Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

NỖI NIỀM GIẢI...




Công luận và cả... tư luận đang sôi ào ào về cái giải thưởng hoa hậu đại dương mới “thành công” cách đây mấy hôm. Tôi thuộc phái phản đối việc đem ảnh cô hoa hậu trương lên trên báo, cả giấy và mạng. Trách chăng là trách những người lớn đã không đủ khả năng và cả sự tỉnh táo để cảnh tỉnh cô ấy, khuyên cô ấy lẽ đúng điều hơn khi bước chân vào chốn phù hoa ấy. Trách lớn hơn là trách ban giám khảo, vô tình hay cố ý đã biến cô gái mới lớn đầy khát vọng trở thành một nạn nhân của những cạm bẫy vô hình giăng mắc đầy trong cuộc đời này có tên là... giải.

Cùng lúc ấy, dư luận, nhất là trong giới, cũng xôn xao với cái giải thưởng của một hội nghề nghiệp khi ông chủ tịch hội ấy kiêm luôn chủ tịch hội đồng giải thưởng đã “ẵm” một lúc 3 giải cao nhất, một A và 2 B.

 Và nhiều nhiều nữa, hầu như ở nước ta, các loại giải đều có vấn đề, kể cả giải... bóng đá, là loại hình diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, dưới sự chứng kiến của hàng vạn đôi mắt, thế nhưng vẫn liên tục ì xèo, liên tục những điều chướng tai gai mắt vẫn điềm nhiên diễn ra, bất chấp thế giới phẳng bây giờ, nhất cử nhất động đều bị soi rọi dưới những kỹ thuật tối tân nhất và nhanh nhạy, trực tiếp nhất.

Giải thưởng đúng nghĩa, nó là cách tôn vinh sự thành công, tôn vinh tài năng, tôn vinh sự hơn người một cách trung thực, công tâm, chính xác, ở cả những lĩnh vực, khía cạnh được coi là khó chính xác nhất, bởi nó dựa vào cảm tính. Nhưng chính nhờ thế mà giải trở nên hấp dẫn, thậm chí hấp dẫn đến phút chót.

Giải thường đi kèm hiện vật. Một số người... chạy giải bởi sẽ có một khoản tiền. Nhưng rất lạ là có những người bỏ ra khoản tiền lớn hơn nhiều lần số tiền giải để... chạy giải. Nó khiến niềm tin vào một số giải mất tính thiêng liêng cao quý, trở thành chỗ tranh giành như ở... chợ. Mà thực ra, chợ cũng có quy luật của chợ, có sự minh bạch của nó, không dễ gì mà lộn xộn được.

Cái tâm lý “miếng giữa làng” đã khiến một số người lao theo giải như một cách khẳng định mình. Ngay trong giới Văn học Nghệ thuật, bây giờ hệ thống giải cũng khá cởi mở, phải nói là khá nhiều, nên hy vọng giải nó trở nên... sinh động và nhộn nhịp hơn.

Này nhé, hàng năm, dịp này đây, là liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam có giải thưởng liên hiệp, gồm giải trẻ, giải cao tuổi, giành cho những tác giả chưa phải là hội viên trung ương, giải chuyên nghiệp giành cho mỗi hội trung ương một suất. Các hội chuyên ngành như hội Nhà Văn, hội Nhạc sĩ, hội Múa, hội Văn Nghệ dân gian, hội Mỹ thuật, hội Nhiếp ảnh, hội VHNT các dân tộc thiểu số, hội Sân khấu, hội Điện ảnh... đều có giải của hội mình, giải quốc gia hàng năm, rất oách. Các hội Văn học Nghệ thuật địa phương thì, không phải tất cả đều có, nhưng đa số có, giải thưởng hàng năm và giải thưởng 5 năm một lần. Tất cả kinh phí giải thưởng đều do ngân sách nhà nước cấp. Các thắc mắc, các ì xèo, các lộn xộn hầu như năm nào cũng có, cũng bởi hệ thống giải nhiều và nhiều khi không đồng nhất. Ví dụ ở địa phương, đa phần các văn nghệ sĩ tiêu biểu thì đều được mời vào ban giám khảo, và chính họ cũng có tác phẩm dự giải. Dù có quy chế là thành viên ban giám khảo không bỏ phiếu cho tác phẩm của mình, nhưng thực tế là, đa phần các vị trong ban giám khảo, trong lãnh đạo hội, nếu không chủ động rút, như thời các ông nhà văn Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh rồi Phạm Xuân Nguyên làm lãnh đạo hội nhà văn Hà Nội không đưa tác phẩm của mình vào dự giải, thì đều có giải, và giải cao.

Thì cũng xứng đáng thôi, không xứng đáng tuyệt đối thì cũng xứng đáng... vừa vừa. Nhưng, lại nhớ các cụ xưa dạy: Sửa dép ruộng dưa. Đi qua ruộng dưa dép dẫu hỏng cũng cố khập khiễng mà đi, qua rồi mới cúi xuống sửa. Đã ngồi xét giải, thì cố quên mình đi, thiệt thòi tí nhưng lòng thanh thản, cái tâm nó an.

Nhưng khó lắm...

1 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Nhân Nhà thơ VCH nói đến giải Văn chương thì tôi góp chuyện. Có nhà văn, hễ thấy giải thì lập tức lao vào tranh. Bởi ông ta quen biết nhiều lãnh đạo các hội nên giải đầy mình, nhưng oái oăm là ông ta không có tác phẩm nào ra hồn. Bởi vậy, muốn nâng cao giá trị đích thực của giải văn chương thì phải có cuộc cách mạng về nhân sự của Hội đồng xét giải. Nhưng muốn vậy thì phải, như Nhà văn Thu Huệ nói, chấp nhận sự đa phong cách, tôn trọng sự khác biệt. Nếu chỉ theo trường phái Hiện thực XHCN đã lỗi thời, thì giải văn chương chỉ để "cúng cụ" mà thôi.