Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

NHỚ KON CHRO...



           Nguyên là một vùng rộng lớn của huyện An Khê cũ, là căn cứ cách mạng cũng có, mà là rừng sâu cũng có, tức là hồi ấy chỉ có mỗi người Bahnar sinh sống, hết sức khó khăn. Tôi nhớ lần đầu tiên xuống xã Ya Ma, giờ là một xã hết sức phát triển của huyện, chỉ từ An Khê vào thôi, 30 cây số mà mất hết hơn nửa ngày, và đến đấy thì thấy so với An Khê, nó như muối với bể.

           Và vì thế mà nó được suy tôn là huyện nghèo nhất tỉnh Gia Lai. Lâu nay tôi cứ đinh ninh huyện nghèo nhất Gia Lai phải là Krông Pa kia, cái huyện lọt thỏm như cái đít chảo, gió không bốc lên được nên cứ quẩn ở đít chảo, khiến cả huyện này lúc nào cũng như cái bễ lò rèn. Mà chả hiểu sao, ngay đến mùa mưa Tây Nguyên, vào chính mùa, các huyện khác mưa thối đất, thì ở đây vẫn nắng chang chang, vẫn gió quẩn rông rốc khiến mặt người cứ vêu vao hết lượt. Thế mà lại còn có chỗ nghèo hơn nữa, ấy là Kon Chro.

           Mà nghèo cũng đúng. Đường xá thì độc đạo, chỉ thấy hun hút vào chả thấy ra. Mà lại khó khăn, lở lói và nhỏ. Chả có tài nguyên gì ngoài... rừng. Rừng lẽ ra là tài nguyên rất lớn, bao nhiêu người đã giàu lên vì rừng, thành đại gia này nọ, nhưng dân thì nghèo. Không chỉ nghèo, đói nữa. Vì rừng đã... hết rồi. Còn tí teo nào thì quản lý nghiêm ngặt. Là nói thế chứ có nghiêm được khối, anh bạn đồng nghiệp chép miệng. Càng nghiêm ngặt càng mất. Nghiêm với dân thôi. Điều này chả cần chứng minh cũng thấy. Và thấy rõ nhất là, Kon Chro cũng đã... hết rừng. Ngày xưa, cái thời chưa có quản lý ấy, chưa nghiêm ấy, chưa có kiểm lâm ấy, dân sống hoàn toàn dựa vào rừng. Dân sống tốt và rừng vẫn còn nguyên, xanh um. Mới gần đây rừng mới hết thôi. Ngày xưa chặt một đền mười, làm gì đụng đến rừng cũng phải giở hương ước luật tục ra soi, cái gì được làm cái gì không, cái gì được lấy cái gì phải vay. Và vay thì phải trả. Đến người phụ nữ sinh con mất sữa cũng làm lễ “vay” sữa cây sung, chứ có đâu chặt phá vô tội vạ như bây giờ. Ngay cái gọi là đốt rẫy làm nương, du canh du cư... cũng hết sức khoa học chứ không phải thích thì đốt, ưng thì đi...

           Sau tết tôi được mời dự một đám cưới đứa cháu ở Kon Chro. Trước đấy cũng xuống đưa chị H’ben, nghệ sĩ nổi tiếng người Bahnar có cuộc đời cũng hết sức kỳ lạ, về với Giàng. Lạc đường đến mấy lần vì khác xưa nhiều quá. Không kể hồi đang còn chung huyện An Khê tôi đã liên tục xuống, thì ngay khi mới chia huyện, tôi cũng là một trong những người viết mò xuống ngủ đêm ở đây. 

           Như cái đêm ngủ ấy thì... nản thật. Chưa là thị trấn, lèo tèo mấy căn nhà cấp 4, chưa sập chiều đã tối, ai có xe máy chạy về An Khê hết, còn lại, từng nhóm nhỏ tụ với nhau, đa phần là... nhậu.

           Tôi leo gần hết các xã của Kon Chro từ hồi ấy, kinh nhất là lần vào Đăk Tơ Pang qua dốc 3 tầng bằng xe Uoát mà người trên xe còn phải xuống đẩy xe mới lên được.

Nhưng mà cái thác ở ngay lề thị trấn Kon Chro thì đẹp mê hồn. Ðá, một thế giới đá, mênh mang đá, điệp trùng đá, miên man đá, vĩ đại đá, dằng dặc đá... đến 3 ki lô mét đá với những khối vân đá kỳ lạ và tinh xảo như có bàn tay của con người sắp xếp đưa ta đến một con thác cao hơn 20 mét cực kỳ hoành tráng. Còn vĩ đại hơn cả thác Ia Ly hồi chưa xây dựng. Nghe nói đây là một vết gẫy của sông Ba, và cái vết gẫy này hiến cho con người cái tuyệt tác thiên nhiên vào loại hiếm hoi này.  Cái thác này có lẽ được nối với mỏ đá Kon Yang  cũng lạ kỳ không kém. Ðá lục lăng, đá hình trụ, tứ giác, ngũ giác... dài như những cây cột, nhẵn thín xếp cạnh nhau san sát như cọc Bạch Ðằng. Khi khai thác chỉ cần ngoắc cáp vào cho xe bò vàng kéo là ra, chả cần đục đẽo cưa xẻ gì mà viên nào viên nấy bằng nhau chằn chặn, bóng nhoáng như vừa lôi từ máy mài ra. Mà cả một quả núi như thế, đá cứ xếp hớ hênh tưng hửng dưới một lớp đất mỏng. Thiên nhiên bí ẩn và vĩ đại luôn biết cách để con người luôn luôn phải ngạc nhiên, mà ngạc nhiên là thuộc tính trong trắng khẳng định phẩm chất thi sĩ của loài người...!

Hôm vào làng Hơrn, cả làng đang... say rượu. Mới hơn một năm từ ngày chúng tôi vào ở cả tuần để ghi âm cái Hơamon Diong Dư mà làng thay đổi nhiều quá, một khu làng mới được lập sát ngay làng cũ, nhà rông chênh chênh ở góc làng là nơi tôi đã mắc võng ngủ khá nhiều đêm. Nhiều đêm tôi đã được thành người Bahnar bên đống lửa và ché rượu cần, thả hồn vào những tiếng chiêng trầm hùng mà khắc khoải, hoà mình vào nỗi day dứt thầm thì của dây đàn kơ ní của một người đàn ông goá vợ trên sàn nhà rông này... Còn bây giờ dân làng đang uống rượu mừng nhà mới. Họ đón chúng tôi như đón người nhà. Bắt tay và cả... ôm hôn. Theo phong tục, chúng tôi mỗi người một can rượu cần chia vui với dân làng rồi chụp ảnh. Phong tục người Bahnar là thế. Phải ăn với họ, phải uống với họ, không chỉ một nhà mà là tất cả. Mà cái món rượu cần lại chỉ bén với nhà sàn rừng núi, với lửa với chiêng, và cả những bầu nước suối mát lành được nâng bởi những cánh tay trần của các cô gái Bahnar....  nó không là sự thưởng thức mà là dấn thân, mỗi người là một thành tố gắn chặt với cảnh quan trong sự hoà hợp đến tuyệt vời và trong sáng.

Sổ tay của tôi còn đoạn ghi chép ngày ấy khi vào Chơ Glong: “Cả xã Chơ Glong mới chỉ có một lớp 6 nhô cho 9 thôn làng. Bốn trăm sáu mươi bảy học sinh học với 25 giáo viên, 11 nữ và có 6 cô chưa chồng. Phải ghi chuyện 6 cô chưa chồng bởi vì đây đang là vấn đề nhạy cảm của các giáo viên vùng sâu vùng xa. Ðối với ngành giáo dục thì càng cấp thấp nữ lại càng nhiều hơn nam, càng cấp thấp thì lại càng ở vùng sâu vùng xa hơn. Cứ thăm thẳm như thế, mịt mù như thế, nhiều cô đi qua tuổi xuân lúc nào không biết. Thương lắm nhưng làm sao được. Ngày xưa, thường bên cạnh một nông trường thế nào cũng có một xí nghiệp máy kéo hoặc một đơn vị bộ đội. Nay hiện đại và thực dụng hơn, có mục nhắn tìm bạn, thậm chí là bạn trăm năm, qua đài, báo, mạng internet... nhưng than ôi, đấy vẫn chỉ là cho dân thành phố, đã đầy đủ rồi còn phải trợ giúp, huống gì các cô”...

           Hôm rồi, có chạy qua Chơ Glong, chả nhận ra đâu với đâu. Đông đúc sầm uất cả rồi, các cô giáo tôi gặp ngày xưa, giờ có khi thành mẹ chồng mẹ vợ hết cả. Tự hẹn, hôm nào rảnh chút, xuống ở lâu lâu, khối chuyện để biết và để viết.

           Thế mà rồi chưa xuống được thì hôm nay gặp một “người cũ”, một cô học trò của tôi, cái thời tôi còn thỉnh giảng cho cái trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật. Cô nhận ra tôi trong một quán ăn ở thị xã An Khê, cái huyện “mẹ” giờ đã thành thị xã sau khi chia ra từ mình ra ba huyện nữa là Đăk Pơ, K’bang và Kon Chro. Cô từ huyện ra... thị xã có việc, ăn trưa và gặp tôi. Tất nhiên là chuyện trò tíu tít, là kể lể. Cô kể giờ cô làm ở ủy ban một xã, xã giờ khác lắm, hôm nào mời thầy vào chơi. Tôi trêu, xã ấy tôi biết rồi, khác quái gì xã ở đồng bằng đâu. Các em càng hăng say “nông thôn mới” một cách thái quá là mọi làng sẽ đều tăm tắp giống nhau đấy. Làng nó khác đô thị là dẫu có phát triển đến đâu nó vẫn phải còn cái hồn làng, cái bản sắc làng, cái làm cho người ta phải thương phải nhớ, để dẫu có nghìn trùng tít tắp nhưng cứ phải đau đáu nhớ thương, phải tìm mọi cách để về. Bởi từng làng hết sức khác nhau, chứ không như dập từ một khuôn ra. Người sinh ra ở làng như con sinh ra từ mẹ, không thể có làng thứ 2, không thể thương nhớ làng thứ 2 như thế. Làng chứa trong nó những bí ẩn riêng mà làng khác không có, tất nhiên làng khác có bí ẩn của làng ấy. Nó làm nên ký ức làng. Và ký ức con người gắn với ký ức làng. Không có ký ức con người sẽ thành rô bốt mất, sống đấy mà như thất thểu. Sợ nhất là làng mà rồi như phố tất cả thì rồi sẽ tan tác hết, phân ly hết. Cô bé cười, cũng khó thầy ạ, sẽ cố gắng nhưng rõ ràng, giờ đang phấn đấu cho no, từ no lên giàu, giàu xong mới sang được. Môn thầy dạy (môn mỹ học) là môn sang. Phải giàu mới sang. Tôi bảo, nhưng em ơi, đến lúc ấy muốn sang cũng chả được nữa. Sang nhất là giờ có được những ngôi làng như... ngày xưa.

           Thì là thầy trò ngồi nói chuyện vui như thế, xong rồi lên xe chạy. Mở radio, thấy bác đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu ở quốc hội: Làm sao kinh tế thì như ngày nay mà văn hóa thì được như... ngày xưa...



          
                                                                                   
          


3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ông VCH ơi! ông nhầm to rồi. Huyện nghèo thì lãnh đạo huyện càng thích, vì nhanh giàu, nghèo vì được đầu tư nhiều nguồn vốn xây dựng, như Trường-đường-trạm-chợ; tài nguyên khoáng sản..... Ông Hùng ạ, ông xem ông Nguyên BT, Trung CT 2 ông này giàu nứt vách, chỉ có tiếng mang là huyện KongChro là ngheo.

Nặc danh nói...

Ông VCH ơi! ông nhầm to rồi. Huyện nghèo thì lãnh đạo huyện càng thích, vì nhanh giàu, nghèo vì được đầu tư nhiều nguồn vốn xây dựng, như Trường-đường-trạm-chợ; tài nguyên khoáng sản..... Ông Hùng ạ, ông xem ông Nguyên BT, Trung CT 2 ông này giàu nứt vách, chỉ có tiếng mang là huyện KongChro là ngheo.

Nặc danh nói...

Hùng ơi, viêts 1 bài về 3 đặc khu đi, cho anh em thấy ấm áp.