Có
một số ý kiến đề xuất là bỏ tết âm lịch, chỉ ăn tết tây cho nó... hợp với thế
giới, hợp với hội nhập hợp với trào lưu hiện đại bây giờ.
Nghe
có vẻ có lý, có vẻ tiến bộ, nhưng nghĩ lại, thấy lại rất... vô lý.
Bởi
nghĩ cho cùng, sống, lao động, phấn đấu là để thỏa mãn mình. Mà con người sống
thì có hai phần rõ ràng, phần thể xác và phần tâm hồn. Thể xác có thể giống
nhau, thậm chí nếu chịu khó hóa trang chút, người giống hệt nhau chả khó gì.
Khi ra nước ngoài, hoặc người nước ngoài nhìn người Việt, và ngược lại, rất khó
phân biệt sự khác nhau, mà thấy nhang nhác như nhau cả. Nhưng cái để từng con
người là một cá nhân khác biệt, là mình, chính là phần tâm hồn. Một dân tộc
cũng có phần tâm hồn của dân tộc ấy, đất nước cũng có tâm hồn của đất nước ấy.
Tết
âm lịch cổ truyền là một phần của tâm hồn Việt, là một góc của văn hóa Việt. Nó
làm nên bản sắc Việt, để mà vì nó mà người ta bận rộn, vất vả, sung sướng và tự
hào, tự tin và cả băn khoăn mỗi khi tết về.
Tất
nhiên sẽ không có ai chết vì không có tết cả. Thậm chí một số người còn… thở
phào.Nhưng đời sống tinh thần của chúng ta sẽ nghèo đi biết bao nhiêu nếu không
có cái tết cổ truyền.
Nó là sự gắn kết,
là trùng phùng, là sum họp, là tri ân. Nó là sự quy tụ để lan tỏa, là thu nhỏ để
mở ra, là sự gắn kết những điều thiêng liêng, tạo ra sự thiêng liêng phả vào đời
sống thường nhật hàng ngày. Nó thấm đẫm tính nhân văn và là cái mốc, cái bậu cửa
để con người ngập ngừng xem lại mình trước khi bước sang một hành trình mới, một
năm mới. Cái ngưỡng cuối cùng của con người, dù là hiện đại đến mấy, thậm chí
là bướng bỉnh hư hỏng đến mấy, thì trước bàn thờ ông bà tổ tiên đêm ba mươi tết,
cũng đều rưng rưng lễ phép kính trọng một cách hết sức nền nếp, quy củ, thành
thật và hướng thiện. Nó như một kiểu “sám hối”, một cách nhìn lại, tự tu bản
thân. Nó cũng là nơi sợi dây gia đình, truyền thống níu con người lại với nhau
một cách vừa êm đềm vừa tôn nghiêm.
Tất nhiên những
người phản đối tết cổ truyền âm lịch cũng có lý do để đề xuất ý kiến của mình.
Những
tục những lệ những thói quen mang nặng yếu tố “hành xác” nhau với liên miên bếp
núc, với trăm việc không tên, với cái tâm lý tất cả để dành cho tết khiến con
người mệt mỏi và chán nản, nhất là các bà nội trợ và cả các cô gái mới lớn, các
cô dâu trẻ.
Những
luật bất thành văn như phải đi thăm nhau, thăm thì phải uống, rồi biếu xén quà
cáp, lì xì qua lại so đo tính toán kiểu như mình lì xì con “nó” một trăm mà nó
lì xì lại có năm chục... cũng làm giảm hưng phấn, giảm cả sự thiêng liêng của tết.
Rồi thì chợ búa,
dự trữ. Bây giờ khác hẳn ngày xưa rồi, người ta chơi tết là chính chứ không ăn
tết nữa. Nhưng thói quen thời bao cấp vẫn khiến các bà nội trợ không yên tâm nếu
như không… trữ đồ đầy nhà, nếu như không chuẩn bị được những món để… ăn tết, dọn
tết khi khách đến thăm. Cái thời đói khổ, khách đến thăm là dọn ra mời ăn, giờ
khác hoàn toàn rồi, nhưng cái tâm lý ấy vẫn khiến nhiều bà nội trợ nhưng là “thủ
trưởng” gia đình tự hành xác mình rồi cuốn cả gia đình vào. Nó cũng là niềm vui
của một số bà nội trợ đảm đang nhưng người ngoài nhìn vào, ngay cả người trong
gia đình, nhìn như một sự hành xác, sự thái quá, và đấy cũng là tác nhân để người
ta đòi bỏ tết cổ truyền.
Kinh nhất là những
cuộc hành xác về nhà ăn tết. Hàng triệu con người rùng rùng di chuyển trên đường
trong mấy ngày cuối năm, mục đích là phải về nhà trước tết, tức trước ngày 30 tết.
Rất vất vả, thậm chí nhếch nhác để về tết. Năm nào sát tết cũng cấp tập thông
tin vé xe vé tàu, điệp khúc tăng vé, rồi những chuyến xe miễn phí chở công nhân
về quê ăn tết, rồi bao nhiêu hệ lụy. Và ra tết lại những dằng dặc quay đầu, dằng
dặc nỗi buồn chia li…
Một số việc nữa,
khiến con người mệt mỏi với tết.
Nhưng
nếu không có tết.
Thú thật tôi chưa hình dung nổi làng quê Việt mà lại
không có tết cổ truyền. Có thể ai đó ở thành phố đóng cửa ba ngày tết để đi
chơi, nhưng ở quê còn bàn thờ, mồ mả ông bà, còn anh em bà con, còn những quan
hệ. Sự ấm áp, sự sẻ chia, sự tưng bừng, sự mong đợi và háo hức của người đi xa
kẻ ở nhà, của những dự định, của tâm linh của tất cả những gì tốt đẹp nhất mà
con người hướng tới... mâm cỗ chiều cuối năm, nén hương khắc giao thừa, lễ vật
bàn thờ sáng mùng một... tất cả là một quy trình văn hóa mà mọi con dân Việt đều
phải thạo. Nếu không có nó, đời sống người Việt sẽ như thế nào? Tết vẫn phải là
một nét văn hóa của người Việt. Tết là về sum họp với gia đình. Tết là phải có
mặt để thờ cúng tổ tiên, và cũng là cách “báo công”với làng với xóm…
Chính cái tết cổ truyền của dân tộc đã trả lại
cho các gia đình Việt những gì nó có từ ngàn đời. Sự ấm cúng, nghi lễ, tình
nghĩa ông bà con cháu, xóm làng, sự kính trọng ông bà tổ tiên. Những gì có thể
đã rơi vãi trong những ngày thường, tết bù đắp lại tất cả…
Nên tôi, bằng
tâm thế của một người còn đang tuổi hiện đại và cũng rất thích “nhàn” vẫn thấy
không thể bỏ tết như đề nghị của một số người.
Và vì thế mà
chào tết cổ truyền, chào một mùa xuân tươi đẹp đã gõ cửa nhà chúng ta, chào và
đón tất cả những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với chúng ta trong năm Mậu Tuất này.
Tôi vẫn luôn nghĩ, tết quê chính là nơi lưu giữ tâm hồn người Việt rõ nhất, đậm
nhất, vững bền nhất và tinh khôi nhất…
Tất nhiên, không
ai cấm những gia đình đóng cửa để đi du lịch. Đấy cũng là một dạng hưởng tết.
Nhưng cả năm đi xa, tết về nhà cũng là một cách đi du lịch, nhất là với trẻ
con, với những người chưa từng hoặc ít biết đời sống nông thôn. Chúng ta lặn lội
lên những bản làng, về những vùng nông thôn, kể cả nông thôn nước ngoài, để
Homestay, ơ, thế sao lại không coi về quê ăn tết cũng là một cách Homestay. Là
nói cho hết nhẽ thế thôi, chả ai lại coi về nhà mình, về quê mình, với ông bà tổ
tiên mình, lại là một dạng Homestay như thế cả. Về với tâm thế thành kính, nâng
niu, về để nhận, để nạp năng lượng, để yêu thương, để ấm áp, để đủ đầy và cả
tân hưởng.
Thế nên, thực
ra, nói tết cổ truyền Việt là chủ yếu nói về nông thôn. Nơi ấy, lưu giữ những
gì tinh túy nhất của văn hóa Việt, tâm hồn Việt, minh triết Việt và cả nhớ cả
thương cả những gì mình đau đáu nhất…
2 nhận xét:
Tôi đọc đi đọc lại bài này, thấy Nhà thơ Văn Công Hùng viết rất công phu và tâm huyết. Nhưng kể ra mà bỏ được cũng nhẹ người mà chẳng chết ai. Cái lợi thì ai cũng thấy rồi, nhưng cái hại không phải là ít. Mỗi dịp Tết là hàng trăm người chết và bị thương vì tai nạn. Ngày trước bảo cấm pháo thì mất vui. Nhưng từ khi cấm pháo thì đám cưới và Tết vẫn vui cười mà lại không bị cháy nhà chết người. Cứ nói Tết thiêng liêng, nhưng năm 68 đánh giao thừa khiến hàng vạn ngườu chết và mấy chục triệu người mất Tết đấy thôi. Nhìn sang Nhật Bản, họ bỏ được Tết và góp phần cất cánh. Thế nhưng bản sắc Nhật vẫn trường tồn. Trộm nghĩ, nước ta muốn phát triển thì phải thoát Trung, trong đó có bỏ Tết. Cái khó là không có người đủ tầm để quyết đoán và dứt bỏ.
bỏ tết thì cúng ông Vua Hùng bằng cái gì nhỉ.
Đăng nhận xét