Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

VĂN HÓA CÔNG VỤ



          Lục tìm tài liệu trên mạng, lòi ra cái quyết định của thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án văn hóa công vụ.

          Vừa hay đang xảy ra vụ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đi thanh tra công vụ bị cơ quan công vụ tỉnh Vĩnh Phúc bắt về tội... đòi chi tiền để... thực thu công vụ.

          Hôm nọ ngồi với một ông anh, từng là quan chức một tỉnh, nhân việc tôi khen một cậu công chức rất giỏi, cả chuyên môn lẫn tư cách đạo đức, ông này chép miệng, rồi nó... cũng đến thế thôi.

          Hỏi lý do, ổng bảo, làm chuyên viên, lãnh đạo truyền công văn xuống cho ý kiến. Vẫn biết là anh giỏi, anh có ý kiến của anh, nhưng nếu thế thì nói làm gì, anh phải biết ý lãnh đạo họ muốn anh tham mưu gì, rồi anh tham mưu kiểu ấy. Chứ nếu tham mưu khác ý thì lại phải tham mưu lại, bao giờ đúng ý thì thôi.

          Tôi ca ngợi kiểu làm một cửa hiện nay hay, hết bèo nhèo được. Ông lại cười, bảo nhìn thế nhưng không phải thế, bởi nếu "thông đồng bén giọt" thì đúng hẹn, không thì việc cỏn con cũng bị chuyển đi xin ý kiến các cơ quan chức năng, cứ xoay qua xoay lại khiến anh... chóng mặt thì thôi. Quả là tôi cũng từng nghe kể và đọc về những chuyện này rồi, đơn giản nhất là đúng ngày hẹn, đến lấy hồ sơ thì được trả lời thiếu cái gì đấy, mời anh về bổ sung, trong khi, nhẽ ra, "thiếu cái gì đấy" thì người nhận hồ sơ đã phát hiện ngay khi nhận rồi.

          Trở lại chuyện đoàn thanh tra bị bắt khi đi thanh tra, quả là khó có thể hình dung được là lại có thể có chuyện như thế xảy ra. Nhưng, nó lại không tạo được dư chấn trong xã hội. Tại sao lại thế, nhiều người tặc lưỡi, chuyện thường ấy mà. Thế tức là, nó là chuyện... thường xuyên.

          Nhưng lại cũng phải lật vấn đề một tí, ấy là rõ ràng đã có những sai phạm về xây dựng ở Vĩnh Phúc, và là những sai phạm không nhỏ, để thanh tra xây dựng từ bộ về có cớ để... vặt. Vậy thì ở đây, ngoài cái sự cố tình vi phạm của các doanh nghiệp, rõ ràng các công chức tại chỗ có tránh nhiệm quản lý, giám sát việc xây dựng cũng đã hết sức có vấn đề. Trước mắt là buông lỏng cho các sai phạm, để các sai phạm có điều kiện sinh sôi nảy nở, còn bên trong những sai phạm ấy có gì không thì... có trời biết, nhưng có vẻ như, ai cũng biết. Nước ta có nhiều chuyện ai cũng biết nhưng lại rồi như chả ai biết gì?

          Thì ngay trên diễn đàn quốc hội, các đại biểu cũng phải kêu trời về "dịch vụ" bôi trơn là gì? Phong bì trở thành một thứ bôi trơn hơn mọi loại dầu nhớt tốt nhất trên đời này. Một nền công vụ rất lạ, hết sức lạ. Và nó cứ ngang nhiên tồn tại, từ bạc lẻ, bạc cắc tới tiền tỉ...

          Chưa hết, nhiều tỉnh, thành, ngoài việc chủ tịch ra quy định công chức không được la cà cà phê ăn sáng trong giờ hành chính, nhất là đầu giờ sáng (ăn sáng, cà phê) và cuối giờ chiều (nhậu), và phải lập những đoàn công tác đi... bắt công chức vi phạm. Đi lần nào là tóm được lần ấy, nhưng rồi cũng như bắt cóc bỏ đĩa thôi. Bí thư huyện ủy Ia Grai của tỉnh Gia Lai xuống xã đầu giờ chiều, gặp ông công chức xã đang say rượu ngáy khò khò trên bàn, đánh thức ông ấy dậy còn bị ông ấy nạt: có việc gì mà vào đây (Bí thư mới về nên cán bộ xã chưa biết mặt). Rồi cũng hòa, vì anh em cơ sở nhiều việc, buổi trưa dân có giỗ, mời mà không dự thì không được, mà dự thì... say.

          Các cuộc họp bình bầu cuối năm cũng là nơi thể hiện rõ nhất... văn hóa công vụ. Có cơ quan ông thủ trưởng ôm hết các danh hiệu, từ cơ quan tới chi bộ tới công đoàn... món nào ông cũng xơi quả xuất sắc nhất đã, còn lại thì anh em chia nhau. Mà thực ra, các cuộc họp bình bầu cuối năm ấy, nó buồn cười lắm. Thường là có hai trường hợp, một là buông xuôi, thủ trưởng độc diễn, rồi giơ tay như rô bốt bầu cho... thủ trưởng. Hai là oánh nhau nảy lửa. Trường hợp một nhiều hơn, chiếm đa phần, trường hợp 2, thì dù đúng sai thế nào, sẽ bị quy kết là mất đoàn kết nội bộ cái đã.

          Sự mất dân chủ ở các cơ quan nhà nước khiến cho có những lỗ hổng không được vá ngay từ đầu, cứ thế nó lan to, đến lúc thành ung nhọt phải vỡ. Các vụ án lớn của chúng ta vừa rồi là thế. Rất nhiều cơ quan mất đoàn kết nhưng cứ âm ỉ. Rất nhiều thủ trưởng làm sai nhưng cấp dưới bàng quan mặc kệ. Nó có nhiều lý do để mặc kệ. Thứ nhất là bị thủ trưởng đì, chắc chắn. Thứ hai có khi cơ quan cũng không thích, mọi người lo giữ thân đã, và không muốn căng thẳng. Và ngay cấp trên, nếu xử lý, thì như đã nói, cứ quy mất đoàn kết nội bộ cái đã.

          Nhưng cũng phải nói là, đã có khá nhiều đổi mới trong văn hóa công vụ của chúng ta, nhất là khi yêu cầu minh bạch nó vừa là ý thức lại được giám sát bởi những phương tiện hiện đại bây giờ...

Lâu lắm mới in lại trên báo Công an, oách hỉ? Chú Nguyễn Thế Hùng đổi cái tên bài cũng oách, nhà cháu chỉ "Văn hóa công vụ" thôi, chú thêm tí, nâng tầm hẳn he he...



                                                                                 

Không có nhận xét nào: