Lâu nay, ai cũng biết, Tây
Nguyên là thủ phủ cà phê, là nơi toàn dân xơi cà phê như người Bắc dùng trà buổi
sáng, người Nam bộ dùng trà đá... cả ngày.
Nhưng tường tận nó, cho nó
ngọn ngành, không phải ai cũng tường.
Tôi cũng là dân nghiện cà
phê từ... thế kỷ trước. Và từng tuyên bố, cà phê Pleiku là ngon nhất, hơn cả
Buôn Ma Thuột, vốn trước đấy vẫn nghe và luôn được chứng minh, Buôn Ma Thuột mới
là cà phê, còn các nơi khác chỉ là cà... chưa phê hoặc sắp phê.
Và cũng thăng trầm cùng sự
thay đổi của nó. Từ cà phê kho, tiến lên cà phê phin rồi cà phê ép, từ cà phê
trộn tới cà phê nguyên chất, cà phê sạch, và phê chỉ... cà phê...
Và cũng từng có những...
phát minh, rằng là người ta uống cà phê là uống cái không khí, cái không gian,
cái chất cà phê ở người uống, chứ chưa hẳn đã vì cà phê, bởi nếu vì cà phê thì
hà cớ gì, vợ mua cà phê loại ngon nhất, pha đúng điệu nhất, hầu hạ tận miệng mỗi
sáng, nhưng những gã chồng nghiện cà phê vẫn luôn luôn trong tư thế sẵn sàng
chuồn ra quán uống với bạn, nếu không chuồn được thì sẵn sàng tuyệt... ẩm, kệ
ly cà phê vợ pha chỏng chơ trên bàn.
Và cũng từng uống ở những
quán cà phê lâu đời và nổi tiếng nhất ở Pleiku như Kim Liên, từ thời ở Hùng
Vương, giờ lên Tăng Bạt Hổ, Thu Hà thời con đường Nguyễn Thái Học còn là đường
đất lổn nhổn đá và hàng rào kẽm gai, Hoàng Lan từ Lê Lợi đến Phan Đình Phùng và
Wừu vân vân...
Giờ quán cà phê ở Pleiku mọc
lên vô thiên lủng, nhan nhản, sang trọng và đẹp, phục vụ khách tận răng như có
khu chơi cho trẻ con, có nơi bán đồ gốm sứ theo... ký. Có những quán cà phê bước
vào cứ tưởng như mình đang ở một xứ nào đấy, tinh tế đến từng chi tiết, tiện
nghi đến từng bước chân, và lộng lẫy như cung điện.
Tất nhiên những quán vỉa hè
cũng vẫn luôn mời gọi với loại văn hóa... vỉa hè với cái tên gọi rất bình dân:
quán cóc.
Thì sáng nay, một đoàn
khách Hà Nội í ới, ông ơi, cà phê 24 chỗ nào, chỉ cho chúng tôi với.
Hoàn toàn không muốn PR
nhưng quả là, muốn uống cà phê ngon thì nên vào đấy.
Cũng có lần một ông nhà văn
đàn anh từ Hà Nội vào bảo tôi đưa đi cà phê, tôi hỏi bác muốn uống cà phê đẹp
hay cà phê ngon. Ông bảo, cà phê đẹp thì nhiều nơi có, kể cả... Paris, Luân
Đôn... ông uống rồi, cho ông đến cà phê ngon.
Thì vào đấy, tôi mới biết
là, té ra giống cà phê ngon nhất lại là trồng ở... Lâm Đồng. Đơn giản, cũng như
trà, cây cà phê ưa độ cao. Mà trong 5 tỉnh Tây Nguyên thì Lâm Đồng cao nhất.
Chưa hết, rẫy cà phê ấy phải hứng được gió biển, hơi biển và... không khí biển.
Điều này cũng Lâm Đồng đáp ứng được. Thì sang đấy, mua nguyên cả rẫy, rồi thu
hoạch. Không như phong trào thu hoạch đại trà cả quả xanh quả chín vì thứ nhất
là sợ trộm, thứ 2 là giá thành cao, đây chịu khó kỳ công, chỉ quả chín mới hái.
Rồi các công đoạn phơi phóng đều rất cẩn thận, rồi mang về nhà tự rang xay. Rang
xay rồi trộn cà phê nguyên chất là bí quyết của từng nhà, từng người, để mỗi
quán có vị riêng, hương riêng, không lẫn quán khác giữa hằng hà sa số quán, để
khách nghiện như nghiện... cà phê, đi đâu rồi cũng về, thậm chí đi công tác thì
mua cà phê bột mang theo, tự pha, đành thế...
Và cũng mới biết, té ra pha
cà phê nó có rất nhiều cách, chứ không chỉ có phin hoặc ép.
Tùy nguyện vọng của khách
yêu cầu, chủ quán sẽ trực tiếp pha cà phê Syphon kiểu Pháp, Drip kiểu Nhật, Bialleti kiểu Ý vân vân...
Nó kỳ khu, công phu, tinh tế,
tỉ mẩn và nghệ thuật. Mục đích cuối cùng là, làm cho cái hạt cà phê thần thánh
kia, tiết ra tất cả những gì nó có trong mình, phục vụ gu từng người. Khoái cảm
cà phê, sung sướng cà phê và đắm đuối cà phê.
Nhớ hồi những năm 70, 80 của thế kỷ
trước, đi trên các ngõ, các con đường Pleiku, vào các buổi chiều, ta hay ngửi thấy mùi cà phê
rang thơm lừng từ một ngõ nhỏ nào đấy bay ra, thơm đến phải đứng lại ngơ ngác
một lúc, bần thần một lúc, hít hà một lúc... rồi mới bước đi tiếp được. Đến mức
có thời tôi nghĩ đấy là một trong những đặc trưng của chiều Cao Nguyên. Giờ, cà
phê tràn lan khắp nơi, nhà nhà cà phê, người người cà phê... nhưng có vẻ ít ngửi thấy cái mùi cà phê rang bao giờ?
Chả lẽ họ lại bịt hết cái mùi thơm thần thánh, mùi thơm tạo nên thương hiệu,
nên đặc trưng của một vùng đất, và là niềm tự hào của vùng đất ấy, chỉ để làm
cái việc chứng minh rằng, cà phê không cần... rang nữa? Không phải, là tôi
đang ngồi ở ngay bên cạnh cái máy xay cà phê của quán 24, nhưng có vẻ như,
hương cà phê nguyên chất nó không quyến rũ như... hương liệu (Ngày xưa rang cà
phê người ta trộn thêm nhiều thứ bí quyết bí mật như... nước mắm, mỡ gà, bơ...
nên dậy mùi hơn).
Sau này có ai viết về lịch sử cà phê
Việt, sẽ phải viết từ cái thời cà phê bít tất, cho cà phê bột vào bao vải như
cái bít tất nấu một nồi bán cho mấy chục người uống, đến cà phê tự mình. Vào
quán, tự lôi cái bình rang xay ra, tỉ mẩn xay, tỉ mẩn pha, rồi ngồi nhấm nháp,
một mình một vương quốc, mình trở thành vua, thành tổng thống, thành hoàng hậu,
thành... duy ngã, chỉ với ly cà phê thơm ngát trên tay, chả phải là một cái thú
tao nhã hiếm có của con người hay sao?
Cà phê Pleiku, dứt
khoát sẽ phải đồng hành cùng du lịch. Nó sẽ là một phần của du lịch, và bản
thân nó cũng là một tour du lịch. Mà cái mùa hoa cà phê ấy, lại chả mê hoặc bao
người ư. Chợt nhớ nhà thơ Vân Long từ Hà Nội vào, đi thăm vườn cà phê đang mùa
hoa, trắng tinh thơm ngát, đẹp mê hoặc, phát hiện ra một điều, hết sức chân lý
nhưng chưa ai nghĩ ra, và vì thế ông có một câu thơ hay: Cả đời uống cà phê đen, mới hay hồn hoa trắng...
Văn học phương tây
ấy, chả đã có những cái quán cà phê bất tử trong ấy là gì?...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét