Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

VIỆC THỨ 3 CỦA ĐỜI NGƯỜI...




           Các cụ xưa, qua bao đoạn trường dâu bể, qua bao kinh nghiệm sống, bao thăng trầm, thấm đẫm cái khó khăn của đời người nên đã đúc kết rằng, trong đời người có 3 việc lớn phải trải qua, ấy là tậu trâu, lấy vợ, làm nhà.

           Dân nông nghiệp, con trâu là đầu cơ nghiệp, chỉ trừ nhà khó khăn hết sức, còn sắm con trâu là đương nhiên, việc đầu tiên phải làm, cửa ải này khó nhưng không phải là quá khó. Lấy vợ, lại càng đương nhiên. Mỗi làng cũng có chừng vài ba anh đàn ông không vợ, lý do khó khăn ít hơn là anh ta gàn dở ương ương (ngày xưa vấn đề giới tính chưa nổi như bây giờ), còn thì các cụ dạy rồi, nồi nào vung nấy, anh nghèo có chị khó, anh gàn có chị ương, rồi cũng “cặp đôi hoàn... cảnh” hết. Nhưng làm nhà thì khó khăn cơ khổ, không phải ngày một ngày hai mà được. Tất nhiên lại cũng liệu cơm gắp mắm, trông gạch đặt nhà, nhưng thường việc này xảy ra khi con người đã trưởng thành, thậm chí đã già. Đây là mơ ước cả đời của một gia đình chứ chả phải của một người. Rất ít người độc thân làm nhà, phần lớn là sau khi đã vợ con đề huề, người ta bắt đầu tích cóp dành dụm để làm cái nhà cho ra cái nhà, trước đấy, tam đại đồng đường, thậm chí là tứ đại ở chung, cái chái nhà cũng có thể là chỗ chui ra chui vào cho một, thậm chí vài gia đình, cái hè quây lại cũng có thể là mái ấm.

           Ngày xưa ngoài Bắc, nhà coi được phải là nhà sân gạch, gỗ mít, lợp ngói. Chỉ thế, nhưng là mơ ước, là tiêu chuẩn, là đẳng cấp. Thông thường là nhà tranh tre nứa lá, cũng là khát khao cháy bỏng của hàng triệu gia đình Việt...

           Tôi, gã thợ viết quèn, cũng vừa xong việc sang trọng thứ 3 của đời người: Hoàn thành cái nhà tròm trèm một tỉ. Hôm cầm bản thiết kế của kiến trúc sư đưa, xem xong dự toán, tôi trịnh trọng đứng lên: từ giờ phút này, tớ là tỉ phú rồi nhé.

           Đây là bản thiết kế thứ 8 tôi nhận từ kiến trúc sư “giỏi nhất ở thời điểm này” như lời giới thiệu của chú em phó giám đốc sở Xây dựng. Anh em biết tôi chắt bóp mãi mới làm cái nhà nên ai giúp được gì thì đều xắn tay giúp. Giúp đầu tiên là... thiết kế. Yêu cầu đầu tiên của tôi là, với diện tích đất có sẵn của “truyền thống” nhà ống đô thị Việt Nam (18 mét X 4,3m), làm sao giá thành dưới một tỉ, 3 phòng ngủ, có một phòng tầng trệt dành cho tôi, vừa ngủ vừa làm việc, có giếng trời, phòng khách, bếp... nội thất sang trọng, vật liệu tốt vân vân, ai nghe cũng... cười. Và tôi phát hiện là, làm nhà khó nhất chưa phải là việc phải cãi nhau với... vợ, dù đấy là việc... đương nhiên. Cũng chưa phải là không có tiền, dù mình chả có đồng nào trong túi, ngân hàng và... vợ nắm. Mà khó nhất là mình có quá đông bạn bè là... kiến trúc sư. Ai cũng mang đến một phác thảo, thậm chí là bản vẽ chi tiết, và đấy đều là... ưu việt nhất đối với họ. Tôi, kẻ ngoại đạo, tai luôn ù ù như có bão. Cuối cùng thì bản thứ 8 đến, tôi chỉ mới nhìn qua đã ưng ngay, vì nó đáp ứng mấy điều kiện mình đưa, và, trông rất đẹp.

           Xong thì đến phần tâm linh. Thân với một người làm nghề phong thủy nên việc này cũng đơn giản. Giao hết cho ông ấy, ông bảo gì tôi nghe, miễn đừng bắt tôi nhảy vào lửa và nuy đi ngoài đường. Ông này tuy là thầy phong thủy nhưng mà... thoáng. “Anh chỉ kiếm cho em một người đàn ông trên 70 tuổi đứng tên chủ hộ để cúng, còn lại là anh... đút tay túi quần... ngó vì anh không được tuổi”. Và té ra ông này cũng là người tham gia vào thiết kế, ít nhất là bếp đặt đâu, nước đặt đâu, buồng ngủ xoay thế nào, thậm chí là hướng bồn cầu. Có kiêng có lành. Thì nó cũng như xem ngày giờ cưới bây giờ ấy mà, ngày tốt chả hiểu sao tập trung hết vào thứ 7 chủ nhật.

           Quan hệ với chủ thầu và thợ cũng là một nghệ thuật, chả khác gì công việc đối ngoại của... nhà nước. Có ông kỹ sư xây dựng dọa tôi: thường thì làm nhà xong chủ nhà và thầu, thợ sẽ xem nhau như... kẻ thù. Tôi thì ngược lại, càng lâu thì tình cảm lại càng thắm thiết. Vào nhà ở cả chục ngày rồi vẫn chưa thấy thầu xuất hiện để... thanh toán nốt dù còn cả trăm triệu, chỉ thi thoảng nhắn tin hỏi: Anh thấy còn gì chưa vừa ý thống kê hết lại để em sửa.

           Có mấy cách làm, một là kêu thợ, mình quản công hoặc khoán, trực tiếp mua vật liệu, thích gì kêu nấy. Giờ cũng tiện. Phi xe lên, hoặc gọi điện thoại, chủ cửa hàng sẽ mang mẫu xuống, chọn xong thì... khoanh tay chờ, cửa hàng sẽ mang xuống chính xác từng mi li mét. Tôi chọn cách khoán toàn bộ, chìa khóa trao tay. Mình chỉ tham gia chọn mẫu mã. Của đáng tội, tôi gặp anh thầu “có tâm” như cách dân mạng hay nói hiện nay. Dưới anh thầu có một anh cai công, anh này là người quán xuyến toàn bộ việc xây dựng, điều phối thợ, trực tiếp chỉ huy công trường, còn anh thầu là người quản anh này và kêu vật liệu, điều phối kế hoạch. Cai công của tôi cũng có tâm nốt, ngoan và lành, học cao đẳng xây dựng ra nên rất hiểu việc (anh thầu là kỹ sư xây dựng, đang làm cho một cơ quan liên quan đến xây dựng).

           Và, tiếp xúc với thợ, khoái vô cùng. Ông hàng xóm nhà tôi cũng làm nhà ở một nơi khác, thấy ông suốt ngày giữ cháu, tôi hỏi bà đâu, ông bảo bả giám sát công trình. Nhà ông này kêu thợ và tự kêu vật liệu. Tôi hỏi bác không đến công trình tí nào à, ổng bảo đến là cãi nhau ngay, vợ ông vừa bắt thợ đập bỏ cái trụ đổ được một tuần. Ông mà đến thì sẽ cãi nhau với cả vợ và thợ nên thôi, ở nhà giữ cháu cho lành. Quả là, rất nhiều ông chồng “thông thái” truyền tai nhau là lừa cho vợ đi vắng rồi hẵng làm nhà nếu không muốn ngày 3 lần cãi nhau, tuần hai lần... đấm nhau. Tôi thì có kinh nghiệm khác, phần thô khỏi lo rồi, đến phần nội thất, tôi chọn mẫu mã tầng trệt của tôi, vợ chọn tầng trên. Nước sông không phạm nước giếng. Xong béng.

           Thầu chuyện nghiệp nên kêu các kíp thợ cũng rất chuyên nghiệp. Cái thằng cu làm điện nước cho nhà tôi rất chuyên nghiệp và hết sức trách nhiệm. Nhiều lúc đứng nhìn nó làm việc mà... mê. Làm điện nước tức là biết làm cả... thợ xây, thợ đào vân vân các loại. Nhìn cách nó đấu từng cái ốc vít, cái khúc nối vừa nhanh nhẹn vừa tỉ mẩn mà lại rất vui vẻ khi thi thoảng chủ nhà yêu cầu nó thêm chỗ này sửa chỗ kia mà thích. Có lần tôi nói với nó, cháu cần quái gì nhà nước, cần quái gì chuyên viên các loại, cứ giỏi như mày là khối người cần. Mà đúng, thi thoảng ống nước vỡ, điện chập, hay muốn làm lặt vặt gì đấy trong nhà, mới thấy cần mấy anh thợ hơn các kỹ sư biết bao nhiêu. Hồi nhỏ, thời bao cấp ấy, con người rất đa di năng, cái gì cũng mần được hết. Tôi cũng thế. Bé tí đã tháo xe đạp ra sửa, rồi cả radio, lớn tí làm đủ thứ... nhưng giờ mới thấy, cái gì cũng cần có thợ, không cần cao sang, chỉ cần biết xử lý những vấn đề cụ thể, biết sửa chữa đồ gia dụng, dân thành phố chả hẹp hòi gì khi hết 400 họ sẵn sàng đưa 450 khỏi thối... Thằng cu này vợ làm ngân hàng ACB, nghe nói rất xinh và hiền.

Thợ hồ cũng mỗi nơi mỗi khác. Thợ Pleiku thì chủ nhà mời ăn bữa lỡ (cỡ 10 giờ trưa và 3 giờ chiều), có trong giao kèo luôn. Chả tiếc gì, nhưng nó kích rích. Gần đây, có dịch vụ, chủ quán tự đến đếm người, mang đồ ăn đến, cuối tháng chủ nhà thanh toán một lần. Tin nhau như tin... nhà nước.

Thợ Bình Định làm nhà tôi thì không. Anh thầu nói luôn: Bác không phải lo bữa lỡ, quý anh em thì lâu lâu tặng họ ít tiền hoặc mời họ bữa nhậu. Tôi áp dụng... cả 2. Thi thoảng tới biếu anh em ít tiền, cả thợ hồ thợ sắt. Chừng tháng thì mời họ nhậu, phòng lạnh hẳn hoi chứ không phải quán cóc lề đường.

Đến công trình, thấy có 2 nữ phụ hồ, một chị lớn tuổi tôi xưng anh, còn một cô bé xưng chú. Là đoán nó nhỏ chứ nó bịt kín từ chân đến đầu, có thấy gì đâu. Nhưng tôi ấn tượng với con bé, thứ nhất là nó rất trắng. Chỗ nào hở ra là rất trắng, trắng nõn như trứng gà bóc. Làm phụ hồ mà như thế thì trần đời có một. Thứ hai là nó cứ lặng lẽ làm, chả thấy nói năng gì. Và thứ 3, nó rất siêng, luôn tay luôn chân, rất sạch sẽ. Bọn thợ vương vãi ra, nó ngồi hót hết, tỉ mẩn. Như người khác thì... trốn việc, ví dụ đẩy gạch đủ rồi thì tranh thủ nghỉ tí, đây trong lúc chờ nó ngồi hót xi măng rơi, lượm gạch vỡ dồn lại vân vân... Hôm mời thợ nhậu, vừa hết giờ tôi hỏi mọi người có cần về nhà tắm rửa thay đồ không hay đi luôn. Trừ một thằng bảo về thay đồ còn tất cả bảo đi luôn. Tất nhiên là đi luôn theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Và đến nơi thì mới tận mặt con bé. Xinh và trắng. Hỏi thăm từng đứa, đến nó thì biết cái thằng thợ xây nhà tôi, cũng rất chịu khó, là... chồng nó. Tôi bảo chú nghi nghi rồi vì toàn thấy thằng ấy chở mày. Một lúc lại hỏi: Cháu có bầu à? Ơ sao chú biết. Bụng mày thè lè kia mà không phải béo thì là có bầu chứ sao. Dạ 3 tháng rồi chú. Thằng kia, sao vợ có bầu mà để cho vợ đi làm việc nặng. Dạ chú, con đuổi mãi mà nó không chịu về. Thằng kia, sao mày láo? Ơ con láo gì đâu? Sao không láo, dám gọi vợ bằng “nó” mà lại trước mặt... nó. Ô cháu quen rồi. Tao cũng không dám gọi vợ tao thế nhé. Thế chúng mày ăn ở thế nào? Dạ chủ làm lán rồi cho ở chung thế? Tắm rửa vệ sinh ra sao? Dạ quây lại rồi sử dụng. Thế vợ chồng mày được ngủ chung để thi thoảng chồng thăm con tí hay ngủ phản chung giới nào ra giới ấy. Thằng cai công bảo: Dạ cháu quây lại cho ngủ chung chứ? Lương lậu thế nào? Dạ thợ có mấy mức, khoảng hai trăm ba đến hai trăm tám tùy tay nghề, phụ thì trăm tám/ ngày, cơm nuôi ngày ba bữa.

Tôi nhắc chúng nó, cả thằng cai, chồng và vợ, có thai phải hết sức cẩn thận, chúng mày bố trí việc nhẹ cho nó, và cháu, con bé ấy, mày cũng hết sức cẩn thận, làm vài tháng nữa rồi về đi, nghỉ ngơi rồi đẻ. Nó hỏi lại về thì lấy gì nuôi con chú? Đây là đứa thứ 3, còn 2 đứa đang gửi ngoại nuôi, bọn cháu đi làm gửi tiền về nuôi con...

Nói với chúng, thực ra lương các cháu bằng, thậm chí là hơn, lương chú đấy, và gấp đôi lương nhân viên tòa soạn của chú. Thằng đốc công bảo: Cháu làm nghề xưa nay chưa thấy ông chủ nhà nào dễ thương như chú, tôi sướng, cười như nghé...

Nếu tính công xá làm nhà, nhớ cộng thêm chừng một tuần mất ngủ khi về ngủ nhà mới nữa. Giờ đồ nội thất vừa sẵn vừa nhiều loại giá, dấn lên một chút, ta thành ông chủ của biệt phủ tự phong. Đang tranh tre nứa lá, vụt phát lên đời, mất ngủ một tuần cũng đáng...
                    




                                           


1 nhận xét:

Lãng du cõi hồng trần nói...

Chúc mừng Anh nhé
Chủ nhà dễ thương