tạm bợ, kiểu hàng xén chứ không mang tầm quốc gia như một thể thống nhất, dù Thái Lan nhất nhất là... tư nhân, chúng ta có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương tới địa phương.
Kỳ 1 Ở ĐÂY
Sau khi bộ phim "Cầu sông Kwai" thành công vang dội với 7 giải Oscar thì người Thái đã... giữ lại cây cầu có thật trên con sông nối nước mình với Myanma làm du lịch. Nó là một cây cầu bình thường như mọi cây cầu khác, trên một con sông cũng bình thường, chỉ khác là, nó được vào một cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Pháp và sau đó tiểu thuyết này được dựng thành phim, và bộ phim ấy nổi tiếng, được lưu giữ ở viện lưu trữ phim quốc gia Mỹ. Thế là nổi tiếng. Người ta giữ lại cây cầu, tu bổ xung quanh và... du lịch. Lạ là, người ta cũng không thu vé vào đây. Hỏi tại sao thế, họ nói, ơ các bạn đã... đóng tiền khắp nơi rồi, đến đây thăm thì tại sao lại phải đóng nữa. Ở bờ sông, có mấy cái nhà hàng rất lớn, hầu hết các tour đều đổ khách xuống đây, thăm xong thì... ăn. Ơ thì thu tiền từ đấy chứ đâu. Có điều chắc họ điều tiết sao đấy, để không bị cái cảnh tới đâu cũng gặp chăng dây thu tiền. Nhớ ở nước mình có con sông Bến Hải oai hùng và trữ tình thế, cây cầu Hiền Lương cũng nổi tiếng thế, nhưng từ hồi con đường qua sông không còn huyết mạch nữa, tức là đã có một con đường khác hiện đại hơn nằm ở một vị trí khác, chỉ mấy phút là khách đã ngồi xe qua cầu, chưa kịp ngơ ngác: Ơ sông Bến Hải đây à thì đã... hết cầu, không cả kịp nhìn cây cầu cũ thấp thoáng đâu đó.

Lại nói vào thăm cái vườn quốc gia cũng thế. Lại phải nói luôn, so với rừng bên mình thì cũng... thường thôi. Thế mà nó khiến cho người vào thăm phải e dè, trân trọng chứ không dám chạy nhảy tung tăng ăn uống xả rác bừa bãi. Xe chở khách dừng từ xa rồi có xe điện phục vụ. Vào thăm Lang Bian ở Đà Lạt cũng phải đi xe của khu du lịch, nhưng là xe Zeep hoặc Uoat, là bởi xe cá nhân không lên nổi, phải xe này mới đủ sức mạnh để lên. Còn ở đây, đường bằng, nhưng vẫn cấm xe, mời các ông bà đi xe điện. Tất nhiên xe điện này phải trả tiền, thu tiền một cách ngọt ngào như ăn kem vậy.

Một trong những "đặc sản" của Thái Lan nữa là... chuyển giới. Ai khoe sắp đi Thái Lan thì thường bị chọc 2 điều, một là đến Pattaya thưởng thức món sex với đủ mọi cung bậc đủ mọi... công đoạn, và 2 là... chuyển giới. Người Thái rất tự hào về điều này. Họ cho rằng, muốn giàu có phải là chuyên gia số 1 thế giới về 1 khoản nào đấy. Y tế họ thua Singapore, Mỹ, Nhật, thậm chí là Trung Quốc. Hoa họ thua Hà Lan, Bungaria, chùa chiền họ thua Lào, Miến Điện, Campuchia, chủ nghĩa anh hùng họ thua... Việt Nam, vậy thì chọn con đường... chuyển giới.

Chả biết có chủ ý hay vô tình mà cả 2 lần tôi đi Thái Lan thì đối tác của công ty du lịch Việt Nam tại Thái Lan đều cử 2 cô gái chuyển giới phục vụ đoàn. Nghe nói các cô các đẹp lắm, nhưng cả 2 cô từng hướng dẫn tôi cách nhau gần chục năm thì đều... rất đàn ông. Cao to, tướng rất vạm vỡ, cao hơn tôi cả cái đầu, và nói thì ồm ồm. Nhìn chân các cô xỏ trong đôi giày nữ mà... thương cho đôi giày. Và các cô công khai nói mình chuyển giới, công khai nói mình là... nữ dù thân xác rất con trai. Tôi đề nghị chụp ảnh chung, cô Lili còn hẹn: Hôm nay chưa trang điểm, xấu lắm, hôm sau nhé. Và hôm sau, rất lộng lẫy, cô chụp ảnh với từng người rồi với cả đoàn.

Nói thì có vẻ dễ dàng ngon lành cành đào thế, nhưng đi vào thì, để chuyển giới có 2 việc quan trọng, nho nhỏ thôi, một là có... tiền, nhiều tiền, rất nhiều tiền. Không tiền hoặc tiền ít thì quên ngay đi. Và 2 là chịu đau giỏi. Rất nhiều cuộc phẫu thuật trong một thời gian dài, cuộc cuối cùng mới là xẻo dương vật đi tạo hình âm đạo, lấy các dây thần kinh cảm giác ở đầu dương vật "lắp" vào âm đạo chứ nếu không thì nó chỉ là cái... lỗ đái. Nhớ trong tiểu thuyết "Đàn hương hình", cái anh chàng bị xử tử bằng cách lâu lâu xẻo một miếng ấy, đau lắm nhưng không kêu, cương quyết không kêu, không rên. Chỉ khi nhát dao cuối cùng xẻo dương vật anh ta, anh ta mới hét lên một tiêng ghê rợn, rồi chết. Khi ấy, toàn bộ sự kiêu hãnh của con người, của thằng đàn ông, của sức mạnh, của sự thống khoái... đã bị đánh gục. Thì hét lên một tiếng vô vọng, rồi chết. Nên tôi hình dung cuộc phẫu thuật cuối cùng ấy, xẻo dương vật ấy, ôi giời, nó... vĩ đại đến nhường nào? Tất nhiên, về mặt khác, mặt chủ đạo thì nó là sự nhân đạo, trả con người về giới tính thật của mình. Nước ta cũng có mấy cô chuyển giới xong rất đẹp, rất nổi tiếng, nghe nói có cô còn đi thi sắc đẹp nữa. Mấy cô này đều chuyển giới ở Thái Lan, và người Thái tự hào về các cô này.

Có một lúc rỗi, tôi nói chuyện riêng với cậu hướng dẫn viên (người khác, không phải cô Lili) về... biểu tình ở Thái Lan, và nói đùa, có khi nước Thái nên sử dụng biểu tình làm sản phẩm du lịch, như Huế quê tôi biến cái mùa mưa lê thê kia thành sản phẩm du lịch vậy. Anh chàng cười và giải thích cho tôi "quy trình" biểu tình ở Thái Lan.

Rằng ở Thái chủ yếu là 2 phe áo vàng và áo đỏ biểu tình chống nhau. Một phe đại diện giới chủ, một phe cho dân nghèo. Một người có thể biểu tình cho cả 2 phe, ví dụ anh công nhân, anh ta sẽ đi biểu tình cho phe chủ, mỗi ngày đi biểu tình sẽ vẫn được hưởng lương, đi biểu tình như đi làm, thì việc gì không đi. Nhưng ngày nghỉ, thì anh ta lại đi biểu tình với phe dân nghèo, là địa vị đúng của anh ta. Lần trước đi Thái tôi cũng lân la vào một nhà Việt kiều Thái, ông Nippon ấy, ổng cũng kể, có nhà 2 vợ chồng thuộc 2 phe, sáng ăn sáng chung, xong mặc áo khác màu, đi biểu tình, tối về cởi áo, lại... ngủ chung. Khi nghe tôi bày tỏ sự lo lắng của người Việt về sự "mất ổn định chính trị ở Thái Lan" vì biểu tình liên miên thì anh này cười: Tôi chả thấy mất ổn định gì cả, mọi thứ vẫn chạy, và Thái Lan vẫn là... Thái Lan dù thủ tướng có thể thay đổi. Và anh ta khẳng định, đấy là sản phẩm của... dân chủ, của lòng dân.

Lòng dân, tôi thấy lòng dân Thái rất an khi họ nhắc tới chính phủ, đặc biệt nhắc tới đức vua và hoàng gia. Khắp mọi nơi trên đất nước này, thấy ảnh vua và các thành viên hoàng gia treo dày đặc, và người Thái thấy việc ấy là thường chứ không có gì đặc biệt.

Thực ra thì, không phải cái gì ở Thái cũng ngon, tôi phát hiện ngay thủ đô Bangkok vẫn nhấp nhô rất nhiều... ăng ten râu, đường phố rất xấu, và kẹt xe thì trở thành đặc sản như đã nói. Thế mà tại sao họ lại thu hút được khách du lịch đến đông như thế? Câu hỏi ấy chắc cũng đã rất nhiều người đặt ra, nhưng trả lời thì hình như vẫn rất khó. Có câu chuyện là, nhà vua Thái khuyên chính phủ, thay vì hàng năm chỉnh trang đô thị, đường xá... thì dùng tiền ấy giúp người nghèo, rất nhiều tiền đấy, và làm cái gì thì ra tấm ra món, mà cái sân bay hết sức hiện đại Suvarnabhumi là một ví dụ. Nó là 1 trong 18 sân bay bận rộn nhất thế giới, được làm nên từ một vùng đầm lầy hoang vu...
                                                                        
(Ảnh tác giả và Lili của đợt này và bạn HDV lần trước không nhớ tên nữa
Cầu Kwai.)







Không có nhận xét nào: