Cái
việc cuối tuần trước, bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phải quyết định dừng thu phí ở
đường cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi như là giọt nước tràn ly, như là không thể
khác, dù nhẽ ra nó phải được thực hiện một cách cương quyết hơn, sớm hơn, không
chỉ ở đoạn đường cao tốc này.
Như
một... quy luật ở nước ta, là các con đường cứ làm đến đâu là... hỏng đến đấy.
Đường Hồ Chí Minh bề thế hoành tráng thế, đường 1 quốc gia huyết mạch thế, đường
Trường Sơn đông quan trọng thế, các đường cao tốc hiện đại thế, các BOT cẩn thận
chỉn chu thế... hầu như cứ đưa vào sử dụng là hỏng. Và khi ồ ạt làm những con
đường thì trống giong cờ mở, đến khi hỏng thì sửa một cách hết sức thảm hại, mà
cái hình ảnh thảm hại nhất mà ai thấy cũng cám cảnh, là giữa con đường cao tốc
mới hoàn thành với 34 ngàn tỉ đồng, một công nhân ngồi thảnh thơi dùng... bay
miết các ổ gà, y như người ta miết cái nền nhà xi măng thời bao cấp bị thủng.
Có
lẽ là tại từ lâu lắm rối, vấn đề trách nhiệm chưa bao giờ bị quy ra rốt ráo, để
rồi chả có ai chịu trách nhiệm cả. Như cái đường cao tốc 34 ngàn tỉ đang nói
đây, mỗi người nói mỗi phách, về nguyên nhân nó hỏng ngay tắp lự, hỏng như vỗ mặt
vào cái lễ khánh thành vừa hoành tráng trước đấy, hoa chưa kịp héo ấy, tiếng vỗ
tay chưa dứt ấy, rằng là do mưa, do xe chạy nhiều, do xe tải trọng nặng... đến
nỗi phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình sau đấy trong cuộc họp trực tuyến
phải gay gắt: Các lý do ấy đều không thuyết phục. Thế thiết kế làm gì mà đường
lại sợ... mưa, sợ xe chạy...
Mà
đúng là thật, thôi thì cái thời trước, cán bộ có thể không cần chuyên môn, miễn
cứ là... cán bộ thì có thể bố trí bất cứ cương vị nào, chứ giờ, chuyên môn hóa,
các cán bộ có trách nhiệm làm những con đường ngàn tỉ, từ thiết kế, giám sát, đến
thi công, nghiệm thu... đều phải là những vị có chuyên môn sâu về đường, về kỹ
thuật liên quan đến vận tải... thế mà nói cứ như những người chưa từng... chạy
xe trên đường, khiến cánh lái xe và cư dân mạng phải... bày cách cho, nào là
nên làm đường có mái che, làm đường xong cấm... xe chạy, hoặc lắp cánh cho xe để
không chạm đường...
Vừa
rồi đích thân bộ trưởng Thể vào Bình Định kiểm tra con đường... xấu nhất Việt
Nam chạy qua đây, dù nó là con đường 1, đường huyết mạch quốc gia, và mới đưa
vào sử dụng từ năm 2015, tức được 3 năm, nhưng nó đã kịp trở thành... mặt ruộng,
dù các trạm thu phí ở đây hoạt động hết công suất. Thu cứ thu và đường hỏng cứ
hỏng. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định có công văn, đoàn đại biểu quốc hội có ý
kiến, nhân dân phản đối... nhưng đường vẫn thế, chỉ có một động thái duy nhất
là... giảm mỗi vé 5 ngàn đồng. Xe con trước thu 35 ngàn thì giờ hạ còn 30. Bộ
trưởng Thể có dọa là, nếu không sửa đường như đúng thiết kế thì ông sẽ buộc dừng
thu phí, trong khi nhẽ ra, ông không dọa nữa, mà làm ngay, như cái cách ông làm
với đoạn cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi, bởi ở đoạn này, ông cũng “dọa” mấy lần rồi,
và khi ông dọa xong thì các chủ đầu tư cũng... quên, họ chỉ nhớ... thu phí.
Cũng
con đường 19 từ Pleiku xuống Quy Nhơn, một công ty đầu tư làm BOT nhưng chỉ chặn
làm ở 2 đoạn đường đang ngon nhất, và tổng 2 đoạn đường làm này chỉ là 52 cây số
trong khi quy định là 70 cây số một trạm. Và, cũng như mọi con đường khác, nó vừa
được thu phí vừa... hỏng. Chạy trên gần 200 cây số từ Quy Nhơn lên Pleiku, so
sánh đoạn 52 cây số quây lại thu phí và hơn một trăm cây số còn lại, chả thấy
khác bao nhiêu. À khác là có 2 trạm thu phí, mà thu phí rất thủ công, tức là
trong khi bộ Giao thông Vận tải hô hào và có chế tài buộc các xe chạy trên đường
phải gắn tem thu phí tự động thì chính các trạm thu phí lại... bán vé bằng tay.
Bộ trưởng Thể, cũng trong đợt kiểm tra vừa rồi lại tiếp tục... dọa sẽ không cho
thu phí nếu các con đường ở đây tiếp tục hỏng. Kể, ông quyết luôn một phát như
không cho đường cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi thu phí cũng hay, thì các ban quản
lý, các chủ doanh nghiệp BOT mới nhảy nhổm lên.
Ngay
khi tôi đang viết bài này thì nhận được thông tin nóng hổi: Thủ tướng chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc đã lệnh thanh tra con đường “xấu nhất Việt Nam” Bình Định Phú
Yên vừa khánh thành được 3 năm với tổng kinh phí là 7.798 tỷ đồng này và báo
cáo ông trong tháng 12.
Cần
những động thái hết sức mạnh, những chế tài đủ uy lực để những con đường Việt
Nam chúng ta làm xong không phải... sửa ngay, không sợ... mưa, không sợ... xe
chạy.
Trên
thế giới có con đường nào có những nỗi sợ hãi như ở Việt Nam không hả giời? Có
con đường nào vừa trống giong cờ mở thông xe xong lại lúi húi vá ổ gà như vá đường
làng không hả giời?...
1 nhận xét:
xã lộ Biên Hòa do hãng RMK (Mỹ) làm từ 1960 đến 1990 vẫn tốt nhất ĐNÁ , mặc dù năm 1975 xe tăng của cả 2 phe chạy ầm ầm cả đoàn hàng trăm chiếc . Của tư bản dẫy chết cái gì cũng tốt , nhưng nếu làm vậy thì lấy tiền đâu mà xây biệt phủ ..... ....
Đăng nhận xét