Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018

THẮC THỎM NHỮNG CON ĐÈO


           Từ Pleiku muốn xuống đồng bằng phải qua hai con đèo. Ngày xưa chỉ có mỗi đường ấy chứ chưa có con đường Hồ Chí Minh chạy song song đường Một như bây giờ. Mà mỗi khi phải nhìn xuống thì nó cứ hun hút, là nhìn ý niệm ấy, nhìn tâm tưởng, nhìn mong ước ấy, chứ làm sao mà mắt trần thấy được. Ngay đứng đỉnh đèo nhìn xuống chân đèo đã thấy rợn ngợp, cách ngăn, đã thấy nghìn trùng thăm thẳm, thấy ly biệt miên man rồi.



           Vậy nên, mỗi khi có việc xuống đèo, thấy như là chuẩn bị về một thế giới khác, thấy như li biệt liền kề, thấy như cách ngăn đã hiện, thấy như trùng phùng đã tít tắp, sum họp đã ly tàn, thấy đầu thấy cuối, thấy cận thấy viễn, thấy hoành thấy tung... Nhất là cái mùa mưa cứ giăng màn trước mặt, người như Kinh Kha tráng sĩ, như ra trận hề, ra trận hề... Và con đèo, cái con đèo như một mời gọi lại như thách thức, như một mơ hồ lại đầy hiện hữu, như một tích tắc mà lại miên man, như một miên du mà lại trầm ngâm khắc khoải...
 

           Bây giờ thì thật, chớp mắt, Quy Nhơn đã trước mặt. Nhưng ngày xưa thì khác. Có mt anh bộ đội quân đoàn 3, giờ là nhà thơ, nhà báo nổi tiếng, Hồng Thanh Quang, một chuyến xuống đèo, đã để lại bài thơ khiến rất nhiều người thổn thức, đến tận giờ, chứ không chỉ thời ấy, và tôi tin, sẽ còn nhiều người nữa, và còn thời gian để nó tiếp tục lan tỏa nữa...

Càng xuống đèo anh càng nhớ em hơn/ Nhớ thị xã ôi nhiều vô chừng dốc/ Quãng đời vang tiếng cười, quãng đời đầy nước mắt /Anh làm sao sống được đến hai lần /Rát mặt đường gió rít bước long đong/ Tiếng gì thế theo anh da diết đuổi/ Thời trai trẻ hay lời em khản gọi/ Mà càng xuống đèo anh càng nhớ em hơn...

Hôm qua tôi đã phải lục tung toàn bộ ký ức để tìm một câu thơ cũng đẹp về... đèo. Cứ nhớ có câu thơ “Đèo An Khê cuộn rối một con đường” thấp thỏm đâu đấy. Lục mãi thì ra cái tên Trịnh Kim Hiền. Một cán bộ địa chất từng ở Pleiku, về quê, gửi lại cho tôi bài thơ, có cái câu khiến tôi cứ thắc thỏm ấy. Lục tìm thế giới mạng (mạng vĩ đại thật) thấy có cái ảnh anh chụp chung với một người bạn facebook của tôi. Nhắn tin cho anh kia, qua vài lane nữa thì... tìm được anh. Giờ là một lão nông cỡ 70 tuổi ở một làng nào đấy thuộc tỉnh Bắc Giang. Nửa đêm anh nhắn qua tin nhắn điện thoại cho tôi mấy câu thơ của anh khiến tôi thắc thỏm: “Quà cho em thơ viết chưa xong/ Đêm vùng biển chập chờn thức ngủ/ Nghe gió trở mắt chợt bừng dậy nhớ/ Đèo An Khê cuộn rối một con đường” (Về thăm biển- Trịnh Kim Hiền). Cái câu “đèo An Khê cuộn rối một con đường” rất gợi, rất tâm trạng, rất... rối, biểu hiện đúng cảm xúc một người xuống đèo để rồi... nghìn trùng mãi mãi...

Những người xuống đèo, lên đèo thời ấy, đều có đích, hoặc từ đấy đi, hoặc sẽ về đấy, là Pleiku.

Có khi cái địa thế khó khăn một thuở, những phấp phỏng hoang mang một thuở, cái mong manh của khoảnh khắc, của những trù liệu chênh vênh, của những đắp bồi thiếu hụt... lại khiến lòng người có những phút giây bùng lên nỗi bàng hoàng đẹp đến thế, thắt lòng đến thế, bởi sự diệu vợi, sự xa xót, sự ân hận, hối lỗi như là mình chưa tới chưa đành.

Pleiku một thời mong manh thế, với “những bước chân âm thầm”, những chiều khách lạ, và nỗi bâng khuâng khách lạ...


Pleiku lạ đến nỗi có hai nhà thơ nữ ở hai vùng trời khác nhau chưa từng đến Pleiku mà ngồi ước... lên đèo: Thôi mặc gió đầy trời sao của mắt/ Mây của trời và em của mùa sau/ Dáng phố nhỏ trong chiều huyền hoặc hát/ Khúc ca buồn miền nắng nhớ chênh vênh- (Mường tượng Pleiku - Nguyễn Thị Anh Đào) và Có một phố núi xa xôi/ Sương giăng đẫm chiều mắt ướt/ Mơ lắm mà chưa đến được/ Ngày nào cũng ngóng mây xuôi- (Gửi người Pleiku - Nguyễn Thúy Quỳnh). Còn đây là một nhà thơ nam cách đây mấy năm một chuyến xuyên Việt với chỉ một đêm duy nhất Pleiku mà rồi thao thức: Vây quanh ta trái đồi nhà bung biêng mộng mỵ/ lối phố dốc cong thung lũng vòng tay./ Coffee đen nóng ở đâu mà  treo không biển hiệu/ Làm sao bây giờ để ngắm mắt em/ Làm sao bây giờ hong khô tóc ướt...
Bài ca Pleiku./ trải nghiệm và tưởng tượng/ sương như khói sương bay nhoà hơi thở/ một bóng mềm dài trắng áo em.../ dài trắng áo em...
Pleiku/ Ta đến trong đêm rồi rời trước bình minh/ cùng chiếc xe đò hằn thương tích đang rã rời dưới chân tượng đài chiến thắng./ Giã biệt dã quỳ trong hương dạ lan./ Chợt nhớ có nhà thơ xứ Huế mấy mươi năm gọi Pleiku là nhà...- (Gửi Pleiku - Nguyễn Tham Thiện Kế)... 

Đấy là tâm thế của người... lên đèo.

Và dưới đây là cảm xúc của người hiện hữu, người định hằng Pleiku.

 Pleiku/ ta đón mùa thu từ cái đêm dã quỳ mất ngủ/cỏ lân khân ướt sương/những hạt sương tròn vo cơn mơ ngược núi/mùa thu về đâu hoa sữa nồng nàn...
rồi về/ ta gieo một nắm thiên thanh/ bông lan hài đung đưa bên cửa sổ/ trên triền xanh nắng lên vàng mỏng gió/ em với mùa thu trong suốt nghìn trùng
Pleiku mùa thu gập ghềnh tình khúc Vũ Thành An/thắp một bông gạo cuối mùa/bông gạo cháy/ nỗi nhớ nhà leo lét núi xa...(Đón mùa thu ở Pleiku). 

Và một Pleiku của Phạm Đức Long cũng thăm thẳm da diết thế này: “Khoảng trời lá thông hương chín rụng như mơ/ tôi có tuổi 20 ở đó/ tôi có nắng có mưa có những cơn lốc đỏ/ có mùa xuân im lặng kéo qua đời/ Khoảng trời lá thông bạn tôi cũng đói nghèo/ Thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn/ Thương nhau giữ tròn lẽ sống/ Giữa trắng đen hư thực thăng trầm...” (Khoảng trời lá thông).

Ơ những con đèo, nhiều khi nó không còn là đèo, nó là cái cớ cho nhớ thương bộc lộ, là cái neo cho con người nhớ về, là cái điểm cho thời gian dồn tụ, và là nốt xanh để không gian luênh loang.
 
Để nhớ, từ Pleiku chiếu xuống, có 2 con đèo, có những thổn thức, những rung động, những chiều tà, những bình minh, những trái tim và những đồng vọng... Có trông tới ngóng về, có xuống, có lên, có hằng nhiên an tại. 

những con người để mà còn rung động, vì nhau...



                                                                          


          

Không có nhận xét nào: