Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

TỪ NHỮNG ĐẠI ÁN ĐANG XỬ




Tuần qua có mấy vụ án lớn được tòa mang ra xử, trong đó hai vụ nóng nhất “ngự” ở hai đầu đất nước, vụ dầu khí ở Hà Nội và vụ ngân hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Điểm chung là, thứ nhất là rất nhiều tiền đã thất thoát ở hai vụ án này. Hàng ngàn tỉ. Nhiều người cứ thần người ra hỏi, làm bao nhiêu cho đủ để các ông các bà này làm thất thoát những con số kinh hoàng thế. Thất thoát có nhiều cách. Lãng phí có, chi ra không thu lại được có, vào túi cá nhân có. Và vào túi không phải  dăm bảy trăm triệu, dù đấy đã là những con số rất lớn rồi, mà là rất nhiều tỉ. Ví như có bị cáo khai Trịnh Xuân Thanh bảo “chuẩn bị cho tao mấy đồng ăn tết”. Đồng tức là tỉ, bị cáo này đã phải đưa 5 tỉ cho Trịnh Xuân Thanh và đồng bọn “ăn tết”.  Thứ 2 là rất nhiều tên tuổi đã từng đạo mạo, đã từng ghế trên, dưới vài chục người trên hàng vạn hàng triệu người, từng có quyền rao giảng, từng nhất hô bá ứng, giờ bị còng tay dẫn ra tòa, đến mức có một bộ phận dân mạng cảm thấy thương xót, đề nghị tháo còng tay cho các bị can này, dẫn đến một cuộc tranh luận khá dữ dội trên mạng. Tất nhiên phe ủng hộ quy định của pháp luật vẫn đông hơn.

Có thể nói không ai là không đau xót trước những đại án đang xảy ra. Thứ nhất là rất nhiều của cải tài sản quốc gia đã một đi không trở lại. Trong khi đó, chả cứ vùng sâu vùng xa, ngay ở các đô thị lớn, vẫn rất nhiều hoàn cảnh thương tâm mà có khi chỉ cần năm trăm một triệu là họ có thể cầm cự được để ổn định cuộc sống. Tôi thi thoảng có tham gia các chuyến từ thiện. Đi rồi mới thấy không thể dứt ra được, vì, chỗ nào cũng có người khổ, người khổ sau khổ hơn người khổ trước, và gặp những tấm gương hy sinh cho những nỗi khổ. Như tôi biết một cô giáo hàng ngày đi dạy cả đi và về 90 cây số, hôm nào vào điểm trường dạy thì là hơn một trăm cây. Đã thế lại còn lấy tiền lương mua học cụ cho học trò. Khi tôi chia sẻ chuyện này thì cô ấy nói, cháu còn sướng chú ơi, vì cháu có chồng ở thành phố, nhà ở thành phố, đi rồi nó cũng quen. Trường cháu còn nhiều cô khổ hơn. Ví dụ cô N dạy ở điểm trường chứ không phải ở trường chính, một mình nuôi 3 đứa con, đứa đầu hai chục tuổi rồi mà bị bệnh bẩm sinh, không tự mình sinh hoạt được. Nhà ở trong làng, mấy mẹ con một suất lương giáo viên, nhưng cô ấy vẫn bỏ tiền túi mua cho mỗi học trò một cái áo trắng để dụ chúng đi học. Đứa nhà xa nhất cô mua một cái xe đạp cũ rồi thuê thợ sửa tặng nó để nó đến lớp đúng giờ. Thứ hai là mất cán bộ. Những cán bộ một thời oai phong, giờ ủ rũ gặp nhau ở tòa. Đau lắm chứ. Bởi từ những ông này dân sẽ có sự liên tưởng, so sánh. Và thứ 3, nặng nề hơn, đau đớn hơn, là khủng hoảng niềm tin. Cứ nhìn vào giàn cán bộ ấy thì làm sao mà dân tin được nữa. Họ có phải là cá nhân họ đâu, mà sau lưng họ là bao nhiêu hệ thống chính sách, quy định... giờ tan hoang ra thế, bao giờ mới khôi phục được.

Nhưng không thể không làm. Và dân tin sẽ còn phải làm mạnh nữa. Vẫn đang còn tiếp tục những nhân vật cộm cán khác “xếp hàng” trước cửa cơ quan điều tra, cơ quan kiểm tra của Đảng và thanh tra nhà nước.

Đã đành là có những lỗ hổng của cơ chế một thời để những cán bộ biến chất có thể lợi dụng, thậm chí là “thoát xác” như Đinh La Thăng sau khi gây ra bao nhiêu bê bối ở dầu khí đã ung dung về làm tư lệnh ngành giao thông vận tải, rồi về làm người đứng đầu thành phố lớn nhất nước. Như Trịnh Xuân Thanh uỵch phát nhảy vào làm phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, và đã có tên trong danh sách nhân sự dự kiến thứ trưởng vân vân, nhưng cái chính là những công bộc này đã tha hóa một cách kinh khủng sau khi nắm quyền lực trong tay. Ai đó nói rất đúng, rằng nhân dân không thể tham nhũng, ăn hối lộ, làm thất thoát tài sản nhà nước được, mà phải là cán bộ, và phải là cán bộ có quyền. Chúng ta đã trao quyền rất lớn cho một số cán bộ nhưng cơ chế giám sát, kiểm tra có vẻ như chưa theo kịp. Từng cuối năm chúng ta đều có những cuộc kiểm điểm, phê bình, xếp loại, và đa phần các đồng chí đứng đầu đều là người cũng... đứng đầu trong bình bầu xếp loại. Nếu có ý kiến khác, thường là bị ghép vào gây mâu thuẫn, đấu đá nội bộ, kèn cựa với cấp trên, thậm chí là có âm mưu... chiếm ghế. Trong quy trình quản lý chúng ta thiên về cảm tính chứ chưa theo luật, dù đã có luật ban ra, vì thế mà ngoài các đại án đang nhắc, chúng ta vẫn còn những vụ như Thanh Hóa, như Yên Bái, như ban chỉ đạo Tây Nam Bộ vân vân...

Tổng bí thư đã phất cao ngọn cờ chống tiêu cực, và công cuộc ấy đang thu được những thắng lợi bước đầu. Bước đầu nhưng đã làm nức lòng nhân dân. Vấn đề là, bên cạnh những hình phạt xứng đáng với tội danh, cần phải quyết liệt để thu hồi lại tiền của nhà nước đã thất thoát. Điều này rất quan trọng, nó sẽ đập tan cái lý thuyết quái gở là “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Khi mà tham ô tham nhũng tiêu cực cho lắm vào, đến khi bị phát hiện sẽ bị thu hồi hết, thậm chí phạt thêm mấy lần nữa, thì họ, những kẻ ăn tàn phá hại đất nước ấy, sẽ chùn tay. Chứ như lâu nay, “chịu khó” đi tù một thời gian, với tiền tham nhũng ấy, sống đến mấy đời chưa hết, thì những kẻ tham lam độc ác kia chả ngán gì mà không... mần tới.

1 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Tôi cảm thấy có điều gì không bình thường trong vụ án Đinh La Thăng? Hình như Công lý đang diễn ở đâu đó, chưa về kịp?