Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

SỰ VÔ CẢM VÀ TRỐN TRÁNH TRÁCH NHIỆM



           Ở Tây Ninh đang có một vụ án rất khủng khiếp từ 40 năm trước được lật lại. Cả gia đình dòng tộc 8 người, có cả một quân nhân tại ngũ bị bắt, đánh đập, nhục hình để buộc nhận tội ăn cướp. Trước đòn roi và nhục hình, họ đã phải nhận tội để rồi ra tòa kêu oan. Sau hơn 3 năm thụ án, có cả những đứa trẻ con phải theo mẹ vào tù, có cả thai phụ mang theo thai vào tù... họ được một ông viện viện phó kiểm sát tỉnh Tây Ninh hồi ấy “đèn giời soi xét”. Ông điều tra lại và ký quyết định hủy án, công nhận những nạn nhân này bị tra tấn, nhục hình và tất nhiên là họ vô tội. Oái oăm là, trong 8 người bị oan được thả hồi ấy, chỉ có một người nhận được quyết định này, còn lại 7 người được tha tù với tay trắng. Về quê, gặp lại những người từng tra tấn mình ngày trước, họ khiếp đảm đến mức lặng lẽ bỏ lại nhà cửa vườn tược trốn đi nơi khác làm ăn. Và suốt 40 năm qua, họ sống hết sức cơ cực với thân phận tù, chả có giấy tờ gì, sống dưới đáy xã hội, sống mà như đã chết...

           Rồi có những người tử tế phát hiện vụ việc, cả luật sư, nhà báo, và cả ông Nguyễn Thận, với kinh nghiệm trong việc minh oan cho tử tù Huỳnh Văn Nén, xúm vào giúp gia đình này, chỉ còn lại rất ít người, đau ốm quặt qoẹo, có người đi không vững, phải dìu, còn lại đa phần đã mất.

           Họ liên tục làm đơn “xin cứu xét”. Và, những lá đơn ấy đều rơi vào im lặng, dù cũng có nhiều đơn gửi ra các cơ quan trung ương.

           Được tư vấn, họ chọn con đường khác, ấy là khởi kiện viện kiểm sát tỉnh Tây Ninh ra tòa, để đòi được cái quyền là, có cái quyết định tha tù để họ được là... chính họ.

           Và ở phiên tòa do tòa án huyện Gò Dầu mở, chúng ta mới thấy sự vô cảm của các nhân viên công quyền đối với thân phận con ong cái kiến như thế nào.

           Họ là những người, đến giờ vẫn còn khiếp đảm với đòn roi một thuở, vẫn sợ một phép nhân viên công vụ. Và thân phận của họ hết sức đáng thương trước tòa, thế mà vị chủ tọa phiên tòa thì không cho trình bày mà "ngắt ngang, buộc ông ngồi xuống", khi ông Dũng, một trong những nạn nhân nêu ý kiến của mình yêu cầu triệu tập viên công an đã tra tấn ông và gia đình mình đến mức cả một gia đình không cướp mà phải cúi đầu nhận tội. Mà trưởng phòng hình sự viện kiểm sát tỉnh Tây Ninh, tham gia phiên tòa không phải với tư cách công tố là là đại diện bị đơn, liên tục trả lời nạn nhân và các luật sư: "Không cần thiết phải trả lời". Và đỉnh điểm là cái công văn của viện kiểm sát tỉnh Tây Ninh do kiểm sát viên Phan Văn Vũ ký ngày 22.10 trả lời ông Nguyễn Văn Chiến, một trong 7 người bị oan sai nhưng khi được trả tự do không có quyết định đình chỉ điều tra, tiếp tục điệp khúc "không có căn cứ xem xét, thụ lý, giải quyết" và hết sức lạnh lùng, vô cảm từ chối với dòng chữ cuối cùng "Thông báo này chỉ thực hiện 1 lần".

           Oan sai có thể xảy ra trong đời sống, những người làm oan sẽ phải trả giá (trong vụ này thì chưa), nhưng còn có thể thể tất, dù rất đau lòng và gây căm phẫn, là do trình độ thời ấy nó thế, cơ chế nó thế vân vân và vân vân. Nhưng chính thái độ vô cảm, trốn tránh trách nhiệm của một số cán bộ đương chức có trách nhiệm xử lý vụ việc hôm nay mới gây ra làm sóng phẫn nộ trong dư luận đến như thế. Nếu “cúi xuống” một tí chia sẻ với nỗi đau, sự mất mát không thể bù đắp của người dân, nếu thông cảm với  họ như những rất nhiều những người vô danh khác thấy những mảnh đời bất hạnh trong đời sống, chìa bàn tay ra với họ, lặng lẽ quyên góp và dùng tiền, tài sản của mình giúp họ như hàng triệu người vẫn làm hàng ngày, thì có lẽ sự phẫn nộ nó không lên cao đến thế?

           Không biết tự bao giờ, sự vô cảm, thói trốn tránh trách nhiệm, thậm chí là vô lễ với dân, của một số cán bộ của chúng ta lại nảy nở và nhởn nhơ trơ trẽn đến thế.

           Chính sự hành xử hết sức lạnh lùng vô cảm, đến mức ông Nguyễn Thận đã phải bật khóc khi chứng kiến chủ tọa phiên tòa và trưởng phòng viện kiểm sát Tây Ninh hành xử trong phiên tòa đã khiến vụ này đang gây chấn động dư luận.

           Những cán bộ này cần phải được xử lý nghiêm, bởi, chính họ đang bôi xấu bộ máy công quyền của chúng ta hôm nay.

                                                                     VĂN CÔNG HÙNG
------------
           Sau khi bài này đăng trên mục “Kính đa tròng” của báo Dân Việt, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, và nhiều chuyển động tiếp theo từ nhiều phía, nhiều nguồnm, trừ nguồn chính là... VKS tỉnh Tây Ninh và Tòa án huyện Gò Dầu, nơi thụ lý vụ án  các nạn nhân kiện VKS Tây Ninh chỉ để chứng minh là mình đã... bị oan, và đòi cái quyết định chấm dứt bị can mà khó quá. Sau đây là toàn bộ kiến nghị của các CCB mặt trận 479 quân khu 7:



HỘI CỰU CHIẾN BINH TP.HCM              CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BAN LIÊN LẠC TRUYỀN THỐNG                      Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
CCB MẶT TRẬN 479 - QU N KHU 7
Số: 02 /2018/KN
TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 10 năm 2018

KIẾN NGHỊ
V/v giải quyết vụ án oan sai “Cướp tài sản riêng của công dân” xảy ra tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh vào ngày 27/7/1979, được đình chỉ điều tra từ ngày 11/5/1983, đến nay có 7 nạn nhân trong số 8 nạn nhân chưa nhận được quyết định đình chỉ điều tra, tất cả 8 nạn nhân chưa được xin lỗi, cải chính và bồi thường oan sai theo quy định pháp luật.

Kính gửi:
- Ban Nội chính Trung ương Đảng
- Ủy ban Tư pháp Quốc hội
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
- Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương
- Cục bồi thường Nhà nước/ Bộ Tư pháp

- Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- Hội Cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh
- Bộ Tư lệnh Quân khu 7
- Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 7
- Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh
- Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh
- Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh
- Hội Cựu chiến binh tỉnh Tây Ninh
- Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa/ TPHCM
- Các cơ quan báo chí

Ban liên lạc Truyền thống Cựu chiến binh Mặt trận 479 - Quân khu 7 nhận được Đơn kêu cứu đề ngày 25/8/2017 của ông Nguyễn Văn Dũng, nguyên là Trung sĩ, Tiểu đội trưởng C19, E774, F317, QK.7, nay là Cựu chiến binh, thường trú tại ấp Xóm Mới, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.
Tóm tắt nội dung đơn của ông Nguyễn Văn Dũng như sau:
Ông Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1958, sinh ra và lớn lên tại ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nhập ngũ ngày 24/11/1976, thuộc đơn vị D6, E174, F5. Năm 1977 anh Dũng cùng đơn vị làm nhiệp vụ ở biên giới Tây – Nam; Tháng 2 năm 1979 anh cùng dơn vị sang chiến trường Campuchia, làm nhiệm vụ Quốc tế giúp bạn trực tiếp tham gia chiến đấu nhiều trận và bị thương 2 lần. Tháng 5/1979, anh Dũng được điều về làm quyền B phó thuộc C19, E774, F317, Quân Khu 7.
Tháng 7/1979, anh Dũng được cử về Bộ tư lệnh QK.7 nhận tài liệu cho đơn vị. Khi nhận được tài liệu anh Dũng và người cùng đi công tác là anh Nguyễn Công Huỳnh ra trạm khách T67 của QK.7 nghỉ chờ đơn vị đến đón trở lại chiến trường. Trong khi chờ người đón, anh Dũng đã xin anh Huỳnh cho về xã Đôn Thuận gặp người anh để xin tiền tiêu.
Vào lúc 17 giờ ngày 26/7/1979, anh Dũng về tới nhà anh ruột là Nguyễn Văn Chiến tại ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận thì khoảng 23 giờ cùng ngày Công an ấp và Ấp đội, xã Đôn Thuận đến bắt anh Nguyễn Văn Dũng, anh Nguyễn Văn Chiến (anh ruột anh Dũng), anh Nguyễn Văn Dũng (con trai ông Nguyễn Thành Nghị). Trước đó Công an đã bắt anh Hồ Long Chánh (anh rể anh Chiến). Những người này bị đưa về Công an huyện Trảng Bàng điều tra, đánh đập nhục hình, bắt họ phải nhận tội cướp tài sản của ông Nguyễn Văn Đơ đem về cho vợ con họ cất giấu.
Sáng ngày 28/7/1979 Cơ quan điều tra lại bắt tiếp ông Nguyễn Thành Nghị (bố vợ anh Chiến). Ông Nghị nguyên là bộ đội đánh Pháp và đánh Mỹ thuộc Z 32, Lữ 316, biệt động thành Sài Gòn, mới về nhà nghỉ chờ chế độ chưa được 3 tháng thì bị bắt. Bà Võ Thị Thương (vợ ông Nghị) có công nuôi giấu cán bộ Cách mạng trong kháng chiến, bà Nguyễn Thị Lan (vợ ông Chiến) và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (vợ ông Chánh) nguyên là y tá bộ đội, thuộc Tỉnh đội Tây Ninh.
Vì trong 8 người cùng bị bắt gồm 2 gia đình thông gia, có 4 người trùng tên Lan và Dũng nên chúng tôi xin tạm đặt thêm tên A, B cho khỏi nhầm. Cụ thể:
- Ông Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1958 là Dũng (A)
- Ông Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1961 là Dũng (B)
- Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan sinh năm 1944 là Lan (A)
- Bà Nguyễn Thị Lan sinh năm 1953 là Lan (B)
Khi bị bắt, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (A) đang nuôi con nhỏ là Nguyễn Thị Thanh Hiền sinh năm 1971 và có thai 3 tháng, chồng là ông Chánh cũng bị bắt nên bà Lan (A) đành phải mang con vào tù cùng mình. Trong khi đó bà Nguyễn Thị Lan (B), vợ ông Chiến, mới sinh con là Nguyễn Thị Kim Chung được 2 tháng rưỡi cũng phải ôm con vào nhà tù.
Ngày 11/5/1983 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh ra Quyết định đình chỉ điều tra số: 15/KSĐT-TA đối với ông Nguyễn Văn Dũng và 7 người cùng bị bắt oan, do không phạm tội “Cướp tài sản riêng của công dân” và được trả tự do. Nhưng không hiểu vì sao chỉ riêng anh Nguyễn Văn Dũng (A) được cấp tờ giấy Quyết định đình chỉ điều tra, còn 7 người cùng bị bắt với anh Dũng trong vụ án này lại không được cấp tờ Quyết định trên?
Qua tìm hiểu Đơn kêu cứu của anh Dũng, Ban liên lạc Truyền thống Mặt trận 479 nhận định: Đây là vụ án oan sai rất nghiêm trọng, tồn đọng gần 40 năm chưa được giải quyết nên khẩn trương ra Quyết định thành lập Tổ công tác để giúp đỡ anh Dũng và gia đình đi kêu oan.
Thành phần Tổ công tác gồm:
1. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Mặt trận 479, Trưởng Ban liên lạc Truyền thống CCB Mặt trận 479, làm Tổ Trưởng.
2. Đại tá Nguyễn Văn Bạch, nguyên Chủ nhiện chính trị Cục chính trị QK.7, Trưởng Ban liên lạc Truyển Thống CCB sư đoàn 5, làm Tổ phó.
3. Đại tá Lê Thanh Song, nguyên Trưởng phòng chính sách QK.7, Chánh Văn phòng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, làm thành viên.
4. Thiếu tá, Nhà báo Trịnh Duy Sơn, làm thành viên.
5. Ông Nguyễn Công Trung, Trưởng ban Tuyên truyền vận động tài trợ Văn phòng phía Nam Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam làm thành viên (có nhiệm vụ đại diện cho các nạn nhân liên hệ với các cơ quan pháp luật đề nghị xem xét giải quyết vụ án oan sai cho gia đình anh Dũng).
Tổ công tác đã tích cực đi tìm kiếm các nạn nhân để thấy rõ cuộc sống hiện tại của họ.
Từ sau khi được thả tự do cả hai gia đình đều tan tác mỗi người một nơi, phần vì sợ hãi, phần vì bị cướp hết nhà cửa tài sản, ruộng vườn không còn nơi sinh sống.
Ông Chánh sinh năm 1952 sau khi ra tù đi biệt tăm, mãi tháng 7/2018 chúng tôi mới tìm gặp được ông tại ấp Long Thới, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh trong tình trạng bệnh tật, điếc, lú lẫn và nghèo khổ.
Ông Nghị đưa vợ, con, cháu tới ấp Định Phước, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương làm thuê, cạo mủ cao su, phụ hồ... Năm 2013, do tuổi già và bị đánh đập tàn ác trong tù ông Nghị đã qua đời. Trước khi chết ông còn dặn con cháu phải cố gắng đi kêu oan đến cùng để rửa nhục mang tiếng nhơ “ăn cướp” của 2 gia đình từng tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khi chết 2 tay ông Nghị còn vết hằn sâu bởi trước đây Công an ép 2 tay ông vào còng chung một bên của chiếc còng số 8.
Bà Võ Thị Thương già yếu vẫn phải đi mót mủ cao su tới năm 92 tuổi để kiếm sống. Bây giờ bà già yếu sống nhờ đứa cháu ngoại (cha mẹ cháu đã chết).
Bà Nguyễn Thị Lan (B) bị ông Chiến bỏ đi, một mình nuôi 5 người con hết sức khổ cực, đến nay còn nợ ngân hàng hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng (B) đi làm thuê rồi lấy vợ, sinh con ở ấp Tân Phú, xã Ninh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Ngoài đi làm thuê, ông Dũng còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Nhiều năm liền Dũng là công an viên của xã. Thấy Dũng làm việc tích cực, tổ chức định đưa anh đi học để thành Trưởng công an xã nhưng khi anh khai lý lịch gia đình có tiền án “ăn cướp” thì anh phải nghỉ làm công an viên về làm du kích ấp.
Chị Nguyễn Thị Kim Chung lớn lên đi lấy chồng thì gia đình nhà chồng không chịu cưới con dâu từ gia đình “ăn cướp” nên dù vợ chồng đã có 1 đứa con vẫn phải ly dị. Hiện chị Chung sống độc thân, hằng ngày đi cạo mủ cao su thuê.
Về phía gia đình anh Nguyễn Văm Dũng (A) tình cảnh sau khi ra tù cũng vô cùng bi đát.
Ông Nguyễn Bá Tòng (bố anh Dũng) sinh năm 1918, là bộ đội chống Pháp và chống Mỹ thuộc đơn vị Z32, Lữ đoàn 316 và Biệt động thành Sài Gòn. Ông Tòng cùng hoạt động với ông Nghị trong kháng chiến nên sau này thành thông gia với nhau. Sau khi các con bị bắt oan, ông Tòng đi kêu oan không được nên có hành động chửi bới công an, đồng thời trong nhà lại có một khẩu súng carbine do con ông là anh Nguyễn Văn Đấu đang là bộ đội tại ngũ mang về. Do có mật báo, công an đến khám nhà ông Tòng và khép ông vào tội “Tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép”. Ông bị bắt năm 1981, được trả tự do năm 1985 và chết năm 2001.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (A) nguyên là y tá thuộc Tỉnh đội Tây Ninh. Khi bà lấy ông Chánh thì đã có một con riêng nên bà rủ ông Chánh về quê mình, ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng sinh sống. Mới mua nhà ở chưa đầy 1 tháng thì ở điạ phương xảy ra vụ cướp có vũ trang tại nhà ông Nguyễn Văn Đơ. Do buổi chiều ngày 26/7/1979 ông Chánh và bà Lan có đi mua con dao thái phở, giống con dao bọn cướp mang đến nhà ông Đơ. Vậy mà không hiểu tại sao, sau vụ cướp nhà ông Đơ, Công an xã và Ấp đội đã đến bắt ông Chánh mang đi đánh đập, ép cung, buộc ông Chánh nhận tội cướp vàng nhà ông Đơ. Bà Lan (A) khi bị bắt đang nuôi con là cháu Hiền mới 8 tuổi nên phải cho con theo vào tù. Ngày đó bà còn đang mang thai 3 tháng. Do bị đánh nhiều, bà Lan đau yếu nên khoảng tháng 12/1979 bà Lan đau bụng và đã được công an đưa vào Bệnh viện Trảng Bàng sinh con. Sau khi sinh bà Lan đã trốn tù ra ngoài được vài ngày thì bị bắt lại. Từ đó tới nay bà Lan bị trầm cảm, nhiều khi mất trí nhớ hoặc nhớ lẫn lộn. Bà vẫn cho rằng con bà bị chết sau khi sinh. Nhưng ngày 22/9/2018, chúng tôi nghe tin có một người tên là Trần Thị Tuyết tìm đến bà Lan nhận mẹ ruột. Chúng tôi tìm hiểu thì được biết vào năm 1979 tại Trại tạm giam huyện Trảng Bàng có một người phụ nữ trốn tù bỏ lại đứa con 2 ngày tuổi và được ông Trần Quốc Lục, lúc đó là Phó công an huyện Trảng Bàng đưa về nuôi. Việc ông Lục nhận con của một người tù trốn trại về nuôi trùng thời gian bà Lan sinh con rồi trốn trại. Ông Lục qua đời năm 1985 nên chúng tôi chưa xác định được chị Tuyết có phải là con của bà Lan không?
Ông Nguyễn Văn Chiến sau khi ra tù thì điếc đặc, bị bệnh thường xuyên. Ông đã chia tay bà Lan (B) và hiện đang ở một mình rất khổ sở.
Ông Nguyễn Văn Đấu (em ông Chiến) khi anh chị em và bố bị bắt thì ông là chuẩn úy, Đảng viên dự bị, đang chiến đấu giúp bạn ở Kampong Cham, đơn vị đã không phát triển thành Đảng viên chính thức và cho Đấu ra quân. Do ảnh hưởng lý lịch gia đình nên ông Đấu cũng chỉ là người đi làm thuê tới giờ.
Ông Nguyễn Văn Dũng (A) khi bị bắt đang là quân nhân chiến đấu tại Campuchia, nhưng địa phương không thông báo và phối hợp với dơn vị quân dội để xác minh giải quyết nên đơn vị đã cho anh Dũng là đảo ngũ. Khi được trả tự do anh Dũng đã lấy vợ và sống tại ấp Xóm Mới, xã Thạnh Phước, huyện Gò Dầu. Từ năm 1983 đến nay anh liên tục vác đơn đi kêu oan từ địa phương tới Trung ương để được minh oan cho anh và 7 người trong gia đình. Phải mất 21 năm (từ năm 1979 đến năm 2000) đi kêu oan anh mới được đơn vị cũ cho chuyển quyết định từ quân nhân đào ngũ thành xuất ngũ nhưng các quyền lợi khác vẫn chưa được giải quyết nên cuộc sống vô cùng khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Cảm là em của ông Dũng, là người chịu bao đau khổ vì bị nhà chồng đuổi đánh, khinh rẻ vì cho rằng gia đình bà là thành phần “ăn cướp”. Bà vừa phải làm lụng nuôi 3 đứa con vừa phải dành dụm thăm nuôi cha và các anh chị trong tù. Sau khi anh Dũng ra tù chị Cảm đã ly dị chồng và sống độc thân tới giờ.
Song song với việc đi tìm hiểu về hoàn cảnh của những người bị tù oan, chúng tôi đã liên hệ với Báo Quân đội nhân dân, Đài Truyền hình quân đội, Báo Cựu chiến binh Việt Nam, Báo Cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Báo Thanh Niên... lên tiếng đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh xem xét giải oan và bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.
Từ tháng 5/1983 đến tháng 7/2017, ông Nguyễn Văn Dũng (A) và 7 người có tên trong vụ án liên tục đệ đơn lên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng từ địa phương tới Trung ương đòi bồi thường thiệt hại và được xin lỗi công khai theo luật định nhưng không được giải quyết.
Ngày 7/8/2017, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh có Thông báo số: 1/TB-VKS thụ lý đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Nguyễn Văn Dũng (A).
Ngày 01/12/2017, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh tiến hành thương lượng với ông Nguyễn Văn Dũng (A) về bồi thường thiệt hại nhưng không thành.
Ngày 04/01/2018, ông Dũng khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu, yêu cầu được khôi phục danh dự, xin lỗi công khai và giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu thụ lý, giải quyết yêu cầu của ông Dũng theo quy định tại các Điều 4, 22, 23, 26 và 31 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.
Ngày 12/9/2018, Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu mở phiên tòa xét xử công khai và ra Bản án số: 55/2018/DS-ST “V/v tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự”.
- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1958, địa chỉ: ấp Xóm Mới, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.
- Bị đơn: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, địa chỉ số: 213, đường 30/4, thành phố Tây Ninh.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có các ông:
1. Nguyễn Công Trung
2. Nguyễn Thận
3. Phạm Công Út
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn có các ông:
1. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc
2. Luật sư Nguyễn Thanh Năm
3. Luật sư Đào Kim Lân
Người đến tham dự phiên tòa có Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, Đại tá Nguyễn Văn Bạch, Đại tá Lê Thanh Song, Thiếu tá Trịnh Duy Sơn và đông đảo các cựu chiến binh khác. Đặc biệt: tới dự phiên tòa còn có bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (A), bà Nguyễn Thị Lan (B), ông Nguyễn Văn Chiến, ông Nguyễn Văn Dũng (B), chị Nguyễn Thị Kim Chung là nạn nhân bị bắt và bị tù oan 3 năm 9 tháng 14 ngày cùng ông Nguyễn Văn Dũng (A). Riêng ông Nghị đã chết, bà Thương và ông Chánh già yếu không đến dự phiên tòa.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Báo Cựu chiến binh, Báo Thanh Niên, Báo Tây Ninh... cũng đến tham dự phiên tòa để viết bài, đưa tin.
Sau phần tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã quyết định:
1. Chấp thuận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Dũng yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự đối với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh.
2. Buộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh phải bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Văn Dũng số tiền là 613.179.432 đồng.
3. Ông Nguyễn Văn Dũng có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật... Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai theo quy định tại khoản 3, Điều 51 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.
Không tán thành phán quyết của Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu, ông Nguyễn Văn Dũng có Đơn kháng cáo đề ngày 22/9/2018 gửi lên Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh, yêu cầu xét xử phúc thẩm, sửa hoặc hủy Bản án sơ thẩm số 55/2018/DS-ST ngày 12/9/2018 của Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và nội dung xét xử không khách quan, thiếu công bằng, trong đó ông Nguyễn Văn Dũng yêu cầu phải đưa 8 người thân là nạn nhân trong vụ án hình sự vào tham gia tố tụng và cả những cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng gây ra oan sai cho gia đình ông vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Sau phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Gò dầu xét xử yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Văn Dũng, chúng tôi nhận thấy: Vụ bắt và giam oan sai cả 8 người, tại sao Tòa án chỉ xét bồi thường cho một mình ông Dũng?
Ngày 23/9/2018, chúng tôi có cử Thiếu tá Trịnh Duy Sơn là thành viên trong Tổ công tác đồng thời là Phóng viên Báo Cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh đến làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, do ông Nguyễn Ngọc Hạnh - Chánh Văn phòng tiếp.
Ông Sơn nêu ý kiến về sự bất cập là tại sao Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh là đơn vị phê chuẩn lệnh bắt giam oan rồi ra Quyết định chỉ điều tra vụ án, trả tự do cho cả 8 người trong vụ án mà nay chỉ chấp nhận bồi thường thiệt hại cho 1 người?
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh trả lời: Vì 7 người còn lại không có cung cấp được bản Quyết định đình chỉ điều tra nên Viện Kiểm sát không có căn cứ để giải quyết yêu cầu bồi thường cho họ (!).
Ông Sơn nêu tiếp ý kiến: Việc bắt cả 8 người là do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh ra Quyết định, việc đình chỉ điều tra và trả tự do cho cả 8 người cũng do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh ra Quyết định, tại sao chỉ một mình ông Nguyễn Văn Dũng có bản Quyết định đình chỉ điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh cấp bản Quyết định đình chỉ điều tra cho 7 người còn lại và trả lời bằng văn bản các câu hỏi đặt ra.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh hứa báo cáo lãnh đạo và đề nghị chúng tôi có văn bản để có căn cứ trả lời và nhờ nhắn các nạn nhân có đơn yêu cầu giải quyết để làm cơ sở giải quyết yêu cầu, khiếu nại…
Chúng tôi nhận thấy:
- Vụ án oan sai “Cướp tài sản riêng của công dân” xảy ra từ năm 1979 do Công an huyện Trảng Bàng khởi tố bắt tạm giam, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh nhận chuyển tiếp điều tra, có quyết định phê duyệt của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, đã được đình chỉ điều tra năm 1983 đối với 8 người trong 2 gia đình (thông gia) trong đó có 1 quân nhân tại ngũ và 3 quân nhân xuất ngũ, tất cả đều là thành viên gia đình có công với Cách mạng, đến nay gần 40 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết khắc phục hậu quả, chỉ mới có ông Nguyễn Văn Dũng (A) được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, ra quyết định bồi thường, còn 7 người là nạn nhân bị oan sai trong cùng vụ án vẫn chưa được khôi phục quyền lợi, thậm chí cho đến hôm nay vẫn mang thân phận bị can… Đây không chỉ là một sai phạm nghiêm trọng về mặt pháp luật mà còn là một việc thất nhân tâm, thiếu đạo lý của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tây Ninh, mà đáng kể nhất là trách nhiệm thuộc về Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh.
- Hậu quả vụ án oan sai “Cướp tài sản riêng của công dân” xảy ra từ năm 1979 hết sức nặng nề và bi thảm, không chỉ cho ông Nguyễn Văn Dũng như đã được thừa nhận mà còn xảy ra cho cả 7 nạn nhân khác trong cùng vụ án bị bắt tạm giam, bị tra tấn, dùng nhục hình, dẫn đến đau bệnh, suy giảm nghiêm trọng sức khỏe thể chất và tinh thần, để lại nhiều di chứng, không chỉ 8 con người lương thiện bị oan sai gánh chịu hậu quả đau đớn mà cả gia đình người thân họ bị ảnh hưởng về danh dự, nhân phẩm trong suốt gần 4 thập kỷ qua chưa được khắc phục. Đây không chỉ là trách nhiệm công vụ trong hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tây Ninh, mà còn là trách nhiệm quan tâm chỉ đạo đôn đốc giải quyết, xem xét trách nhiệm đối với cán bộ Đảng viên, công chức sai phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của các cơ quan lãnh đạo Trung ương và địa phương tỉnh Tây Ninh.
- Vụ án oan sai “Cướp tài sản riêng của công dân” xảy ra từ năm 1979 sau gần 40 năm chưa khắc phục hậu quả, được các cơ quan báo chí quan tâm và phản ánh và sẽ còn tiếp tục phản ánh mạnh mẽ trong thời gian tới, kéo theo dư luận xã hội cả nước quan tâm, đòi hỏi các cơ quan chức năng pháp luật Trung ương và tỉnh Tây Ninh, cơ quan chủ quản đối với quân nhân và cựu chiến binh có ý kiến chỉ đạo giải quyết và lên tiếng, nhằm đem lại công bằng và khắc phục hậu quả cho một quân nhân bị oan sai và gia đình quân nhân bị nhiều tổn thất, vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật về bồi thường oan sai theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vừa đảm bảo ổn định về trật tự xã hội tại địa phương, tránh để tiếp tục xảy ra những hệ lụy đáng tiếc khó lường…
Từ nội dung sự việc tường trình và ý kiến nhận xét nêu trên, chúng tôi trân trọng kiến nghị:
1. Quý vị Lãnh đạo và cơ quan chức năng pháp luật Trung ương cần có ý kiến chỉ đạo để các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tây Ninh khẩn trương giải quyết khắc phục hậu quả vụ án oan sai “Cướp tài sản riêng của công dân” xảy ra từ năm 1979, được đình chỉ vào năm 1983, đúng quy định pháp luật theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017.
2. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh cần chủ động và tích cực trong việc xem xét kiểm tra lại hồ sơ vụ án oan sai “Cướp tài sản riêng của công dân” xảy ra vào năm 1979, được đình chỉ từ năm 1983, để tiến hành tống đạt các Quyết định đình chỉ điều tra cho các bị can là nạn nhân oan sai gồm: ông Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1953), ông Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1961), bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (sinh năm 1946), ông Nguyễn Thành Nghị (sinh năm 1918, mất tháng 10/2013, có người kế thừa tham gia tố tụng), bà Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1953), bà Võ Thị Thương (sinh năm 1925), ông Hồ Long Chánh (sinh năm 1952, chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Lan), theo đúng quy định tố tụng hình sự, hoặc ban hành Quyết định giải quyết yêu cầu xác định oan sai, nhằm làm căn cứ giải quyết các vấn đề tiếp theo là xin lỗi, cải chính và thương lượng bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành.
Kính mong nhận được sự hỗ trợ của quý vị Lãnh đạo, cơ quan chức năng pháp luật Trung ương và các cơ quan hữu quan.
Trân trọng.
BAN LIÊN LẠC TRUYỀN THỐNG
CCB MẶT TRẬN 479 - QK.7
Trưởng ban


Đã ký


Thiếu tướng: Nguyễn Ngọc Doanh







                                                                                   

2 nhận xét:

tuanta1975 nói...

CHUYỆN THẬT QUÁ BẤT NHÂN, THAT KINH KHUNG!
KHÔNG THỂ TIN ĐƯỢC !
CŨNG RẤT KHÂM PHỤC VÀ CẢM ĐỘNG TRƯỚC HÀNH ĐỘNG NGHĨA TRƯỢNG, HẾT LÒNG
VÌ TÌNH ĐỒNG CHÍ, ĐỒNG BÀO CỦA CÁC ÔNG HỘI CCB MẶT TRẬN 479 !
MONG CHO CÔNG LÝ PHẢI ĐƯỢC TRẢ LẠI ĐẦY ĐỦ CHO 8 CON NGƯỜI VÀ GIA TỘC KHỐN KHỔ !

tuanta1975 nói...

CHUYỆN THẬT QUÁ BẤT NHÂN, THAT KINH KHUNG!
KHÔNG THỂ TIN ĐƯỢC !
CŨNG RẤT KHÂM PHỤC VÀ CẢM ĐỘNG TRƯỚC HÀNH ĐỘNG NGHĨA TRƯỢNG, HẾT LÒNG
VÌ TÌNH ĐỒNG CHÍ, ĐỒNG BÀO CỦA CÁC ÔNG HỘI CCB MẶT TRẬN 479 !
MONG CHO CÔNG LÝ PHẢI ĐƯỢC TRẢ LẠI ĐẦY ĐỦ CHO 8 CON NGƯỜI VÀ GIA TỘC KHỐN KHỔ !