Hôm
qua một đồng nghiệp ở một tờ báo lớn phía Bắc nhắn tin hỏi tôi: “khi em đến Pleiku em thấy sân bay vắng lặng quá, thể hiện
khách đến đây rất ít. Vậy theo cá nhân anh thì tại sao mà du lịch Gia Lai không
khởi sắc được như Buôn Ma Thuột hay Lâm Đồng ạ. Em dự định làm tour lên Gia
lai, theo anh thì cơ quan chức năng và các doanh nghiệp tại Gia Lai phải thay
đổi như thế nào thì mới hút được du khách ạ”.
Quả là, tôi
đã từng rất nhiều lần xấu hổ khi tiếp bạn bè các nơi về thăm tôi ở Pleiku. Mất
chừng một tiếng để chở bạn ra Biển Hồ nước, sang Biển Hồ trà, thực ra là ra cái
đoạn ngắn mấy chục mét có hàng cây cổ thụ chụp vài bức ảnh, rồi chạy về công
viên Đồng Xanh, mà tôi hay nói đùa là... Tây Nguyên nhái, nhưng dù sao nó đã
từng trưng bày được khá nhiều hiện vật về đời sống buôn làng Gia Lai, nhưng
tiền đầu tư tiếp không có nên giờ những gì Tây Nguyên thật đều đã hư hỏng trầm
trọng. Tiếp theo là một cữ nhậu mà tôi đã cố gắng kiếm quán cho nó “bản sắc”
nhất như gà nướng cơm ống, lá mì cà đắng, hoặc gỏi lá, sau đó thì đành chỉ cho
bạn lên... Kon Tum. Ít nhất ở đấy còn có nhà thờ gỗ, tòa giám mục, có làng Kon
Kơ Lo, Kon Rờ Bàng, và giờ là cái bờ kè sông Đăk Bla viền ôm thành phố trữ tình
phết. Sang và chịu khó hơn tí nữa thì phi lên Măng Đen, tận hưởng vẻ đẹp thanh
khiết của “Đà Lạt thứ 2”, vân vân rồi... quay lại về Pleiku, ngủ một đêm để hôm
sau lại sang Đăk Lăc với hàng loạt điểm du lịch hấp dẫn, cả trong thực tế lẫn
trên... dư luận. Đà Lạt là ngoại hạng rồi, không nói nữa, rõ ràng, với 2 tỉnh
lân cận, Gia Lai đang cách một khoảng khá xa về du lịch nếu không muốn nói du
lịch Gia Lai phát triển kém nhất ở Tây Nguyên.
Có
nhiều lý do.
Do không có
người làm du lịch chuyên nghiệp?
Từ đấy không
có một chiến lược chuyên nghiệp?
Các điểm du
lịch rời rạc, manh mún, không hấp dẫn và không được đầu tư đúng mức?
Sản phẩm du
lịch nghèo và lạc hậu?
Nhiều
vấn đề nữa, trong đó có cả việc, chả hiểu thế nào mà người nước ngoài lên Gia
Lai du lịch rất khó. Tôi thi thoảng được vài người bạn nhờ tổ chức tour tự do
cho một nhóm đi phượt vào mùa dã quỳ nở, cả tây lẫn ta, và thường là... thất bại,
trong khi họ lên Kon Tum, Đăk Lăk rất dễ.
Cũng
hôm qua, một anh bạn chủ một doanh nghiệp lớn làm về văn hóa, có du lịch, nói với
tôi anh vừa có kiến nghị gửi tỉnh ủy, ủy ban trình bày về những vấn đề cốt lõi,
qua kinh nghiệm làm việc của mình mấy chục năm, để có thể giúp du lịch Gia Lai
gỡ khó và cất cánh. Anh bảo gửi cũng lâu lâu rồi nhưng chưa thấy hồi đáp.
Anh
nêu ví dụ, ngay tại thành phố Pleiku thôi, nếu đi tham quan, người ta đi đâu?
Tôi bảo thì Biển Hồ, Đồng xanh. Anh cười, tại sao ta không cải tạo cái đồi
thông bên cạnh quảng trường giữa thành phố ấy, làm thành một đồi hoa, thật nhiều
hoa, thật ấn tượng. Khách sau khi tham quan quảng trường, rẽ sang mấy bước sẽ đắm
chìm trong một thế giới hoa. Đấy là một ví dụ cụ thể chứ anh nêu ra nhiều ý kiến
khá thú vị. Ví như, nếu có quyền anh sẽ biến chỗ đậu xe bên đường anh hùng Núp
sát bên quảng trường thành phố chợ đêm, với các loại ẩm thực đặc sắc, vừa dân
dã nhưng lại rất hiện đại, vệ sinh. Tôi gật gù, quả là, nhiều khi muốn đưa bạn
đi chơi đêm ở Pleiku mà chả biết đưa đi đâu. Giá có chỗ ấy thật, nửa đêm ra làm
tô cháo nóng, ly cà phê, hoặc nhấm nháp mấy ly bia lạnh với thịt nướng rừng rực
trên than hồng, ngắm phố, ngắm đêm, ngắm người, ngắm sương mù, thưởng cái se se
lạnh của mùa khô Cao nguyên, bởi nhớ tôi cũng đã từng ngồi suốt đêm ở chợ đêm Lạng
Sơn, Sa Pa, Huế hay Đà Lạt... thay vì ngủ vùi trong khách sạn, mà vẫn thấy khỏe
khoắn. Bởi nếu chỉ ngủ, thì ở nhà cũng ngủ được, thậm chí là ngủ ngon bởi quen
giường, chả việc gì phải bỏ tiền đi du lịch cho tốn kém mà lại... giống ở
nhà...
Vấn
đề là, ai thực hiện.
Được
biết, tỉnh Gia Lai đã có những chủ trương, kế hoạch khá lớn cho việc phát triển
du lịch, có những nghị quyết chuyên đề, có hội thảo vừa rộng vừa sâu. Nhiều dự
án đang triển khai hoặc đã vào “tầm ngắm” như hạ tầng khu du lịch Biển Hồ, khu
di tích lịch sử Kroong, khu sinh thái Biển Hồ, Chư Đăng Ya, Hồ thủy điện Ia Ly,
vườn quốc gia Kon Ka King, khu bảo tồn Kon Chư Răng, di tích Tây Sơn Thượng đạo,
di tích sơ kỳ đá cũ An Khê với niên đại gần triệu năm mới được phát hiện, vân
vân...
Ngoài
ra thiên nhiên cũng là thứ để con người biến chúng thành đặc sản du lịch, như
sương mù, như mưa, như dã quỳ, như chính những con dốc lượn những đường kỷ hà
giữa phố, những cập kênh ngõ nhỏ, những
thung lũng được tạo bởi hàng trăm miệng núi lửa hàng triệu năm bao quanh
Pleiku...
Nhưng
hình như vấn đề quảng bá đang có vấn đề. Đọc kế hoạch với những chấn chỉnh,
tăng cường, nâng cao, quyết tâm, mũi nhọn... thì thấy có, nhưng hỏi đã mấy người
biết cụ thể.
Rất
nhiều người ở Gia Lai đã bỏ tiền đi du lịch, từ trong nước đến nước ngoài, đi về
rồi đều kêu trời: Những thứ mình phải xếp hàng ngắm, xếp hàng mua, ở nhà mình đầy,
thậm chí nhiều thứ hơn hẳn về mọi mặt. Nhưng quảng bá và khai thác như thế nào
lại là chuyện khác. Chả dám ví với công chúa ngủ quên, bởi công chúa thì chỉ một
hoàng tử đánh thức là đủ, ở đây, ai cũng muốn đánh thức mà rồi, ai cũng... nhường
ai...
Muốn
làm du lịch, việc trước tiên là phải am hiểu về... du lịch, hình như có cả văn
hóa du lịch và kinh tế du lịch. Và đặc biệt là phải am hiểu văn hóa bản địa khi
muốn khai thác nó thành sản phẩm du lịch. Mà hiểu văn hóa bản địa thì việc đầu
tiên, đơn giản nhất, A B C nhất phải gọi đúng tên sự vật, chứ đừng gọi “làng
Plei Kép” (Làng chính là Plei), đừng đòi nâng “Đâm trâu” thành lễ hội trước
ngàn người để bán vé thu tiền, đừng gọi “Múa xoang” (Múa tức là xoang) và cũng
không nhất thiết phải liên tục tổ chức các lễ hội mà lại tách nó ra khỏi môi
trường, không gian của nó, thay vì nó được thở hơi thở của làng, của rừng của
suối của nương của rẫy..., lại lôi nó lên phố với sân khấu vuông lòe loẹt tím
vàng xanh đỏ, biến dân làng, nghệ nhân thành diễn viên chuyên nghiệp...
Và
tất nhiên, cũng không phải vì du lịch mà đánh đổi tất cả, bởi giờ đang có một
thực tế là nơi nào du lịch thò tay vào là nơi ấy mất bản sắc văn hóa, nhưng có
tiềm năng du lịch mà không phát triển được thì cũng là thiếu sót không nhỏ. Những
người có trách nhiệm phải giải được bài toán này, phải dung hòa được giữa phát
triển và ổn định, xử lý được những mâu thuẫn khi phát triển một cách khoa học,
hợp lý và điềm tĩnh chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính hoặc lấy tiền đè
như một số nơi đã từng...
Vào
Google, gõ Pleiku hoặc Gia Lai, ngoài phở 2 tô, thấy người ta ca ngợi món...
bún cua chợ nhỏ, cho rằng đấy là món ăn đặc trưng Pleiku, là thứ không thể bỏ
qua khi đến Pleiku, dù nói thật, rất nhiều người không xơi được món bình dân
này, bởi cua xay xong để qua đêm cho bốc mùi rồi mới nấu. Ai thế nào không biết,
nhưng tôi, với tư cách là người đang sống ở Pleiku, thấy xấu hổ, dù vẫn biết,
phải cám ơn những bạn đã khuếch trương món ấy, để ít nhất, người phương xa còn
biết ở Pleiku có món... bún cua.
Nhà cháu trong một lần đưa khách vào Biển Hồ |
Tốp khách này từ Hà Nội, nhà cháu đưa di nhậu ở quán Lá rồi đưa về KS ngủ, hôm sau lên Kon Tum... |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét