Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

CHUYỆN RỪNG KHỘP



           Trong đời làm thơ của mình, tôi từng có một nhầm lẫn nghiêm trọng, mà giờ không sửa được dù đã rất nhiều lần thanh minh, cả trên báo chí và trên trang cá nhân của mình bởi bài thơ ấy đã khá nhiều người thuộc.

           Ấy là trong bài thơ “Tháng năm này gió thổi dọc Trường Sơn” của tôi có câu “Những cây khộp già đăm chiêu trong chiều vắng/ gió thổi hoài rát ruột lắm gió ơi”. Bài thơ làm từ thời tôi chưa hiểu mấy về Tây Nguyên, sau này mới biết, không có cây khộp, mà chỉ có rừng khộp thôi.

           Từ sai lầm cay đắng ấy mà tôi quan tâm đến rừng khộp, và mê nó.

           Té ra rừng khộp là tên gọi một loại rừng nghèo, là nghèo so với các khu rừng nguyên sinh, chứ giờ rừng khộp cũng trở thành của quý hiếm rồi. Cả cái khu “Vườn quốc gia Yok Đôn” của Đăk Lăk chính là rừng khộp đấy ạ.

           Ngày xưa, đi dọc đường 25, đoạn từ thị trấn Chư Sê đến đèo Chư Sê, Gia Lai toàn là rừng khộp, các huyện Chư Prông, Ia Rai, Đức Cơ (Gia Lai)... cũng gặp toàn rừng khộp, rồi Chư Sê sang Đăk Lăk cũng toàn khộp, miên man rừng khộp.

           Tôi nhớ, cao nhất trong rừng khộp là những cây dầu (mà tôi từng nhầm là cây... khộp ấy), rồi nhiều loại cây thấp và dây leo khác. Dầu là loại cây cao vút, thân thẳng, lá to, các bà đi chợ có thể dùng để gói đồ. Lưng chừng là nhiều loại cây nữa. Dưới đất là cỏ tranh và những bụi tre, le thấp lè tè, tạo nên nhiều tầng rừng và có thảm rừng rất đẹp. Nghe nói cọp rất thích những khu rừng thế này, và có cọp thì tất nhiên có nai, hoẵng, thỏ vân vân. Cũng nghe nói, những đêm trăng lạnh, từng đàn hươu nai, cả công, trĩ nữa, xuất hiện thì đẹp vô cùng. Và đây cũng là lúc cọp xuất hiện. Quy luật sinh tồn diễn ra ở đây, để đời này sang đời khác, rừng khộp là... rừng khộp. Nhưng đấy là ngày xưa, giờ dẫu có còn rừng khộp thì những động vật vừa kể đã vĩnh viễn vắng bóng. Chúng trở thành loài có tên trong sách đỏ cả rồi, may ra chỉ có... thợ săn mới biết chúng ở đâu?

           Thế mà có lần tôi đã thấy... cọp ở rừng khộp.

           Lần ấy từ biên giới về trên chiếc xe U Oát của chủ tịch huyện Chư Prông. Chiều nhập nhoạng, xe chật nêm, cái xe nguyên tắc chở 5 người cả tài xế thì hôm ấy chất đến 12 người (Thời ấy cứ có xe đi đâu là tranh thủ chất người lên, người có tiêu chuẩn đi đã đành, không có tiêu chuẩn cũng cố nằn nèo đi ké bởi phương tiện di chuyển vô cùng hiếm, đã từng có cái U Oát chở... 16 người). Tôi ghé ngồi ghế trên với chị Bình chủ tịch huyện. Đang ngon trớn thì một vệt vàng đen lượn ngang đường. Đang còn chưa định thần thì anh lái xe dừng phắt lại và rút soạt cây Ak bên cửa (Hồi ấy các lái xe đều có vũ khí phòng thân, nhất là xe chở lãnh đạo các huyện biên giới). May là không có tiếng súng nào nổ, tức là con hổ đã ung dung lẩn vào rừng khộp, lúc ấy đầy cỏ tranh bên đường. Tôi cứ suýt xoa bởi lần đầu tiên thấy ông ba mươi. Vừa hùng dũng oai phong lại vừa nhẹ nhàng nhũn nhặn. Cái dáng “ông ấy” lướt qua đường mới đẹp làm sao, cái tư thế nó mới sang trọng làm sao. Cả cái U Oát rùng rùng thế mà nó không co giò chạy, mà vẫn nhẹ nhàng lướt qua đường, lướt qua chiều đẹp thế. Sau chuyến đi này tôi mới biết, có rất nhiều đại gia hồi này rất máu đi săn, sau khi nghe tôi kể đã tổ chức nhiều cuộc quần thảo ở khu vực này, chả hiểu rồi tính mạng ông cọp ấy như thế nào, chỉ biết rằng, đến bây giờ, chả cứ cọp, ngay thỏ rừng, chồn, nhím... cũng đã tuyệt nhiên vắng bóng. Cũng hồi ấy, đêm đi từ Kon Tum về Pleiku, thi thoảng vẫn gặp những con thỏ, thậm chí là nai, đóng đèn xe, ngơ ngác giữa quốc lộ. Thì 2 bên đường là rừng khộp mà. Có bác tôi quen, có cái xe Land Cruiser toàn tự lái đi săn, cứ chạy giữa rừng khộp như thế, thú gặp đèn xe thì... đứng lại nhìn, ngồi trên xe giơ súng ra, năm thì mười họa lại hú nhau đến ăn thịt rừng. Hồi ấy việc cấm bắn thú rừng chưa quyết liệt như bây giờ và việc ăn thịt thú rừng đang còn được xem là... đẳng cấp. Phải sau vụ một đại gia ở Buôn Ma Thuột bắn con bò tót, bị xử thì giới đi săn (nghiệp dư) mới rúng động, còn nghe nói dân săn rừng chuyên nghiệp thì vẫn “cương quyết” lắm, “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”...
 
           Rừng khộp đẹp nhất là lúc nó... trút lá. Có lần tôi đã ngơ ngẩn mà thốt lên khi vào rừng khộp giữa mùa khô: thì màu vàng của Lê Vin Tan cũng đến thế là cùng. Đấy là lúc mùa khô bắt đầu, cây trút lá để tích lũy năng lượng, có thể với cây, đấy là lúc nó đau đớn nhất, sinh tử nhất, nhưng với người, nó mới đẹp làm sao. Đẹp từ cái màu vàng mê mải bất tận rưng rưng của lá rụng kia, đẹp đến những cành trơ trụi khẳng khiu xuyên lên nền trời mùa khô xanh biếc với mây trắng nhởn nhơ, đến cả những thảm vừa lá vừa cỏ xốp nhẹ dưới chân, dưới lưng để mà nhớ câu thơ bất hủ của Lưu Trọng Lư: Con nai vàng ngơ ngác/ đạp trên lá vàng khô, dù có thể con nai kia không đạp trên thảm rừng khộp. Nghe nói đêm trăng mua khô trong rừng khộp thì tuyệt vời. Tất nhiên là phải hạ trại ở đấy, nằm ngửa mặt lên trời mà vẩn vơ, chứ chạy ào ào qua thì cũng như chạy trên quốc lộ thôi...

           Nhưng khi bắt đầu mùa mưa, cả khu rừng như bừng thức, bật nhú những mầm xanh, chồi non, từ li ti như cỏ đến vâm váp như dầu, tất cả lại khoác một màu xanh ngút mắt, rỡ ràng, khiến cho ta như lại lạc vào một thế giới khác, thế giới của thanh bình, êm nhẹ, thế giới của những vân vi, của tinh tế, của sự sống tí tách nhựa lên khiến ta không thể, không dám nghĩ về một điều gì khác ngoài cái đẹp, khiến ta phải hết sức gượng nhẹ, từng bước chân từng hơi thở, cứ sợ rồi cái non tơ kia, cái thánh thiện kia, cái mưng mẩy kia, tan mất, bởi nó thực đấy mà lại ảo, hiện hữu đấy mà lại như sẵn sàng hư vô, sẵn sàng tan biến nếu con người vô tâm, chỉ vô tâm thôi chứ chưa cần thô bạo.

           Ở Ayun Pa, Gia Lai bây giờ, may mắn, vẫn còn những khu rừng đẹp đến mê hoặc như thế.

           Từ thị xã Ayun Pa theo đường 25 xuôi Krông Pa, men theo sông Ba, ta sẽ gặp những cheo leo rừng như thế phía bên kia sông Ba. Nó cũng mời gọi ta khi tới Thung lũng hồng, Chân trời tím, mấy địa điểm du lịch rất đẹp ở đây.

           Vấn đề là khai thác nó như thế nào.

           Những cuộc dã ngoại, những chuyến leo núi, những lần pic nic, hạ trại trên ấy thì không gì tuyệt bằng. 

           Tất nhiên sẽ đụng đến nhiều thứ, bởi mùa khô là mùa rừng khộp dễ cháy nhất, chỉ một tàn lửa nhỏ, cả rừng khộp sẽ thành một rừng lửa. Rồi mùa mưa lại là mùa “kỵ” của du lịch. Nhưng là nói thế, nếu khéo ra, chính mưa cũng là sản phẩm của du lịch. Người Huế đang xúc tiến việc biến mùa mưa Huế thành sản phẩm du lịch.

           Ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười, họ đã biến những cánh đồng mùa lũ thành sản phẩm du lịch. Tôi từng được đi trong những rừng tràm rừng đước cũng với tư cách khách du lịch. Cây tràm cây đước, lạ gì đâu, nhưng cái không khí tạo ra từ cái cách tổ chức khiến nó trở thành một tour thú vị. Cũng như thế, nghe nói cái rừng Tai ga của Nga và một số nước Châu Âu vốn dĩ cũng là rừng cây lá nhọn, chả có tác dụng gì. Nhưng giờ, được dạo trong rừng Tai ga là điều ước của nhiều người và cũng không dễ gì thực hiện được.

           Cái Thung Lũng hồng, Chân trời tím của Ayun Pa ấy, lớp lớp đá xếp ánh lên màu hồng màu tím mỗi chiều, cũng chả thua cái ghềnh đá đĩa nổi tiếng của Phú Yên là mấy, thậm chí còn hơn, bởi dưới này là sông, phía trên là rừng, thoải và rất đẹp. Tôi từng được tắm ở đấy, leo rừng ở đấy. Rồi, lại còn mấy cái quán cheo leo ngay rìa sông, toàn cá sông Ba, tươi rói, những là cá chốt, cá phá... mà lò than thì rực thế kia nữa...

           Mà hình như, đến giờ, chưa ai có số liệu chính xác diện tích còn lại của rừng khộp ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Ngày xưa, đã từng rất nhiều rừng khộp. Người ta đã phá nó không thương tiếc, lý do để phá: Đấy là rừng nghèo. “Chiến dịch” chuyển đổi 50 ngàn héc ta rừng nghèo thành rừng cao su đã biến tất cả những khu rừng khộp còn lại thành cao su. Người ta lý luận cao su cũng là rừng mà không chịu hiểu rằng, cao su chỉ là cây công nghiệp, còn rừng là cả hệ sinh thái, có văn hóa rừng, có đời sống, có tâm hồn. Rừng bao giờ cũng gồm tầng nhiều nấc, nhiều loại cây và là nơi sinh sống tổng hợp của nhiều động thực vật. Chúng dựa vào nhau mà sống và tồn tại, tưởng là hoang dã nhưng chính chúng tạo nên một đời sống hết sức tinh tế, tương hỗ nhau, làm nên một thế giới rừng vừa bí ẩn vừa rạch ròi, vừa vững bền lại cũng mong manh khoảnh khắc. Đến mấy chủ tịch ở Tây Nguyên đã bị kỷ luật vì liên quan đến việc phá rừng “nghèo” trồng cao su. Tất nhiên cao su cũng là quý, làm ra tiền ngay, có thể đảm bảo đời sống lập tức cho hàng vạn đồng bào. Nhưng rừng hơn thế, nó đảm bảo cho sự sống của cả trái đất này, đất nước này. Đã rất nhiều bài học máu xương cho việc phá rừng. Phá từ rừng nguyên sinh, cổ thụ tiến đến rừng nghèo. Nhưng thực ra, nghèo là cách họ tự đặt ra để dễ... phá, chứ rừng khộp chưa bao giờ là rừng nghèo. Người ta gọi nó là rừng nghèo là bởi không trồng... lúa trên đấy được. Mà đúng là có thời chúng ta đã rất hăm hở phá hàng ngàn héc ta rừng để... trồng sắn đấy, chả phải chỉ trong chiến tranh đâu, hòa bình rồi vẫn thế.

           Rừng khộp, tưởng là miên man, tưởng là ngút mắt, té ra giờ, quý hiếm như... rừng khộp. 


                                                                          

Không có nhận xét nào: