Có một sự quan hệ
tương hỗ rất chặt chẽ giữa lễ hội và du lịch. Du lịch bám vào lễ hội và ngược lại
lễ hội cũng cần có du lịch để có thêm điều kiện tương tác và phát triển.
Hôm
rồi, dân làng R’bai tổ chức lễ cúng cầu mưa, và huyện Phú Thiện, nhân đấy, làm
một cuộc quảng bá về du lịch.
Có
mấy vấn đề cần phải đề cập về mối quan hệ tương hỗ này.
Thử
vòng vo một tí. Ai cũng biết máy ảnh, rồi máy quay phim... xuất hiện để ghi lại
các khoảnh khắc của nhân vật, sự kiện. Trừ những người làm nghệ thuật, có kịch
bản hoặc ý đồ dàn dựng thì xuất hiện vai trò của kịch bản và đạo diễn, để thành
quả trở thành một tác phẩm. Còn lại, thì nguyên tắc chung là, đấy là công cụ
ghi lại sự kiện.
Thế
nhưng giờ, đa phần các thợ ảnh, thợ quay camera được chủ mời hoặc thuê tới lại
thường là người... chỉ huy sự kiện. Ví dụ đám cưới đám hỏi, nhà có việc mà thuê
thợ ảnh, thợ quay về thì đa phần là phải... làm theo thợ, bỏ qua những nghi lễ
truyền thống, hoặc ít nhất là, nghi lễ truyền thống bị... đạo diễn. Bạn tôi nói
đùa, có lần thợ ảnh đã bắt gia đình kia... hạ huyệt lại để anh ta chụp, vì trước
đấy chụp hỏng. Còn cái chuyện phải vái gia tiên nhiều lần, mời rượu bố mẹ nhiều
lần, trao nhẫn nhiều lần (để chụp) là... bình thường.
Việc
này đang có cơ diễn ra ở cả du lịch.
Cái
hôm lễ cúng cầu mưa ở làng R’pai ấy, có một người trong ban tổ chức đã rất kiên
quyết mời tất cả các nhà báo ra khỏi khu vực làm lễ, vì nơi ấy là thiêng liêng,
Yang đang ngụ, thầy cúng làm lễ hướng về đấy. Nhưng rồi ông đã... bất lực, bởi
ai cũng muốn có góc chụp tốt nhất, chỗ quan sát rõ nhất. Và khi đã phải đồng ý
cho các nhà báo ngồi men sát tường, thì cũng đồng nghĩa sau đấy họ sẽ... tràn
vào. Cũng như thế, trước đấy ông này đã yêu cầu đóng cửa sổ của căn nhà sàn đối
diện vì phát hiện có mấy nhà báo đã... ngự trên ấy, chĩa ống kính ra ngoài.
Nhưng rồi nào có được.
Có
những quy định nghiêm ngặt trong lễ cúng, như việc, với hàng trăm ghè rượu được
bày ra, và dù người Jrai nói riêng, Tây Nguyên nói chung rất hiếu khách, nhưng
khi cúng, chỉ người làng mới được vào uống rượu. Lần lượt từng người xắn quần
lên, bỏ dép, xếp vào hàng thứ tự ngậm cần. Phụ nữ thì uống rượu hút ra từ ghè
chứ không trực tiếp như đàn ông. Về nguyên tắc, nó là thiêng liêng, nhưng khi
diễn ra dưới sự quan sát của hàng ngàn cặp mắt, với đủ mọi trạng thái cảm xúc,
từ nghiêm túc tới thờ ơ, thì nó đã mất đi sự trang nghiêm của lễ. Vậy nó là cái
gì?
Đấy
là mới chỉ có nhà báo và một số ít quan khách, sau này nếu có khách du lịch,
ông bà nào cũng lăm lăm máy ảnh hoặc điện thoại - như - máy - ảnh thì sẽ thế
nào?
Và
cũng phải lý giải cho rõ rằng, cái lệ cúng cầu mưa ấy nó có từ thời xửa thời
xưa, cái thời cả vùng thung lũng Phú Thiện này chỉ có nắng và nắng, nên mới có
chuyện đôi trai gái tìm nhau và chết trong khô khát để cứu dân làng. Và đấy là
lý do để các thầy cúng cầu mưa tồn tại. Đến ông vua được gọi là vua lửa thì việc
chính của ông ta cũng không phải tìm lửa mà là cũng cúng cầu mưa, đủ thấy mưa
quan trọng và quý đến như thế nào với cư dân vùng này?
Nhưng
giờ, thủy lợi Ayun Hạ là một công trình khổng lồ giữa Tây Nguyên, đủ sức tưới
(trên lý thuyết) cho 13.500 héc ta, nước chảy quanh năm, quanh nhà, cả vùng khô
khát khổng lồ ấy giờ toàn ruộng nước ao chuôm như những ngôi làng ở đồng bằng Bắc
bộ, thậm chí chỉ cách cái làng cúng cầu mưa ấy hơn chục cây số là một cái đầm
sen khổng lồ gần 12 héc ta, mênh mông như ở đồng bằng sông Cửu Long, thì lý giải
như thế nào cái việc người dân vẫn cúng cầu mưa để khách du lịch thông hiểu, bởi
nếu không sẽ rất là mâu thuẫn giữa những hiện hữu đang diễn ra.
Rõ
ràng, giữa lễ hội và du lịch có sự tác động tương hỗ, “ăn theo” lẫn nhau, nhưng
cũng phải có sự rạch ròi để 2 bên vừa độc lập vừa phát triển đúng nghĩa, không
để anh nào phải chịu chiều anh nào. Vào chùa thì biết, việc của chùa chùa cứ
làm, khách cũng vẫn cứ tham quan, nhưng phải tuân thủ chặt chẽ nội quy chùa, ai
vi phạm bị cảnh cáo ngay. Ít nhất anh cũng không thể tự tiện đi giày dép vào
chùa, mặc váy ngắn, quần sooc áo ba lỗ hai dây... vào chùa. Có chùa cẩn thận, để
phù hợp với “thuần phong mỹ tục” hiện đại, để sẵn rất nhiều váy quấn, loại phụ
nữ hay quấn bây giờ để chạy xe máy ấy, ai mặc váy, sooc ngắn cứ tự động lấy quấn
vào rồi mới lạy phật.
Cuộc
sống vẫn phát triển với tất cả những gì nó có, con người cũng luôn muốn tận hưởng
cuộc sống, nhưng để làm chủ, để cuộc sống vừa có ý nghĩa vừa hợp nhẽ, cần có sự
thấu hiểu và sẻ chia từ nhiều phía. Lễ hội dân gian, về nguyên tắc là lễ hội tự
giác, không có diễn viên không có khán giả, chỉ có sự thành tâm nhập cuộc của tất
cả mọi người. Thì từ ngàn đời nó thế, giờ “nhập cuộc” nhưng cũng cố đừng biến
nó thành sân khấu. Bởi nếu thế thì các nghệ sĩ chuyên nghiệp đánh chiêng,
t’rưng, múa... hay hơn dân làng nhiều...
1 nhận xét:
nói đến Gia Lai là nhớ phong cảnh Biển Hồ nước, TP. Pleiku có hẳn 1 xã mang tên Biển Hồ. Vừa qua bị lùm xùm quá nhiều rồi, Thanh tra vào cuộc nhưng không biết vì sao mà đến nay vẫn chưa có kết quả vậy anh VCH? đề nghị anh theo dõi.
Đăng nhận xét