Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

“KHOẢNG TRỜI LÁ THÔNG”...



           Không nhiều thành phố trên nước ta có thông cổ thụ.

           Pleiku và một số huyện của tỉnh Gia Lai đã từng và đang có rất nhiều thông, để cho nhắc đến Pleiku là người ta nghĩ ngay tới thông.

           Pleiku một thời thông cổ thụ trở thành đặc trưng của phố.

           Những cây thông cổ thụ trầm mặc trong chiều mùa đông, xõa tóc trong mùa mưa và vươn lên mỡ màng giữa cái mùa khô rát mặt. Nói là thông cổ thụ nhưng trong từng cây thông có những đối lập rất thú vị, có những đối xứng rất kỳ lạ, ấy là cái vẻ mốc meo xù xì vững chãi to lớn của gốc của rễ đối xứng với cái mơn mởn xanh đến non tơ, cái nhỏ nhoi đến yếu ớt của cành của lá. Thông mươn mướt xanh. Thông trầm mặc gió. Và thông hát những khúc ca của riêng mình, thông che chở cho bao mối tình non tơ thánh thiện....

           Không kể những “rừng xà nu” của cụ Mết anh T’nú một thời mạn Đăk Glei, Kon Tum, thông Pleiku cũng từng là ám ảnh của rất nhiều người đã đặt chân đến đây.

           Rồi chắc do giới hạn tuổi tác, do thời tiết khí hậu hay sao đấy, những cây thông cổ thụ dần dần chết đi, giờ Pleiku đang có một “thế hệ” thông mới.

           Và những đồi thông ngoại ô lên ngôi.

           Mạn Đăk Đoa mấy năm nay nổi lên với... cỏ hồng. Cỏ hồng mọc lên từ chính đồi thông Mang Yang (nhưng nó thuộc Đăk Đoa). Đến với cỏ hồng chính là đến với thông.

           Và dọc đường 19 xuống An Khê, những đồi thông kế tiếp, búp xanh mướt như những ngọn nến xanh vươn lên trời. Trong một chuyến đi thực tế của đoàn nhà văn chúng tôi, một ca sĩ nghiệp dư đã say sưa hát trên xe “Ngàn cây thắp nến lên hai hàng/ Để nắng đi vào trong mắt em”, rồi giải thích, em thấy những búp thông kia chính là những cái cây mà Trịnh Công Sơn đã chọn để viết lên 2 câu tuyệt vời ấy. Và cái nắng của thông chính là “nắng thủy tinh” của Trịnh.

           Cũng chả ngẫu nhiên mà trên đoạn đường Mang Yang ấy, nhiều quán nước, chính xác là bán tất cả mọi thứ, có võng mắc la liệt, để đón du khách. Và rất nhiều người đã dừng lại ghé lưng tại đây. Chả phải vì nước, chả phải vì võng, hoặc có vì thì vì rất ít, mà là vì thông, chắc chắn thế. Nằm dưới tán thông, ngắm trời xanh qua lá thông, hóng gió vi vu từ thông, mơ giấc mơ song hành với thông... ơ có gì có thể thú vị hơn thế? 

           Với những người lứa trên năm chục tuổi gắn với Gia Lai từ vài ba chục năm nay, chả ai không nhớ những con đường đầy thông như thế. Bây giờ, thông cũng đang được trồng lại. Thông bây giờ, không phải chỉ là thông nữa, mà nó là ký ức, là phần hồn của một vùng đất, là những căn cốt để một vùng địa danh trở thành thân thuộc, nổi tiếng.

Cũng không trách được khi những đặc trưng một thời của Pleiku đang dần mất. Những con dốc đang bằng đi. Thông cũng đi đâu hết.  Nắng chói chang lấy đâu ra sương mù. Và những toà nhà hiện đại mọc lên nguy nga, những con đường mở rộng, đèn điện, phố xá tưng bừng, tiện nghi và hiện đại. Không thể khác, vì đấy là quy luật của sự phát triển và là mục tiêu phấn đấu của chúng ta. Nhưng sao lại cứ nhớ "ngày xưa" đến thế. Ấy thế nên có một thi sĩ đã thốt lên cái câu "Thành phố một thời thông" để mà hoài niệm, mà tiếc nuối... và cũng chỉ đến thế mà thôi. Biết đến bao giờ hàng nghìn cây thông cổ thụ mới lại trầm tư toả bóng xuống thành phố này như một đặc sản riêng của Pleiku. Thành phố được xây dựng to lớn hơn, đàng hoàng hơn, hiện đại hơn là điều không thể phủ nhận. Song  vì thế mà họ lại càng thở dài khi nhớ tới có một thời chưa xa, thành phố đầy thông...

           Chiều nay, chợt gặp một dáng thông trầm tư trên đường Quang Trung, lại nhớ một thời chưa xa, thông nhiều như cổ tích.

           Một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Phạm Đức Long là bài “khoảng trời lá thông” anh làm từ năm 1985, và sau dùng nó làm tên cho tập thơ đầu tay của anh. Có những câu về thông đau đáu “Khoảng trời lá thông hương chín rụng như mơ/ tôi có tuổi hai mươi ở đó/ có nắng có mưa có những cơn lốc đỏ/ có mùa xuân im lặng kéo qua đời. Khoảng trời lá thông bạn tôi cũng đói nghèo/ thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn/ thương nhau giữ tròn lẽ sống/ giữa trắng đen hư thực thăng trầm”. Ở đây, thông không còn chỉ là thông nữa, nó là vùng đất, là con người, là tâm hồn, là dư ba của những tháng năm, của thăng trầm, của huyền tích, của dằng dặc thời gian và mênh mông không gian. Thì tiền nhân Nguyễn Công Trứ cũng từng thốt “Kiếp sau xin chớ làm người/ làm cây thông đứng giữa trời mà reo”...

           Thông cứ thế, an nhiên với người với đất Cao nguyên, với Gia Lai, với Pleiku.

           Và những đồi thông bên đường 19, ngay trong lòng Pleiku, vẫn giữ cho Gia Lai một đặc trưng Cao nguyên không dễ gì ngày một ngày hai xác lập được. Chả thế mà hai con đường thông đẹp nhất hiện nay là ở Biển Hồ trà và khu tập thể Đài Truyền hình luôn là nơi du khách cả trong và ngoài tỉnh chọn đến thăm, chụp ảnh... 
         
           Du lịch cùng thông, một lựa chọn chắc chắn thú vị...  

                                                               
                                                                                  


Không có nhận xét nào: