Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

NHỚ THẦY VĂN NHƯ CƯƠNG

Hôm qua ở Hà Nội, gia đình, học trò bạn bè và đông đảo những người yêu mến thầy Cương đã trọng thể tiễn thầy về miền mây trắng. Tôi cũng kịp có một bài tiễn thầy ở báo Thừa Thiên Huế đúng ngày Hà Nội tiễn thầy đi. Cũng hôm qua, xem mấy clip học trò và cựu học trò Lương Thế Vinh hát tập thể tiễn thầy, tôi đã khóc. Thực ra trước khi thầy mất, tôi gọi thầy bằng anh, tôi từng hầu rượu thầy ở cả Hà Nội, Pleiku, Phú Thọ... Nhớ nhất là lần đến nhà thầy ăn cơm, hẹn rồi mà cứ một lúc thầy lại gọi vì sợ tôi mải vui bạn mà... quên...
----------





           Hồi còn học phổ thông ở Thanh Hóa, cái họ Văn của tôi khiến tôi mất tự tin ghê gớm, vì nó ít quá, và lạ. Nhớ lần ở sân trường Lam Sơn, khi đi thi học sinh giỏi, cái tên tôi xướng lên đã khiến bao con mắt tò mò đổ về, và tôi... cúi đầu xấu hổ.

           Hồi ấy chỉ biết có tên vị đại tướng Văn Tiến Dũng, nhưng cũng bán tín bán nghi có phải tên thật không, hay lại là bí danh như rất nhiều lãnh đạo ta hay dùng.

           Thế nên khỏi phải tả tôi đã sung sướng đến như thế nào khi biết có một tiến sĩ toán rất giỏi, có nhiều giai thoại, cũng là họ Văn, Văn xịn chứ không sợ bí danh hay bút danh nữa. Và tôi bắt đầu tự hào về cái họ ít và độc của mình.

           Là mới chỉ nghe giai thoại chứ chưa gặp ông bao giờ, trong đó giai thoại nổi tiếng nhất là ông tiến sĩ toán này nuôi heo trong nhà tắm ở khu chung cư, bị lập biên bản phạt vì tội để mùi hôi bốc ra, ông vui vẻ đóng phạt, chỉ yêu cầu sửa lại là “heo nuôi Văn Như Cương” chứ không phải “Văn Như Cương nuôi heo”.

           Đến lúc gặp ông lần đầu tiên, tôi rụt rè thưa: Em là Văn Công Hùng đây ạ. Ông à rồi bảo tôi cũng có nghe tên ông, có đọc nữa, ông làm thơ chứ gì? Sướng chi lạ. Đấy là lần ông được mời đi du khảo xuyên Việt, có ghé qua Pleiku và tôi tham gia làm MC trong cuộc dạ hội ở khu công viên Đồng Xanh. Tôi hỏi ông, Giáo sư Trần Quốc Vượng khi còn sống có nói rằng, họ Văn ta là từ gốc Chăm. Ông cười hiền từ, tôi không rõ lắm, nhưng 600 năm trước thì ông tổ họ Văn của chúng ta vẫn ở Hoàng Mai, Nghệ An. Chi tiết này khiến tôi ngạc nhiên hơn khi nghe giáo sư Trần Quốc Vượng nói tôi gốc Chăm. Và đến giờ thì cái nhà thở tổ họ Văn rất lớn và hoành tráng đã được xây tại Hoàng Mai, mà ông Cương là người đóng góp rất lớn.

           Học ở Nga, sống rất lâu ở Hà Nội, nhưng lần ấy ông khiến tôi tròn mắt khi bảo, kiếm cho ông cái bát rồi rót bia vào đấy cho ông uống, như uống chè xanh, thế mới khoái, ông nói thế.




Cách đây hơn tháng, chả biết từ đâu mà có làn sóng "oánh" trường Lương Thế Vinh, tất nhiên trường này do ông Văn Như Cương sáng lập, làm hiệu trưởng đầu tiên rồi sau đấy là chủ tịch Hội đồng Quản trị. Khi ấy tôi đã định viết kể lại một việc mình chứng kiến khi ông Cương quyết định không đuổi học một học trò của ông, nhưng rồi công việc lu bu nên đã không viết kịp. Giờ ông mất rồi, sau ba năm chống chọi với bệnh ung thư, thì xin kể sau vậy.
 
Lần ấy tôi ra Hà Nội, được rỗi một ngày, ông Phạm Xuân Nguyên rủ tôi và ông Cương lên Phú Thọ. Trường chuyên Hùng Vương mời ông Nguyên lên dạy cho đội tuyển học sinh giỏi văn, Nguyên tranh thủ “thồ” thêm chúng tôi. Đây là ngôi trường rất oách, dạy ra rất nhiều học sinh giỏi, và có kinh phí để mời các chuyên gia đầu ngành từ Hà Nội về dạy.

Trên đường đi ông Cương đã có rất nhiều điện thoại. Đại loại là có một cậu học trò trường Lương Thế Vinh vừa học yếu vừa vô kỷ luật, tái phạm nhiều lần, hội đồng kỷ luật của trường đã họp mấy lần, và quyết định là đuổi học. Các cuộc điện thoại là bàn, trao đổi về việc này... Ông Cương rất cẩn thận hỏi đi hỏi lại từng người và đều... chưa nói gì, bảo đợi ông về đã...

Nhận phòng khách ngay trong trường xong thì chủ nhà tổ chức cho khách đi thăm đền Hùng. Vừa đến chân núi thì ông Cương lại tiếp tục nhận điện thoại. Qua cách nói thì biết là vẫn... việc cũ. Thế là ông bảo: 2 ông đi tiếp đi, tôi ngồi đây đợi. Tôi và Nguyên lên núi rồi quay lại đường cũ, ông vẫn ngồi đấy, vẫn điện thoại.

Tối trường mời đi ăn, lại vẫn điện thoại. Tối ấy ông Cương ngủ một phòng, tôi và Nguyên một phòng. Khuya, đợi ông ngủ, 2 chúng tôi hú Nguyễn Tham Thiện Kế ra ngồi vỉa hè nhậu tiếp, rồi về ngủ.

Sáng sau, ông Cương đi ăn sáng với chúng tôi và thông báo: Tôi quyết rồi, không cần tôi về Hà Nội. Không thể đuổi cậu học trò ấy. Đuổi rồi nó đi đâu, làm gì. Trường phải có trách nhiệm. Sẽ phải làm việc kỹ với cu cậu. Tôi trực tiếp gặp bố mẹ nó bàn phối hợp... Tối qua tôi không ngủ vì cậu học trò này. Tôi và Nguyên lè lưỡi nhìn nhau vì tội tưởng ông ngủ trốn ông ra vỉa hè nhậu.

Tôi nhớ mãi chuyện ấy bởi biết, trường ông đến mấy ngàn học sinh, mà chỉ việc đuổi một trò, ông đã phải trăn trở suy đi nghĩ lại đến mấy ngày, mà đang trong cơn đi chơi với chúng tôi, thì những dư luận về ông và trường ông, có khi chỉ là cái nhìn một phía?...

Khi ông mất, 0h27 sáng 9/10, hầu như tất cả các báo chính thống, mạng xã hội đều bày tỏ sự thương tiếc, và ca ngợi ông, một nhà giáo dục lỗi lạc, người đầu tiên mở trường tư thục ở Việt Nam. Cũng còn một vài bàn cãi về phương pháp sư phạm của trường Lương Thế Vinh, nhưng rõ ràng là, chất lượng đào tạo ở đây là không thể phủ nhận, cũng như thế, việc phụ huynh nườm nượp cho con vào học cũng chứng tỏ sức hút của ngôi trường nổi tiếng này.

Năm 2014, nghe tin ông bị ung thư, nhân chuyến ra Hà Nội, tôi nhờ tiến sĩ toán học Lê Thống Nhất, học trò ông, đưa tới thăm ông. Vì ông Nhất điện trước nên khi chúng tôi tới, ông đã đứng sẵn ở hè đón. Ông ở một phòng ngay trong trường. Buổi sáng mà ông vẫn lấy rượu ra đãi chúng tôi, tự tay rót 2 ly, còn ông ly nước trà. Thường thì đi thăm người bị ung thư là khó nói chuyện nhất, cứ ngượng ngập như nói dối, mà phải nói dối thật. Có người gia đình giấu biệt, nói là bị áp xe vớ vẩn gì đấy thôi. Đằng này chúng tôi nói chuyện thoải mái. Trường hợp này cũng giống với nhà văn Hòa Vang, ông oang oang nói về ung thư, về cái chết của mình chả e dè gì khiến người đến thăm cũng... bạo mồm mà mặn chuyện. Và quả là sau đấy, khi về một thời gian, tôi nghe tin ông đã hết tế bào ung thư. Báo chí đưa tin tưng bừng. Gọi điện thoại chúc mừng, ông bảo “nó” phải sợ mình chứ, mình có cách để “nó” phải sợ mình. Ông hẹn khi nào ra Hà Nội lại đến... uống rượu với ông nhé.

Hôm đến thăm ông ở trường ấy, tôi đã chứng kiến các cháu học sinh kính trọng ông như thế nào, không chỉ với tư cách người thầy, mà là người ông, người bác. Học trò đang giờ ra chơi, ông dẫn chúng tôi đi một vòng thăm trường, các cháu đều ngừng chơi vòng tay chào thầy, chào ông. Sau này xem clip học trò cả trường hát chúc ông khỏe tôi đã rơm rớm nước mắt. Chả ai bắt được các cháu làm điều mình không muốn một cách tăm tắp như thế. Chỉ có trái tim và sự yêu thương thật lòng mới thế.

Tám mươi tuổi, ông đã đi qua cõi đời này một cách đầy tự tin và cũng đầy viên mãn. Cuộc đời ông vừa đồ sộ vừa giản dị với một sự nghiệp đáng khâm phục. Ông đã thành công trong sự nghiệp giáo dục trên nhiều tư cách, nhà khoa học, người thầy, nhà quản lý, người sáng lập... và tư cách nào cũng lấp lánh hào quang...


Link gốc Ở ĐÂY                                                              

1 nhận xét:

Unknown nói...

Văw Chủng và Phạm Lãi là hai người giúp vua Việt Câu Tiễn xây dựng nước Việt (Chiết Giang= mà vua Trần Nhân Tông từng tự hào: Cối Kê cựu sự văn tu ký) hùng mạnh, diệt được nước Ngô của vua Phù Sai. Người họ Văn Việt Nam hiện nay là hậu duệ Văn Chủng, không liên quan gì Chiêm.