Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

BẠN BÈ MỘT THUỞ




Hôm qua, gặp một anh bạn, y nhắc, ông Hùng có hai món mà tôi bái phục, ấy là làm tiết canh và gỏi gà. Không nói chuyện vệ sinh H5 N mấy ở đây, chuyện ăn nhậu rượu chè ở đây, mà tôi nói về cái sự sáng tạo của ông khi tiếp khách mà… ví mỏng.

Chỉ thế thôi mà cả một thời ùa về.

Chả hiểu sao cái thời khó khăn vất vả ấy mà số bạn bè “đi hoang” của tôi lại đông thế. Bạn bè đi đông thì đồng nghĩa là nhà tôi sẽ… nhiều khách. Tôi ở ngay trung tâm thành phố Pleiku, cũng chả giàu có gì, nếu không muốn nói là nghèo, bởi hồi ấy chữ chưa có giá như bây giờ, chỉ hưởng lương công chức sở Văn hóa, vợ làm ngành y, mà lại y tế dự phòng, tức là cũng không lộc lá phong bì gì, thậm chí còn lõm tiền nhà khi mà mỗi tháng đi công tác cơ sở gần hai chục ngày. Thế nhưng chả hiểu sao, nhiều bạn bè cứ mặc nhiên coi tôi là… Tây Nguyên. Đi hoang lên Tây Nguyên mà chưa ghé nhà tôi tức là chưa tới Tây Nguyên. Nhiều bạn truyền nhau câu “thần chú” ấy.

Mà tôi thì ở nhà tập thể. Pleiku sau năm 1975, di sản chính quyền cũ để lại là những dãy nhà tập thể xây bằng táp lô lợp tôn, mỗi dãy 10 căn, xung quanh là hàng rào kẽm gai. Đấy chính là những khu gia binh của quân đội Sài Gòn cũ. Nhà nước tiếp quản những căn nhà ấy rồi phân cho cán bộ ở. Một cái giường đôi kê sát cái giường một. Giường đôi vợ và con gái ngủ, giường một của tôi. Ngăn với phòng khách là cái giá sách. Phòng khách ngoài bộ bàn ghế làm việc mượn của cơ quan thì còn chỗ đủ trải một cái chiếu đôi. Nền nhà xi măng mỏng dính đã thủng nhiều chỗ. Đấy chính là nơi bạn bè tôi hạ lưng sau những ngày lang thang ghé lại nhà tôi. Ăn hết nhiều chứ ngủ hết mấy, ai cũng động viên bằng câu ấy khi vợ tôi tỏ vẻ băn khoăn khi “các bác” phải ngủ nền xi măng lạnh, nhất là vào mùa khô, tức là mùa lạnh. Nhà tôi vì thế, rất nhiều chiếu, chăn, gối và màn.

Hồi ấy ví thường xuyên lép, mà con thì nhỏ, có đồng nào phải dồn cho nó, và cũng chỉ xài đến sữa Ông Thọ chứ đâu có dám nghênh ngang các loại sữa ngoại như bây giờ. Nên khách đến thì… phải tính.

Việc tính đầu tiên là phải làm sao để… vợ vui. Khách đến ăn nhậu ồn ào, mỗi người mỗi tính. Có đứa hiền lành chỉ ăn rồi ngủ, làm gì cũng rón rén, có đứa thì coi nhà mình như… nhà nó, vợ mình như… vợ nó. Ngồi xuống mâm là kêu, quát ầm ĩ, ớt tươi đâu. Món này sao không có tỏi. Nước mắm phải giã ớt tỏi chứ??? có đứa ngủ nghiến răng kèn kẹt, có đứa ngáy như vỡ đập, lại có đứa nửa đêm bật dậy đi lang thang, lại còn bắt chủ nhà đi theo: Đến đây mà chỉ ngủ thì phí đi à, mày phải ra phố với tao? Còn chuyện nôn ra nhà thì cũng không hiếm lắm. Nhưng may là, tất cả những bạn bè đã ghé nhà tôi xong rồi khi đi, có khi cả chục năm sau vẫn còn… ca ngợi bà chủ, có đứa còn hân hoan ban cho mấy chữ khen trên báo nhân viết về vấn đề gì đấy mà sực nhớ. 

Tiếp theo là phải tính cách làm món nhậu cho bạn xơi vừa rẻ mà vừa không bị bạn chê. Vì thường khi bạn đến thì không chỉ mình bạn nhậu ở nhà mình, mà phải hú thêm mấy bạn sở tại cùng ngồi nó mới… vui.

Và những món nhậu nghèo mà ngon ra đời. Và tay nghề của tôi cũng nhờ thế mà ngày càng… phát triển.

Món dễ làm nhất, rẻ nhất, phổ thông nhất, đa phần ai cũng thời được là… tiết canh.

Giờ thì nói thật, có thuê tôi cũng chả dám ăn món này, thi thoảng có làm thì làm kiểu khác, ấy là đến lò mổ dê, mua tiết dê mới cắt, rồi mua vịt về làm bổi chứ quyết không ăn tiết vịt tiết lợn nữa. Nhưng hồi ấy, lao ra chợ, mua một bì tiết lợn hãm sẵn mà bà bán lòng nào cũng có, mua thêm cân lòng nữa, kèm cái cuống họng, ít rau thơm, lạc, thế là yên tâm cho mười ông ngồi thâu đêm.

Cái giống thợ chữ, gặp nhau là mừng, nên… nói là chủ yếu. Nên có chuyện một đám nhà thơ vào nhà một nhà thơ nhậu. Bà chủ nhà bỏ nguyên cả buổi ra nấu nướng bày biện, nhưng khi vào mâm, các bố gắp rất ít, chủ yếu là uống và… nói, nên khi dọn bà chủ khóc òa: Em nấu ăn dở lắm hay sao mà thức ăn còn nguyên thế này? Vậy nên tôi đếm người, biện cho mỗi người một bát tiết canh, thừa 2 bát để dự bị. Nước luộc lòng thả nắm đậu xanh và vài nắm gạo, có một nồi cháo loãng. Kinh nghiệm nấu cháu hầu các ông rượu là cháo phải thật loãng. Uống và nói, thi thoảng bê bát lên húp phát, rồi lại nói và uống. Cháo đặc bị chê ngay. Bảo đảm cuộc nhậu ấy đầy bản sắc, ngon bổ rẻ và… hoành tráng.

Món thứ 2, nếu ngày hôm sau khách vẫn… chưa đi, thì phải đổi món chứ chả lẽ lại cũng vẫn tiết canh nữa. Thì đây, ra chợ mua con gà, hoặc nửa con, tùy khách, tùy độ dày mỏng của ví và tùy độ… hứng khởi của chủ nhà.

Phụ kiện đi kèm là một hoặc hai hoặc ba thậm chí bốn cái bắp cải tùy số lượng khách. Rau răm, lạc, ớt tỏi…

Gà luộc rồi tỉ mẩn ngồi xé, xé thật nhỏ, trừ các miếng da thì để to để úp lên trên để khách biết là có… thịt gà. Bắp cải thái thật nhỏ. Tốt nhất là nhờ vợ thái. Nếu vợ bận cho con bú thì mình trực tiếp thái chứ khách không quen thái lống lên rất chán. Thái làm sao để nó cũng nhỏ như… thịt gà. Xong rồi thì tùy lượng thịt và rau, có thể là cái xoong, thậm chí là cái chậu giặt, tống tất cả vào đấy, dấm hoặc chanh, lạc và rau răm, ớt tỏi và nước mắm… trộn cho đều, ta có một món đưa rượu rất là chỉn chu và đằm thắm. Nước luộc gà, tất nhiên là phải tận dụng tới cùng, cùng với bộ lòng, ta lại có nồi cháo. Thế là một cuộc hoành tráng ân tình có thể diễn ra tới sáng. Có đọc thơ, có ký ức, có ôn nghèo kể khổ, có những dự định lớn lao, có những tương lai xán lạn, có cả nước mắt và cãi vã… để rồi sang mai ngơ ngác hỏi nhau: Tối qua chúng ta đã làm gì, hư quá nhé, hôm nay cai… hư nhé. Và bà vợ thì chép miệng: Cứ nói đàn bà lắm lời chứ té ra các ông cũng… nhiều chuyện phết. Có con gà với mấy cái bắp cải mà các ông nói chuyện được thâu đêm, mà chuyện nào cũng quan trọng, chưa kể ông nào cũng… sát gái. Ý là rượu vào lời ra, ông nào cũng khoe chiến tích, trong đấy chiến tích oai hùng nhất, dễ bốc phét nhất là mình có bao nhiêu em yêu, và mình đáp ứng được bao nhiêu em, các mối tình ấy diễn ra như thế nào???

Đến thế rồi mà khách vẫn chưa đi, thì bèn… bán.

Ấy là kêu bạn bè mách là nhà tớ đang có thằng ấy thằng ấy tá túc, chiều đến chơi nhé, nó ở đây mấy hôm rồi thằng này hay lắm, mới có thơ in báo Văn Nghệ đấy, truyện in Văn Nghệ Quân đội nữa... Nói thế tức là bạn hiểu, chiều nay đến chia lửa.

Lần ấy nhà tôi có một gã bạn, đã ở đến chục hôm rồi, nói như cụ Abutalip của xứ Daghetxtan, là lúc này nhìn thấy cái lưng nhau là đẹp nhất rồi. Một gã bạn gọi điện nói, chiều nay mời tôi và gã bạn đang tá túc nhà tôi nhậu. Tưởng thế nào, y dẫn ra một ngã ba, nơi ấy hay bán trứng vịt lộn. Sà vào một thúng trứng của một chị luông luống, kêu nửa lít rượu và trứng. Trứng vịt lộn trong này ăn khác ngoài Bắc, cứ ngồi quanh cái thúng ấy, ăn đến đâu thì chị chủ luồn tay vào thúng được ủ rất nóng (cũng có thể là một cái lò than ùng ục) lấy ra đến đấy. Trứng được đặt vào cái chén (ly) nhỏ, dùng cái cùi dìa (muỗng) nhỏ đập đầu trứng, húp nước, rồi bóc dần ra, nhâm nhi từ từ với muối tiêu và rau răm chứ không oánh phát rồi bắt nó khỏa thân trùng trục ra cái bát (chén) như một số nơi hiện nay. Tóm lại là ăn chừng mỗi ông 3 trứng với nửa lít rượu thì… thỏa mãn, kêu tính tiền. Lúc này cái tay bạn mời ấy mới thú thật là hôm nay chưa có tiền, mai mới có, y mua cái vé số, chắc chắn mai… trúng. Y lột cái đồng hồ điện tử vỏ nhựa màu đen ra “ký”. Giờ chắc chả ai nhớ cái từ và hành động rất phổ quát thời ấy: “Ký”. Nó là thước đo của… đàn ông. Mà chả đàn ông, đàn bà cũng ký. Nhưng thường là người ta ký ở quán quen, đằng này thúng vịt lộn ngã ba, lần đầu tiên ghé lại, nên ký là phải có vật làm tin. Bà bán trứng nhìn cái đồng hồ giá trị tương đương… 3 quả vịt lộn rồi lắc. Ông bạn tá túc nhà tôi tháo cái Poljot rất thịnh hành ở Miền Bắc trước năm 75. Bà này cũng… lắc, đơn giản vì thấy nó lạ, chả biết nó thật hay giả, và thêm nữa, bà đã nhìn thấy cái đồng hồ Seiko trên tay tôi. Đấy là loại đồng hồ sang đang phổ biến lúc ấy, trị giá gần hai chỉ vàng (thời ấy là rất to), quà cưới của tôi. Thế là cái đồng hồ của tôi nằm lại đấy. Và tất nhiên, sáng mai tôi phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền chuộc nó về, chứ để vợ mà thấy tay không thì sẽ to chuyện.

Mà khách vẫn chưa đi thì ta nhậu với… cơm.

Giờ thì thấy buồn cười, nhưng đúng là chúng tôi đã từng lấy cơm làm mồi nhậu. Cơm không ấy, hay chính xác, có tí mỡ nữa. Dùng mỡ xoa tay rồi bốc cơm như bốc xôi, nắm lại chấm muối ớt, thế là thành… mồi nhậu.

Hoặc, một quả dừa, một lạng thịt ba chỉ. Thịt kho với dừa, món đưa cơm và đưa cả… rượu. Cứ gần hết lại… thái thêm dừa cho vào. Dừa dứt khoát rẻ hơn thịt.

Cũng có khi tôi mang cái xô ra hàng phở gần nhà, quen nhưng ít ăn nên cũng… lạnh nhạt lắm (tiền đâu mà ăn, thông thường thì chủ nhật mới dám ăn phở, và để ăn phở thì thứ 6 hoặc thứ 7 cầm sổ sang bệnh viện, hồi ấy cũng gần nhà, bất cứ bệnh gì cũng được 2 chục viên xuyên tâm liên, một chục viên Tetraciline. Chục viên Tetraciline này bán đi xơi được một tô phở và một ly cà phê). Là phải đợi cho khuya khuya chút, ông chủ dùng cái vợt có cán khoắng xương trong nồi, loại đúng nghĩa là… xương, bởi thịt đã rục ra hết nước rồi. Mua mấy hào đấy, rồi xin thêm tô nước. Về kỳ cạch ngồi… thông tủy ra, cũng có thể sót lại tí thịt ở đoạn khuỷu nào đấy. Chỗ thịt và tủy ấy cho nước mắm vào xào cho mặn rồi đổ tô nước xin vào, thành một thứ nửa canh nửa kho, bẻ bánh tráng vào (Dân Bình Định đã ăn hoặc nhậu dứt khoát phải có bánh tráng. Họ đã truyền bá được gu ẩm thực này ra khắp miền Trung), có duyên phết. Còn xương tiếp tục ninh trên bếp điện Ma so (Hồi ấy điện trong cơ quan do cơ quan trả nên mới dám liều mạng thế), đổ gạo vào thành cháo. Xong bữa.

Rượu nữa, hồi ấy toàn nấu bằng sắn. Để cho trong, người nấu cho vào mỗi nồi mấy giọt vô pha tốc là loại thuốc sâu cực độc, nên cánh nhậu hay gọi loại rượu ấy là… thuốc rầy. Cứ thế đằng đẵng ngày này tháng khác chiến đấu loại rượu ấy. Hình như bây giờ mới bắt đầu ngấm, thi thoảng lại nghe tin những thằng cùng thế hệ, cùng chung chai chung hũ thời ấy ra đi vì ung thư.

Thực ra thì, hồi ấy hoàn cảnh đưa đẩy. Những buổi chiều Cao nguyên buồn lắm, không tụ lại với nhau thì biết làm gì. Có khách càng mừng, vì có cớ để tụ bạ, tụ bạ mà không bị vợ la vợ mắng. Giờ nghĩ lại thấy mình vĩ đại một thì vợ con vĩ đại mười. Bởi té ra chịu đựng bọn ăn nhậu trong nhà, tốn tiền mua mồi mua rượu không mệt bằng khi chúng lăn quay cả ra phải hì hụi dọn. Giờ nhà tôi vẫn đông khách, nhưng vợ tuyên bố thẳng: Đưa nhau ra nhà hàng nhé, còn ở nhà thì… tự dọn. Nói thế nhưng tôi vẫn hay tổ chức những cuộc ở nhà được, tất nhiên không liên tục như ngày xưa, và giờ bạn bè có đến thì họ cũng ở khách sạn, rồi chủ động kêu nhau ra nhà hàng. Nhớ không khí xưa thì tôi mời về nhà, giới thiệu với vợ là, ông này quan trọng lắm, oai lắm, oách lắm, từng là ân nhân của anh đấy, và rồi, mình xắn tay vào bếp, đương nhiên, như lâu nay vẫn thế. Đến khi dọn, mình giả vờ… lỡ tay, chọn cái bát hoặc đĩa nào xấu nhất, cho nó xoảng một phát, thế nào vợ cũng hơ hải lao ra: Ông là hậu đậu lắm kia, thôi để đấy cho tôi không rồi lại đi cả giàn? Tủm tỉm cười nhớ cái chuyện cũng từ hồi bao cấp, hai vợ chồng bế đứa con mới mấy tháng cùng đi mua được cái phích Rạng đông bằng giấy giới thiệu. Mua xong vợ giao con cho chồng nói: Anh bế con để em cầm phích, chứ anh là hậu đậu lắm, cầm cái gì cũng đánh rơi!

Cũng may, ở nhà tôi, lâu nay duy trì được cái lệ, rất nghiêm, là không đọc thơ tại nhà. Khối nhà khác, không kỷ cương từ đầu, vợ con chúng khổ gấp bội vì còn phải bị… nghe thơ của bạn chồng!!!




5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đọc xong thấy cay cay nơi khóe mắt nhưng mà thấm, mà hóm lắm bác Hùng ạ!

Nặc danh nói...

Doc chuyen nay cua CONG HUNG minh phat khoc sao giong nhau den vay cam on HUNG ....

Nặc danh nói...

Doc chuyen nay cua CONG HUNG minh phat khoc sao giong nhau den vay cam on HUNG ....

Lãng du cõi hồng trần nói...

Ha ha đúng là không trật chỗ nào. Một chiến hữu quí giá

Nặc danh nói...

Em phải để dành rồi địc 1 lèo mới đã