Bí
thư huyện ủy huyện Ia Grai, Gia Lai nhắn: Mai có cuộc bà con cúng rừng, anh có
rỗi em mời đi dự với dân làng. Tất nhiên là tôi hăm hở nhận lời dẫu “mai” là
ngày cúng ông Công ông Táo đấy. Bao nhiêu năm ở Tây Nguyên, tiếng là có hiểu biết
chút chút văn hóa Tây Nguyên nhưng đã tận thấy cuộc cúng rừng nào đâu, dù đã dự
hội thảo về luật tục Tây Nguyên, đọc nát sách, rồi lặn lội xuống làng, chứng kiến
bà con sống, sinh hoạt, ứng xử với nhau, với môi trường xung quanh, với rừng...
nhưng cũng chưa thấy cuộc cúng rừng cụ thể nào.
Mà
ông bí thư trẻ này là một người xốc vác với công việc. Hồi làm giám đốc sở giao
thông ông làm việc... trên đường là chính. Đêm hôm mò mẫm đi bắt xe quá khổ quá
tải, ban ngày rong ruổi khắp nơi khắp chốn, nên hôm thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc,
lần đầu tiên vào Gia Lai trên cương vị thủ tướng, trước khi làm việc với lãnh đạo
tỉnh, yêu cầu là cho tôi gặp và tặng ông giám đốc sở bó hoa. Thế là ông này được
“triệu” lên nhận hoa và lời khen của thủ tướng. Giờ làm bí thư huyện, mới hơn
năm, cũng thấy ông hết xã này tới xã khác, nên có lần báo chí “bắt tại trận”
ông xuống xã vào giờ làm việc, vào gặp cán bộ nhưng... đang ngủ, ông đánh thức
dậy thì bị hất hàm hỏi “có việc gì?”.
Lần
này cũng thế, đi công tác với anh em kiểm lâm, nghe họ kể, nhẽ ra mùa này, giờ
này là cúng rừng rồi, nhưng năm nay chưa làm được. Hỏi tại sao, bảo chưa có...
heo. Thế là ông cho một con heo, 10 lít rượu đặt, bảo cố làm như cũ, hay đấy,
nên tiếp tục.
Từ
thành phố lên trung tâm huyện đi xe 4 chỗ được, nhưng từ huyện vào rừng thì phải
đi xe 7 chỗ, 2 cầu. Hết đường thì xuống đi bộ. Dốc dựng đứng, tôi chủ quan đi
giày Adidas, tưởng thế là... oách, té ra anh em kiểm lâm, và cả ông bí thư Quế
đi dép rọ hoặc giày bộ đội là đúng nhất, giày Adidas trượt té oành oạch. Nó chỉ
hợp với thể thao mà đây có phải thể thao đâu. Tôi, 60 tuổi, đã mổ gối vì thoái
hóa, đã chuyển từ đi bộ sang đạp xe thể dục để bảo vệ gối, té ra, khi cần cũng
vẫn... leo núi tốt. Có đoạn cheo leo như rừng già Trường Sơn thuở nào, dù đây là
rừng tái sinh.
Cả
bí thư và chủ tịch xã đều là người Jrai và đều rất trẻ. Bí thư tên là Siu Thunh,
37 tuổi, chủ tịch Rcom Mlanh 33 tuổi. Không hỏi tuổi, nhưng đâu như Nguyễn Hữu
Quế, bí thư huyện này cũng trên 40 một chút. Một dàn cán bộ trẻ và nhiệt huyết,
đầy năng lực.
Té
ra cái cuộc cúng rừng này, căn nguyên sâu xa nó là do mấy ông kiểm lâm địa bàn
bị... kiểm điểm nhiều quá. Có thế chứ, mấy chục năm lăn lộn xứ này, nào tôi đã
thấy cuộc cúng rừng nào với tư cách là lễ truyền thống đâu, dù người Tây Nguyên
quan niệm vạn vật hữu linh, và rừng là thứ gắn rất chặt với đời sống của họ, là
lý do và điều kiện sinh tồn của họ, nên họ hết sức lễ độ, kính trọng và thành
tâm với rừng. Họ cúng nhưng kiểu khác, chứ không mông lung cả cánh rừng mênh
mông thế. Đây mấy làng cúng chung. Lâm Văn Long, hạt trưởng kiểm lâm huyện Ia
Grai, cũng là một... thần rừng, kể rằng, mấy ông kiểm lâm địa bàn năm nào cũng
bị kiểm điểm, bị phạt vì để mất rừng. Mà quả là, có mấy con người loe ngoe thế,
mà rừng mênh mông thế, có mà giữ vào... mắt, học cách nói của thời bây giờ. Thế
là mấy ông ấy bèn bày trò cúng xin thần rừng, thứ nhất là biết... tự bảo vệ
mình, đừng để rừng bị phá. Thứ 2 là xin thần rừng cho mình sức khỏe để có thể
lúc nào cũng lội rừng được, và thứ 3, cho dân làng sức khỏe luôn, để dân làng
cũng xúm tay bảo vệ rừng... Ban đầu là như thế, giờ nó là cái lễ cúng rất trang
trọng, mời các xã, huyện xung quanh về dự, có người ở cách 40 cây số, tận huyện
Đức Cơ, cũng về.
Thì
như mọi lễ cúng khác. Cái khác là, một, nó diễn ra ở trong rừng. Để đi vào đấy
thấy có cả những đoạn đường mới rợi, cỏ còn rạp và những cây le cột bên đường để
vịn. Và thứ 2 là sản vật rừng.
Sản
vật đầu tiên là tre nứa.
Thời
hồng hoang, chưa có đồ đất, đồ đá, đồ đồng, đồ nhôm, cả đồ... đểu thì đồ nứa là
chủ đạo. Vào đây, toàn bộ là tre nứa được sử dụng để nấu nướng và bày đồ cúng.
Dùng nứa để nấu thức ăn thì ai cũng biết rồi, mỗi dân tộc có một cách gọi riêng
mà người dân tộc phía Bắc gọi là Lam, nó nổi tiếng đến nỗi giờ bất cứ đâu thấy
cơm nấu vào ống nứa thì gọi cơm lam, dù
Lam là động từ, và không chỉ cơm mới lam, mà người ta lam cả thịt, cá, rau,
măng, rêu... Người Tây Nguyên cũng có món cơm nướng ống nứa này, và giờ cũng bị
gọi là cơm... Lam. Hôm ấy ống nứa ngoài nấu cơm, còn nấu thịt, cà đắng. Trừ con
heo được khiêng từ làng vào, còn lại là đồ rừng, gồm... chuột và chim. Con chuột
rừng to như cổ tay (nghe nói đặt bẫy từ 2 giờ chiều hôm trước đến sáng hôm sau
thăm bẫy được nhõn chú ấy) được nướng chín rồi chặt nhỏ cho vào ống nứa nấu với
cà đắng và một số lá rừng có vị thơm khác. Cũng là loại kén ăn nhưng hôm ấy tôi
đã ăn món này quên mệt mỏi. Heo, loại lai heo rừng, nướng từng tảng, ngọt xểu.
Thì thịt rừng (chuột, chim) chính là sản vật thứ 2, nó là thứ không bị cấm, là
thứ mà hàng trăm năm nay bà con vẫn làm thức ăn.
xoong nồi một thuở vẫn dùng hôm nay |
Con chuột rừng này phải bằng cổ chân chứ không phải cổ tay nhé |
Hấp
dẫn nhất là chứng kiến bà con làm... mâm. Là tôi gọi thế bởi chức năng của nó
như cái mâm. Nhưng nó có chức năng như cái khay đựng thức ăn hơn. Là cây vầu to
nhất, ruột rỗng nhất được hạ xuống. Vạc đi chừng 1/3 ống, đến mắt chừa lại, ta
có một cái khay đựng thức ăn dài, đặt lên 2 cái chạng cây, nó thành cái bàn ăn
buffet sau khi các loại thức ăn được bỏ vào đấy. Chả còn cái thú nào hơn, cứ thế
bốc ăn. Xung quanh rừng xào xạc, rừng trầm mặc. Rượu cần hút bằng ống le thứ
thiệt chứ không phải ống Tio nhựa. Và nước đổ vào ghè rượu cũng từ 2 cây vầu to
tướng cao quá đầu người do 2 trai làng lực lưỡng vác thường trực. Cái ly uống
rượu cũng bằng nứa. Chỉ có mấy con dao và bịch muối tinh là đồ hiện đại, còn lại
tất cả là đồ rừng, tại chỗ. Tôi đã phải thủ một cái “ly” như thế về làm kỷ niệm,
tiếc là chỉ 2 ngày nó teo mất... Ăn uống như thế, nó toát lên mùi rừng. Là rừng
quyện chặt xung quanh đã đành, rừng còn lên hương từ những ống nứa ống vầu tươi
ấy nữa, thơm và mát...
Đang làm... mâm |
Đã... lên mâm, chén thôi |
Và,
nói thật là cũng lâu lắm rồi, tôi mới uống lại rượu cần chính hiệu nước... suối.
Lâu nay ta cứ gọi nước uống đóng chai là nước suối, trong khi nó lại không phải
là nước suối, mà là nước khoáng từ lòng đất được khử trùng các kiểu, rồi đóng
chai, đắt gần bằng... bia. Còn nước suối thật, đơn giản là nó được lấy từ lòng
suối, những con suối chảy len lỏi trong rừng với tất cả những thanh khiết cũng
như bụi bặm mà nó mang theo. Hôm ấy bà con làm heo, gà... ngay suối và sau đấy
lấy nước ấy đổ vào rượu cần. Quả là ban đầu có hơi... gợn gợn. Thời trẻ đi về
làng, uống trực tiếp nước suối là điều hiển nhiên, cứ nhơn nhơn sống. Nhưng giờ,
có tuổi rồi, bụng dạ quen rồi, uống lại có khi nguy. Thế mà, dẫu bụng không lấy
gì làm tốt lắm, mà sau 2 ngày tôi thấy... vẫn ổn. Người ta nói rượu cần bản
thân nó có khả năng kháng khuẩn để dùng nước suối đổ trực tiếp uống vẫn không
sao, và quan trọng là, nó mới ngon. Chứ đổ nước suối chai, hoặc nước sôi để nguội,
chán chết.
Châm nước suối vào rượu. Là suối thứ thiệt lấy từ... suối. |
Bếp giữa rừng |
Đang
viết dở bài này thì tôi được mời đi dự một cuộc tất niên. Và, chả hiểu ai sắp đặt
mà tôi lại ngồi bên một ông thầy phong thủy và ông “lâm tặc” về hưu, tức là giải
nghệ. Nghe tôi say sưa kể về cuộc cúng rừng các ông ấy mới thủng thẳng: Thực
ra, người đầu têu ra cúng rừng là chúng tôi. Thời ấy, có chỉ tiêu khai thác,
ngày động... cưa, chúng tôi cúng. Cúng từ cửa rừng tới cửa... đồn, cửa trạm. Tất
nhiên mục đích cúng là để công việc hanh thông, để an toàn trong khai thác,
chuyên chở, cũng như giờ mình làm lễ động thổ làm nhà, xây dựng bất cứ cái gì ấy.
Nhưng cũng có ý là, để thần linh ủng hộ nếu có... gian lận tí ti. Nói thật, thời
ấy, mấy ai mà khai thác đúng chỉ tiêu được giao đâu. Đa phần là vượt khối lượng,
vượt diện tích... nên phải cúng.
Tất
nhiên rồi các ông ấy cũng thanh minh, rằng là thời ấy nó thế, còn bây giờ, cúng
rừng đúng là cúng rừng, là cúng để thần rừng trừng phạt bọn phá rừng, để rừng mạnh
khỏe mà... tự bảo vệ mình, và cho cả anh em kiểm lâm có sức khỏe mà lội rừng.
Nhưng
tôi thấy một tác dụng lớn nữa, là bà con thấy vai trò của rừng, vai trò của
mình trong việc giữ rừng, chăm sóc rừng. Dẫu, bà con đã và đang quen với việc sống
không cần rừng, dù rằng, từng có thời, rừng với người Tây Nguyên như cá với nước,
như cây với lá, như suối với... ống nứa, như thịt chuột với cà đắng...
Dẫu,
về cơ bản, rừng đã hết. Khu rừng bao la chúng tôi vào hôm ấy là rừng tái sinh,
cây thưa và bé. Cái chi tiết đặt bẫy từ 2 giờ chiều đến sáng hôm sau được mỗi
con chuột cũng gợi lên rất nhiều điều để suy nghĩ. Ngày xưa mà thế thì đói cả
làng, già làng Siu Tới móm mém cười...
Già làng cúng rừng |
Chủ tịch xã Rcom Mlanh. Vào đây mới biết đi rừng mà chơi Adidas là... ngu. Tốt nhất cứ giày dép bộ đội mà chơi. |
Báo Sức khỏe đời sống cuối tuần |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét