Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

TẾT ĐẦU TIÊN Ở TÂY NGUYÊN




Cuối tháng 11 năm 1981 tôi đeo ba lô lên nhận công tác tại Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai - Kon Tum. Nói ngay là tôi xung phong lên dù trước đó chưa hình dung Gia Lai Kon Tum là đâu, chỉ bởi là mấy thằng cùng lớp chơi với nhau, rủ nhau đi đâu đó mà có thể tiếp tục chơi với nhau như thời sinh viên, tôi là thằng đề xuất đi Gia Lai Kon Tum vì thích bài hát, hồi ấy còn bị cấm, “Còn chút gì để nhớ” với cái hình ảnh lãng mạn “Em Pleiku má đỏ môi hồng/ ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”. Và cũng bởi, mở bản đồ ra, thấy trong mấy tỉnh Tây Nguyên thì Pleiku gần Huế nhất. Cuối cùng, còn mỗi tôi cầm tấm bằng đại học lên Pleiku, bọn kia tụt lại hết.

Giáp tết. Ở nhà thấy mẹ đã nhắm con heo và đàn gà sẽ xuất dịp tết. Về hưu nhưng các cụ vẫn chăn nuôi trồng trọt như nông dân thứ thiệt. Dúi hơn trăm bạc vào túi tôi, mẹ bảo: “Cũng đến thua con. Thôi thì đi cho phỉ chí tang bồng, khi nào chán lại về với mẹ. Trước mắt, khả năng cao là tết này không về ăn tết được, thì gửi gạo tiền cho nhà cô chú nào ở cơ quan ấy, họ nấu cho mà ăn không thì tết đói đấy”. Mẹ tôi nguyên cũng là lãnh đạo một cơ quan thời bao cấp, đầy kinh nghiệm trong việc nhân viên độc thân của bà ăn tết.

Pleiku hồi ấy buồn kinh hồn. Mùa khô, trời cao và trong, bụi đỏ bay mù mịt, cứ mỗi cơn gió nổi lên, cả phố phường như dát bụi, người ngợm nhà cửa cây cối cứ như những cây bụi. Mùa này lại là mùa gió. Gió, nắng, lạnh và bụi là “đặc sản” mùa này. Mà nước lại hiếm, mỗi tuần nước máy chảy có một lần. Độc thân nên cũng chả có gì trữ nước, chỉ mỗi một cái chậu nhựa và cặp thùng gánh nước. Vả, mùa khô tức là mùa lạnh, càng nắng càng lạnh, lạnh lắm, suốt đêm co ro đốt lửa sưởi trong cái nhà tập thể của khu gia binh cũ, tường ốp gỗ thông và mái lợp tôn. Chỉ nguyên tiếng tôn đập lật bật suốt đêm theo gió là đã không ngủ được rồi. Nên cái sự tắm là… xa xỉ.

Thế mà tết lại sầm sập đến.

Phòng hành chính cơ quan nháo nhào chạy đủ mọi cách kiếm thêm lương thực thực phẩm ngoài tiêu chuẩn về cải thiện. Đích thân trưởng ty phải xuất quân thì đâu mỗi người được thêm một cân cá mua tận hồ Đăk Uy và cân gạo nếp. Còn tiêu chuẩn nhà nước thì có nếp, đậu xanh, thịt, thuốc lá, trà… Tôi tốt nghiệp đại học nên phiếu thịt được 5 lạng, những người khác là 3,5 lạng.

Tất nhiên với mấy đứa độc thân chúng tôi, hôm phòng hành chính chia hàng tết thì ngày ấy chính là… tết. Thay vì lấy 5 lạng thịt, tôi lấy 1 cân xương. Về hầm với su su hồi ấy trồng đầy cơ quan, chỗ xương ống nấu cháo. Cá mè Đăck Uy to đến mức cả cơ quan chia nhau có 2 con. Tôi xách miếng cá về cho vào chảo rán, càng rán càng teo tóp vì nó toàn mỡ. Những thứ không chén được như trà, mứt, kim chỉ, măng, miến… tôi cho các anh chị đã có gia đình.

Hôm ấy là 29 tết, chúng tôi được một bữa say nhòe. Nói chúng tôi là bởi ngoài 3 thằng độc thân còn lại ở cơ quan, tôi có kêu thêm mấy đứa cùng học Đại học Tổng hợp Huế lên cùng đợt, khác khoa nhưng vì cùng lên nên liên hệ rồi chơi với nhau.

30 tết, cả cơ quan vắng hoe. Bắt đầu ngấm cái buồn, cái cô đơn. Lần đầu tiên ăn tết xa nhà. Cũng chả cách gì liên lạc với gia đình được. Cách duy nhất là viết thư thì đã gửi cách đấy cả tháng rồi.

Mà hồi ấy, chỉ sau hai ba tháng chạp là hầu hết hàng quán đã đóng cửa, nên bọn độc thân chỉ có đói. Các gia đình trong cơ quan cũng toàn loại khó khăn, chật vật nuôi con chật vật nuôi… heo, nuôi heo để nuôi con, con có thể ốm nhưng heo quyết không được để nó ốm, nên mời nhau được một bữa là cả vấn đề, vả, chúng tôi cũng tránh, lòng tự trọng của anh sinh viên mới ra trường nó ngùn ngụt lắm, nên dẫu mẹ dặn kiếm một nhà nào đó trong khu tập thể gửi gạo, tiền nhờ nấu cơm ăn tôi cũng chả thực hiện. Cơ quan có bếp ăn tập thể nhưng sau ngày 25 cũng đóng, phải mùng 10 mới mở lại.

Sáng mùng một tết là một cuộc ngủ thật muộn, và gần trưa thì nằm trên giường bàn với một ông bạn cùng phòng tập thể: Ngày mai xuống làng ông Xu Man.

Xu Man là họa sĩ người Bahnar làm cùng phòng Văn nghệ với tôi. Ông là ủy viên Ban chấp hành hội Mỹ thuật Việt Nam 2 khóa, từng học đại học ở Hà Nội, từng đi Nga đi Tàu, nhưng chỉ thích ở dưới làng. Ông được đặc cách mỗi tháng lên cơ quan một lần để… lĩnh lương và các tiêu chuẩn tem phiếu, còn lại cứ ở làng mà vẽ, dù ông là phó phòng. Trước khi nghỉ tết ông dặn: Mấy đứa tết mà buồn thì xuống làng với tui nhé. Làng không ăn tết Kinh nhưng chúng mày sẽ có tết.  

Sáng mùng 2 thì chúng tôi nhằm hướng Plei Bông thẳng tiến. Phương tiện là xe đạp. Chừng năm chục cây chứ mấy. Trong cái túi mìn Clây Mo thời ấy hay đeo tòòng teng bên hông là tấm vải đỏ dùng để giăng khẩu hiệu. Các cô gái ở làng rất thích vải đỏ, họ xé ra làm đồ trang sức.

Trưa trưa thì tới làng, ông Xu Man rất vui, cười hở cả lợi rồi cầm cái nỏ. Choách phát là nghe tiếng gà oác oác. Đứa cháu ông chạy ra xách vào. Nhúng nước rồi gác lên bếp, lông nóng đến đâu thì vặt đến đấy. Vốn dĩ cũng khéo tay khoản nấu ăn, nhưng ở đây tôi đành im lặng để ông Xu Man và người nhà làm cơm đãi chúng tôi.

Một cái nồi gang nấu cơm. Đổ nước vào rồi đậy vung và nấu một hơi, không mở ra mà đến lúc chín mùi thơm ngào ngạt tỏa ra. Con gà được mổ rồi nướng nguyên con. Nướng xong thì một phần xé ra, một phần được giã nhỏ với muối và lá é, phần nữa nấu với cà đắng. Cái phần xé ra được đặt cạnh ghè rượu. Hiểu ngay đấy là mồi để uống rượu. Chỗ giã với lá é, muối và nấu cà đắng là để ăn với cơm. Nói thật là nó ngon một cách kinh khủng. Tiếng Bahnar ăn cơm là Sa-ngo. Bà con sa-ngo bằng cách cứ thế tay trần bốc cơm ăn. Cơm rất dẻo, khi bốc quả bầu đựng nước để bên cạnh, lâu lâu lại nghiêng bầu đổ chút nước cho ướt tay.

Điều thú vị nữa là dân làng nghe nói nhà ông Xu Man có khách, thế là cứ lẳng lặng gùi ghè rượu sang, chỉ một lát gần chục ghè rượu giăng kín sàn nhà, chúng tôi miên man đến… sáng hôm sau.

Người Tây Nguyên không ăn tết nguyên đán như người Kinh, họ có hệ thống lễ tết riêng. Mươi năm lại đây, khi người Kinh ăn tết thì cũng có vài nhà ăn đã ăn tết cùng, ngoài ra nhà nước cấp tiền cho từng làng để tổ chức một bữa ăn chung, coi như ăn tết. Còn cái hôm mà chúng tôi xuống ấy, dân làng hoàn toàn chưa có một ý niệm gì về tết, chỉ là có chúng tôi về, bà con xúm lại uống rượu thôi. Mấy miếng vải đỏ ông Xu Man xé ra phát cho lũ con gái trong làng, chúng rất thích, có đứa hôm sau bắt sang con gà cám ơn.

Chiều mùng ba tết, chúng tôi lại đạp xe lên cơ quan để mùng bốn làm việc. Một cái tết ăn tết mà lại không ăn mà lại vẫn là ăn tết, cái tết đầu tiên trên Tây Nguyên của tôi là như thế, nhớ đời.

(Báo Người lao động tết CCCM ạ he he)



Không có nhận xét nào: