Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

KHOAN SỨC DÂN



          Sinh thời, cụ Hồ có ước muốn là làm sao để dân được yên vui, để ai cũng cơm no áo ấm, ai cũng được học hành. Cụ rất muốn được gần dân và cũng không muốn... hành dân.

          Giờ chúng ta đang rầm rộ học tập tấm gương cụ, học tập tư tưởng và đạo đức của cụ. Mà cụ, có một ước muốn cháy bỏng, một phẩm chất thường trực, một di nguyện nữa, là làm sao để khoan sức dân. Khoan sức dân là cách nói từ thời phong kiến, nghĩa là giảm nhẹ gánh nặng thuế má, sưu dịch cho dân, nhờ đó mà dân dễ thở, dễ sống, mà dân có thể lo cho mình rồi đóng góp nghĩa vụ cho nước, đặng nuôi bộ máy để phục vụ lại dân.

          Đảng và nhà nước ta hiện tại cũng có nhiều chủ trương, chính sách để khoan sức dân. Nhưng có vẻ như, một số người thừa hành công vụ, hoặc có quyền ở một lĩnh vực nào đó lại hiểu khoan sức dân ở một nghĩa khác, nghĩa đen, tức là khoan sâu, đào sâu, tức là khoan như... khoan giếng.

          Từng có những đề xuất rất buồn cười như đề nghị đếm cỗ đám cưới, như không để ô kính quan tài, như ngực lép không được lái xe vân vân...

          Chợt nhớ, nước ta, rất hay lấy tiêu chí nước ngoài làm rồi đòi làm theo. Rất nhiều chuyến đi tham quan học tập kinh nghiệm nước ngoài về để làm, để ứng dụng cho trong nước, tốn rất nhiều tiền, hết sức rình rang, nhưng có vẻ như, người ta đang "nhập khẩu" ngược. Nhiều người có những suy nghĩ, những ví von hết sức xa rời thực tế, như có vị đại biểu quốc hội nào đấy so đĩa rau muống ở Thượng Hải tới hai trăm ngàn đồng trong khi ở Việt Nam chỉ mười ngàn, xuống nông thôn còn năm ngàn và về vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn còn có hai ngàn để khẳng định nước ta không lạm phát. Và không lạm phát thì sao, thì tiếp tục "khoan" sức dân.

          Thì một cái ô tô nhập khẩu về Việt Nam chẳng hạn, nó đã đội trên đầu mấy chục loại thuế, khiến nó, giá bán tại Việt Nam không biết gấp đến bao nhiêu lần giá thành, khiến cho, sang Lào, Campuchia, việc một gia đình bậc trung có một hai cái xe ô tô là thường, còn ở ta, nó trở thành đồ xa xỉ, của giới thượng lưu, hoặc cố gắng thượng lưu. Trong khi, nhẽ ra, nó là phương tiện di chuyển bình thường, giải quyết rất nhiều những nhu cầu của đời sống người dân, nhất là dân đô thị.

          Chưa hết, để lăn bánh được ở Việt Nam, nó còn chịu rất nhiều thứ phí, lệ phí, thuế... các loại, bổ trực tiếp vào xe, vào đường, vào xăng, và trạm thu... giá (nghe nói sắp đổi thành trạm thu tiền).

          Năm nào đấy, có cái ông nào đấy, có 100 đô la con cháu nó cho, mang đi đổi tiền Việt, bị phạt tới 90 triệu đồng và "tịch thu tang vật" là tờ 100 đô ấy, và cái cửa hàng vàng liên quan ấy bị phạt 295 triệu...

Đấy rõ ràng là không phải cách khoan sức dân như ý muốn của cụ Hồ.

Và mới nhất, dư luận đang dậy sóng với đề xuất đóng tiền khi xuất cảnh, gọi là phí chia tay khi xuất cảnh gì gì đấy, với viện dẫn là có nước nào đấy cũng đã làm rồi của một vị đại biểu quốc hội.

Trời ạ, đã nói là các vị thay mặt dân, ngày xưa gọi là phụ mẫu chi dân, thì nên nhìn xuống dân trước khi nhìn ra... nước ngoài đã, bởi trước khi làm quan, chắc chắn các vị cũng là dân (trừ một số vị bước đệm dân rất nhỏ như Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh..). Bởi nước ngoài, ví dụ như nước Nhật mà cái ông đại biểu viện dẫn ấy, nó khác hoàn toàn ta. Thứ nhất nó không phải là nước xã hội chủ nghĩa như ta, nó có một nền tảng xã hội khác, thu nhập của dân khác, phúc lợi xã hội khác, thứ 2, nó không "vì dân do dân của dân" như ta, mà nó vì thứ gì đấy mà có khi chúng ta chưa hiểu được. Chưa kể nó đang... giãy chết. Nhẽ ra chúng ta phải để cho họ phải học ta chứ sao ta lại cứ phải nhìn sang họ, lấy họ làm gương để rồi về "khoan" sức dân ta.

Nói thật, dân hiện nay đang rất khó khăn khi mà mọi thứ đều lên cao, trừ thu nhập (tất nhiên trừ "một bộ phận không nhỏ", nhưng đa phần họ không phải là dân), nhưng dân cũng rất rộng lòng. Bằng chứng là rất nhiều nhóm thiện nguyện, rất nhiều những cá nhân... luôn sẵn lòng làm từ thiện. Từ những đốm lửa nhỏ trở thành những phong trào rộng lớn, họ làm vì cái tâm, vì lòng tốt, vì ý thức sẻ chia, vì nghĩa tình đồng loại. Và, những chủ trương chính sách của nhà nước mà hợp lý, mà đúng, hợp lòng dân, họ sẵn sàng tuân thủ, hợp tác. Như đường cao tốc, làm mới hoàn toàn, thu phí (à giá, à lại phí rồi) chả ai ý kiến gì. Nhưng không đi mà bắt đóng tiền là hết sức vô lý. Và dân phản đối chuyện này chứ không phản đối BOT. Cũng như thế, cái đề xuất "trên trời", so với nước Nhật, để thu tiền chia tay khi xuất cảnh, của vị đại biểu nọ, nó hết sức buồn cười, chưa phải lúc, khiến cho, nhân dân nghĩ, đây là một cách "khoan" sức dân. Trong khi đó, hàng ngàn ngàn tỉ thất thoát, hàng ngàn tỉ lãng phí... mà lẽ ra, nếu quản lý tốt, thì ngân khố nhà nước sẽ chả phải làm cái việc là đi thu tiền lẻ của dân như thế...

Khoan sức dân với "khoan" sức dân nó khác một trời một vực ạ, thưa quý vị.

Bài in ở Kính đa tròng, Dân Việt, link gốc Ở ĐÂY ạ.  Ảnh chỉ có tính... câu viêu...

                                                  


1 nhận xét:

Em Phong Điền nói...

Đúng chắc do tiếp thu kiến thức từ các lớp học nhiều quá nên họ hiểu khoan là cái khoan, có người cho mượn khoan, tổ chức cả nhóm để khoan mới khổ; đến khi lộ ra thì ôi thôi sập cả ổ .