Tôi
xin mở đầu bài viết này bằng một câu chuyện nóng hổi. Tỉnh Gia Lai đang có kế
hoạch sáp nhập đoàn Nghệ thuật Đam San vào trung tâm văn hóa thông tin du lịch
và điện ảnh tỉnh. Cái trung tâm này là một đơn vị sự nghiệp của sở Văn hóa tỉnh Gia Lai.
Còn đoàn Nghệ thuật Đam San là ai? Đấy là một quá khứ oai hùng, tiền thân là đội văn nghệ tuyên truyền lực lượng
vũ trang của các tỉnh Tây Nguyên. Năm 1954, một số nghệ sĩ tập kết ra Hà Nội hoạt
động trong đội Văn công dân tộc thuộc Ban Dân tộc Trung ương. Cùng với nghệ sĩ
các tỉnh Nam bộ tập kết đợt này, Bộ Văn hóa- Thông tin quyết định thành lập Đoàn
Ca múa nhân dân các dân tộc miền Nam (năm 1961). Năm 1968, để đáp ứng nhu cầu
thưởng thức văn hóa văn nghệ của nhân dân, đồng thời đáp ứng nhiệm vụ chính trị,
đoàn tách thành hai với tên gọi Đoàn Ca múa nhân dân miền Nam (nay là Nhà hát
Ca múa nhạc Bông Sen TP. Hồ Chí Minh) và Đoàn Ca múa nhân dân Tây Nguyên (nay
là Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San). Từ đoàn này, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng
đã xuất hiện như Nhật Lai, Măng Thị Hội, Y Brơm, Xuân La, Y Dơn... (bài hơi chát, CCCM đọc tiếp đừng... nổi giận)
Tức là
đến nay nó đã có 50 năm hoạt động, và giờ thì, sáp nhập.
Mà lại
sáp nhập vào một trung tâm cổ động, trở thành đội thông tin lưu động. Nhiều người
phản ứng. Một tờ báo địa phương phỏng vấn tôi với tư cách một người làm văn hóa
lâu năm, một nhà thơ, nhà báo với hy vọng tôi sẽ... phản biện kế hoạch sáp nhập.
Nhưng trái với kỳ vọng của người phỏng vấn, tôi cho rằng đấy là một tất yếu.
Và, tờ báo ấy vẫn in ý kiến của tôi bên cạnh khá nhiều ý kiến khác, bày tỏ sự...
tiếc.
Trong
tình hình hoạt động hiện nay của đoàn Đam San, và không chỉ của đơn vị nghệ thuật
này, dù nó mới được... lên đời thành nhà hát ca múa nhạc Đam San, sáp nhập là đúng, dẫu có hơi khiên cưỡng chút. Cả 2 đều là tuyên
truyền, một bên bề nổi, một bên bề sâu, một bên cổ động trực quan, một bên nghệ
thuật chuyên nghiệp, nhưng quả thật, cái chất chuyên nghiệp của Đam San hiện rất
ít, yếu tố bảo tồn cũng không rõ ràng, nên nó cứ là một cái gì đấy bấp bênh giữa
nghệ thuật chuyên nghiệp và nghiệp dư. Thêm nữa, kiểu tuyên truyền thông tin cổ
động, thông tin lưu động giờ cũng không phù hợp nữa,vì các phương tiện truyền
thông, từ nghe nhìn tới kỹ thuật số vào tận giường ngủ của bà con 24/24 rồi,
nên hình thức như lâu nay của thông tin cổ động lạc hậu rồi. Cả 2 hình thức này
đều đã lạc hậu hơn đời sống, bị đời sống bỏ qua. Vậy thì phải đổi mới, để theo
kịp đời sống. Còn đổi mới như thế nào, sáp nhập ra sao, chắc phải có đề án. Và
đề án ấy cũng phải hết sức khoa học, chặt chẽ và hợp thực tế, kẻo không, lại đẻ
ra một thứ lạc hậu hơn, hoặc bằng cái cũ vừa bỏ đi thì cũng hết sức buồn cười.
Mở rộng ra, các đơn vị văn học nghệ
thuật khác cũng thế.
Trừ một số rất ít thoát ra, còn lại
thì hầu như tất cả các hoạt động văn học nghệ thuật của chúng ta hiện nay đều
bao cấp. Các hội VHNT địa phương và các tạp chí văn nghệ địa phương là một ví dụ.
Mô hình thì hoạt động như một cơ quan
hành chính sự nghiệp, nhưng lại hoạt động hội, chi tiền ngân sách, theo luật
ngân sách...
Mô hình các cơ quan văn học nghệ thuật
giờ đã lỗi thời, khi nó chỉ dựa vào kinh phí bao cấp để hoạt động, tạo nên sự
cào bằng, sự chi tiêu rất vô trách nhiệm, ví dụ các đoàn nghệ thuật xin kinh
phí dựng chương trình đi hội diễn, liên hoan... rồi nhận huy chương về lại xin
kinh phí để... báo cáo thành tích, lĩnh thưởng của tỉnh rồi... cất chương trình
vào kho. Ví dụ các hội VHNT nhận tiền tài trợ hàng năm của chính phủ, về chia
nhau rất cào bằng hoặc theo cánh hẩu, hầu như không có nghiệm thu, năm nào cũng
có khoản này mà chất lượng ngày càng lèo tèo. Ví dụ như các tạp chí văn nghệ địa
phương in vài ba trăm cuốn mỗi kỳ với chất lượng rất tệ, nhiều ban biên tập
không có năng lực thẩm định hay dở, cứ thấy có bài là in, một mặt là in xong
thì... cất kho, lãng phí rất lớn khi vẫn phải trả tiền in tiền giấy và nhuận
bút, mặt khác, điều này mới quan trọng, nó làm đảo lộn, ít nhất là lệch chuẩn
nghệ thuật, cứ thấy được in trên báo/ tạp chí văn nghệ của tỉnh là thành nhà
văn nhà thơ rồi, khiến cho cả người sáng tác và người đọc đều ngộ nhận, đều
không biết đâu là sự thật...
Vậy nên, xã hội hóa là việc làm không
thể khác, không thể đảo ngược. Nó khiến cho ngân sách đỡ phải chi những thứ vô
bổ, lãng phí. Nó buộc người chi tiền phải tiết kiệm, phải xót trước đồng tiền
mình chi ra. Nó làm cho xã hội bớt phải
chứa đựng những thứ ngụy nghệ thuật, nó trả lại giá trị cho những giá trị
vân vân...
Nhưng xã hội hóa thế nào lại là một
việc vô cùng khó.
Thả nổi một phát cũng không đúng, bởi
hàng ngàn con người đang hưởng biên chế sẽ đi đâu. Nói luôn, với cơ chế như hiện
nay, rất nhiều cơ quan hội văn học nghệ thuật, tạp chí văn nghệ và các cơ quan
khác được tuyển người rất vô tội vạ. Nó có một thực tế là, những người có năng
lực thật sự lại không về các cơ quan này, thậm chí chả cần vào cơ quan nào, họ
vẫn sống tốt, còn lại là rất nhiều người có nhu cầu vào cơ quan nhà nước bằng mọi
giá. Và rất nhiều người chả có chuyên môn gì đã vào các cơ quan văn học nghệ
thuật ngồi để hưởng lương chỉ vài ba triệu một tháng, như các công chức nhà nước
ở các cơ quan khác.
Một số hội VHNT giờ xác định lấy đi làm cho cơ sở là thành tích: dựng
văn nghệ cho các công ty, cho các huyện thị, kẻ vẽ, viết hồi ký, làm đặc san kỷ
niệm vân vân và tự xác định mình làm văn nghệ quần chúng... và như thế thì, nó
tương đương với các trung tâm hoạt động sự nghiệp của ngành văn hóa, thậm chí
là các câu lạc bộ trực thuộc trung tâm như câu lạc bộ thơ nữ, câu lạc bộ thơ
người cao tuổi, câu lạc bộ thơ hưu trí, câu lạc bộ thơ Đường, câu lạc bộ thơ nịnh
vợ, câu lạc bộ chim chào mào, câu lạc bộ chim bồ câu, câu lạc bộ thuốc lào, câu
lạc bộ tiểu đường vân vân, vậy nên một số nơi đang có kiến nghị, và đang làm,
là sáp nhập hội VHNT tỉnh vào một phòng hoặc trung tâm của sở VHTTDL cũng có
cái lý của nó.
Cũng rất khó để liên kết liên doanh. Việc này từng cá nhân thì được,
nhưng một cơ quan thì khó. Cách hay làm nhất là... cho thuê trụ sở. Nhưng cách
này đã bị cấm. Những người có tài thì đã rời cơ quan ra ngoài làm, những người
không biết làm gì thì đành... ngồi lại chờ. Chờ cái gì thì không biết, cứ chờ đấy.
Theo chúng tôi, cách tốt nhất hiện nay là tiếp tục áp dụng phương
pháp nhà nước đặt hàng, nhưng phải làm chặt chẽ hơn, chứ không như hiện nay,
đang bị biến tướng thành một thứ vừa như cào bằng, ai cũng có, mỗi người một
chút, hoan hỉ cả nhà, như hương như hoa đủ dăm bữa nhậu nhưng là một miếng giữa
làng, hoặc như một kiểu ban phát, thích ai thì ban. Thứ nữa là chia nhau trong
một bộ phận vân vân và vân vân, tiền vẫn phải chi ra nhưng thành quả không có.
Muốn đặt hàng nhà nước phải có những biện pháp thật chi tiết, cụ thể, để không
bị thất thoát và có thành phẩm, muốn thế phải có những hội đồng thật công tâm
và chuyên môn vững. Hiện nay, ngay cả các đề tài nghiên cứu khoa học được đặt
hàng nhưng cũng rất à uôm, nhiều cái rất tệ chả ứng dụng được gì mà cũng vẫn nghiệm thu, thì đặt hàng văn học
nghệ thuật càng khó hơn nhiều. Nhưng không phải là không làm được.
Trước mắt cần xem lại sự tồn tại của các tạp chí văn nghệ địa
phương, xem nó có tác dụng gì không khi mà mỗi kỳ chỉ in vài trăm bản, in xong
thì... cất kho và ban biên tập rất yếu, không phát hiện được tài năng, không
phân biệt được hay dở, không khích lệ được sáng tác mà cũng chả thực hiện được
nhiệm vụ gì. Hoặc nếu giữ thì phải có những quy định rõ ràng về chất lượng,
tiêu chuẩn biên tập viên và cả Tổng biên tập. Các hội VHNT cũng thế. Có thực tế
là hiện nay ai cũng có thể làm lãnh đạo hội VHNT miễn là người ấy sắp... về
hưu, có viết hoặc vẽ hoặc gẩy vài nốt nhạc. Thậm chí chả biết gì về VHNT, làm
những công việc cũng chả liên quan, nhưng được “điều” về như điều công chức
bình thường. Và họ biến các hội VHNT từ là “vườn ươm tài năng VHNT” thành cơ
quan hành chính. Một thực tế nữa là hiện nay không phải tỉnh nào cũng đủ người
hoạt động VHNT để thành lập hội, nhưng vì các tỉnh có thì tỉnh ta cũng phải có.
Thế là thành lập, và kết nạp búa xua. Và tiền ngân sách cấp, nhất là tài trợ
hàng năm của chính phủ, thì căn cứ trên số lượng hội viên. Nên có chuyện, tỉnh
nọ chia đôi, khi chia tỉnh mới chả có hội viên nào, tỉnh cũ bèn kết nạp vội được
7, 8 vị để lên làm nòng cốt. Một thời gian sau thì số hội viên ở tỉnh mới đông
gấp đôi tỉnh cũ...
Cái cuối cùng của các hoạt động văn học nghệ thuật là tác phẩm (đối
với người sáng tác) và chất lượng phục vụ (đối với người biểu diễn). Lâu nay
chúng ta đổ tiền vào nhiều nhưng quên tính đến hiệu quả này. Giờ, không thể
khác, chúng ta phải tính cụ thể. Nó vừa để không lãng phí vật chất, và quan trọng
hơn, không lãng phí năng lượng tinh thần của xã hội, khi mà tác phầm cứ hết sức
làng nhàng mà tiền thì vẫn đổ vào như thế...
Xã hội hóa là một xu thế tất yếu. Bên cạnh đấy, nếu những cơ chế cũ
nào xã hội hóa không được, tức là đến xã hội cũng không cần nữa, sự tồn tại của
nó chỉ là do duy ý chí, thì chúng ta nên mạnh dạn sáp nhập, hoặc giải tán. Trân
trọng, chăm sóc tài năng, đồng thời cũng phải phân biệt rõ bèo bọt ăn theo. Ở địa
phương tình trạng lẫn lộn giữa tài năng và không phải tài năng, lẫn lộn giữa
người sáng tạo, hoạt động văn học nghệ thuật với người lợi dụng văn học nghệ
thuật để đánh bóng, ăn theo khá nhiều. Một ví dụ mới rợi, công An Thanh Hóa vừa
bắt quả tang “nhà báo nhà thơ” Đăng Hạ. Ông này một thời lập ra câu lạc bộ thơ
Việt Nam thu hút hàng chục ngàn người là “nhà thơ” trên cả nước ra nhập, và thu
tiền của họ rồi cấp thẻ, rồi phong chức phong danh khiến ai cũng tưởng mình đã
là... nhà thơ, khoe khoang khắp nơi, có người mang thẻ về liên hoan, thậm chí
còn thắp hương trên bàn thờ. Đây cũng là một cách... xã hội hóa, nhưng là xã hội
hóa bẩn, lừa đảo, đánh vào thói háo danh của con người. Hồi ấy tôi và một số đồng
nghiệp đã liên tục viết bài đăng báo, cảnh báo về ông này và việc làm phạm pháp
này. Và kết quả, cả chục năm sau, ông này bị bắt vì mang danh “nhà báo” đi lừa
đảo, trấn lột.
Nên, một mặt, cần xã hội hóa các hoạt động, nhưng mặt khác, cũng
cương quyết vạch những hành động lừa đảo, trấn lột. Mặt khác nữa, nhà nước cũng
phải xem lại hoạt động các tổ chức văn học nghệ thuật mà mình cấp kinh phí hoạt
động, xem họ tiêu tiền thế nào, có đúng mục tiêu hoạt động không, hoạt động ấy
có đáp ứng nhu cầu không, có lãng phí không, có làm lấy được, làm không cần biết
hiệu quả không?
Cả nước chuyển động, đổi mới hoạt động, bộ máy văn học nghệ thuật
không thể cứ mãi như cách đây mấy chục năm, ngồi đợi nhà nước cấp kinh phí để
hoạt động, các cuộc họp chỉ để... xin tiền và chia tiền (nhà nước)...
1 nhận xét:
Em xin góp ý câu cuối cùng: - Tiền mồ hôi nước mắt của DÂN ạ, ko phải của nhà nước!
Đăng nhận xét