Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2018

CHIÊNG, VÀ KHÔNG CHỈ THẾ...



           Tỉnh Gia Lai vừa điều chỉnh lịch tổ chức Festiavl cồng chiêng từ đầu tháng 11 sang cuối tháng. Nó vừa là một cách chứng tỏ sự cầu thị, muốn chuẩn bị cho tốt, nhưng mặt nào đấy lại là sự... luộm thuộm, bởi kế hoạch này đã được thông qua và thông báo rộng rãi suốt cả năm nay. Hơn nữa tỉnh này muốn, chủ yếu, thông qua hoạt động này để kích cầu du lịch. Mà du lịch thì không thể hôm nay báo mai đi. Được biết, hàng loạt kế hoạch bị hoãn, nhiều người đặt tour đi lẻ, hoặc lên kế hoạch đặt trước khách sạn phải hủy.

           Trong khuôn khổ Festival có một cái hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, dự định khoanh vào mấy vấn đề: Nhận diện cơ hội và thách thức bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay, Vai trò của nhà nước và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng vân vân...

           Toàn những vẫn đề vừa vĩ mô vừa rất quen.

           Bởi ai cũng biết, cồng chiêng được sinh ra từ một... thời đại khác, để làm những việc khác. Thứ nhất, giờ gọi là của Tây Nguyên nhưng bản thân người Tây Nguyên lại không làm ra chiêng. Họ đi đổi về, từ người Việt, người Lào, người Mã Lai vân vân, bằng voi và trâu, thậm chí là voi và trâu trắng, những con người Tây Nguyên coi là linh vật. Nên giờ họ vẫn có loại được gọi là chiêng Joăn, chiêng Lao..., nhưng họ có 2 việc lịch sử để biến chiêng thành của mình, mặc nhiên là của mình, không ai cãi được một tiếng. Một là họ sinh ra những nghệ nhân chỉnh chiêng để từng cái chiêng riêng lẻ hợp cùng nhau thành môt dàn chiêng. Không có những nghệ nhân này, chiêng vẫn chỉ là những thứ... không phải là chiêng như bây giờ. Và thứ 2, họ có một không gian tuyệt vời để chiêng tồn tại. Và UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể tầm nhân loại là cho cái không gian này chứ không phải cho chiêng. Nếu trao cho chiêng thì mấy ông người Việt, người Lào, người Mã Lai... được hưởng chứ không phải nhân dân Tây Nguyên.

           Chiêng, khởi thủy chưa chắc đã là nhạc cụ như ngày nay, dù người Tây Nguyên rất tài trong việc chế tác ra các nhạc cụ để tự thỏa mãn nhu cầu của mình, từ tre nứa đất đá vân vân. Và ngay chiêng họ cũng từng chế ra chiêng từ tre. Có thể ban đầu chiêng mang chức năng thông tin chẳng hạn. Từng nhà xa nhau, làng này làng kia xa nhau, tiếng chiêng báo tin cho nhau là tiện nhất, thay cho tiếng hú trước đó, tiếng tù và trước đó. Rồi tiến lên là của cải, họ trữ như trữ của... rồi cứ thế thành nhạc cụ như hôm nay. Và nhạc cụ của họ ban đầu cũng là nhạc cụ nghi lễ chứ chưa phải là dàn chiêng cải tiến một người đánh cả dàn nhạc mới, được cả “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” hoặc “Tiến quân ca” vân vân...

           Bởi là nghi lễ nên chỉ được đánh trong những dịp chiêng được phép xuất hiện, dù trong đời sống người Tây Nguyên, chiêng có mặt ở tất cả các công đoạn của đời người, từ sinh ra đến chết đi, từ vui tới buồn, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ dưới đất tới... trên trời...

           Giờ chúng ta, nhiều khi hành xử sai rồi người dân cũng theo đấy mà... sai, ấy là bạ đâu đánh chiêng đấy. Nhiều người già nói: Như thế là không được đâu, không tốt đâu.

           Và chiêng, nó có không gian của nó chứ không phải chỗ nào cũng có thể vác ra mà khua.

Một Festival cồng chiêng thành công là phải trên cơ sở tôn trọng không gian, tôn trọng nguồn gốc, giữ cồng chiêng ở nơi chính nó sinh ra, và tổ chức cồng chiêng đúng là... cồng chiêng. Tức, nó là của nhân dân và do nhân dân là chủ thể, chứ cồng chiêng không phải là phụ họa, lại càng không phải là lễ hội, mà nó là thành tố của lễ hội. Tất nhiên vai trò của các nghệ nhân, của già làng được triệt để phát huy, và cũng tất nhiên, vai trò tác động, quản lý, tổ chức của nhà nước của ngành văn hóa cũng rất quan trọng, nhưng cố sẽ không có những kịch bản làm thay, xa rời thực tế, áp đặt hoặc... chỉ huy nghệ nhân.

           Và như thế thì lễ hội dân gian không còn tập trung về thành phố nữa, mà sẽ tỏa về huyện, về làng. Không tập trung cũng có cái khó, nhiều mặt khó, nhưng cái được là cái hồn, cái cốt của chiêng, của lễ hội, nó tươi tắn và giữ nguyên, nó được gắn với không gian mà nó sinh ra và tồn tại, nó được bền quyện với làng, với suối, với những thảm cỏ xanh mượt, với trời xanh ban ngày trăng sáng ban đêm. Nó là nguyên vẹn cồng chiêng, nguyên vẹn lễ hội nếu như người ta tổ chức lễ hội...

           Làng bấy giờ trở thành trung tâm của lễ hội. Những ngôi làng rờ rỡ trong trăng lạnh mùa khô tôi từng nhiều đêm thức cùng nó, nhất là thời kỳ đầu mới lên, cái thời trong veo bỡ ngỡ, giờ nhiều lúc muốn mơ về mà khó. Thế thì tại sao nhân dịp này ta không tổ chức lại những ngôi làng như thế. Mùa khô, gió lồng lộng, chiêng chiêng chiêng và xoang, những cặp chân díu vào cỏ, những cánh tay trần vươn trong trăng, những nụ cười như muốn xô lệch không gian. Và trên hết, tiếng chiêng lan tỏa trong không gian ấy, như mềm ra, như vút lên, như níu lại, như tan cùng gió, hòa vào trăng miên man cũng thảo nguyên mê hoặc...

Và Tây nguyên có nhiều dân tộc, từng dân tộc có không gian làng khác nhau. Ví dụ người Sê Đăng thường chọn vùng núi cao, độc đạo để ở. Những con đường lên làng vô cùng hiểm trở, nhất là mùa mưa. Có người bảo do người Sê Đăng thiện chiến, bao giờ họ cũng biến làng của họ thành những pháo đài, đối phương muốn tấn công lên rất khó. Người Bahnar thì ngược lại, hiền hòa, chọn những khu đất thoải và bằng lập làng, luôn kề suối hoặc những nơi có nước để làm giọt nước cho làng. Nhà rông của hai tộc người này cũng rất khác nhau, nhà rông Sê Đăng thì cao vút, uy dũng tạc vào trời xanh, nhà rông Bahnar thì thấp hơn, hài hòa hơn, nhiều đường cong hơn, gần gũi con người hơn, như con gà mẹ ấp iu bên lũ gà con là những ngôi nhà sàn lúp xúp xung quanh. Và với những không gian ấy, chiêng cũng khác nhau.

           Không gian sống, tính cách sống, hoàn cảnh sống vân vân quy định luôn tính chất của chiêng dân tộc ấy. Bật khỏi không gian ấy, chiêng thành một thứ nhạc cụ trình diễn. Mà trình diễn thì các nghệ sĩ chuyên nghiệp có khả năng hơn rất nhiều.

Những đêm Tây Nguyên đúng nghĩa như thế.

           Nhưng cũng vẫn khó.



          Nặng nhất với Tây Nguyên là chuyện rừng không còn 


           Chúng ta, bằng kế hoạch và cả phi kế hoạch, bằng công khai và cả... bất công khai, có từng đợt phá rừng Tây Nguyên có thể kể ra thành giai đoạn, và giai đoạn sau thường mạnh mẽ quy mô hơn giai đoạn trước, kỹ càng hơn, chi li hơn và ồ ạt hơn, từ phá rừng trồng lương thực cứu đói, đến giao cho cho các nông lâm trường, đến kinh tế mới và mới nhất, roi rói nhất là phá 50 ngàn héc ta rừng (cái gọi là) nghèo để trồng cao su, với quan niệm cao su cũng là... rừng. Mới nhất, tỉnh Gia Lai vừa thống kê và phát hiện hầu hết những diện tích cao su được trồng thay... rừng ấy đã chết vì không phù hợp, và UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn đề nghị chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng số đất “rừng” cao su ấy. Kết quả đã lộ diện... 

           Festival cồng chiêng, có thể coi như là một cuộc đánh thức phần hồn của Tây Nguyên bằng chiêng. Nhưng hãy nhớ, không có lễ hội cồng chiêng, mà cồng chiêng chỉ là một thành tố của lễ hội nào đó. Nó là một phần bắt buộc phải có của lễ hội chứ bản thân nó không phải và chưa bao giờ là một lễ hội hoàn chỉnh. Nhưng cồng chiêng lại gắn với người Tây Nguyên từ khi sinh ra tới lúc chết đi, tất cả các nghi lễ đều phải có chiêng tham gia, dẫu nó là một thứ “nhập tịch” chứ người Tây Nguyên không làm ra chiêng. Họ chỉ đi mua/ đổi về để sử dụng.

           Và, Tây Nguyên không chỉ có chiêng. Còn nhiều thứ nữa gắn quện, bền chặt để làm nên đời sống văn hóa tinh thần Tây Nguyên. Vật chất Tây Nguyên, có thể thô sơ, có thể đơn giản, nhưng thế giới tinh thần thì ăm ắp năng lượng văn hóa, thứ vừa mỏng manh vừa bền vững, vừa khoảnh khắc vừa trường tồn, vừa nhạy cảm vừa chai lì... để nó đã hiện diện trên cõi đời này hàng vạn năm, tham gia song hành tồn tại và định hướng đời sống con người vùng đất này từ thuở ấy đến giờ...

           Tây Nguyên giờ đang có rất nhiều thay đổi. Và đấy là sự thay đổi không thể khác, sự thay đổi hợp quy luật, thay đổi vì sự phát triển, thay đổi để phát triển.

           Nhưng nó lại cũng đang mắc “hội chứng nhân loại”, ấy là phát triển nóng.

           Làng không còn như xưa. Đời sống cũng không như xưa, sinh hoạt không như xưa. Tiện nghi hiện đại vào tận phòng ngủ, ít nhất cũng đến... chân cầu thang. Vậy thì còn không gian nào cho chiêng và các loại hình nghệ thuật dân gian khác. Bởi phàm là các loại hình nghệ thuật dân gian thì nó phải phù hợp với thời đại và không gian của nó, tách ra, nó sẽ chỉ là thứ bảo tồn, hoặc nó sẽ chết.

           Bây giờ điện thoại thông minh với tất cả các chức năng hiện đại phục vụ con người, đến truyền hình và báo giấy còn đang sống dở chết dở, đến các chương trình nghệ thuật đưa về tận làng phục vụ, phim ảnh cũng vậy... cũng không còn được hồ hởi đón nhận như xưa nữa, thì các loại hình nghệ thuật dân gian sẽ như thế nào?

           Hồi cách đây gần hai chục năm, chúng tôi xuống làng Hơrn, một ngôi làng Bahnar rất đẹp của huyện Kông Ch’ro tìm anh Đinh Gang, một nghệ nhân biết mấy cái Hơ amon (khan, H’ri, trường ca). Chúng tôi phải tắt điện, đốt lửa trong nhà cho anh nằm kể để chúng tôi ghi âm. Dân làng thì... tập trung bên ngoài, mỗi người xách theo một cái cát xét to đùng, bằng băng ca sĩ chuyên nghiệp hát cũng có, hát rồi tự ghi âm cũng có, tự nghe. Anh Đinh Gang này là một trong số những nghệ nhân cuối cùng của vùng này, thậm chí của Tây Nguyên cũng được, giờ người như thế hiếm lắm rồi, Đinh Gang cũng chết rồi, dù còn khá trẻ. Tại sao lại nhắc đến anh? là bởi, cái món Hơ amon ấy, muốn tồn tại nó phụ thuộc vào mấy điều kiện. Thứ nhất là có nghệ nhân. Loại này cực hiếm nhưng không phải không có, có làng có đến mấy người. Họ phải là người có trí nhớ tuyệt vời, để nhớ những câu chuyện hàng mấy đêm. Nhưng lại phải hết sức thông minh, có tố chất sáng tác được, là để thêm thắt, để câu chuyện luôn luôn mở, không lặp lại. Và họ phải là nghệ sĩ biểu diễn. Chỉ mình họ đóng được tất cả các câu chuyện trong Hơ amon, cả bằng giọng và động tác. Ở chèo Việt từng có trường hợp diễn viên chính chỉ diễn trên sân khấu, có diễn viên hát phía trong khi dựng vở nàng Si Ta. Đây ông nghệ nhân này kiêm tuốt. Đạo cụ, sân khấu, chuyện này mới quan trọng, chính là cái nhà sàn bé tí tẹo ấy. Có đống lửa, có vách nhà sàn. Nghệ nhân nằm hoặc ngồi, lửa phập phù in các động tác của ông lên vách, đấy là sân khấu. Và ông đọc, hát, kể, hú hét, giả giọng của tất cả các nhân vật. Ông sống cùng nhân vật, và dân làng cũng ngả nghiêng sụt sịt cùng nhân vật. Cả làng tối om, chỉ còn cái đống lửa phập phù trong nhà sàn ấy, nơi ấy trở thành nhà hát lộng lẫy, thành thiên đường cổ tích, thiên đường nghệ thuật.

           Giờ, thiên đường ấy phơi ra, lồ lộ ra hết cả. Điện sáng choang, tivi mở liên tục, giới trẻ còn bao nhiêu thú vui khác, những gì nghệ nhân kể họ còn biết nhiều hơn như thế. Và hết thiêng.

           Các loại hình khác cũng thế. Và đấy là quy luật.

           Chiêng cũng chả ngoài quy luật ấy, dù nó có vẻ phổ quát hơn.

           Ban tổ chức có ý định chia cái quảng trường Pleiku ra nhiều ô, giao cho mỗi đội chiêng một ô (các tỉnh có chiêng đều được mời có mặt), các vị muốn làm gì với chiêng thì làm, cứ khuấy động lên, cứ tưng bừng lên, cứ rộn rã lên, cứ hết mình lên. Thì cũng chả còn cách nào hơn, vấn đề là nghệ nhân có biến cái ô được phân ấy thành không gian của chiêng không, có nhắm mắt lại mà tưởng tượng đấy là làng được không?

           Chiêng và Festival chiêng giờ được gắn với du lịch. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Du lịch có tiền, nhưng tiền nhiều khi lại phá du lịch. Điều này nhiều nơi làm du lịch đã hưởng. Tỉnh Gia Lai từng có chủ trương (và đã thực hiện) là mua cấp cho mỗi làng một bộ chiêng. Chưa tổng kết đánh giá nhưng cách này chưa chắc đã hay. Bởi như đã nói, chiêng là vật thiêng, người Tây Nguyên quan niệm vạn vật hữu linh, đến cây cỏ còn có linh hồn huống gì chiêng. Chiêng là nơi các vị thần trú ngụ. Mỗi khi hạ chiêng là phải cúng rất cẩn thận. Nhiều khi trong đời sống, sự linh thiêng hóa làm cho cuộc sống bí ẩn hơn, nó làm cho con người phải tử tế và cẩn trọng hơn. Giờ chiêng như một công cụ, được cấp không như cấp dầu thắp đèn, muối ăn, mà lại là công cụ phục vụ, công cụ kiếm tiền, thì thái độ với chiêng sẽ khác, nó mất đi sự bí ẩn linh thiêng, rờ rỡ trơn tuột một công cụ, không hơn không kém...

           Mà từ khi cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại tháng 11 năm 2005 hình như cũng chưa có một tổng kết hoặc điều tra cụ thể nào xem từ bấy đến nay cồng chiêng Tây Nguyên như thế nào, nó tồn tại phát triển hay lặng lẽ nằm im, vai trò còn lại của nó trong đời sống, sự tham gia của nó vào sự phát triển, thái độ thật của người dân bản địa đối với chiêng, vân vân...

           Mấy năm một lần, thậm chí hàng năm cũng được, tổ chức festival cồng chiêng cũng tốt, ít nhất là nó làm cho mọi người nhớ rằng Tây Nguyên có chiêng và có không gian của chiêng. Vấn đề là, sau đấy, tìm ra những cách để nó tồn tại, vừa hợp lý nhưng lại không thô bạo, hợp tình nhưng cũng không khiên cưỡng, để nó sống đời của nó, vì nó và cho nó, tức là cho những người cần nó trong sự hài hòa với sự phát triển hiện đại và văn minh...

Bài in báo Quân đội Nhân Dân cuối tuần ạ.



 
                                                                                     

Không có nhận xét nào: