Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

TẾT VÀ... RƯỢU



           Dân Việt, mỗi khi tết về, một trong những thứ được nhiều nhà trữ là... rượu (gồm cả bia và các loại tương đương).

           Nó như là một thứ bắt buộc phải có trong “kho” thực phẩm dự trữ cho tết.

           Và, dự trữ là thói quen từ thời bao cấp, thời khốn khó, nhưng giờ, dẫu hàng hóa ê hề, dẫu chợ và siêu thị chỉ nghỉ mỗi chiều 30 tết, rồi lại sẽ mở cửa buôn bán như thường, thì người ta vẫn thích tích trữ, tạo nên những cơn sốt cả ảo và thật, khiến cho chợ tết, siêu thị tết, lúc nào cũng đông nghìn nghịt, người lúc nào cũng hớt hơ hớt hải chuẩn bị tết, khiến cho tết lúc nào cũng mang dáng dấp hớt hải, tất bật...

           Thường thì trong nhà, các bà chuẩn bị dự trữ thực phẩm, các ông lo trữ rượu bia.

           Việc đầu tiên là rượu bia để cúng ông bà tổ tiên. Các bàn thờ được trang trí, trên ấy thế nào cũng phải chất đầy bia rượu. Có những cái bàn thờ chất ngất hàng chục chai/ lon bia và rượu, bên cạnh các thực phẩm khác, nhiều nhất là trái cây, bánh kẹo, trà... các loại.

           Nhưng cái phần chính, phần quan trọng là để... đãi nhau trong tết.

           Tết đến nhà thăm nhau, các bà thì lăng xăng cắt bánh, lấy các loại đồ nhắm trong nhà chuẩn bị sẵn như thịt bò thưng, giò chả, dưa kiệu vân vân, các ông thì... rót rượu.

           Nói luôn, tôi là một trong những người phản đối phong tục này, nhưng... bất lực. Tôi quan niệm, tết thăm mỗi nhà một tí, có đói như ngày xưa đâu mà bày đồ ăn ra để chứng tỏ tết nhà mình... to. Đa phần là bày ra rồi... cất lại.

           Nhưng bia rượu thì không cất lại được, đã rót ra là phải uống, đầu năm không uống là... xui. Mà phàm đã khách vào chúc tết là phải rót, không rót không ngó được. Tôi cũng nhiều lần cố tình... lơ, chỉ pha trà mời khách, nhưng rồi, cuối cùng thấy nó... không long trọng, thậm chí có ông khách còn chủ động nhắc: có rượu rót một ly uống nhanh rồi còn đi.

           Nên tết lúc nào cũng liêng biêng là thế.

           Mà lại phải đi nhiều, hết nhà này tới nhà kia. Trừ hàng xóm là có thể đi bộ bởi sát nhà mình, còn lại đa phần là di chuyển bằng xe máy và ô tô. Mặt mũi đỏ kè lái xe, lại còn chở vợ con. Một người mặt đỏ gặp người mặt không đỏ thì có thể tránh nhau còn dễ, chứ 2 ông mặt đỏ mà tránh nhau thì nó buồn cười lắm, càng cố tránh nhau thì có khi lại càng... đối đầu nhau, cố xa nhau ra có khi lại... đụng nhau.   

           Thực ra thì, tết Việt đúng là không thể không có rượu.

Cái thời chiến tranh, rồi bao cấp, khó khăn thế, nhưng mỗi dịp tết, lại có một ô phiếu thực phẩm được ưu tiên cắt một chai rượu mùi. Là rượu chanh hoặc cam do nhà máy rượu Hà Nội sản xuất. Nó ngọt ngọt lợ lợ và... có mùi cồn. Thường là lúc giao thừa, khi cúng ông bà tổ tiên thì chai rượu ấy được trịnh trọng mở, ông chủ nhà được ưu tiên nhấp một ngụm nhỏ từ cái li rót cúng, rồi... đóng nút cất kỹ. Đợi một hôm nào đấy trong ba ngày tết, sẽ có một ngày bà con anh em tụ tập, chai rượu sẽ được chính thức trịnh trọng bày ra mâm, bữa cơm thân mật ngày tết, mỗi người một ly nhỏ, hoặc chơi hết cả chai thì tùy. Hôm ấy là ngày vui nhất tết, có tí rượu, bà con hay gọi là... thuốc nói, anh em bà con dốc hết tâm sự với nhau. Các loại rượu khác đều bị cấm. Đơn giản là để tiết kiệm lương thực, ai nấu rượu là bị bắt, buôn bán rượu cũng bị bắt... chỉ tết mới có mỗi nhà một chai rượu quốc doanh ấy.

           Sau này, rượu quốc doanh bị thất sủng bởi chất lượng ngày càng tệ, người ta uống rượu gạo nấu... lậu. Cái hồi ấy, chưa có can nhựa hay thùng như giờ, rượu nấu xong đựng trong... bong bóng trâu để vận chuyển đi tiêu thụ. Khi bị thuế vụ hoặc công an bắt cũng dễ phi tang. Dân nghiện rượu hay truyền nhau câu: Đế quốc Pháp không sợ, đế quốc Mỹ không sợ, nhưng lại sợ đế quốc... doanh. Nó (đế quốc doanh ấy) được nấu bằng cồn công nghiệp, không thải được An đê hít nên rất nhức đầu. Rượu gạo thời kỳ đầu nấu rất ngon, nấu xong hạ thổ nữa, thải hết An đê hít và có độ đằm, sâu và vang.

           Nhưng sau này, khó khăn hơn, người ta nấu rượu bằng sắn, mật mía... và để cho trong, có bọt, đúng như câu truyền khẩu: rượu sủi tăm, thì mỗi mẻ rượu được thả vào một giọt... vô pha tốc, loại thuốc trừ sâu cực độc và mạnh. Cái thời ấy uống thế là thường, dân nghiện gọi là uống thuốc rầy, biết nhưng vẫn uống. Có thể hệ quả của bệnh ung thư giờ đang bùng phát, một phần tích tụ từ thời này chăng?

           Đến món rượu Vân nổi tiếng một thời, lừng danh khắp trong Nam ngoài Bắc, nổi tiếng cả ở Liên Xô, đến một ngày người ta phát hiện nó cũng được nấu bằng... sắn, và cũng có hóa chất. Và thế là, chết yểu một thương hiệu lừng danh.

           Vậy nên, gần tết là phải... trữ rượu.

           Các lò rượu gạo được rỉ tai nhau để tìm đến, đặt trước, đúng hẹn là đến lấy. Tất cả là... lén lút như... buôn rượu lậu. Có người đặt được sớm thì về nâng niu cho vào vò hạ thổ. Cứ phải là vò sành, nút lá chuối. Hoặc ít nhất là chai thủy tinh, cũng nút lá chuối. Cái “tang” nút lá chuối trở thành thương hiệu, trở thành lời mời gọi khó cưỡng khi nhà ai đấy tổ chức “mâm cơm nhạt” ngày tết mà úp mở có mấy chai nút lá chuối...

           Giờ, tết có nhiều thứ để... trưng và mời.

           Thứ nhất là phải sưu tầm đồ độc. Độc nhất là giờ có các loại vang đựng vào các chai lớn, được đặt trong các... khẩu pháo, bệ pháo. Nhà nào thửa được ông pháo này là yên tâm ăn tết. Loại cả thùng/ bom vang bệ vệ trên bàn cũ rồi. Các loại rượu tây không tem hoặc có nhãn Free duty cũng được săn. Đơn giản vì dân rượu truyền nhau, đến... 90% rượu tây dán tem bán ở thị trường hiện nay là được làm từ... Sài Gòn. Chả cần rượu giả thật, chỉ cần cái cảm giác vừa uống vừa... nghe xem nó giả hay thật là đã mất hứng rồi, là giảm 75% giá trị của rượu rồi, nên những chai rượu được xách tay từ nước ngoài về hoặc mua ở cửa hàng miễn thuế sân bay trở thành... thương hiệu, dù cũng có tin đồn hư thực là, nó được... xách tay từ Sài Gòn sang bển, rồi lại xách tay từ bển về, nhưng dù sao vẫn là... bển, yên tâm hơn không bển.

           Loại rượu gạo vẫn được thửa. Các quý ông có “điều kiện” thường chọn người quen, lò quen nấu rượu, rồi mua gạo nếp cái hoa vàng mang đến, hẹn rõ từng này gạo lấy từng ấy rượu, rồi yên tâm về, đúng ngày đúng giờ đến lấy. Loại khác về quê đặt, đa phần khen loại “nước mắt quê hương” này ngon. Có người đặt cả phuy 50 lít mang về san sẻ. Nước mắt mà nhiều đến thế thì e cũng... hơi loãng, nó không tinh túy, không đúng nước mắt quê hương nữa. Nhưng vào nhà ai nghe giới thiệu đây là nước mắt quê hương đấy thì đều có vẻ ấm lòng, thấy trào lên niềm tự hào tin tưởng nên thấy nước mắt đậm đà thật. Nước mắt quê hương hiện đang được săn nhiều nhất là từ Hà Tĩnh, có người đặt xong mang cả ô tô bán tải về chở, xong... phân phối lại, vừa đong rượu vừa xuýt xoa như phân kim vàng cám khi có mấy giọt rượu đổ ra ngoài...

           Cũng mươi năm nay, có hiện tượng cứ giáp tết là các loại bia lên giá. Khan hiếm thì lên giá. Vậy nên các gia đình hay... trữ bia. Cơ khổ, vào nhiều nhà thấy cả chục thùng bia xếp hàng như duyệt đội hình bên vách, gia chủ xoa tay hể hả: Tết đấy, uống nhòe nhé. Cứ làm như tết mới được uống và tết là phải uống...

           Và quà trước tết biếu nhau cũng đa phần là... bia rượu. Đơn giản là thùng bia, xịn hơn thì chai rượu quý tùy khẩu vị từng người. Tất nhiên không phải ai tết đến cũng được biếu bia rượu, và cũng như thế, rất nhiều người, chưa cần đợi sau tết, mà ngay trước tết thì người nhà đã phải... phân phối lại số bia rượu được biếu. Đa phần là cho, nhưng cũng có nhà mang... bán lại.

           Tôi sợ nhất là cảnh tết đến nhà ai cũng phải làm ít nhất một ly.

           Bởi còn di chuyển, mà từng nhà lại bia rượu khác nhau, nó nhức đầu kinh khủng. Thà cuối ngày làm một trận rồi... ngủ, chứ mỗi nhà ít nhất một ly, đi chục nhà là mắt thấy hoa cà hoa cải rồi. Và điều khiển xe chở gia đình nữa. Tết đa phần là đi cả gia đình, ít nhất là hai vợ chồng. Ai cũng thế, và hình dung đi, trên đường sẽ như thế nào.

Tất cả thói quen nhậu nhẹt của dân ta đều bắt nguồn từ thuở... đường làng. Say là men theo bờ rào mà về, trừ một ông, là ông Chí, say lại lần xuống bến sông và gặp... Nở. Nhưng là tại bởi Chí là Chí, còn đàn ông Việt, nhất là ở nông thôn, say là men bờ rào về nhà mình, đố ông nào dám trái. Và kể cả ở nông thôn thời ấy thì khi ra đường ban đêm, họ vẫn phải cầm theo bó đuốc, để thấy đường, để... tránh mấy ông say, và mấy ông say cũng nhập nhọa thấy họ mà tránh.

           Giờ đường to oạch. Giờ xe vun vút. Giờ động cơ thay chân người. Thế nhưng có một thứ chưa được thay, chưa chứ không phải không, ấy là thói quen uống rượu, uống đến say, say mới sướng, say mới không phí rượu. Và cái nạn ép nhau uống. Sau đấy là phóng xe về. Giờ người đi bộ hết sức thiểu số so với người đi xe máy, ô tô.

           Năm ngoái, sau tết, báo chí thông tin, chỉ sáu ngày nghỉ tết Mậu Tuất, cả nước xảy ra 231 vụ tai nạn giao thông, làm chết 179 người, 186 người bị thương, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu, theo ủy ban an toàn giao thông quốc gia, là do... rượu bia, người tham gia giao thông sử dụng rượu bia và sau đấy lái xe. Khu vực xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu tại đường nông thôn, ngoài đô thị.

           Phi rượu bất thành... tết, nhưng vẫn có tết nếu không có rượu, hoặc rượu chỉ là hương vị của tết. Là người uống được, nhưng nói thật, tôi cũng rất sợ các kiểu uống của tết, nhất là uống... vặt, vào thăm nhau là phải làm ít nhất một ly (hoặc lon), coi như thế mới là hết lòng với nhau, mới là yêu quý nhau, mới là... tết. Tôi lại cũng có gã bạn, ngày thường rất hay nhậu, hầu như chiều nào cũng nhậu. Nhưng bắt đầu từ 28 tết đến hết rằm, lão nhịn hẳn. Đúng 16 tháng giêng, qua rằm một ngày, lão tổ chức một cuộc... khai rượu. Trong cuộc này, lão uống bù cho nửa tháng trước đấy, uống xong nằm... 2 ngày, rồi dậy như bình thường. Cũng chả hay ho gì cái cách ấy, nhưng ít nhất, gã bớt được một xuất tham gia giao thông khi có bia rượu, tức là, có thể giảm được một thủ phạm (hoặc nạn nhân) trong dịp tết gây tai nạn giao thông...

(Bài này trưởng ban đặt rồi chuyển cho ban báo tết. Một ngày đẹp trời, tự nhiên thấy nó xuất hiện ở báo... tết dương lịch. Mần chi nhau. Nàng chữa cháy thỏ thẻ: Anh gấp cho em bài khác hoặc gửi... bài thơ cũng được, cho báo tết thiệt. Huhu, cười hay khóc ạ?).




Một tết ở nhà nhà thơ Trương Nam Hương. Từ trái qua: nhạc sĩ Hữu Xuân, nhà thơ Quang Chuyền, Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Vũ Tiềm, Trần Mạnh Hảo, Thanh Tùng Thời hoa đỏ, Thái Huy Lĩnh, VCH, Trương Nam Hương
                                                                         
          

Không có nhận xét nào: