Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

GIÁ CỦA ĐỘC LẬP




           Đấy là một cái giá mà, không thể tính giá.

           Nếu theo lịch sử Việt Nam đang phổ biến thì dân tộc ta có tới 4000 năm miệt mài đòi và giữ độc lập, với hàng núi xương hàng sông máu, lớp lớp con dân Việt đã ngã xuống để làm cái việc mà, Hồ Chủ Tịch, trong tuyên ngôn độc lập đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2 tháng 9 năm 1945 là “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập.

           Giá ấy không thể tính giá.

           Dân ta giờ hay gọi ngày này là “tết độc lập”. Tôi yêu cách gọi này hơn, nó gần gũi thân thiện mà lại thiêng liêng hơn gọi quốc khánh. Dân tộc ta coi trọng tết. Đã có tết Nguyên đán, tết trung thu (và các tiết), giờ có thêm tết độc lập, vừa hay vừa ý nghĩa. Tết là vui vẻ, là may mắn, là gần gụi yêu thương mà cũng thiêng liêng hoành tráng. Tết vừa long trọng nhưng lại cũng hòa đồng, vui vẻ, nó cởi mở và tưng bừng, nó mở ra nhiều cung bậc tình cảm, kéo người với người với nhau dễ hơn…

           Tết người ta cũng hay nhìn lại quá khứ rồi mơ tương lai.

           Quá khứ của chúng ta đẫm chất bi tráng. Vừa đau thương vừa hào hùng, nó đầy những nổi trôi những vương triều những số phận, những vàng son những dân dã, những da diết bồi hồi và cả những lãng quên lạnh lẽo và vô ơn.

           Nó làm nên số phận dân tộc.

           Rồi tương lai. Tết bao giờ người ta cũng mong về một tương lai tươi sáng, một ngày mai đầy đặn hơn, một niềm tin không chỉ là tưởng tượng. Một hạnh phúc không phải ở câu chúc, ở đầu môi chót lưỡi, mà ở một hiện thực người ta cảm được, nhìn thấy và tiệm cận trong khả năng có thể.

           Giá của hạnh phúc vì thế mà... vô giá.

           Độc lập gắn liền với hạnh phúc. Nó làm nên một hạnh phúc trọn vẹn, một hạnh phúc vững bền, một hạnh phúc sờ nắm được, hạnh phúc ai cũng được hưởng, chia đều chứ không dành cho một bộ phận. Có thể ngay bây giờ đây, hạnh phúc chưa chan đầy, chan đều cho tất cả, nhưng ai cấm ta mơ, ai cấm ta phấn đấu cho một ngày mai như thế. Chợt nhớ mấy câu thơ trong bài thơ nổi tiếng một thời của nhà thơ Chế Lan Viên: 

Rồi cờ sẽ ra sao?
Tiếng hát sẽ ra sao?
Nụ cười sẽ ra sao?
Ơi, độc lập!
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu

           Toàn là những câu hỏi da diết như... câu hỏi, mà đọng cả trầm luân của dân tộc, của số phận nhân dân, của những kiếp người.

           Giá của độc lập, không tính được, không trả lời được. Chỉ biết rằng, nó chính là số phận dân tộc với những nghìn năm lịch sử, với lớp lớp con dân sinh ra lớn lên ngã xuống cho dân tộc ấy trường tồn.

           Nên đây đó, nghe những chuyện, những kẻ, những tội đồ, những tên giặc không hơn không kém, phản bội dân tộc, giày xéo dân tộc, ích kỷ với dân tộc... ta không khỏi căm phẫn. Những ngày này khi Tổng bí thư ra tay diệt bọn sâu bọ lúc nhúc ấy, khi mà cái hình tượng nhóm lò, lò đã cháy thì không chỉ củi khô mà cả củi tươi đút vào cũng cháy, thì chúng ta càng hiểu cái giá của độc lập. Thì ra, giành độc lập, có độc lập là một chuyện, giữ được nó lại là chuyện khác. Và độc lập, không chỉ là chống ngoại xâm, mà chính từ trong nội bộ chúng ta.

           Tết độc lập, bàn chuyện độc lập, càng hiểu và quý cái giá của độc lập. Và từ đấy mà thấy thương, thấy yêu, thấy tự hào và cả xa xót, cho dân tộc ta. Và cũng mới hiểu, hạnh phúc không phải tự nhiên mà có. Nó là sự đồng lòng của cả dân tộc này, chống lại cái xấu, cái ác, cái bất công, cái thói vô lại, thói tham lam vơ vét... phải coi tất cả bọn ấy là kẻ thù của dân tộc, vì chính chúng phá hoại độc lập, phá hoại tự do và cản trở hạnh phúc của nhân dân… Những vụ đại án đang xử lý hiện tại khiến chúng ta thấy, giá của độc lập đắt đến mức nào, và giữ nó khó khăn vất vẻ đến mức nào?

           Giá của độc lập, vì thế, luôn luôn không thể tính giá. Nó luôn là câu hỏi trong lòng mỗi chúng ta, là sự mắc nợ dân tộc, mắc nợ nhân dân của những công dân có trách nhiệm, những người yêu nước, những lương tri luôn thắc thỏm nhói đau vì Tổ Quốc, vì dân tộc, trong đó có tôi, có bạn, có những người là bạn của tôi của bạn, của tất cả chúng ta...


                                                                         

3 nhận xét:

Nguyễn Duy Hoà nói...

Bài giống tuyên giáo quá bạn Hùng

Văn Công Hùng nói...

Ôi giời được thế thì mừng quá bạn Nguyễn Duy Hòa.Lâu nay toàn bị phê bình viết... khong giống TG...

Nặc danh nói...

Thì cùng hệ điều hành được 1 nhà lập trình vĩ đại Mao sản xuất ra mà.
Là nhà văn thì mỗi người mỗi phong cách ,nhìn sự việc viết về 1 chủ đề thì sẽ có nhiều gốc nhìn ,nhưng với mấy ổng , 100 ông viễt 100 thứ cũg 1 gốc nhìn y nhau y như bọn nhà văn Tàu Mao .
He he miệng đều bảo ghét Mao nhưng cũng 1 thời hô Mao và khi 1 ai có gốc nhìn khác cả đám nhảy vào rỉa rói .
Văn Cao ,Trần Dần , Hữu Đang ...từng bị bụp hội đồng ,cùg bị bọn tâng công nhảy vào rỉa rói đó .Thậm chí cái ông N.Lân giáo làng ,sản xuất tự điển cũng nhảy vào rỉa rói mấy vị đáng kính trên .