Đi xa, một trong những nỗi nhớ về Huế là những con dốc. Không kể những con đường quanh co lên những khu lăng tẩm, thì 2 con dốc nội đô nổi tiếng là dốc Bến Ngự và Nam Giao.
Huế một thời, ngoài học sinh, sinh viên, còn là thành phố của… xe đạp ôm. Cho đến khi các nơi đã “cơ giới hóa” hết là xe máy ôm thì các bác tài xe ôm Huế vẫn bền bỉ đạp. 2 con dốc này là nỗi ám ảnh của các bác tài xe đạp ôm. Đến giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh các bác xe ôm nhấp nhổm đạp, đến lúc không nổi nữa thì… người ngồi sau, tức là khách, nhảy xuống trước. Rồi khách và bác tài vừa đi bộ lên dốc vừa rổn rảng chuyện.
Cái dốc Bến Ngự sau đó nổi tiếng thêm nhờ bài thơ của nhà thơ Ngô Minh. Nhà ông Ngô Minh ở lưng chừng con dốc, phía trên đoạn đường tàu chạy qua. Bài thơ “Tôi tìm Huế” có nhiều hình ảnh con dốc này: “đường Phan Bội Châu số nhà ba mốt/ đỉnh dốc là Sào Nam, tôi ở lưng chừng…”. Nam Giao thì chính tôi cũng có ít nhất một bài thơ về nó: “Nam Giao tôi về ngày em mười tám tuổi. Dốc bập bùng. Thông xoã tóc. Me chua. Phượng thắp nến mờ con đường hư ảo/ tôi chỉ mình tôi phố hoá hai người. Ngày ấy Thượng Tứ mây bay nhoè phố/ Vĩ Dạ mưa dằng dặc câu thơ. Và gió vẫn ngàn đời xô cửa Thuận. Bồng bềnh dòng sông áo trắng. Từ Đàm sương thảng thốt ngọc lan”…
Ta nhận ra cái dáng nghiêng của dốc, của dáng người và của những câu thơ. Còn nhớ, hồi ấy tôi ở nhà chị tôi đường Quảng Tế cũ, tức đường Thanh Hải bây giờ, sáng nào đi học ở Morin cũng chở cô cháu gái học Quốc Học đi luôn. Một hôm đổ dốc Bến Ngự, tà áo dài trắng quấn vào bánh xe, cậu cháu dở khóc dở cười. Tất nhiên là có một cú ngã, cháu ngã mà cậu lại lẩm nhẩm câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm: “Mắt tôi nhoà giữa chợ Đông Ba/ Hôn một cái vội vàng lên Đập Đá/ Chân vấp ngã mấy lần bên Vĩ Dạ/ Một câu hò ai đã đỡ tôi lên”, và tôi nhận ra một chiều nghiêng nữa của Huế.
Những sáng tinh sương, đứng trên phòng học gác hai Morin nhìn xuống đường Lê Lợi, cả một dòng sông áo trắng nghiêng trong mắt ta bên cạnh dòng Hương biếc xanh muôn thuở. Chếch bên tay phải, cầu Trường Tiền như một chiếc lược cài hờ trên mái tóc sông Hương, hình như đã có ai ví thế. Cả cây cầu ấy giờ đang nghiêng trong nắng, nắng hắt từ sông lên, nắng soi từ mây xuống, nắng loang từ những nụ cười nữ sinh, nắng sóng sánh từ những vành nón, nắng mềm từ mái tóc thề đen nhánh đang nghiêng trên vai, nắng từ những vòng xoay bánh xe học trò. Hình như Huế sinh ra là để dành cho những vòng xoay xe đạp? Những cơn gió như cũng nghiêng trên ghi đông xe đạp, nơi có đôi tay rất mảnh với ngón rất dài (Trịnh Công Sơn phát hiện ra điều này), như hờ hững đặt nhẹ lên tay cầm, tay vê tà áo dài, vừa để không vướng vừa như một nét duyên riêng…
Huế nghiêng ở cả cái đĩa bột lọc sinh viên ở cái hợp tác xã ăn uống ngày nào ngay ngã ba Nguyễn Huệ lên chợ Bến Ngự. Những đĩa bánh thiên thần không chỉ giải quyết cơn đói mà còn là nơi nhìn nghiêng vào mắt nhau qua… đĩa bánh. Cũng như thế, cái quán cơm hến trên đường Điện Biên Phủ, đối diện chùa Từ Đàm đã làm nghiêng bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu trái tim, bao nhiêu thắc thỏm. Món ăn Huế cái gì cũng ít, cũng nhỏ, cũng… nghiêng nghiêng, ấy là bởi, ăn mà lại không phải là ăn, mà là cái gì đấy ngoài ăn, vượt lên ăn, vượt lên vật chất, như một thông điệp, là những điều trái tim muốn tỏ bày.
Năm nào đó, tôi về Huế và ghé quán cà phê Chiều. Cả thành phố như nghiêng vào đấy. Từ cái cách bài trí rất mộc, bàn ghế mộc, li chén mộc, cái vò cắm hoa cũng mộc, và những thứ cắm, thả vào đấy, nó không phải là hoa, mà là cỏ, cỏ ngắt ngay phía hoàng thành hoang phế trước mặt. Những cọng cỏ bò nghiêng trên miệng vò, theo thành vò, hờ hững một cách… cố ý, lơ đãng mà lại sắp đặt, cẩu thả nhưng lại duyên, lại khéo, lại… tình tứ. Nhạc Trịnh, từ băng cối. Và sinh viên. Đa phần trong ấy là sinh viên. Tôi nghiêng về một thời từng tuổi trẻ, từng sinh viên trong dịu nhẹ nắng chiều và giọt cà phê lăn nghiêng trong mắt cô bạn đối diện.
Ngày xưa, từng có một con đò Thừa Phủ, chạy từ chợ Đông Ba sang phía đại học Sư Phạm và ngược lại. Chả có việc gì, nhiều hôm tôi cũng leo lên đấy đi một vòng. Chỉ tốn hào bạc, thay vì đi trên cầu Trường Tiền nổi tiếng, tôi được ngắm cầu từ dưới sông. Té ra sông Hương rất trong, vào lúc ấy, tất nhiên. Nhìn đến tận đáy, thấy rõ từng con cá bơi trong nghiêng nghiêng những vạt rong cứ níu nhau lại giữa dòng nước lửng lơ trôi, thấy cả bóng những vạt áo dài các mệ đi chợ với gánh hàng chênh vênh trên mạn đò. Bây giờ đã ít rồi, hình như thế, những bà những cô áo dài gánh những gánh hàng đi bán, trên ấy là chè, là bún, là bánh canh, bột lọc, là… Huế.
Huế nghiêng trong từng con ngõ nhỏ. Tôi thích cái khúc khuỷu, gập ghềnh của những con ngõ hun hút với những hàng rào chè tàu. Tất nhiên nó không thể ở trung tâm. Những con ngõ với những bức bình phong rất xanh. Tĩnh mịch và thâm nghiêm, cổ kính và thân thiện, Huế khiến ta như lạc vào một thế giới khác, thanh bình, thân thiện và an nhiên, cái an nhiên của một tâm thế tự tại giữa xôn xao cuộc đời, xôn xao phố. Từng nhiều lần ngẩn ra trước cái bóng nắng chênh chếch vát nghiêng cái cổng trầm lặng như cổ tích ấy, tôi nhận ra một Huế vừa hiện hữu vừa rêu phong, vừa thảng hoặc mà lại muôn thuở trong một cốt cách hằng nhiên và đầy tự chủ luôn biết mình biết người để tồn tại như một tất yếu giữa cuộc đời này, giữa mùa xuân đang rộn rã này…
Bài in ở đây ạ, số tết. Một trong những tờ báo địa phương nhà cháu đánh giá là rất sang |
1 nhận xét:
Đúng rồi, Huế rất riêng và Văn Công Hùng cũng rất riêng.
Đăng nhận xét