Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

ĐẦU RA HÍ SỰ




Các cụ ta ngày xưa rất coi trọng… đầu ra, chả thế mà trong tứ khoái các cụ dạy lại, chuyện toilet được lọt vào nhóm 4 ấy. Nó chính là bốn thứ khoái, hay chính xác là bốn điều cần để sống, để tồn tại một cách bình thường.

Nhưng chả hiểu sao, nói thì nói thế, dạy thì dạy thế, các cụ lại rất coi thường món ấy, hoặc có đề cao thì lại đề cao kiểu “Nhất quận công nhì ị đồng”. Ngày xưa, khi mà cái nhà vệ sinh hoặc là một cái hố đào nông choèn choèn che bằng… lá chuối, nóng hầm hập mùa hè và ướt nhoẹt mùa mưa, dưới ấy lũm bũm những thứ không dám nhìn và không thể tả, hoặc là đi vào chuồng lợn chuồng bò, hoặc xuống ao xuống sông… thì cái sự ra đồng nó trăng thanh gió mát thật, nó trữ tình nên thơ thật, nó hơn hẳn sự tù túng khi phải chui vào cái chuồng chồ kia. Tôi từng chứng kiến các anh các chị thanh niên rủ nhau… đi đồng (từ đi đồng được dùng ở một số vùng có khi xuất xứ từ việc chỉ địa điểm “hành sự” này) tập thể ngoài ruộng, chuyện râm ran như họp chợ. Cũng chứng kiến dân miền biển từng tốp ra biển quay lưng ra biển… hành sự. Câu thơ của tôi: “Những mùa biển lưng quay ra sóng/ ngón hằn trong cát mưa mai” trong bài thơ “Xứ Thanh” của mình khá nhiều người đọc và thích là tôi tả cảnh này chứ chả phải tình tứ cao siêu bí hiểm hay lãng mạn thăng hoa gì.

Mới đây thôi chứ chưa lâu la bao nhiêu, chưa đầy mười năm trước, tôi và mấy người anh em xuống nhà một người bà con ở ngay thị trấn Gò Găng, Bình Định, cách sân bay Phù Cát chưa đầy cây số. Vợ chồng nhà này buôn bán rất giỏi, cất cái nhà xây to oành, ba bốn phòng rộng rinh, nền lát gạch men bóng nhoáng. Trưa ông chồng làm cặp vịt đánh tiết canh mời khách. Hồi ấy H5N1 còn lảng vảng đâu đấy chứ chưa đến vùng này nên vô tư tiết canh, nhất là khi cô vợ bồi thêm: Vịt em thả ở ruộng mía, sạch tinh, em vừa ra bắt về đấy, chả H5 H6 gì đâu mà lo. Đánh chén no nê xong một ông anh trong đoàn có nhu cầu… đầu ra. Cô em thản nhiên bảo: Anh ra… vườn mía, có cây gậy em để ngay chỗ cửa kia. Ôi giời ơi, ông kia la làng: cô giết tôi đi, cho ăn mà không cho ị thì giết nhau chứ yêu thương chăm sóc nỗi gì. Thôi về về ngay. Hỏi thì mới biết cái gậy ấy là vũ khí để… chống chó và vịt.

Còn các làng Tây Nguyên thì khỏi nói. Cũng phải thủ gậy, mà kẻ phải chống ở đây không chỉ chó, chó dù sao cũng dễ bảo hơn, mà là… lợn (heo). Cứ thấy bóng người lủi ra bìa rừng là hàng đàn lợn hộc tốc chạy theo. Lợn ở làng Tây Nguyên, nhiều con lai lợn rừng, lông dựng đứng nanh nhọn hoắt. Nhiều khi phải hai người ngồi quay lưng lại nhau để cùng chiến đấu với lợn chứ cái giống này đúng là ngu như… lợn, cầm gậy quay mòng mòng đánh mà nó vẫn cứ lăn xả vào. Nhiều bận quên luôn “nhiệm vụ” chính mà chỉ loay hoay đối phó với lợn. Thế nên trong các đoàn công tác xuống cơ sở của các cơ quan thường xuyên phải bám ở làng thế nào cũng phải biên chế vài anh con trai. Các anh này có thêm nhiệm vụ cao cả là… đuổi lợn mỗi buổi sáng sớm. Các trường hợp ngồi xoay lưng không phải lúc nào cũng có thể là… đồng giới.

Thế nên một thời nào đó, xa xưa rồi, ai đấy phát minh ra cái hố xí hai ngăn quả là một phát minh vĩ đại thời ấy. Nó vừa vệ sinh, tất nhiên không thể so với bây giờ, nhưng lại vô cùng sạch sẽ vệ sinh so với việc cả làng đều… ra đồng hoặc gò, thải tự nhiên, lại vừa có phân bón ruộng. Phân bón một thời rất quý, đến nỗi đại tướng lừng danh Nguyễn Chí Thanh cũng bị gắn vào: “Anh Thanh ơi hỡi anh Thanh/ Anh về phân bắc phân xanh đầy chuồng”. Hồi ấy có phân hữu cơ và phân vô cơ. Vô cơ là phân hóa học, hữu cơ là phân chuồng và phân xanh. Phân bắc là chất thải của người nằm trong hệ… phân chuồng. Cũng chả hiểu sao nó lại có cái tên là phân bắc.

Nhân nói về phân bắc, lại nhớ một thời làng Cổ Nhuế nổi tiếng với việc có nghề đi lấy… phân bắc. Cứ nghễu nghện đôi quang giành đi trong phố từ 3 giờ sáng đến các hố xí công cộng, có đủ cách lấy, trong đấy rùng rợn và hài hước nhất là người ngồi trong đang khoan thai xả, nhìn xuống giật nảy mình thấy một cái ca cán dài thò vào, lại còn động viên: Bác bình tĩnh lái cho nó rơi vào ca hộ em, khỏi hót, rơi vãi phí của! Lại cũng có câu thơ vui: “Thanh niên Cổ Nhuế xin thề/ chưa đầy 2 sọt chưa về quê hương”.

Nhưng nói thật, bây giờ, đố ai dám chui vào cái lò hơi có tên gọi hố xí hai ngăn một thuở ấy. Thế mà hồi ấy, nó là thiên đường, có thơ về nó rất… mượt mà: “Hôm qua anh đến chơi nhà/ Thấy em đã có mượt mà hai ngăn/ Đêm về anh cứ lăn tăn/ Nghĩ đến hố xí hai ngăn lại… thèm”. Hoặc câu thường được viết nguệch ngoạc trên tường hố xí hai ngăn thời ấy: “Ị cho trúng lỗ mới tài/ Ị mà ra ngoài… kỹ thuật còn non”…

Ở nhà khách Bộ Văn hóa 170 Nguyễn Đình Chiểu, TP HCM, một thời trong từng toilet đều có 4 câu, chả biết có phải thơ không: Ngồi quay mặt ra cửa, nhớ đóng chặt cửa vào, giấy bỏ vào trong sọt, việc xong nhớ dội nước

Dân ta rất lạ, cái ấy, toilet ấy, rất quan trọng, không có nó là… khốn khổ khốn nạn ngay, nhưng chả hiểu sao lại nhất loạt gọi nó là… công trình phụ, khu phụ, tức là bố trí cho nó ở một tư thế rất phụ, rất là tạm bợ. Nên nông thôn, công trình phụ đa phần là… cánh đồng bao la, là những gò đồi bỏ hoang. Cứ thế lớp này đè lên lớp kia. Còn trong nhà, nhà ai tiến bộ thì giành một khoảnh ở góc vườn, quây một cái cũng rất tạm bợ bằng bốn cái cọc và lá chuối. Sau, có phong trào hố xí hai ngăn, các hộ gia đình được hỗ trợ xi măng để làm, thì nó cũng được bố trí rất héo lánh đâu đó, và đúng là… phụ, rất lụp xụp lòe xòe, chui được vào đấy đã là một kỳ công. Nên có chuyện một cô người thành phố, yêu một anh ở quê nhưng làm việc ở phố. Yêu nhau lắm vì anh cực kỳ tài năng, lại đẹp trai. Một hôm anh đưa nàng về quê. Nàng ngó qua cái hố xí nhà chàng cái rồi… phi mất dép. Yêu chả yêu thì đừng, lấy chả lấy thì thôi chứ chui vào cái “công trình phụ” như thế kia thì… thà chết còn hơn.

Tôi có 2 đứa con gái, hồi học đại học đều rất thích đi “mùa hè xanh” và tôi cũng hết sức ủng hộ chúng. Mấy năm đại học năm nào cũng đi, rất hào hứng, duy chỉ ngán mỗi việc… đi cho cá ăn. Con em học đại học Dược, và khi đọc nhật ký mạng của nó tôi phát hiện con mình có khiếu… viết văn. Nó tả hàng ngày ăn ít uống nhịn ra sao, vừa ăn uống vừa… nghe cơ thể mình. Căn làm sao để cứ… 3 ngày một lần, vào buổi tối, thì mấy đứa mới đồng loạt rủ nhau lên xã, nơi duy nhất có nhà vệ sinh, xổm thôi, nhưng là nhà vệ sinh tự hoại, rồi lại đợi nhau, lục xục cả mấy tiếng đồng hồ, xử lý xong lại lội ruộng về nhà trọ. Cũng có đứa chịu không nổi thì đợi nửa đêm ra cho… cá ăn. Bà con miền Tây nuôi cá tra cá vồ, gác một cây tre phía trên, quây tấm cót, thế là có… toilet. Nắng mưa, cót lả tả tự hồi nào, thế là cầm thêm tờ báo, có người thì… che mặt. Thế mà vẫn bị chào hỏi râm ran, bởi bà con nhận ra cô kia hôm qua vừa hát, chị nọ vừa dạy con mình tiếng Anh!!!

Nhưng chả cứ nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa nhé, ngay Hà Nội ngàn năm văn vật cũng không phải nơi nào cũng có toilet… ngon lành. Phố cổ ư, các khu tập thể cũ ư, các nhà cao tầng lắp ghép từ thời bao cấp ư, hệ thống toilet đúng là… công trình phụ. Nó cũ kỹ và lạc hậu, nó bất tiện và hành hạ con người. Viết đến đây lại thương những cuộc tắc đường, người ta sẽ phải xử lý nhu cầu như thế nào khi di chuyển với tốc độ “nhúc nhích được” hàng bảy tám tiếng đồng hồ trên đường những ngày lễ, hoặc bình thường là vài ba tiếng. Một vài anh bạn có xe ô tô thì bày cách là luôn có những vỏ chai không trên xe, tuy thế không phải lúc nào cũng có thể xử lý được nếu anh là người lái xe. Chưa kể còn các chị.

Viết chuyện này lại không thể không nhắc tới các phương tiện vận tải công cộng của ta. Các đoàn tàu hỏa xuyên Việt gần đây mới có toilet tự hoại, còn lại hàng mấy chục năm, cứ thế thải xuống đường. Có người tỉ mẩn ngồi tính, thì một đoàn tàu chạy từ Hà Nội và Sài Gòn thải ra đến cả tấn phân. Thế mà một ngày có bao nhiêu đoàn như thế. Tôi đã từng có tuổi thơ ở Thanh Hóa đi học về cứ dọc đường tàu mà đi, cho nhanh. Và quả là, cây rau má xứ Thanh nó nổi tiếng đến mức người ta quên nó đã hưởng thụ những gì từ tàu thải xuống.

Cũng như thế là những chuyến xe khách, bây giờ thì đã có những trạm dừng. Ngày xưa thì cứ bạ đâu dừng đấy, cứ văng vắng là dừng, là cả xe đổ xuống, biến nơi ấy thành toilet công cộng. Một xe dừng, mười xe dừng, hàng trăm xe dừng, cái bãi thải lộ thiên ấy nó trở nên khủng khiếp với dân ở đấy và cả những xe dừng sau. Trong nhiều lý do tàu hỏa và xe khách bị ném đá, tôi nghĩ có thể có lý do này. Chả biết có nơi nào trên thế giới mà lại có những đoàn tàu phải giăng lưới thép lên cửa sổ để chống ném đá không? Dân ném đá cũng biết… thay đổi chiến thuật, giờ không ném đá mà ném… bùn, thậm chí cả cứt trâu.

Nhớ có lần tôi ngồi với 2 ông nhà văn viết về nông thôn Việt rất hay hiện nay là ông Nguyễn Hữu Nhàn và Trần Đức Tiến tại Vũng Tàu. Câu chuyện xung quanh mỗi việc: Xử lý đầu ra ở nông thôn. Ôi giời vốn sống của các ông ấy ngồn ngộn đến mức cũng từng ở nông thôn, cũng có khả năng quan sát từ bé và cả khả năng tưởng tượng và lưu giữ kỷ niệm mà tôi cứ há hốc mồm ra. Mới nhất, tôi viết một status trên facebook về việc… vệ sinh hậu… đầu ra mà bao nhiêu người vào góp vốn, biết bao nhiêu chuyện cười “không nhặt được mồm”- chữ dân mạng hay dùng, đến suýt xoa vì sao nó khủng khiếp đến thế. Chuyện rất nhỏ, thậm chí là mất vệ sinh. Nhưng té ra nó lại rất là lớn và rất là vệ sinh nếu như chúng ta không chú ý đến nó, cứ coi nó là nhỏ, là mất vệ sinh… 

Vệ sinh, nên bắt đầu từ chuyện “đầu ra”, nghĩ thế nên tôi viết bài này, và nói thật, đã phải tự biên tập rất nhiều, tự kiềm chế rất nhiều chứ không thể… thả phanh tả những điều mình thấy, viết những điều mình nghĩ, ví dụ như về việc trước khi có giấy vệ sinh mỏng mềm thơm nhẹ như bây giờ, vòi xịt rửa như hiện nay, con người đã từng dùng gạch, đá, đất cày, lá cây, que, cỏ, tranh lợp hố xí… làm giấy, nhưng phải tự cắt bỏ, đành thế thôi…



3 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Chuyện này rôm rả đây. Bây giờ tôi mới biết thêm nguyên nhân trẻ em ném đá lên tàu hỏa. Và góp thêm 1 chuyện:Hồi những năm 70 (XX), Có ông chuyên gia Nhật sang giảng bài ở trường đại học Hà Nội, bỗng nhiên muốn đi ngoài... Ban quản lý cuống lên, không dám đưa ra nhà vệ sinh của sinh viên. Một ông sáng kiến kiếm cái xô. Sau đó thanh minh thực hòan cảnh như thế, như thế... Ông Nhật ái ngại bảo, sẽ giúp kinh phí xây nhà vệ sinh tự hoại. Nghe vậy ai cũng hoan hỷ, nhưng có người cảnh giác bàn, sợ mắc mưu tư bản, nhỡ nó ngưng cung cấp giấy tự hoại để yêu sách gì đó thi lại thối hoăng à? Thế là thôi. Hài thế...

Văn Công Hùng nói...

Hihi vụ đầu ra ở nước ta mà kể thì có mà cười đến tắc... in luôn bác Vũ Xuân Tửu ạ. Em đã phải tiết chế và tự biên tập rất nhiều đấy ạ...

Vũ Xuân Tửu nói...

Lại xin nói thêm chuyện đầu ra: Hồi những năm 80 (XX), có gia đình cô cán bộ chắt bóp xây đuiwch cái nhà vệ sinh tự hoại. Hôn khánh thành mời lãnh đạo cơ quan đến liên hoan. Hồi đó, tôi xuống thăm bạn ở Đại học Viết văn Nguyễn Du. Bạn bèn dẫn đi xem cái nhà vệ sinh tự hoại mà nhà trường mới xây. Hôm vừa rồi, tôi lọ mọ đi Hà Nội dự buổi tịa đàm giới thiệu sách Phong tục đời người của Họa sĩ Phan Cẩm Thượng, tại Trung tâm văn hóa Pháp; trong đó, có nói chuyện Tứ khoái (ăn, ngủ, đầu vào, đầu ra... thực là rôm rả.