Là tôi nhớ cái thời trai trẻ của
mình, thời mà mỗi chuyến đi xuống làng là một hăm hở, một háo hức. Thời mà
trong ba lô luôn có võng và đồ dùng đủ cho ít nhất một tuần lang thang... Thời
ấy, chiêng là tự nguyện, tự giác, là nghi lễ, là thiêng liêng, là tài sản là
linh hồn...
Thường là mùa khô chúng tôi hay xuống làng. Hoa dã quỳ vàng
rực mọi ngả đường, mọi triền đồi vực suối Tây Nguyên. Nếu tinh ý lắng nghe, ta
sẽ thấy có tiếng chiêng thầm thì trong gió. Lúc khoan lúc nhặt, khi tỏ khi mờ,
tiếng chiêng len qua các ngọn núi, lách qua các tán rừng, tới các làng gần buôn
xa, tới người đang ở trong nhà kẻ lui hui trong rẫy. Tiếng chiêng vẳng vào
thinh không, đặc biệt ở những đêm trăng sáng, nó vang tới tận những đám mây ngũ
sắc đang lửng lơ giữa bầu trời vằng vặc trăng và lồng lộng gió... Mùa khô là
mùa người Tây Nguyên thường mở hội. Và tiếng chiêng là những âm thanh đầu tiên
báo cho Giàng, cho thần sông thần núi, thần nước thần lửa, báo cho người gần
khách xa biết rằng làng đang mở hội.
Trong những đêm mùa khô như thế,
tiếng chiêng vang rất xa. Chúng tôi, những kẻ lãng du thích không khí lễ hội,
chỉ cần nghe văng vẳng tiếng chiêng đâu đó là vùng dậy đoán hướng rồi nai nịt
áo ấm và đi. Cái cảm giác đi tìm chiêng nó vô cùng lý thú. Gió ào ạt, tiếng
chiêng lúc vẳng bên trái, lúc vang bên phải, lúc to lúc nhỏ, khi gần khi xa,
lúc tưởng như đã đến nơi rồi, lúc lại nghe mơ hồ tận đâu đó tít phía thâm u
cùng cốc. Chốc chốc lại phải đứng lại để định hướng. Và rồi chúng tôi cũng đến
được nơi tiếng chiêng đang phát ra...
Ta có thể hình dung thế này: Từ bao
đời nay, trong dòng thời gian dằng dặc có thể tính bằng hàng thiên niên kỷ,
những âm thanh của các bộ cồng chiêng Jrai, Bahnar, Sê Đăng, Ê Đê... đã hoà
chung với âm thanh của gió núi, của cây rừng, của suối nước, của buôn làng...
Người Tây Nguyên lấy các bộ chiêng làm thước đo tài sản. Các bộ cồng chiêng là
tài sản vật chất quý báu nhất của một gia đình hay một tộc họ. Và âm thanh cồng
chiêng là một nhân tố không thể thiếu được, một bộ phận hữu cơ trong đời sống
vật chất và tinh thần của cư dân địa phương. Cồng chiêng từ xa xưa có thể nó có
chức năng thông tin. Có việc gì, chuyện vui chuyện buồn, thông báo giặc giã hay
mùa màng bội thu... họ đều dùng tiếng chiêng. Vì thế họ ví tiếng chiêng dài qua
chín núi, và có cả mái nhà sàn dài như tiếng chiêng. Trong trường ca Đăm Săn
thì: "Ơ chiêng, hãy vang lên đến chín tầng trời, vọng sâu xuống bảy tầng
đất, lan sang phía tây chỗ người Lào buôn voi, vọng sang đằng Đông chỗ người
Kinh buôn muối, rằng hôm nay nhà Đăm Săn có việc lớn". Cồng chiêng đón các
em bé trong tiếng khóc chào đời. Cồng chiêng nhịp cho các nam nữ thanh niên
nhảy múa vui chơi trong các hội mùa, cồng chiêng rộn rã trong lễ đâm trâu mừng
chiến thắng, thủ thỉ trong lời nhắn gửi với thần linh, cồng chiêng lại bi ai
tiễn đưa vong hồn về nơi ông bà, đất mẹ...
Cồng chiêng là một loại nghệ thuật
rất độc đáo. Ngoài cái hay của âm thanh chiêng (thực ra cũng nhiều người bảo,
xem/ nghe một lần còn được, chứ cứ bùng beng bùng beng miết cũng... chán), nó còn
có cái đẹp của người đánh chiêng, cả tâm hồn và hình thể. Hãy thử nhìn chàng
trai đang chơi chiêng xem. Ngực trần nổi múi, dáng khom về trái, chân di chuyển
rất nhịp nhàng và từng nắm tay nện vào núm chiêng vừa thiêng liêng vừa sảng
khoái. Lúc này mặc kệ máy quay, mặc kệ đèn Flat, mặc kệ người lạ, mặc kệ tất
cả, chàng ta chỉ còn một mục tiêu duy nhất là thả hồn vào tiếng chiêng kia,
cũng chính là chàng ta đang lơ lửng đâu đó giữa trời cao đất rộng, giữa gió,
giữa nắng, giữa trăng, giữa lửa và cả giữa rừng chân nõn nà muôn muốt của đội
xoang, ở đó, ít nhất một đôi mắt, một con tim cũng đang hút lấy tiếng chiêng
khắc khoải mà lộng lẫy kia? Bao giờ cũng thế, nghệ nhân sử dụng cồng chiêng là
người tài hoa nhất của buôn làng. Nhiều bộ chiêng quý phải đổi bằng ba bốn chục
trâu, thậm chí bằng voi. Cồng chiêng vì thế, còn là tài sản vật chất quý giá,
người Tây nguyên trữ chiêng như người kinh trữ vàng trong nhà. Khi không chơi,
nó được lau chùi rất cẩn thận rồi cho
vào những cái rọ đan rất đẹp treo lên vách nhà.
Gọi
chung là chiêng Tây Nguyên, nhưng thực ra thì từng dân tộc có cách đánh cách
chơi riêng, có sự khác nhau rất rõ giữa các làn điệu cũng như cách diễn tấu.
Chiêng Bahnar trầm hùng mà trữ tình như làn gió thổi qua rừng già. Nó bát ngát
như những taman lâng lâng gió ở thảo nguyên Kon Tum, Gia Lai, ở đó người Bahnar
quây quần bên con sông mẹ Đăk Bla và thả hồn mình vào những đêm chiêng trữ tình
da diết, nghe thảnh thơi như đang đi dạo trên những con đường đầy nắng và lá rụng.
Chiêng Jrai náo nức hội hè, nghe lâng lâng như vừa uống xong một thứ mật được
pha được chắt từ ánh mắt, từ hương rượu của các cô gái ngày vào hội, nghe men
tình yêu bốc lên từ mỗi tiết tấu dập dồn kia, khiến chúng ta không thể đứng yên
mà tự ta phải nhập vào vòng xoang lúc nào không biết. Chiêng Xơ Đăng uy dũng,
thượng võ nghe ngun ngút như núi cao dốc thẳm. Chiêng Mạ, Lạch, Mơ Nông buồn thổn
thức, như đêm là đà trên đỉnh Lang Bian, rủ rỉ tâm tình những câu chuyện dài
không dứt, những câu chuyện buồn đến tê lòng về một chàng trai và một cô gái. Họ
không lấy được nhau, khóc mãi, nước mắt chảy thành mây, quấn mãi trên đỉnh Lang
Bian. Cũng như mái tóc nàng Ly xoã trắng biến thành thác Ia Ly huyền thoại.
Chiêng Ê Đê thì lại mạnh mẽ sôi sục dứt khoát, như tính cách của chàng Đăm Săn
đi bắt nữ thần mặt trời ngày nào...
Vừa
Festival chiêng xong, hồi ức tí về “chiêng một thời”...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét