Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

VỀ TÂY SƠN THƯỢNG ĐẠO




Lâu lắm mới gặp lại nhà nghiên cứu Chăm Trần Kỳ Phương, mà lại gặp tại An Khê, cái thị xã nối 2 vùng biển và cao nguyên.

Thị xã An Khê như một nốt nhấn, trạm nghỉ trên trục Đông Tây gắn Quy Nhơn với các tỉnh Tây Nguyên. Tại đây vừa có một phát hiện chấn động về sự xuất hiện của loài người, ấy là chừng hơn 80 vạn năm trước, khu vực này đã có dấu vết con người. Phát hiện khảo cổ này khiến nhiều nghiên cứu trước đó về con người trên thế giới phải nhìn nhận lại, bản đồ xuất hiện loài người cũng phải vẽ lại.

Ông Trần Kỳ Phương là nhà Chăm học nổi tiếng, tôi vẫn hay đọc ông và học thêm được rất nhiều điều. Trên xe từ Pleiku xuống An Khê, ông bạn đồng nghiệp kể ngay tại Đăk Pơ người ta đã phát hiện mt tấm bia cổ có chữ Chăm. Và thị xã A Yun Pa cũng có dấu tích tháp Chăm. Đang tò mò thì may mắn gặp ông Phương nên hỏi ngay. Ông nói tỉnh bơ: Nó chính là dấu tích của con đường Chăm ngày xưa, ngay bên Ratanakiri cũng có tháp Chăm, và con đường này kéo tới các Ang Ko bên Camphuchia, hành trình Chăm là như thế.

Thì ra là như thế.

An Khê từng rất giàu dù sau đấy nó không trù phú cho lắm. Lý giải bởi nó từng rất giàu là bởi, có giàu mới được anh em nhà Tây Sơn chọn làm nơi lập căn cứ khởi nghĩa. Đây là nơi luyện quân và lưu trữ lương thực phục vụ cuộc chiến tranh nổi tiếng trong lịch sử dân tộc ta. Và, theo các nhà nghiên cứu thì bao giờ đi kèm với trung tâm tôn giáo cũng là trung tâm kinh tế. Ở đây từng là trung tâm tôn giáo của người Chăm thì chắc chắn nó cũng từng là trung tâm kinh tế!

Nếu ai đã từng đi đường 19 từ Quy Nhơn lên Gia Lai rồi tỏa ra lên Kon Tum, sang Đăk Lăc đều biết, muốn lên đến An Khê phải vượt con đèo nổi tiếng là đèo Mang, tức là cửa, giờ gọi là đèo An Khê. Muốn đến Pleiku, phải qua tiếp con đèo thứ 2 là đèo Mang Yang, tức là cổng trời. An Khê nằm giữa 2 con đèo nổi tiếng hiểm trở ấy.

Cuôc khởi nghĩa Tây Sơn đánh dấu sự xuất hiện của người Kinh ở vùng đất của người Bahnar. Họ lầm lũi xuyên rừng, xuyên đèo, lên An Khê, lập căn cứ, mà giờ các nhà lịch sử gọi là Tây Sơn thượng đạo, tương ứng với nơi phát tích nhà Tây Sơn, hay chính xác là nơi xuất hiện gia đình 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, gọi là Tây Sơn hạ đạo, ở huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định.

Như nhiều nhà chính trị thông tuệ và “dân vận” rất giỏi khác, ông Nguyễn Nhạc đã lấy một bà vợ người Bahnar làm nàng hầu (vợ bé) tên là Đố. Yă là bà chứ không phải danh từ riêng, lâu nay người ta hay gọi bà Yă Đố là sai. Đây là người đàn bà đã giúp anh em nhà Tây Sơn rất nhiều trong việc quy tụ hào kiệt trong vùng, tích trữ lương thực thực phẩm, và nghe nói cả luyện voi. Nghe nói bởi chỉ là truyền thuyết chứ vẫn không có nguồn chính thức, và bản thân người viết bài này, đến giờ vẫn chỉ biết rằng, người Tây Nguyên không dành cho phụ nữ việc luyện voi.

Nhưng té ra trước khi người Kinh tới đây thì người Chăm đã tới đất này. Và trước đấy nữa, chừng 80 vạn năm có hơn về trước, con người tối cổ đã xuất hiện ở đây. Không những chỉ tồn tại, các nhà khảo cổ còn phát hiện công xưởng chế tác rìu đá, khiến nó trở thành một trong những di chỉ cổ nhất Việt Nam. Như thế đất này đã có một con đường đi qua, cả trú chân nữa, mà cha ông chúng ta đã sử dụng, để kiếm sống, để giao thương, để khởi nghĩa, để tôn tạo đất nước…

Lâu nay chúng ta hay gọi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là cuộc khởi nghĩa nông dân, nhưng giờ đây người ta đã ít gọi thế, bởi thực ra, những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ không phải nông dân. Ông Nguyễn Nhạc từng được gọi là ông Hai Trầu là nhờ việc ông buôn trầu, ngoài ra ông được giao việc giữ thuế cho chính quyền, ông Nguyễn Huệ được đi học rất bài bản, để, như có nhà nghiên cứu nói: Văn bản của ông soạn thảo ra còn hơn khối tiến sĩ bây giờ. Nguyễn Lữ thì là tăng lữ, cũng là giới có học. Ngoài ra anh em họ rất giàu, biết làm “kinh tế hàng hóa” từ thời ấy bằng cách đi buôn trầu, nên rõ ràng là không phải vì nghèo khổ mà họ khởi nghĩa như lâu nay chúng ta quan niệm.

An Khê nguyên là đất của Bình Định, sau đó giao về cho Gia Lai, là một cái nút rất quan trọng nối liền vùng đồng bằng rộng lớn Trung bộ với Cao nguyên, từng trù phú như thế nhưng suốt thời gian dài, vẫn loay hoay với… cây gì con gì. Hiện nay cây sắn (mì) và mía đang lên ngôi ở đây. Có nhà máy chế biến sắn, nhà máy đường. Nhưng có vẻ như, sự phồn thịnh cũng thất thường như… giá của 2 loại này trên thị trường hiện nay.

Phải có một điểm nhấn bền vững.

Và, có vẻ như An Khê đã tìm ra điểm nhấn ấy, là du lịch. Nền công nghiệp không khói đang là một tiềm năng trông thấy của thị xã trẻ này.

Tôi nói đùa với bí thư thị xã Nguyễn Thanh Lịch, một phụ nữ xuất thân bác sĩ nhưng lại rất am hiểu văn hóa vùng đất này, có nhiều dự định rất táo bạo và được ủng hộ, rằng là, ra nước ngoài du lịch, nhiều khi được dẫn đến những chỗ rất mơ hồ, đi cho toát mồ hôi, hoa mắt thì được chỉ cho một cái vách hang lờ mờ vài cái vết ảo mờ và giới thiệu, mấy nghìn năm trước tổ tiên tôi đã ngồi đây vẽ tranh lên vách hang đấy, chúng tôi mới khai quật đấy, kinh chưa, chụp ảnh đi, ồ à đi, tiêu tiền đi. Thế mà ở đây nhé, nguyên cái di chỉ gần một triệu năm trước, các cụ kị của chúng ta, làm ra những công cụ cầm tay bằng đá, dẫu thô sơ nhưng vẫn chặt, đào và giết thú được, nó sờ sờ ra đấy, nó được các nhà khoa học Nga phát hiện chứ chả phải tự chúng ta vống lên, đã đủ khiến thiên hạ ồ à chưa. Chưa hả, chưa thì bồi thêm các di tích Tây Sơn thượng đạo đang lừng lững hiện diện ở đây. Những mối tình Kinh thượng, những cánh đồng cô Hầu, những núi ông Bình, ông Nhạc, hòn Tào, miếu Xà, trường Lũy, An Khê đình vân vân…

Tôi nhớ, cách đây chừng hai chục năm, xuống An Khê vẫn còn thấy rất nhiều xe ngựa. Những con ngựa kéo xe chở khách hồi ấy nó biểu trưng rất rõ của một phố huyện, cực kỳ hợp với vùng Tây Sơn thượng đạo. Tôi và nhà văn Khuất Quang Thụy đã… hào phóng xuất ví thuê hẳn một chuyến riêng vào làng Đê Chê Gang, ngôi làng rất đặc biệt của An Khê vì nhiều nhẽ. Giờ nó vắng bóng đâu rồi, cả những con ngựa và người xà ích. Tất nhiên xe ngựa chả thể nghễu nghện giữa đường chính, như con đường 19 xuyên qua thị xã, nhưng trong các hẻm nhỏ, ở các làng ngoại ô, ý tưởng dùng xe ngựa chở du khách có khi không phải là một ý tưởng điên rồ, bởi hỏi dăm người bạn ai cùng ồ lên tán thưởng. Ngay trên thành phố Pleiku kia, một đôi ngựa chiều nào cũng nhong nhong giữa phố và lúc nào cũng chật khách. Nó cũng như cái món dã quỳ, cỏ hồng, tam giác mạch, hoa cải, các loại hoa dại khác…, đang trở nên đắt khách, trở thành của lạ thu hút rất đông người giữa thời buổi hoa oải hương Lavender cưỡi máy bay về Việt Nam hàng ngày…

Ba mươi sáu năm trước, chuyến công tác đầu tiên của tôi khi lên Tây Nguyên là về làng S’tơ, xã Nam, huyện An Khê. Cái buổi chiều chạng vạng ấy, nó trở thành một ấn tượng không bao giờ phai mờ trong tôi để sau này tôi gắn bó với Tây Nguyên, với Gia Lai. Làng S’tơ chính là làng Kông Hoa trong tiểu thuyết “đất nước đứng lên”, quê hương anh hùng Núp. Chiều qua, vô tình, tôi lại trở lại đúng cái làng 36 năm trước tôi có chuyến về làng đầu tiên ấy. Giờ làng thuộc huyện K’bang sau khi An Khê trở thành thị xã. Ngậm ngụm rượu cần đầu tiên trong ngôi nhà sàn thân thuộc tôi sực nhớ ngay chuyện ấy chứ lúc xuống làng tôi hoàn toàn không nhớ tới, mà chỉ nghĩ nó như mọi cuộc về làng khác. Tôi luôn gọi và coi là về làng chứ không phải xuống làng. Và thế là kỷ niệm ùa về. Làng chênh vênh trên đồi, đúng là làng Bahnar điển hình. Tất nhiên ngôi làng này đã phục dựng, nhưng ơn giời, nó đã được phục dựng đúng một ngôi làng Bahnar truyền thống chứ không bị bê tông hóa như đã từng. Thế là tôi say, tận cùng với thứ rượu làm từ kê, vừa ngọt vừa đắng vừa cay, tê đến tận… ruột non. Ở ngôi làng này, tôi đã từng được nhiều đêm say với ông Núp như thế. Làng giờ cũng là một điểm du lịch trong vệt du lịch An Khê Tây Sơn thượng đạo…

Một vùng đất lưng chừng đèo, nghe được cả vị mặn mòi của biển, lại thấy được cả những vi vút gió, cái the thắt của những chiều cao nguyên thăm thẳm... có lẽ không phải nơi nào cũng có đặc ân như thế...





2 nhận xét:

Nặc danh nói...

"lưu trữ lương đống" có ổn không bác!

Văn Công Hùng nói...

He he hết sức không ổn, thank bạn. Có sự nhịu chữ không hề nhẹ