Hồi cụ Hồ còn sống, cụ chỉ mong, dân ta ai cũng có cơm ăn
áo mặc, ai cũng được học hành. Giờ được thế cả rồi, thì... tiến lên mần "giá"
thôi, chứ sao, phỏng ạ?
Hồi nhỏ, nói thật là tôi rất... ngu, bố
mẹ là cán bộ, sống ở thời bao cấp, rất khổ nhưng vẫn có lương, có gạo phiếu...
cứ nghĩ cố xây dựng chủ nghĩa xã hội rồi sẽ được... xã hội lo lại. Tức là ít
nhất, học nhé, bệnh nhé, đường xá nhé, công viên nhé... sẽ được nhà nước chăm
lo. Và quả là cái thời bọn tôi còn là nhi đồng thối tai, đi học chỉ phải đóng
học phí một số tiền rất tượng trưng, tôi nhớ đâu như là 7 hào 2 hay bảy đồng
hai gì đấy cho một năm, lương mẹ tôi bảy mươi ba đồng. Thế mà còn rất nhiều đứa không đóng, vì không có, làm quái gì nó. Và rồi
là phải chịu đấy, cuối năm cô nhắc chiếu lệ rồi thôi, chứ không như bây giờ,
nhiều cảnh hài hước và đau xót diễn ra khi thu tiền, và, chả đứa nào thoát. Còn
bệnh viện cũng thế, rất ít phải xùy tiền ra. Cứ bệnh là vào nằm, chữa miễn phí.
Thì đến chị em tiểu thương buôn thúng bán bưng ở phố, đối tượng bị truy kích
thời ấy, nhưng vẫn có gạo phiếu hàng tháng mà. Cứ tưởng xã hội thiên đường
trước mặt đến nơi rồi, he he.
Té ra, không phải thế. Giờ các anh có trách nhiệm đang
thi nhau quy thành... giá tất cả. Các anh ấy sáng tạo ra món giá, và cứ thể như
chỉ việc ngồi chờ... lòng gà về nữa là thành những đĩa xào bốc khói, kệ bố dân
ra sao thì ra. Rồi từ giá giờ lại đề xuất thành... tiền. Dân tình lại ồ lên về
khả năng tiếng Việt của những người có trách nhiệm thu... tiền. Thì nó đơn giản
thế này, đang thu phí, uỵch phát, sau một đêm, tất cả các trạm thu phí biến
thành thu giá. Buồn cười, anh em lái xe để trên ca bin những thúng... giá, đến
trạm thì đưa ra. Cãi nhau om xòm. Cú quyết định là trên diễn đàn quốc hội, chủ
tịch quốc hội bảo các anh lắm chuyện, nó là trạm thu phí thì cứ gọi thu phí,
chứ giá với đỗ gì. Thế là lại rùng rùng thành thu phí. Rồi cách đây mấy tháng
lại thăm dò thành thu... tiền. Thiên hạ ó cháy quá lại đang im lặng, có thể các
anh ấy đang suy nghĩ xem thu gì thì... thuận tai.
Thực chất nó là thế này, có mấy chuyện khiến dân, mà chả
cứ dân, các bác quan cũng "chả hiểu nó ra làm sao", ấy là nguyên tắc
kinh tế thị trường, tôi làm đường BOT, tức bỏ tiền ra làm, ai đi trên ấy phải
trả tiền. Nhất trí cao thôi. Nhưng nhà nước cũng phải đảm bảo cho dân có đường
đi, vì dân đã đóng thuế để nhà nước làm đường cho dân đi. Vậy nhưng mấy ông BOT
lại cắc cớ, hoặc là các ông ấy cào đường cũ (tức đường của dân) ra rắc nhựa lên
rồi dựng rào thu phí. Hoặc làm mới thì các ông ấy vẫn rào đường cũ để thu. Tóm
lại là, dân thì đòi hỏi (hết sức chính đáng) có đi mới trả tiền, đi mét nào trả
tiền mét ấy. Các bố BOT thì, bằng mọi cách, kể cả những cách phi lý nhất, để
thu hồi vốn. Vậy nên đi 300 mét phải trả tiền mấy chục cây số là thế. Và như
thế thì ai mà chịu được, kể cả vợ con các ông BOT. Vụ T2 đang ồn ĩ sau khi hoàn
thành cầu Vàm Công đang hôi hổi.
Trong khi việc nhẽ phải làm ngay, cấp
kỳ, là thu hồi tài sản tham nhũng, thu hồi những dự án vớ vẩn mà ngốn tiền đống
tiền đụn... thì các bố chả làm. Bao nhiêu vụ to oành được chỉ mặt gọi tên đấy.
Tiền tỉ, ngàn tỉ, không đội nón ra đi thì cũng đắp bạt chờ vụn. Nó đội giá đến
mức có người bảo giỏi tưởng tượng mấy cũng không nghĩ ra. Có vị đại biểu quốc
hội còn bảo đấy là bột nở. Vụ mới nhất đang ồn ĩ là vụ nhà của báo Công an Nhân
dân. Vừa là nhà báo vừa là sĩ quan công an thế mà rồi giờ cũng gia nhập đội
quân căng biển đòi nhà. Đúng là chả hiểu được nó ra làm sao?
À cái vế của cụ Hồ là ai cũng được học
hành thì hiện nay quả là ai cũng được đến trường. Nhưng cái giá để được đến
trường quả là gian nan. Chỉ là việc đóng góp chính thức thôi, có thông báo và
phiếu thu của trường thôi, đã méo mặt nhiều gia đình trung bình rồi. Thế mà còn
rất nhiều thứ chi ngoài chính thống cho việc học của con. Nó là tiền học thêm,
môn nào cũng học thêm, học thêm như là đương nhiên, như là "bộ quy định
thế". Là công sức phụ huynh bỏ ra suốt ngày làm xe ôm chở con đi học thêm.
Không trực tiếp chở được thì... thuê. Có những anh xe ôm hưởng lương tháng để
chở học trò đi học thêm. Rồi mua sách tham khảo. Loại sách này nhiều hơn sách
chính thống. Sách chính thống thì năm nào cũng mới, tức là đứa học sau không
thể học lại của đứa học trước, dù rằng chúng là 2 anh em trong một nhà, chỉ
cách nhau một hai lớp.
Đỉnh điểm của sự học là, vừa rồi, mới có
3 tỉnh "hé lộ" thôi mà đã hàng loạt người có trách nhiệm, toàn những
đấng gương mẫu, từng nói như thần, tra tay vào còng, vì liên quan đến việc nâng
điểm thi từ năm 2018. Khi tôi viết bài này thì trên diễn đàn quốc hội, bộ
trưởng bộ giáo dục nhận một phần lỗi, còn quyền chủ tịch một tỉnh liên quan thì
"tôi không trả lời" khi phóng viên liên tục hỏi bà về vụ việc ở địa
phương mà bà phụ trách... Cái lạ của vụ này, là phụ huynh, có cả người to nhất
của một tỉnh, luôn khẳng định không nhờ vả ai tăng điểm cho con mình, có cháu
được tăng đến hai mấy điểm, thành thủ khoa. Từ dốt đặc cán thuổng giờ thành thủ
khoa và cũng lên báo khuyên giải, bày kinh nghiệm cho các bạn cách học thế nào
cho thành... thủ khoa. Và, người trong cuộc mang cả tỉ bạc nộp lại cho cơ quan
điều tra, nhưng không có ai nhận là đã đưa tiền cả. Một sự vô lý đến bàng
hoàng, đến kinh ngạc, đến vô đạo đức... chả có ai tự nhiên lại... gắp điểm bỏ
vào bài con mình như thế, nhưng giờ vỡ lỡ, chối được cái gì thì chối, kể cả
việc bất chấp logich, bất chấp sự thật, bất chấp những điều sơ đẳng nhất để làm
người bình thường...
Tôi vừa lái xe chạy trên đường Đông
Trường Sơn liên huyện, thấy 2 điều. Một là con đường xuyên từ Ayun Pa ra An Khê
(Gia Lai) ngày xưa là rừng rừng và rừng. Giờ nó là... đồi trọc, phẳng lỳ và
trắng hếu, tài chưa. Và 2, thi thoảng gặp cái xe biển xanh, thì toàn là xe xịn,
chạy èo phát qua mặt, bất chấp. Tôi biết có người coi sự có xe biển xanh phục
vụ là sự oai. Bước trên ấy xuống nó oai hơn trên xe biển trắng. Và oai hơn nữa
là nó phải trị giá bao nhiêu con trâu. Cũng biển xanh nhưng 500 trâu là xoàng,
1000 mới xứng, cứ thế rồi... đua nhau. Mà thật, tôi biết họ sử dụng xe biển
xanh thế nào rồi. Chở vợ cũng có, đón con cũng có, đưa cả nhà về quê cũng có,
phục vụ đám cưới đám ma vân vân. Rạch ròi chỗ này ra rồi quy vào... giá cũng ối
tiền nhé. Rạch ròi ra rồi bù cho các cháu đi học cũng đỡ cho rất nhiều gia đình
nhé. Hiện nay, rất nhiều tổ chức thiện nguyện đứng ra lo cho các cháu nghèo khó,
các cháu vùng sâu vùng xa có bữa ăn, có quyển vở, có cái áo... để đi học như
chương trình "Cơm có thịt" của nhà báo Trần Đăng Tuấn, như "Mô
tô học bổng" của nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền vân vân. Chưa
có ai thống kê, có bao nhiêu trong số các cháu học trò nghèo nhưng rất ham học
này, bị các bạn "thủ khoa" kia cướp mất cơ hội. Kỳ họp này, một vài
đại biểu quốc hội cũng đề cập đến các cháu bị cướp trắng cơ hội kia, dù tôi
nhớ, có vị quan chức giáo dục nói rằng, trả lại cơ hội cho các cháu là không
thể, bởi nó gây xáo trộn...
Đang học tập tư tưởng, đạo đức và tấm
gương Hồ Chí Minh, bèn thử nghĩ đến lời dặn của ông cụ dạo nào, mà viết bài
này...
Link gốc Ở ĐÂY
3 nhận xét:
Ngày ấy học phí là 7 đồng hai a Hùng ạ ! Mà ai đạt học sinh giỏi thì được miễn . Cả trường may ra được vài học sinh giỏi thôi ! Không như bây giờ gần 100% là học sinh giỏi ..như bây giờ chả ai dám miễn..
Bác viêt chí lí quá ! mần răng cho đến ngày xưa hè ? may mà đẻ trước không bây giờ học thêm như con đang học thì chỉ có lè lưỡi, may con còn chịu khó vâng lời; may nhà ở quê ít ra đường quốc lộ nên cũng đỡ tốn ! may mà không thu thuế nhà không thì è cổ mà lo !
Lâu rồi cháu không đọc các bài viết của chú, giờ đọc lại thấy hay, đúng và Thấm quá. Rất nhiều quan chức như kiểu có lệnh bài miễn tử vậy, làm sai rành rành nhưng không ai động vào được
Đăng nhận xét