Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

KHOẢNH KHẮC ĐÀO AN DUYÊN



          Thời gian gần đây trên một số báo xuất hiện những tản văn nho nhỏ xinh xinh của Đào An Duyên. Cũng nói luôn, tản văn là thể loại mới được các báo trọng dụng dầy hơn so với trước. Nó làm cho tờ báo mềm đi, làm cho người đọc có thời gian ngưng nghỉ giữa bề bộn tin tức dày đặc trên báo. Nó tăng chất văn cho những tờ báo chính trị xã hội vốn dĩ được mệnh danh là cứng và khô. Đấy là xu hướng đúng trong thời điểm hiện nay, bởi thông tin nhanh nhất, nhạy nhất, sống động nhất, báo mạng đã làm, thậm chí là mạng xã hội đã làm, nó khiến người ta phải chạy. Báo giấy, xen kẽ tản văn, truyện ngắn và thơ vào, nó như đang đi bộ dưới nắng có một chỗ râm mát để nghỉ.

          Trong làm thơ, lục bát tưởng dễ mà khó nhất. Tức ai làm cũng được, cứ trên 6 dưới tám và gieo vần cho chuẩn là được. Nhưng té ra, đấy chưa phải thơ. Thơ phải là cái gì vượt lên trên câu chữ, niêm luật, vượt lên rổn rảng để lặn vào im lặng. Phải ám ảnh và dư ba. Để cuối cùng là, có được câu lục bát hay, bài lục bát hay, nó khó như... làm thơ lục bát.

          Trong văn xuôi, thì có vẻ như, viết tản văn là nhàn nhất. Quả có thế thật. Nhưng, lại cũng như lục bát, có được một cái tản văn đọc xong mà cứ xốn xang, mà cứ thắc thỏm, mà lâng lâng, mà vương vấn... khó vô cùng.

          Bởi tản văn không chỉ là những con chữ đẹp, lấp lánh, không chỉ là những dòng rưng rưng tưởng như cảm xúc, mà nó còn là những trải nghiệm, là tâm hồn tác giả. Nó là những ký ức đan xen hiện tại, những xưa xa trong hiện tại bộn bề. Nó như thơ, kiệm lời kiệm chữ, nhưng phải mênh mang, phải mở rộng biên độ tưởng tượng, phải thấy nhịp tim rung từ dấu chấm, thấy sợi tóc bay từ cái ngắt hàng vô tình. Nó bung phá nhưng không được dài, nó âm vang mà phải kiệm chữ, nó duềnh như sóng nhưng lại chỉ được thể hiện mình trong giọt nước...

          Đào An Duyên xuất thân giáo viên dạy văn. Có những dồn nén không thể không nói từ một tâm hồn nhạy cảm, từ quá trình sống, từ chính cảm xúc nghề nghiệp, cô bèn làm thơ. Đã có mấy tập thơ cả in chung in riêng rồi. Rồi như chưa đủ, như cái chiếu nghỉ giữa thơ và dạy học, cô viết tản văn. Một cách nuôi thơ, ở cả 2 nghĩa, cảm xúc và kinh tế. In tản văn trên báo nhuận bút cao hơn thơ, dễ được in hơn thơ. Và tản văn chính là cách tích trữ năng lượng chữ, năng lượng cảm xúc, là cách luôn luôn đặt mình trên bệ phóng lao động, vắt kiệt mình cho chữ...

          Người từng trải có lợi thế của người từng trải và người trẻ cũng có lợi thế của họ khi viết tản văn. Đào An Duyên đã chớm qua trẻ nhưng chưa tới từng trải như người... già. Tản văn của cô vì thế nó chừng mực. Không quá nhiều tầng nghĩa, không nặng kiến thức, nhưng cũng qua được những xúc cảm "phi trọng lượng" để câu chữ, hình ảnh và những liên tưởng, những hồi quang không chống chếnh. Nó có lý bởi những gì tác giả viết ra đều được soi từ chính cuộc đời đang hiển hiện trước mắt. Trong đó là những câu chuyện tươi rói, những suy ngẫm nặng nhẽ đời và những dòng ký ức cứ vừa trong veo vừa đằm sâu như dòng sông trôi trong một chiều nào đó, ở một vùng nào đó, trong một tâm trạng nào đó, tôi gọi là khoảnh khắc Đào An Duyên.

          Là tôi muốn nói tới cảm xúc của mình, một cách gần giống với tản văn nhất, về tập sách của Đào An Duyên mới xuất xưởng, "Dòng sông trôi qua tôi", 236 trang, NXB Quân đội nhân dân xuất bản tháng 7 năm 2019. 

   
                                                                       

Không có nhận xét nào: