Cũng không phải dền
dứ gì nhiều, chuyến về Nghệ của 3 anh em chúng tôi được “quyết” trong một cuộc
cà phê sáng ở vỉa hè Pleiku.
Phải
nói ngay rằng, Nghệ là xứ có số dân đi tứ xứ có lẽ là đông nhất nước. Họ có mặt
ở khắp nơi trong nước đã đành, trên khắp thế giới, chân trời góc bể, đâu cũng
có họ. Mà “Nghệ nhân” thì lại có tính liên kết rất cao, đi đâu là kết đồng
hương ở đấy, rồi thì là về nhà, về quê đưa bà con anh em tới nơi lập nghiệp, tạo
thành những cụm “Nghệ gia” ở... khắp thế giới, nên cái sự chúng tôi về Nghệ, nó
chả có ý nghĩa gì khi mà số người Nghệ đi đi về về hàng ngày nó là cả vạn lượt.
Nhưng
với tôi, nó lại hết sức ý nghĩa, khi, lần đầu tiên tôi về, về đúng nghĩa, lâu
nay có chăng là chỉ đi qua, với tư cách là người có tổ ở Nghệ An hơn 600 năm
trước.
Vâng, hơn 600 năm trước, tổ của họ
Văn được an táng ở một ngọn núi thuộc phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai. Giờ
nơi ấy có di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Mộ và nhà thờ Họ Văn Đại tôn. Bao
nhiêu năm lưu lạc, con cháu họ Văn tứ tán, không biết gốc tích ở đâu. Gần đây
có mấy bác họ Văn ở Hoàng Mai tìm ra cụ tổ rồi phong trào “tìm về” xuất hiện.
Hàng vạn con cháu họ Văn ở khắp nơi kéo về nhận tổ. Tôi cũng là một kẻ như thế.
Trong năm tôi có
viết một bài cho báo Nghệ An số tết Kỷ Hợi, nhan đề “Nghệ nhân” kể về một số
người Nghệ mà tôi thân, những là Nguyễn Trọng Tạo, Lê Huy Mậu, Văn Như Cương...
và Phạm Đức Long. Long người Nghệ thứ thiệt, tốt nghiệp đại học thì vào Gia Lai
công tác, gần 4 chục năm nhưng vẫn là tay Nghệ gốc. Là kỹ sư nông nghiệp nhưng
anh lại là nhà văn, hội viên hội Nhà Văn Việt Nam. Rất ít người ở quê anh biết
điều này, nên khi bài báo ra mới rất nhiều ồ à...
Sau
tết, tôi và Long và KTS Lê Vinh, người Quảng Bình, cũng vào Gia Lai công tác từ
năm 1976, nguyên giám đốc sở xây dựng Gia Lai, cả 3 gã đều hưu hết, trên con Grand i10 của tôi, Nghệ tiến.
Té
ra con người có những điều rất bí hiểm, khó cắt nghĩa. Suốt dọc đường từ Pleiku
ra Huế, Phạm Đức Long toàn... ngủ và say xe. Dừng ở Huế vài ngày, Long ngầy ngật
như... sốt rét. Cho đến cái buổi trưa ghé thành phố Hà Tĩnh để ăn trưa, mời 2
nhà văn nổi tiếng Hà Tĩnh là Đức Ban và Trần Quỳnh Nga ra ngồi thì Long vẫn khật
khừ như thế. Nhưng xe vừa chớm đất Nghệ An thì anh như choàng tỉnh, bật dậy như
sáo và... mở máy. Anh kể vanh vách về địa danh, về ký ức, về những dự cảm, những
tương lai... Nghệ.
Vậy
ra, tôi cũng người Nghệ, cũng là... Nghệ nhân.
Nhưng
là Nghệ “tân” nên ông Nghệ cựu Phạm Đức Long phải kèm tri thức Nghệ cho tôi.
Cũng
may là 2 chúng tôi hợp nhau nhiều thứ.
Trước
hết là ăn. Cũng thống nhất cà Nghệ là ngon nhất nước, nên vào nhà hàng mắt luôn
nháo nhác tìm... cà. Rồi chè xanh cắm tăm, rồi cháo lươn, súp lươn, rồi... nắng
Nghệ, không khí Nghệ. Cả những thứ mình từng khó chịu như nói to, như co chân
lên ghế, như ngậm tăm đi ngoài đường... giờ cũng thấy nó... thân thương.
Rồi
đến ký ức. Chao ơi là ký ức. Xe lăn tới đâu Long kể tới đấy, dù hồi còn ở quê
anh cũng chả vượt qua mấy xã lân cận ở quê Quỳnh Lưu của anh khi học cấp 3, rồi
sau đấy là đi học đại học ở Bắc Thái rồi vào Tây Nguyên. Anh giải thích sông La
khác sông Lam thế nào, sông Bùng ở đâu, chỗ nào quê ông Tạo (Nguyễn Trong Tạo),
chỗ nào quê ông Châu ông Lợi (Nguyễn Minh Châu, Thái Bá Lợi) vân vân các kiểu.
Anh kể vanh vách quê ông Hồ Đức Phớc, ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Sinh Hùng,
Hồ Xuân Hùng... vân vân, kể bằng sự tự hào, bằng những am hiểu đến khó tin. Và
rồi thì kết luận, nơi ấy vượng, nơi ấy thiêng. Anh nói về sự đoàn kết, về giềng
mối Nghệ, về những nhằng nhịt quan hệ. Rồi những ngọn núi, những con lạch, những
cái tên hết sức nôm na dân dã nhưng giờ đi xa mới thấy nó thân thương như máu
thịt.
Phó
tổng biên tập báo Nghệ An Ngô Kiên lấy ô tô chở chúng tôi một vòng thành phố
Vinh, giới thiệu các cổng thành, lên núi Dũng Quyết, chạy trên đê sông Lam, đi
tất cả chỗ nào anh thấy cần giới thiệu. Thú nhất là lúc chạy trên đê sông Lam
khi trời chạng vạng, mặt trời hắt lên nền trời, nền sông những tia dẻ quạt, những
thứ ánh sáng như thực như mơ khiến những kẻ xa quê như Long cứ thổn thức khôn
nguôi, còn tôi, lần đầu mà như thấy quen từ thuở nào.
Bí
thư thị xã Hoàng Mai đón chúng tôi như đón... người nhà. Ông này là... vua đọc.
Ông đọc chúng tôi và khi biết chúng tôi ra Hoàng Mai thì nhắn tin là sẽ đón
chúng tôi theo nghi thức... thân mật, rằng là khi xe lăn bánh tới Hoàng Mai thì
sẽ là thượng khách của ông. Và đúng là ông đã hết sức nhiệt tình với chúng tôi
suốt 2 ngày ở đấy. Hoàng Mai là thị xã mới nhưng đầy tiềm năng, ở khu vực chứ
không chỉ tỉnh, mà 2 thế mạnh lớn là du lịch và công nghiệp. Và nó đã nhỡn tiền
rồi chứ không còn là tiềm năng nữa. Nhìn cái cách ông bí thư thuộc vanh vách đường
đi lối tắt khi dẫn chúng tôi đi, từ lên khe núi đầy sim mua tới xuống ngách đá
ven biển sóng dập dờn thân thuộc như ông vẫn đi lại hàng ngày, cái cách người
dân chào ông, rồi chọn chỗ ngồi tiếp chúng tôi ngay giữa... sân nhà hàng chứ
không vào phòng kín chứng tỏ ông tự tin và cũng thân thiện với dân thế nào. Rồi
những “quan chức” tộc Văn cũng như các giám đốc doanh nghiệp gặp ông buổi sáng,
cứ thân thiết như người nhà đủ thấy sức hút của anh chàng nom rất thư sinh
nhưng cũng khá quyết liệt này.
Theo
chương trình gút trên xe là tới Hoàng Mai thì chúng tôi quay lại. Nhưng tới làng Nồi thuộc xã Trù Sơn, Đô Lương,
cái làng rất đẹp, dân chuyên làm nồi đất, thành thương hiệu là “Vương quốc nồi
đất”, có cái cổng làng làm bằng nồi đất cao vút như kim tự tháp trên đỉnh có mấy
cái cánh như cối xay gió, ăn bữa cơm trong làng, một cái quán ăn mà không nghĩ
là giữa một cái làng Việt lại có, toàn món Nghệ như gà xáo, bò xáo, tất nhiên
không thể thiếu... cà muối, hết có... 160 ngàn đồng, thì Long quyết định... tụt
xuống, ở lại với làng. Nghe đồn thời nhà Trần có loại gốm mà đất nung xong
ra sản phẩm màu cam rất đẹp. Và hồi ấy có rất nhiều sản phẩm thấu quang hiếm
hoi của nước mình. Và nghe nói, cái món đất gốm thời Trần ấy, có xuất xứ từ
làng này...
Và
lúc này Phạm Đức Long mới đúng thật sự là... “Nghệ nhân”.
Về
quê, lấy một cái xe máy, anh rong ruổi khắp xứ Nghệ. Lang thang vào chợ quê,
anh chụp ảnh như điên những là chè vằng, lá lằng, lươn, cá... Lá lằng là một thứ
lá khá lạ ở Nghệ An, thi thoảng ở Pleiku tôi cũng được ăn, cũng là do mấy người
gốc Nghệ mời. Nó mà nấu với tép thì thôi rồi. Nhưng đa phần là lá khô. Ra đây
toàn loại tươi, ăn thơm nức. Rồi nữa là chè vằng, cái thứ dân dã quê mùa xưa bất
cứ bà đẻ nào cũng phải dùng. Giờ ngoài lá tươi bán ở chợ cho người tại chỗ
dùng, nó còn được nấu thành cao “phân phối” khắp nước. Vào các phòng làm việc
văn phòng bây giờ, ít thấy ấm pha trà nữa, mà đa phần là ấm tích với chè vối,
chè vằng...
Lâu nay tôi cứ
nghĩ mình người Huế. Lý lịch khai rất rõ: Ba người Huế, mẹ người Ninh Bình,
sinh ra ở Thanh Hóa, hiện làm việc tại Pleiku. Và lâu nay cũng cứ thắc mắc là họ
Văn của mình xuất xứ từ đâu. Hồi cố giáo sư Trần Quốc Vượng còn sống, ông khẳng
định tôi là người... Chăm. Mà giáo sư Vượng đã nói thì chỉ từ đúng trở lên. Té
ra trật lất. Cách đây mấy năm, GS Văn Như Cương nhắn tôi, gốc họ Văn 600 năm
trước là từ Quỳnh Lưu, giờ là Hoàng Mai, Nghệ An, và ông rủ tôi cũng về vì con
cháu dòng học Văn đang làm nhà thờ, tu bổ mộ tổ. Nhưng tôi chưa kịp ra để đi
cùng ông thì ông đã mất, đương kim chủ tịch danh dự hội đồng tộc Văn Việt Nam.
Dân Nghệ giờ rất giàu, nhiều người giàu. Những bà con họ Văn nhà tôi đều rất giàu. Mấy ông tộc trưởng tộc phó ở Hoàng Mai đều là những doanh nghiệp có tiếng. Có ông có cả đoàn tàu thủy chạy xuyên dại dương và nội thủy, lại còn cả đoàn xe tải nữa. Ở Vinh có ông nhà như... lâu đài, tất cả bà con họ Văn khắp nước mà về Hoàng Mai viếng Tổ, “quá cảnh” ở Vinh đều được ông “bao” hết về nhà, không cần khách sạn vì nhà... sang hơn khác sạn, to hơn khách sạn. Xưa, người Nghệ đi làm xa mang tiền về, giờ những người như Phạm Đức Long về quê lại ngơ ngẩn vì... quê giàu hơn mình. Nhưng cái tình, cái nghĩa, những sản vật Nghệ thì mới là những điều khiến anh cảm động. Chỉ nguyên bà con họ Văn ở Hoàng Mai, ở Vinh, tiếp tôi, lần đầu tiên biết nhau, đã khiến 2 anh bạn Phạm Đức Long và Lê Vinh vừa... kinh ngạc vừa xúc động. Còn tôi thì khỏi nói rồi, khi ngồi viết những dòng này, cảm xúc vẫn còn dâng lên run cả ngón tay gõ phím.
1 nhận xét:
Đọc lại vẫn lôi cuốn. Mạch văn nhà bác thật tuyệt.
Đăng nhận xét