Có
2 loại cây mà văn học đã... chôn chân, chứ không phải chắp cánh, cho nó trở
thành đặc sản Tây Nguyên, vĩnh viễn của Tây Nguyên, không ai cãi được, dù người
ta có thể gặp nó ở... nhiều nơi trên đất nước ta. Ấy là cây xà nu và cây kơnia.
Nhớ
lần ấy, tôi được một đoàn làm phim từ thành phố Hồ Chí Minh mời đi cùng để làm
phim xung quanh tác phẩm “Rừng xà nu”. Trước khi đi tôi có khoe trên facebook,
và thế là đang trên đường, một cô giáo dạy văn bạn tôi, gọi điện thoại bảo anh
nhớ chụp ảnh cây xà nu để em xem cái, bao nhiêu năm dạy tác phẩm mà chưa thấy
nó bao giờ. Tôi phì cười, nhà em ở ngay con đường nhiều xà nu và xà nu đẹp nhất
Pleiku đấy. Cô ấy ớ ra không tin, chả lẽ nó lại... đơn giản thế, làm tụt hết cả
cảm xúc của em. Nhưng đấy là sự thật, nó là thông, đơn giản thế thôi. Thông ba
lá. Thông có hai loại,
thông 3 lá và thông 2 lá. Thông hai lá là thông lấy nhựa, nó có thể cho 6 kg
nhựa/cây/năm, từ nhựa ấy người ta làm ra colophan, còn gọi là tùng hương và dầu
thông người ta hay dùng để quang nón cho bóng. Còn cái cây xà nu ta đang nói
đây nó là thông ba lá, nhựa rất ít, chủ yếu để lấy gỗ vì gỗ nó nhẹ, phổ biến là
làm vỏ thùng đạn. Người dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt vùng người Dẻ Triêng ở Đak
Glei chỉ sử dụng của xà nu một thứ, một thứ duy nhất, ấy là nhựa của nó để thắp
sáng. Họ tước những mảnh nhựa, đốt thay đèn. Tôi đã vào những làng Dẻ Triêng từ
thời những năm 80 của thế kỷ trước. Mỗi nhà có một cái đĩa như đĩa cân, treo
giữa nhà, trên ấy là leo lét xà nu cháy thay đèn. Lỗ mũi ai cũng đầy muội và
mặt thì đen lem nhem, chỉ đôi mắt là sáng quắc.
Còn
Kơnia, miền xuôi gọi cây cầy hay cây cậy, là một loại cây vô danh, chả ai để ý,
hình như vùng làm quạt giấy người ta dùng nhựa để phết quạt. Nhưng qua tay nhà
thơ Ngọc Anh, cây Kơnia trở thành một biểu tượng bất tử của Tây Nguyên. Tôi
là người chấp bút cho ông Ksor Krơn, nguyên bí thư tỉnh ủy Gia Lai Kon Tum, kể
về những ngày cuối cùng của Ngọc Anh ở chiến khu Kon Tum để in trong một cuốn
sách mỏng do nhà văn Thanh Quế chủ biên về Ngọc Anh in cách đây hơn hai chục
năm. Những ngày cuối đời của nhà thơ Ngọc
Anh rất bi tráng, và việc tìm được mộ ông cũng ly kỳ không kém.
Việc dùng cây
Kơnia làm hình tượng văn học cho bài thơ là một phát hiện rất đắt của Ngọc Anh.
Chúng ta đến bây giờ không nhiều người tường tận về Kơnia đâu. Đấy là một loại
cây rất ngạo nghễ, chỉ đứng một mình, cô đơn, tán hình trứng, rễ cọc rất dài,
và hạt ăn được. Trong chiến tranh nhiều cán bộ chiến sĩ của ta đã dùng hạt
Kơnia thay lương thực. Người Tây Nguyên thì để hạt Kơnia trong gùi và đi, bao
giờ mệt ngồi nghỉ và lấy hạt Kơnia đập ăn, một vài hạt văng ra, và mọc thành
cây, vì thế, khi đi bộ, cứ khi nào mệt và đói, ta lại gặp một cây Kơnia hiện
ra, rợp bóng mát như một đặc ân của trời thả xuống ban cho con người.
Chính họa sĩ Xu
Man là người nói cái ý Kơnia là đặc ân của trời gửi xuống cho con người với
tôi. Hôm ấy tôi và ông đạp xe về làng ông, giữa đường dừng lại nghỉ dưới một gốc
Kơnia ven đường, uống rượu với hạt Kơnia và ông rủ rỉ kể.
Cũng như dã quỳ,
Kơnia đang bạt dần vào rừng sâu vì nó... vô dụng, hay chính xác là ít tác dụng
với con người hiện đại hôm nay. Và vì thế mà giờ nó đâm ra hiếm. Đã có một kỹ
sư lâm nghiệp bỏ công sức ra nghiên cứu và ươm Kơnia nhưng rồi... nhụt chí. Tôi
đã có lần phải tìm cả tháng trời mới mua được một cây Kơnia con mấy tháng tuổi
gửi tặng một trường trung học cơ sở ở Thanh Hóa để trồng ở sân trường vì ông hiệu
trưởng trường này muốn giới thiệu một cách trực quan cho học sinh. Cũng có lần
giới thiệu cho một người ở Đăk Tô, Kon Tum liên hệ tìm mua Kơnia ở Pleiku nhưng
bất thành. Cũng từng lên tiếng đề nghị nên có một con đường Kơnia ở Pleiku, và
suýt nữa con đường anh hùng Núp bây giờ được trồng toàn Kơnia.
Là bởi, rất nhiều
khách du lịch bây giờ lên Gia Lai rất muốn được xem, được ngắm cây Kơnia, nhưng
phần lớn là thất vọng vì tìm không ra. Tôi từng bỏ ra cả tuần để đi chụp ảnh
Kơnia, thấy có mấy cây rất đẹp, ở phía sau công ty 715 ở Iagrai, ở đường vào Hà
Tây, và đoạn giáp ranh Kon Tum - Gia Lai, một vài nơi nữa...
Cũng từng chụp
được cái rễ cây Kơnia, và, nó dài thật. Thế nên ông kỹ sư lâm nghiệp mới nói:
Té ra các nhà thơ cũng thực tế phết, tả rễ cây Kơnia uống nước nguồn miền Bắc
là có lý đấy. Rễ cọc của nó rất dài, ngày xưa các cụ toàn nương theo rễ cọc
Kơnia để đào hầm bí mật.
Trung tâm thành
phố Pleiku giờ đang có mấy cây, mới trồng, ở khuôn viên văn phòng tỉnh ủy, và
quảng trường Đại Đoàn Kết. Nếu có một con đường rợp bóng Kơnia, chắc chắn nó sẽ
hút du khách chả khác gì con đường thông ở Biển Hồ trà...
(Bài viết cho mục "Cửa sổ du lịch" báo Gia Lai. Link gốc Ở ĐÂY
Toàn bộ ảnh của nhà cháu, ai lấy cần hỏi ý kiến. |
1 nhận xét:
A té ra là vậy, may có Bác nghiên cứu chứ nhiều người dân Viet không ai biết, bác còn giỏi hơn các nhà lâm nghiệp
Đăng nhận xét