Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

CŨNG PHẢI CHO DÂN MỘT QUYỀN LỰA CHỌN CHỨ?



Thực ra, dân, nhất là những người chạy xe, thừa hiểu vai trò và tác dụng của BOT trong sự phát triển của đất nước. Phải rạch ròi như thế để không đẩy dân về phe chống đối. Chủ trương BOT là một chủ trương lớn, hợp thời, hợp nhẽ và hợp quy luật. Nó đáp ứng nhu cầu đi lại, nhu cầu phát triển, thông thương, nhu cầu lựa chọn trong việc sử dụng dịch vụ. Kinh tế thị trường, sử dụng dịch vụ thì phải trả tiền, ai cũng hiểu như thế, trừ vài anh, dăm bảy anh, quen xài chùa, nhất là chùa của nhà nước. Số này không phải là dân, chắc chắn thế. Phải thế nào, cương vị ra làm sao mới có thể xài chùa được, còn lại cứ quy lát mà làm.


Mấy hôm nay vụ BOT Cai Lậy lại nóng, trạm liên tục phải xả cho xe đi, thủ tướng chính phủ phải lên tiếng, nhắc đích danh đến BOT Cai Lậy, nói không thể để kéo dài như thế. Ngay lập tức thì bộ Giao thông Vận tải lên tiếng, rằng là không thể khác, vẫn phải thu phí ở đấy, và yêu cầu chính quyền phải thuyết phục dân.

Thực ra, dân, nhất là những người chạy xe, thừa hiểu vai trò và tác dụng của BOT trong sự phát triển của đất nước. Phải rạch ròi như thế để không đẩy dân về phe chống đối. Chủ trương BOT là một chủ trương lớn, hợp thời, hợp nhẽ và hợp quy luật. Nó đáp ứng nhu cầu đi lại, nhu cầu phát triển, thông thương, nhu cầu lựa chọn trong việc sử dụng dịch vụ. Kinh tế thị trường, sử dụng dịch vụ thì phải trả tiền, ai cũng hiểu như thế, trừ vài anh, dăm bảy anh, quen xài chùa, nhất là chùa của nhà nước. Số này không phải là dân, chắc chắn thế. Phải thế nào, cương vị ra làm sao mới có thể xài chùa được, còn lại cứ quy lát mà làm.

BOT là sự lựa chọn của khá nhiều phương tiện khi họ có nhu cầu. Nhưng người dân còn có quyền đi trên con đường của họ, con đường mà nhà nước làm từ tiền thuế của họ. Mà ở nước ta, để cái xe có thể lăn bánh, chủ xe đã phải chịu rất nhiều loại thuế phí. Tiền ấy, nhà nước dùng làm đường công cho dân đi, và bảo dưỡng định kỳ.

 Ra nước ngoài, thấy có những con đường chồng lên con đường. Hỏi ra mới biết, phía dưới là đường nhà nước, ai cũng được đi. Phía trên, chồng lên con đường ấy, là đường BOT. Các ông chủ bỏ tiền ra làm, và bán vé, ai muốn đi nhanh, dịch vụ tốt vân vân các kiểu thì mua vé vào chạy. Gọi là mua vé nhưng thực chất là cứ chạy vào, trên ấy có hệ thống tính tiền tự động, chạy đến đâu trừ tiền đến đấy, chả thấy trạm với nhân viên đâu cả.

Và làm đường BOT cũng phải tính toán hợp lý, chứ không có kiểu làm hết ngàn tỉ khai lên chục ngàn rồi thu phí đời đời. Nước ta có hiện tượng trào lưu, từ trào lưu mía đường, đến lò đứng xi măng... và giờ đang trào lưu BOT.

Thế nên dân quyết liệt phản đối trạm BOT Cai Lậy. Không phản đối chủ trương, không phản đối giá vé, mà phản đối cái sự vô lý đùng đùng ai cũng thấy trừ mấy ông chủ BOT và một số cán bộ liên quan: Thu phí cả những đoạn đường người dân không đi. Cụ thể, đặt trạm trên quốc lộ 1 để thu phí cho đường tránh, như cái hom giỏ lùa tất cả những người không đi đường tránh cũng phải... chui vào giỏ. Ngang ngược đến thế mà vẫn cứ cố đấm ăn xôi, cãi chày cãi cối dẫn đến mâu thuẫn rất lớn, căng thẳng ở khu vực này.

Bộ giao thông vận tải, trong động thái mới nhất, ngay sau khi thủ tướng có ý kiến, cho rằng, việc đặt trạm là đúng pháp luật, rằng là đã được sự đồng ý của tỉnh Tiền Giang. Nhưng những người qua trạm thì lại không được hỏi ý kiến. Và cũng như nói ở trên, ai cũng thấy nó vô lý đến ngang ngược, đến như là cả vú lấp miệng em.

Rõ ràng đây là giao dịch dân sự, phải được hành xử bằng quy luật dân sự, quy luật kinh tế. Nhưng vấn đề là, những người làm BOT đã không cho dân một sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải mua vé đi trên con đường... ảo, tức là mình không đi nhưng phải trả tiền, y hệt các trò chơi ảo trên mạng lừa người nhẹ dạ. Ở đây rất nhiều người sáng suốt, không nhẹ dạ, nhưng bị cưỡng bức mất tiền. Vô lý như thế ai mà chịu nổi.

Thứ trưởng bộ Giao thông vận tải đã không dùng lập luận, luận cứ kinh tế và khoa học để giải thích, mà chơi ngành... dọa, rằng là sẽ phối hợp với các bộ ngành chức năng để xử lý theo hướng ai phản ứng là chống đối, trong khi trước đấy, chính ủy ban thường vụ quốc hội cũng đã có hẳn nghị quyết về vấn đề BOT này, rằng là, không được BOT trên đường độc đạo. Quốc lộ 1 là huyết mạch, là độc đạo, ai cũng biết, trừ mấy bác đang cố bảo vệ BOT Cai Lậy và mấy BOT tương tự.

Vấn đề là, từ việc BOT này, có thể nảy ra nhiều vấn đề khác, liên quan đến những vấn đề lớn hơn. Lòng dân li tán, niềm tin giảm sút, sự ngăn cách giữa quyền lực và nhân dân càng lớn, và sau đấy là những chủ trương đúng khác cần huy động sức dân rõ ràng sẽ khó khăn hơn.

Chưa biết có lợi ích nhóm hay không, nhưng cái cách bảo vệ BOT bằng mọi giá như một số lãnh đạo bộ Giao thông Vận tải hiện nay khiến người dân có quyền nghi ngờ. Và rõ ràng, thông tin thanh kiểm tra một số BOT thấy có nhiều vấn đề đã khiến những gì dư luận đồn đại là có cơ sở.

Trở lại vụ BOT Cai Lậy. Thực ra người dân không đòi giảm phí, nên sau khi giảm giá thì tình hình ở đây vẫn rất căng. Người dân đòi hỏi sự sòng phẳng, một sự sòng phẳng tối thiểu trong thời đại văn minh này: Có đi đường thì mới trả phí, không thì thôi. Không quỵt, không xin, chỉ cần sòng phẳng. Chưa kể, thực ra, muốn bán thì cũng phải thuận mua vừa bán, tức là dân phải biết anh làm hết bao nhiêu, có lãng phí không, có tư túi không, vé từng ấy vừa chưa, thu chừng ấy năm đúng không. Thôi chưa nói chuyện ấy, hãy nói chuyện đơn giản này trước: Phải cho dân một quyền lựa chọn khi lưu thông trên đường…

Tối qua, thủ tướng đã làm một việc được đông đảo nhân dân ủng hộ: Ngừng BOT Cai Lậy 1 tháng. Nghe nói dân ở đấy làm tiệc đãi nhau để hoan hô thủ tướng…

1 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Bài viết hay. Tôi cũng đề nghị BOT
hãy đi vào phần đường của nó, để quốc lộ cho thường dân đi lại. Việc chỉ đơn giản thế, nhưng Nhóm lợi ích bị thất thu, nên mới sinh sự.