Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

GIỖ TỔ, ĐĂNG MUỘN



           Rất lâu rồi, lần đầu tiên vào Sài Gòn, tôi đã hết sức ngạc nhiên và thán phục khi được bạn đưa vào thăm “Nam thiên nhất trụ”. Nó chính là cái Chùa Một cột ở Hà Nội được sao y đưa vào đất phương Nam này. Đặc biệt là, nó được làm từ trước năm 1975, dưới chế độ cũ. Và công khai tấm lòng yêu Hà Nội cũng như ước vọng thống nhất trước nhà cầm quyền cũ và dưới luật pháp của chế độ cũ, hết sức hoành tráng, bề thế, nườm nượp người vào thăm viếng hàng ngày. Để xây dựng ngôi chùa này, người ta đã đào một cái hồ rất lớn trong một ngôi chùa khá lớn và đẹp rồi thả đầy sen và nuôi cá cảnh, rùa, ba ba. Ngôi chùa ngự trên ấy, y khuôn ngôi chùa Một Cột Hà Nội cả về diện tích, nội ngoại thất cũng như vật liệu xây dựng. Nó là nỗi lòng của những người con xa xứ tận trời Nam nhớ về quốc tổ.

           Tôi nhớ, từ hồi mới vào đầu cấp 2, thầy giáo đã giảng cho chúng tôi rằng, từ sự tích trăm trứng mà ngôn ngữ Việt có từ “Đồng bào”, cái từ tương đồng với nghĩa nhân dân nhưng có vẻ đầm ấm gần gụi hơn. Hiện nay thi thoảng đọc một vài bài báo viết về Tây Nguyên có những câu sai, ví dụ: “Anh A Đoeng là người đồng bào dân tộc Jrai”. Nhưng lại cũng thấy là cái từ đồng bào ấy nó phổ dụng đến như thế nào?

           Một lãnh tụ từng nói đại ý: Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại kết thành một khối... Cái khối nhân dân Việt từ bọc trăm trứng ấy quả là đã luôn luôn làm cho dân tộc Việt Nam mãi mãi là một dân tộc anh hùng, một dân tộc từ tăm tối, vô danh, giờ trở thành một biểu tượng, một giá trị trên trường thế giới.

           Cũng hiếm có nước nào trên mà các dân tộc cũng thờ chung một ông tổ như ở Việt Nam. Ngày này, chả cứ dân Phú Thọ, mà hầu như mọi công dân nước Việt đều tìm cách về núi Nghĩa Lĩnh Phú Thọ viếng tổ, còn ai không có điều kiện thì tìm đến một nơi nào đấy có thể vái vọng để thể hiện tấm lòng mình với tổ. Đầu tiên là tự phát, giờ thì tôi thấy có sự tổ chức rất chặt chẽ, quy củ và trọng thể.

           Tất nhiên cũng có những thái quá, như người ta cứ cố tình làm những cái gì đấy thuộc về “kỷ lục” để dâng tổ.  Thực ra tất cả những việc làm thái quá đến phản cảm ấy là làm cho người hiện tại, cho những toan tính thực dụng của người đương thời, chứ các cụ tổ thì chứng kiến cháu con chút chít đoàn kết đồng lòng chí thú làm ăn và giữ nước là các cụ vui lắm rồi. Có vẻ như người Việt chúng ta ngày càng thực dụng và hung hăng hơn, so với các cụ xưa, hình như là có khoảng cách khá lớn. Các cụ “hung hăng” đúng chỗ, ví như “sát thát”, ví như “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” chứ không hung hăng với... đồng bào mình.

           Và hẳn các cụ sẽ rất buồn nếu biết người Việt hiện đại, ngoài những lúc đoàn kết ra, thì khi cần cũng... chiến nhau kinh lắm.

           Giờ, hở ra tí là có thể... tẩn nhau được, chả cứ đụng xe ngoài đường, mà ngay trong các khu vực có tính văn hóa cao, có sự ngưỡng mộ từ... xa, như trường học, bệnh viện, cả công sở chính quyền nữa. Dân phu phen cửu vạn tẩn nhau đã đành, giới trí thức chân mềm tay mỏng cũng... xuống tấn vung tay. Đàn ông đã là một nhẽ, đàn bà đôi khi cũng muốn chứng tỏ mình là... con cháu bà Trưng bà Triệu!

           Và, thế giới mạng nữa, những anh hùng bàn phím sẵn sàng rào rào ra tay, có khi chưa đọc hết chủ “tút” viết gì đã... vung búa. Nên có những nỗi oan thấu trời trên mạng xã hội mà... được vạ thì má sưng, hoặc những cuộc tổng sỉ vả tanh bành từ những lý do lãng xẹt.

           Nó tạo nên một sự hỗn loạn, anh hùng nhất khoảnh, tưởng là tự do nhưng té ra lại hết sức mất tự do vì luôn luôn trong tâm thế phải thủ, luôn luôn trong tư thế tấn công và cũng tương tự thế là phòng thủ, thì rõ ràng quá mất tự do rồi còn gì.

           Hôm nọ tôi sang Singapore, vào một nhà hàng, đang ăn cơm thì nghe ở dãy bàn phía sau có tiếng đồng loạt hô Zô. Biết ngay dân Việt, dù ăn cơm không uống nước có cồn nhưng thói quen ở nhà vẫn không bỏ được nên bưng bát canh lên và... hô. Người sở tại nhìn chắc nghĩ dân Việt ra nước ngoài vẫn đoàn kết.

           Hôm nay, sáng sớm, tôi đi một vòng ngoài đường, thấy thành phố yên ắng như... tết. Tự bao giờ ngày giỗ tổ cũng được coi như tết. Có một ngày nghỉ ngơi tưởng nhớ về cha ông, cũng là một cách để người Việt trên khắp đất nước này thêm thời gian thư giãn, tái tạo sức lao động, và có thể qua đấy thêm hiểu và chia sẻ với nhau hơn chăng? 

           Nhưng mà ở Đền Hùng hôm nay thì đông lắm, lại mưa nữa. Vừa xem mấy bức ảnh bà con ta từ khắp nơi về viếng tổ, nằm la liệt qua đêm chờ sáng.


                                                               

Không có nhận xét nào: