Lại vẫn là
cái thời tuổi thơ lông lống của tôi ở Thanh Hóa.
Chả
hiểu sao cái hồi ấy ốc nhiều đến thế, đụng đâu cũng có, mà lại ít người ăn.
Tôi
nhớ, hôm cuối hè đạp xe xuống trường Cấp 3 Hậu Lộc về, thông báo với mẹ là con
đã đậu kỳ thi tốt nghiệp cấp 3, giờ bắt tay ôn thi đại học, mẹ tôi cười bảo:
Mình liên hoan tí nhỉ? Xong rồi đổ một rổ “ốc quắn” vào luộc với lá bưởi. Tôi
liên hoan ăn mừng tốt nghiệp cấp 3 bằng rổ ốc luộc khêu gai bưởi như thế.
Trí
óc non nớt thời ấy vẫn nhớ, ở Thanh Hóa có mấy loại ốc: Ốc đinh, nhỏ và dài và
xoắn như cái đinh thật, ruột bé tí, màu xanh, ăn nhận nhận đắng. Tụi con gái
lông lống rất thích ăn ốc này, ngoài chợ luộc sẵn bán bằng ống bò (lon). Mua một
bò dốc vào túi áo nâu, cả 2 túi mới hết một bò, rồi vừa đi vừa mút. Muốn mút được
thì phải cắn đứt đít nó, phần lớn bọn ăn ốc này có đồng 2 hoặc 5 xu (Cái thời ấy
tiền còn có giá thế, có 2 xu là đã vênh vang lắm rồi), thò con ốc vào lỗ của đồng
xu, bẻ cái cắc, thế là cho vào mồm hút cật lực. Tất nhiên nhiều đứa không có xu
thì cắn đít ốc rồi quay miệng lại mút. Lớp 6, có đứa con gái trổ giò lớn nhất lớp,
tóc dài, má trắng hồng, áo nhu nhú. Tôi rất thích nó, sau này trong các trang
viết thấp thoáng bóng nó, nhưng nói thật, có lần nó cho tôi mấy con ốc bốc từ
túi áo nó, hôm sau, hôm sau nữa, đi học nó vẫn mặc cái áo ấy. Lúc tôi vô tình
cúi xuống nhặt cái bút rơi, mũi ngang cái túi áo của nó, mẹ ơi, chịu không nổi,
thế là... lảng dần. Hồi ấy đâu đã diện và ăn mặc bít zít như bây giờ, con gái học
cấp 3 còn chưa mặc... áo ngực nữa mà, hay chính xác là không có mà mặc.
Rồi
ốc quắn, ốc nứa, ốc ao... to hơn ốc đinh, ăn “bõ” miệng hơn, loại này luộc rồi
dùng gai bưởi khêu chấm mắm gừng mới đúng, chứ ốc nhồi (bươu) thì luộc lại
không ngon, mà phải nấu với chuối, bắp, quả hoặc thân. Các loại ốc nhỏ thì đẻ
con, nên ăn phải mùa nó đang chửa rất chán, người sành biết tháng nào ốc chửa để
tránh mua. Nhưng riêng ốc nhồi lại đẻ trứng. Đúng mùa, con ốc béo vồng cái miệng
lên, thòi cả miệng ra ngoài không khép kín được. Còn ốc gầy là cái miệng nó lõm
sâu vào, có khi đến cả đốt ngón tay.
Khổ
thân, từ hồi ốc bươu vàng xuất hiện, ốc nhồi mất giá, mà cũng hiếm hẳn.
Hồi
ở Thanh Hóa, bắt ốc nhồi rất dễ. Ốc này luộc chấm nước mắm gừng thì không ngon
bằng ốc quắn, ốc nứa. Nó cứ phải là chuối đậu, hoặc chế biến vài món khác.
Lá
xoan hoặc lá đu đủ, thậm chí lá chuối cũng được, thứ rất sẵn ở nông thôn, bó
thành từng bó khoảng nắm tay, chừng vài chục bó, mang ra ruộng lúa hoặc đồng
năn, lác, thả cách nhau năm mười mét một bó. Xơ mít là thứ ốc thích số một
nhưng rất hiếm vì thời ấy mấy khi có mít để ăn, và có ăn xong thì xơ được dùng
để muối. Sau một đêm, ra nhấc lên, thế nào cũng có vài ba chú ốc nhồi bám cứng ở
đấy. Con nào nhỏ thả lại, lớn mang về, thả tiếp nắm lá xuống để bắt tiếp, xài
dăm bảy bận mới thôi. Cái cảm giác khi nhấc túm lá lên cũng khoái lắm, tuy
không khoái bằng lúc nhấc cái ống lươn rồi lắc nghe nó ục ục bên trong.
Dân
làng thì coi việc bắt ốc là... cò con. Họ đi làm thường đeo theo cái giỏ sau
lưng, mỗi hôm về trong giỏ cũng có đủ thứ trong ấy, từ cua ốc niềng niễng đến cả
cá tôm ếch nhái. Cái họ cần là gạo chứ thức ăn không cần lắm. Chúng tôi dân gạo
phiếu, lại cần kiếm thức ăn chứ không cần gạo, nên mới có chuyện đi bắt tôm cá
lươn... cò con thế.
Ốc
về chưa ăn ngay được vì bụng nó đầy bùn. Thả vào nồi hoặc xô để sống, một là để
đủ làm vì có khi chỉ có vài con, nhưng cái chính là để ốc tự nhả cho sạch. Giờ
đi chợ mua về, muốn nhanh thì giã quả ớt cho vào ngâm, ốc nhả hết, một hai tiếng
là xử lý được ngay, hồi ấy toàn phải ngâm vài ba ngày cho sạch. Trước khi chế
biến một ngày thì cho nó ăn nước gạo để nó béo thêm một tí và nghe nói thịt sẽ
thơm hơn, dai hơn, giòn hơn.
Ốc
nhồi, như truyền lại, là phải làm sống rồi chế biến mới ngon chứ luộc rồi khêu
thì chỉ... chấm mắm gừng chứ lại chế biến nữa thì hỏng, mà chấm mắm gừng thì ốc
ao (quắn, nứa vân vân) ngon hơn, mẹ tôi dạy thế, và tôi cũng thấy thế, nên nhà
tôi toàn làm ốc sống.
Thì
ốc đang sống thế, mang chặt đít, rồi dùng một cái lưỡi dao tách miệng và lôi
cái ruột ra, cũng phải nghệ thuật đấy, lựa chiều tay theo chiều xoáy của trôn ốc
để lấy trọn vẹn ruột, ngắt đoạn đít đen ở dưới cùng, lách cái miệng vất đi, rửa
với muối cho sạch và hết nhớt rồi ướp gia vị các loại: nước mắm tiêu hành nghệ...
Xào
qua múc ra để đấy. Chuối quả, bắp hoặc thân cho vào xào, chín tới nêm nếm đầy đủ,
trong đó thứ gia vị không thể thiếu, thiếu thì bất thành ốc, là mẻ, bắt buộc phải
có. Chín tới thì đổ ốc đã xào sơ vào xào tiếp, tùy khẩu vị mà chế nước... Gia vị
không thể thiếu tiếp theo là nghệ, lá lốt, tía tô. Sau này sang hoặc khi nó được
vào nhà hàng thành đặc sản thì có thêm đậu phụ và thịt ba chỉ. Ngày xưa ở nông
thôn, đậu phụ quý ngang thịt nên đừng mơ tưởng có nó để cho vào nồi ốc. Nếu có
nó, chỉ một miếng thôi, sẽ được kính cẩn ngự riêng một đĩa để... rước thày uống
rượu... Món ốc chuối này có thể ăn với cơm hoặc ăn trừ bữa. Nhà tôi nhiều lần
ăn thay cơm.
Giờ
thi thoảng tôi lượn ra chợ, thấy ốc nhồi, ốc ruộng thứ thiệt ấy, kiểm tra thật
kỹ, biết chắc không phải ốc bươu vàng, là mua về, có khi mua nhiều để sống ăn dần.
Rồi a lô bạn bè, những đứa có ký ức đồng quê như mình, sai đi kiếm củ chuối, là
thứ ưu tiên số một. Không có củ chuối mới đến chuối quả, cuối cùng mới là bắp
chuối, thứ luôn sẵn ở chợ. Hôm nào có món ốc hôm ấy nhà tôi linh đình như... tết.
Nhõn món ấy, mấy thằng hỉ hả trong khi các bà vợ đi ra đi vào ngạc nhiên: Mấy
con ốc mà như mổ bò?
Cũng
như lươn, không phải ốc mùa nào cũng ngon và vùng nào cũng như nhau. Nó cũng phải
hội tụ đủ yếu tố để con ốc nó là con... ốc, nó là hương là hoa là tích tụ của
trời, của đất và của... bùn. Nó như sen, sống trong bùn mà không hôi bùn. Ốc sống
trong nước mà không nhạt, lặng lẽ mà âm vang, âm thầm mà náo nức, vô hương mà nồng
nàn, vô sắc mà rạo rực... là khi đã... chế biến lên rồi, cả khi còn trong nồi
hay đã ra bát ra đĩa...
Có
một món nữa, giờ các nhà hàng nâng lên hàng... ngự thiện, là ốc vọng nguyệt.
Đơn giản, con ốc cũng được lôi ruột ra, băm với thịt lợn, thêm các loại gia vị
gần như nhân nem, rồi lại nhồi vào ruột ốc để hấp. Muốn nhồi vào thì lấy một
cái lá nghệ lót vào phía trong vỏ ốc, nhồi thịt vào xong thì hấp. Bày ra đĩa, cả
một loạt ốc tênh hênh ngắm... trần nhà, khi ăn cầm lá nghệ nhấc nhẹ, cục thịt ốc
và gia vị rời ra, chấm nước mắm. Thú thực tôi không khoái món này lắm dù vào
nhà hàng nó đắt khủng khiếp, chỉ bởi nó không còn chất ốc.
Ở
nông thôn, đơn giản nữa là ốc nấu khế. Ôi giời hè chang chang thế, buổi trưa có
nồi canh ốc nấu khế, nước nó đen tí, nhưng ngọt xểu, và cơm ào ào như mưa rào
mùa hạ ngay. Ốc nó hạp với chua, nên dẫu nấu chuối chát vẫn phải có mẻ, và canh
khế thì đúng bài. Giờ, ốc nấu với chuối thì vào nhà hàng, thành đặc sản, còn nấu
khế, lặn đâu mất tăm.
Là
hôm qua ông bạn quê Nghệ, hớn hở gọi điện: Có mớ ốc bươu gửi từ quê vào, ông
sang ngay. Tay này mà đã xắn tay nấu ốc thì cũng... ra gì lắm.
Và
cũng mới biết, giờ có mớ ốc quê, có thể bỏ bao, gửi xe cho khắp nơi trên đất nước
này được...
5 nhận xét:
Ngon bác ạ. Lâu rồi không được ăn món này nên thấy nhớ. Em quê Thanh Hóa và cũng có tuổi thơ mò cua bắt ốc. Mong được đọc những bài tiếp theo của Bác. Chúc bác sức khỏe và viết khỏe.
Cũng như lươn, không phải ốc mùa nào cũng ngon và vùng nào cũng như nhau. Nó cũng phải hội tụ đủ yếu tố để con ốc nó là con... ốc, nó là hương là hoa là tích tụ của trời, của đất và của... bùn. Nó như sen, sống trong bùn mà không hôi bùn. Ốc sống trong nước mà không nhạt, lặng lẽ mà âm vang, âm thầm mà náo nức, vô hương mà nồng nàn, vô sắc mà rạo rực... là khi đã... chế biến lên rồi, cả khi còn trong nồi hay đã ra bát ra đĩa...
Cái đoạn này hay qúa chú.
Đọc bài về các món dân dã của bác mà nuốt nước bọt ừng ựng, em thật.
Ốc ngày xưa nhiều là vì người ta bảo "ăn ốc nói mò" nên ít ăn bác à.
He he hay ạ.
Đăng nhận xét