Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

K


           Chiều nay tôi mới nhận tin một người bạn thân học cùng lớp đại học với tôi bị K qua một bức ảnh một người bạn khác post lên tài khoản facebook của anh ta. Hai người cụng ly, một người đầu trọc lốc, miệng cười tươi như đang dự... đám cưới. Anh này là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch có tiếng ở Sài Gòn. Tôi sững người, nhưng rồi thong thả comment: thường thôi.

           Không biết tự bao giờ, những cái tin bạn bè ta, người thân ta bị K đến với ta, không gây shock kinh hoàng như một thời nữa.

           Cú chứng kiến K đầu tiên của tôi là cách đây gần hai chục năm. Ông sếp tôi, chiều về thấy tức bụng, lững thững vào bệnh viện khám, bác sĩ khuyên anh nên vào Sài Gòn kiểm tra. Thế là đi, hai ngày sau một bức điện, hồi ấy là điện tín tính chữ từ bưu điện đánh về: S bị K gan. Cả cơ quan ngơ ngẩn, gia đình như sụp đổ. Ngày ông về lại nhà, nườm nượp người đến thăm như là... chết đến nơi. 6 tháng sau thì ông mất.

           Hồi ấy K còn cá biệt lắm, dù mới qua chiến tranh, bom đạn và dioxin rất nhiều.

           Người thứ 2 tôi chứng kiến là bạn tôi, nhà văn Nguyễn Đức Thọ. Từ lúc phát hiện đến khi mất cũng chỉ mấy tháng. Có người nói, anh bị ung thư là đúng thôi, chỗ anh sống, một con phố nhỏ ở thành phố Biên Hòa ấy, lềnh bềnh những Dioxin, là những cái kho ấy, nơi Mỹ chứa những thùng chất độc da cam để mang đi rải. Chả cứ anh mà nhiều người bị. Tôi mới vào thăm lại vợ con anh, vẫn ngôi nhà cũ, hình như cũng chả ai nhắc rằng nơi ấy từng là kho dioxin...

           Nhưng đến giờ thì khác, hình như cái lý do dioxin nó đang bị mờ đi, bởi cả những chỗ không dioxin, những người không liên quan dioxin cũng bị.

           Tức là xung quanh tôi đầy những người ung thư, tới mức nghe họ ung thư không thấy bất ngờ nữa, không thấy xa xót nữa, mà cười ha hả, một mặt là động viên người bệnh, mặt nữa tự động viên mình. Lúc nào thì tới lượt mình?

           Một nhạc sĩ nhà thơ tài hoa, bị đột quỵ tưởng chết, tôi ra Hà Nội thăm. Ông hồi phục một cách thần kỳ, chưa đầy nửa năm lại khắp nơi thù tạc. Uỵch phát, một ngày phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối.

           Một nhà giáo đại học khác, một hôm tôi thấy cái ảnh trên fb của anh là lạ, anh gầy trông thấy. Nhắn tin hỏi thăm, bảo tớ K rồi, nhưng vẫn vui, đang đi dạy. Kệ bố nó tới đâu thì tới, trời kêu mà mình không dạ thì ổng làm gì được mình?

           Một nhà giáo nhà văn, rất thân với tôi. Đang đi trại sáng tác cùng nhau ở Vũng Tàu, thấy vợ đi khám bệnh ở Sài Gòn, nhảy xe lên theo rồi... tiện thể vào khám. K sàn miệng. Anh về chả nói gì ngay, tổ chức một cuộc nhậu hoành tráng rồi mới... trịnh trọng thông báo mình K. Giờ hẹn nhau, mỗi tuần ngồi với nhau một lần, mỗi lần... 2 lon. Sống chết có số.

           Một cô bé 27 tuổi, phát hiện ung thư tụy giai đoạn cuối từ hồi học lớp 12. Vừa cười vừa sắc thuốc uống vừa sống, tốt nghiệp cấp 3 rồi đi học đại học, chả ai biết bị ung thư. Ra trường làm gia sư quanh nhà mấy năm thì thi đậu công chức giáo viên cấp 2 cách nhà 50 cây số. Tôi là người “vinh dự” được cô thổ lộ là mình bị K từ hồi... trẻ con và giờ vẫn hàng ngày sắc thuốc uống rồi lên lớp. Cô tin tôi và thổ lộ với tôi bởi tôi là người phát hiện ra cô... làm thơ và đăng thơ của cô lên tờ tạp chí mà tôi làm tổng biên tập. Rồi tôi viết 2 bài báo về cô, không phải cho cô, mà cho những người ung thư khác. Và rồi mọi người biết, kể cả người trọ cùng nhà với cô. Một tờ báo vào cuộc, cùng tôi giúp cô xuất bản tập thơ của mình, mời cô vào Sài Gòn ra sách và tiếp xúc với các bệnh nhân ung thư tại một bệnh viện, truyền cảm hứng sống cho họ. Và tôi mới biết, té ra có một thế giới khác nữa, thế giới của những người ung thư ở một trung tâm điều trị. Họ sống, lạc quan chữa bệnh, lạc quan sống, lạc quan đón ngày mai, cũng như chúng ta đang đón ngày mai của mình, một ngày mai vừa như quy luật lại cũng hết sức bất thường, ngày mai của nghị lực, tự tin và lạc quan và cũng đầy bất ngờ...

           Chưa hết, cách đây mấy tháng, nửa đêm cô này đau quặn bụng. Chủ nhà trọ chở gấp ra bệnh viện 211 quân đội. Bác sĩ chẩn đoán, tất cả mọi thứ nội tạng đã... trộn làm một rồi. Gia đình xin đưa đi Sài Gòn các bác sĩ khuyên không nên đi nữa, không chịu nổi dọc đường đâu. Thế mà rồi như một phép màu, sau nửa tháng nằm viện thì lại... vào làng đi dạy, và vẫn tươi như tết.

           Một thầy giáo phó phòng giáo dục huyện, đang yên lành bỗng... ung thư. Mấy tháng đầu anh suy sụp, sút mấy chục ký. Mọi người khuyên, rằng chữa ung thư chính là cách mình chiến thắng mình. Lạc quan sống là chiến thắng đến 80% bệnh. Và giờ thì, anh thường xuyên rong ruổi thăm thú những nơi mình thích. Vừa nhảy xe đò lên nhà tôi tặng một viên đá tự nhiên hình thù rất đẹp và một quả bàng vuông khô anh lấy từ Côn Đảo về.

           Một ông chú ở quê, một hôm báo tin rằng chú sắp chết, có về thăm được thì về chứ bệnh viện chê trả về rồi. Tôi lật đật về. Nằm như cái lá dính đét vào giường. Thì biết làm gì nữa, ngậm ngùi biếu ít tiền rồi lại đi. Hôm rồi về quê giỗ, ông này là người châm rượu thắp hương cho tôi lạy. Chả dám hỏi sâu, nhưng biết, sau đận ấy thì... dậy, và sống tới giờ, hơn 10 năm rồi... 

           Tôi có thể điểm ra đến mấy chục trường hợp ung thư tôi biết như thế, họ vẫn sống cạnh tôi, sinh hoạt bình thường, cá biệt như cái ông nhà văn nhà giáo kia còn hẹn nhau thi thoảng làm vài lon. Nhà ông này gần cái quán cà phê có cây nhãn khá đẹp, ông đặt tên là cà phê gốc nhãn. Thời chưa phát hiện ung thư ông hay ngồi đây, nhưng không uống cà phê mà uống... bia, bia Sài Gòn chai, nên hay gọi là cà phê... chai. Giờ bệnh, bạn bè quý, vẫn hẹn nhau ở đấy, cà phê chai gốc nhãn, nhưng điềm đạm hơn, mỗi người 2 lon hoặc 2 chai là nghỉ.

           Sống, điềm đạm lại, chậm lại, có khi là một cách để sống chung với ung thư.

           Nhưng không thể không đặt câu hỏi: sao mà giờ nó lại nhiều đến như thế, căn bệnh ung thư ấy. Có liên quan gì đến sự phát triển nóng của xã hội? Có liên quan gì đến đạo đức xã hội? Là nói tới cái sự thực phẩm bẩn ấy, là cái sự làm thuốc ung thư bằng than tre bán ra thị trường thuở nào ấy. Mà chả thuở nào đâu, mới mấy tháng trước đây chứ mấy?

(Post kèm một hoa dã quỳ ạ, cho nó tươi, chứ cứ rầu rĩ mãi bọn K nó cười...).


 
                                                                          

Không có nhận xét nào: