Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

THƯ NGỎ CỦA PGS TS LÊ ĐÌNH CÚC VỀ TRƯỜNG HỢP HY SINH CỦA CỐ XIN



PGS TS Lê Đình Cúc gửi qua nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh nhờ blog của tôi đăng cái thư ngỏ và bài viết của ông về một trường hợp rất xứng đáng được truy phong liệt sĩ nhưng không hiểu sao bao lâu nay chưa ai làm. 27 tháng 7 đã cận kề, mời mọi người đọc bài viết này và chia sẻ để nó đến được những nơi cần đến, để không ai bị thiệt thòi, nhất là những người đã rất anh hùng, đã hy sinh thân mình cho độc lập tự do của Tổ quốc - tôi phải dùng cụm từ to tát ấy để chỉ mức độ cần thiết của vấn đề.

 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----- *** -----

THƯ NGỎ

ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN LIỆT SĨ CHO NGƯỜI CÓ CÔNG
TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
(Trường hợp liệt sỹ Lưu Văn Khuồi (tức Cố Xin)

                                                Hà Nội, ngày …. tháng ……. năm 2017


Kính gửi: - Ông Phó  Thủ tướng Vũ Đức Đam
- Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTB và Xã hội
- Ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An


Tên tôi là: PGS.TS. Lê Đình Cúc
Sinh năm: 1948
Cựu chiến binh, 49 năm tuổi Đảng
Cơ quan công tác: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
Quê quán: Xã Nam Thịnh (nay là Nam Cường), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Địa chỉ thường trú: 62A, ngõ 192, phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Tôi sinh ra và lớn lên tại làng Kiều Thượng, xã Nam Thịnh (nay là xã Nam Cường), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nằm sát bến đò Cố Xin (ông Lưu Văn Khuồi). Từ năm 1966, tôi là dân quân địa phương, tham gia chiến đấu, trực tiếp bắn máy bay Mỹ ở các trận địa phòng không ở phía Nam sông Lam, ngay bến đò Cố Xin. Chúng tôi được chứng kiến, từ năm 1964 khi không quân Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, bến đò Cố Xin (xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) là một nơi thường xuyên bị ném bom, bắn phá ác liệt. Nằm trên đường chiến lược Bắc - Nam, Cố Xin và vợ ngày cũng như đêm bất chấp bom đạn quân thù đã chèo đò qua sông Lam, vận chuyển vũ khí, trang thiết bị quân sự và chở hàng nghìn bộ đội, thanh niên xung phong ra tiền tuyến, cũng như hàng nghìn công nhân quốc phòng, cán bộ và nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (đặc biệt là nhân dân ba huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn và Đức Thọ) qua sông tham gia kháng chiến, cứu hàng hóa, vũ khí bị địch bắn phá, hủy diệt trên sông Lam, thị trấn Nam Đàn, phà Bến Thủy, phà Linh Cảm và thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh) và thành phố Vinh.
Ngày 19 tháng 3 năm 1968, trong một chuyến đò chở bộ đội qua sông, đò Cố Xin bị máy bay Mỹ ném bom và bắn cháy. Ông Lưu Văn Khuồi hy sinh tại chỗ, vợ ông bà Phạm Thị Diện bị thương nặng, được đưa vào bệnh viện cứu chữa nhưng chỉ kéo dài được một thời gian, cuối năm đó bà cũng qua đời. Sự hy sinh của vợ chồng ông Lưu Văn Khuồi trong chiến đấu ai cũng biết và đau xót, kính phục. Sau khi ông, bà hy sinh, các con lại tiếp tục được chính quyền giao nhiệm vụ của ông bà để lại và đã hoàn thành xuất sắc. Hàng nghìn thanh niên xung phong và bộ đội được ông Lưu Văn Khuồi chở đò qua sông Lam dưới mưa bom bão đạn và nhân dân (những người trên 50 tuổi) dọc sông Lam của huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn và huyện Đức Thọ ai cũng biết. Trên báo chí nhiều người đã viết về tấm gương hy sinh anh dũng của ông Lưu Văn Khuồi:
GS Ninh Viết Giao đã ví ông Lưu Văn Khuồi là Mẹ Suốt. Địa văn hoá huyện Hưng Nguyên, Nxb KHXH, 2009, tr 560
Lê Đình Cúc, Đò Cố Xin một di tích lịch sử. Tạp chí Thế giới Di sản, số tháng 5/ 2016.
 Lê Đình Cúc, Bến Đò Cố Xin . Báo Nghệ An. số 3/4/2016
 Lê Đình Cúc, Đò Cố Xin -  Mai này ai nhớ ai quên. Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 315, ngày 25/4/2016.
Hạnh Liên, Bến Đò Cố Xin.  Báo Người đại biểu Nhân dân số 139, ngày 11/7/2016.
Nhưng cho đến nay, 49 năm đã trôi qua ông bà Lưu Văn Khuồi và gia đình chưa được Nhà nước ghi công và có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với người có công trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngoài một tờ Giấy khen không số, không ngày, tháng, năm do Ông Chủ tịch tỉnh Nghệ An (trước đây) Phan Đình Trạc ký. Chúng tôi được biết đã nhiều lần gia đình và chính quyền xã Hưng Xuân đã đề nghị nhưng không hiểu vì sao chưa được Nhà nước giải quyết.
Ghi nhận công lao của người hy sinh trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm và đạo lý của những người đang sống và của Chính quyền Nhà nước, không chỉ là đền ơn đáp nghĩa mà còn là nuôi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước của thế hệ mai sau. Là một công dân, tôi trân trọng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét công nhận liệt sĩ cho ông Lưu Văn Khuồi và gia đình có công với cách mạng.

Kính đơn




PGS.TS. Lê Đình Cúc
 ----------------------


BẾN ĐÒ CỐ XIN – MAI NÀY AI NHỚ AI QUÊN

Mỗi lần về quê tôi lại đến Gành Cố Xin, gành đá ngăn nước sông Lam, bảo vệ con đê 42 chạy dài từ Rú Đụn (huyện Nam Đàn) đến Rú Thành (huyện Hưng Nguyên). Cái gành đá ấy mang tên Cố Xin từ bao giờ không ai biết. Gành đá rêu phong, cây cối um tùm đang khuất dần trong sự náo nhiệt tưng bừng của 2 cây cầu Yên Xuân. Cầu đường sắt Pháp xây đầu thế kỷ trước, khi làm đường sắt Đông Dương và cầu đường bộ cũng mang tên Yên Xuân đang hối hả lao những nhịp đầu tiên đã soi bóng uy nghi trên dòng nước.
Ngày nay Sông Lam ở đây đã đổi dòng. Dòng chính ngày trước có gành đá này, bây giờ nhỏ và hẹp lại, đang cạn dần. Gành đá Cố Xin giờ đây như là sự lạc lõng vô duyên, cũng bởi 40 năm nay vắng bóng con đò ngày và đêm tấp nập những đoàn quân ra trận. Bến đò Cố Xin ở đây. Tôi nghĩ gành đá mà ai cũng biết này được người đời đặt cho tên Gành Cố Xin bởi nơi đây có con đò mà người chèo đò là Cố Xin nép bên cạnh. (dù gành đá này nằm trên địa phận xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên). Bên bờ kia sông Lam là đất Nam Đàn. Ba xóm Lạc Thiện, Kiều Thượng và Thanh Xuân nay không còn dấu vết. Bom đạn ác liệt của máy bay Mỹ quần thảo đêm ngày cùng bão lụt triền miên đã xoá sạch vết tích của vùng này.
Tôi ngồi trên bờ đá Gành Cố Xin bỗng nghe tiếng trẻ con chăn bò ở dọc bờ sông Lam dưới chân đê 42 hát:
Ai qua đò cố Xin Khuồi
Nghe cố đội mả ( mồ) vạch trời kêu oan.
“Ai qua đò”, bây giờ thì có ai đi đò ngang nơi này và làm gì còn đò Cố Xin nữa. Hai cây cầu cách nhau chưa đến ba cây số. Đường láng bóng, rộng rãi. Từ thành phố Vinh sang tận Hà Tĩnh qua đây, xe chạy chỉ mất 15 phút.
Nhưng cách nay 40 năm, thì bến đò này là một trong những địa điểm bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ.

Sông Lam trong chiến tranh chống Mỹ là một tuyến giao thông cực kỳ quan trọng, con đường vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược vào chiến trường. Đoạn hạ lưu gặp sông La xuôi đổ qua Phà Bến Thuỷ, nằm gần bến đò Cố Xin. Đường số 1 oằn lưng bởi bom đạn máy bay và tàu chiến từ biển bắn vào cày xới từng đoạn, nhất là ở đoạn Phà Bến Thuỷ. Bên cạnh đó là  Nhà máy điện Rú Quyết, Nhà máy đường Sông Lam , phía nam là thị trấn Đức Thọ và bến phà Linh Cảm. Từ phà Bến Thuỷ ngược lên thượng nguồn chưa đến 15km, đủ cho một vòng máy bay Mỹ lấy đà, ào ạt bắn phá nhiều trọng điểm là bến đò Cố Xin. Ngược lên phía trên cũng khoảng cách tương tự là thị trấn Nam Đàn, Bara Nam đàn nguồn nước của thành phố Vinh và ruộng đồng của các huyện phía Nam Nghệ An  là những mục tiêu trọng điểm bị bắn phá ác liệt.
      Qua sông Lam, từ bến đò này đi vào đường chiến lược 15A, chạy dọc dưới chân núi Thiên Nhẫn là con đường ngắn nhất để rồi qua phà Linh Cảm (sông La) đi tiếp vào ngã ba Đồng Lộc, nhập vào đường mòn Hồ Chí Minh vào Nam.
Sông Lam đoạn từ thị trấn Nam Đàn đến cầu Bến Thuỷ chưa đến 30 km ngày đêm bị bom đạn, thuỷ lôi và bom từ trường  quần nát. Chỉ cần một con thuyền xuất hiện là lập tức máy bay Mỹ lao đến. Từ 5 giờ chiều pháo sáng, đèn dù Mỹ đã sáng rực cả bầu trời, soi rõ từng mô đất, con sóng suốt đêm cho đến sáng hôm sau. Đoạn này chỉ có 3 bến đò. Bến đò Vạn Rú đầu đường 37A, gần thị trấn Nam Đàn, Bến đò Yên Xuân (sát cầu Yên Xuân trên đường sắt Bắc – Nam . Trước năm 1975 chưa có cầu. Cầu bị ta đánh sập năm 1946 để phòng Pháp tấn công khu IV – khu tự do trong 9 năm kháng chiến chống Pháp).Và Bến đò Cố Xin.
Phà Bến Thuỷ (đường 1A) bị không quân Mỹ khống chế triệt để. Đò Vạn Rú vào phà Linh Cảm phải đi xa hơn đi từ đò Cố Xin 30 km. Con đường ngắn nhất từ Bắc vào Nam là qua bến đò Cố Xin.
Với vị trí đặc biệt như vậy nên Bến đò Cố Xin là nơi quân dân ta qua lại tập trung nhất, nhiều nhất, và cũng là vị trí hứng chịu bom đạn nhiều nhất suốt những năm chiến tranh chống Mỹ.
Chỉ tính riêng cuối năm 1967, đầu năm 1968, đã có 3 trận đánh phá ác liệt ở bến đò này. 50 người dân các xóm Thanh Xuân, Kiều Thượng, Lạc Thiện đã bị bom đạn Mỹ giết, trong có nhiều học sinh mẫu giáo đang giờ học thì bị máy bay Mỹ ào đến ném vào lớp hàng trăm quả bom bi. Đò Cố Xin vượt sông trong làn đạn rốc-ket đưa người bị thương đến bệnh viện Vinh (sơ tán về xã Hưng Thông cách bến đò 3 km) để kịp thời cứu chữa.
Cũng ngay bến đò này nhiều lần thuyền vận tải, xà lan chở vũ khí đạn dược bị trúng  bom từ trường và bị bắn cháy. Đò Cố Xin lại chở dân quân tự vệ và nhân dân lao vào cứu hàng hoá lên bãi, nguỵ trang kín đáo kịp thời trong đêm. Có lần cả hai vợ chồng Cố bị thương nhưng không ai bỏ bến.
Con đò bé nhỏ, mong manh vượt qua bom đạn dữ dội ngày đêm do vợ chồng Cố Xin chèo chống. Hàng nghìn người qua đây vẫn nhớ và gọi người chèo đò là Cố Xin,  ông và bà đều là Cố Xin.  Nhiều người không biết tên thật của hai cố là gì. Ngày 19 tháng 3 năm 1968, trong một chuyến đò chở bộ đội qua sông, lúc quay lại, con đò chưa kịp cập bến thì máy bay ập đến ném bom. Cố hy sinh tại chỗ, cố bà bị thương nặng, cuối năm đó cũng qua đời. Thực ra Cố Xin tên thật là Lưu Văn Khuồi, người xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) chuyển đến sinh sống và làm nghề chèo đò ngang ở đây từ kháng chiến chống Pháp (1945- 1954). Gọi là Cố Xin, không biết vì sao, lúc ấy cố mới chỉ hơn 50 tuổi ( ông sinh năm 1910, và vợ Phạm Thị Diện sinh năm 1915) và hai Cố cũng chẳng đi ăn xin bao giờ.  Những người vùng này trên 50 tuổi ai cũng biết những cái tên này. Có 4,5 tên gọi nhưng thực ra chỉ có một người, cái tên phổ biến, ấy là Cố Xin. Người chèo đò gân guốc, hơi gầy, mặt rám nắng, đỏ au, râu ria lởm chởm nhưng gan góc đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở nơi bom đạn khốc liệt, không quản gian khổ khó khăn, vượt mưa bom bão đạn với nụ cười làm ấm lòng từng đoàn bộ đội, thanh niên xung phong ra trận và  khách qua sông. Ngay cả sau khi Cố Xin hy sinh thì bến đò, con đò vẫn mang tên Cố Xin. Các con của hai cố tiếp tục công việc của cha mẹ để lại, chèo đò phục vụ kháng chiến đến ngày toàn thắng. Bến đò Cố Xin đã in đậm trong lòng người và đi vào sử sách: "Bến đò Cố Xin ở phía tây làng Phúc Hậu. Cố Xin tên thật là Lưu Xuân Khuồi - sinh năm 1910 tại làng Nghĩa Sơn, tổng Phù Long... Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bến đò Cố Xin là một trọng điểm đánh phá. Có ngày đêm chúng ném bom đến ba lần. Mặc dù vậy Cố Xin vẫn dũng cảm bám trụ...Có người ví Cố như bà Mẹ Suốt Quảng Bình.”( Ninh Viết Giao và Thái Huy Bích; Địa chí văn hoá Hưng Nguyên; Nxb. KHXH.H.2009, tr.560).
Bờ Nam  Bến đò Cố Xin là vùng lòng chảo của hạ lưu sông Lam và sông La đổ ra biển, lọt thỏm giữa Ngã ba Phủ, giữa hai bờ sông Lam và sông La năm nào cũng ngập chìm trong mùa lũ lụt. Vài ngày mưa, nước từ triền núi, khe suối của dãy Thiên Nhẫn trút xuống, từ thượng nguồn sông Lam ập về. Ngã ba Phủ, nơi sông Lam và sông La gặp nhau nghẽn nước, không đổ ra bể được ứ lên, dâng lên nhấn chìm tất cả.
        Trong gió bão, mưa lụt và bom đạn Mỹ người ta vẫn thấy con đò nhỏ của Cố Xin len lỏi vào từng khóm lau, bờ tre để cứu dân làng. Đặc biệt là những trận đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ vào kỳ bão lụt. Trên trời, dưới nước lụt trắng đồng nhưng trời lại nắng. Máy bay Mỹ vẫn hoạt động được, chúng bay thấp, theo bắn từng con thuyền. Hai Cố vẫn bất chấp, chèo đò chở dân quân và đồng bào cùng bạn thuyền chài và ca- nô của bộ đội cứu hàng hoá, quân trang, vũ khí và kho tàng chìm trong nước lụt, đến từng xóm nhỏ, vớt từng hũ gạo, chum lạc giống cho đồng bào. Trong nước lụt và bom đạn Mỹ nghe dân làng í ới: “ Cố Xin ơi, cứu với...” là con đò và hai Cố có mặt. Đã có người viết trong sách: “Gọi là Cố nhưng khi tôi biết thì hai Cố còn trẻ. Rắn rỏi, da đen, quắc thước, bộ râu lưa thưa. Hễ có khách là chèo đò, dù chỉ một hai khách, và dù nửa đêm gà gáy, có khi khách không có tiền đò Cố cũng chèo…Sau này những năm chống Mỹ, bến đò này lúc nào cũng rầm tập tiếng quân đi. Cũng là con đường ra mặt trận của hàng đoàn bộ đội và thanh niên xung phong. Nhiều lần bị máy bay bắn phá, thả bom, bom từ trường và bắn rốc-két nhưng đò vẫn qua lại hàng đêm” (Trưởng thành trong kháng chiến và đổi mới. Nxb Văn hoá Thông tin. H. 2009. Tr. 276).
Tôi sinh ra và lớn lên tại làng Kiều Thượng,  nằm sát bờ Nam của bến đò Cố Xin. Từ năm 1966, lúc còn là học trò lớp 8, ngày đi học một buổi, chiều và đêm là trực chiến, bắn máy bay Mỹ. Trận địa phòng không của xã tôi nằm rải rác dọc bờ Nam sông Lam, xung quanh bến đò Cố Xin, vừa bảo vệ bến đò, bảo vệ khách qua qua sông, nhất là bảo vệ từng đoàn bộ đội, thanh niên xung phong qua đò ra tiền tuyến, cho nên tôi tận mắt chứng kiến cuộc đời sông nước và những hành động anh hùng của Cố Xin.
         Tôi bỗng sực nhớ lại thời ấy, có lần trong hầm súng, cạnh ụ khẩu 12 ly 7, tôi  cũng đã nghe câu hát:
Mỹ bắn đò Cố Xin Khuồi
Cố đứng mũi nốc trật….qua sông.
Hoá ra Cố Xin đã hoá thành huyền thoại ngay từ khi còn sống. Ngay lúc đó, Cố Khuồi, Cố Xin Khuồi, ông Lưu Văn Khuồi, ông Lữ Xuân Khuồi, Lưu Xin Khuồi... nhắc đến tên nào cũng được, nhưng cũng chỉ là một người, ấy là Cố Xin. Rồi đến ngày Cố hy sinh, nào đã xa xôi gì đâu. Sử sách còn đó, những người sống và chiến đấu với Cố còn sống cả trăm, cả nghìn người. Con trai, con gái Cố người nhiều tuổi nhất cũng mới 70. Ấy vậy mà thời gian Cố hy sinh cũng mỗi nơi nói một khác. Tôi đã đến thị trấn Dùng (huyện Thanh Chương) tìm được đại tá Võ Văn Hoá, một trong 4 chiến sỹ bộ đội cuối cùng được Cố Xin chèo đò đưa qua sông trước lúc Cố bị máy bay Mỹ sát hại. Đại tá ( đã về hưu) cũng không còn nhớ được chuyến đò ấy đã bị bắn cháy năm 1968 hay 1972. Cụ bà Đào Thị Anh chủ tịch xã Hưng Xuân lúc đó, nay đã gần trăm tuổi cũng không nhớ chính xác. Tôi đã đến huyện Nghĩa Đàn tìm gặp những người cao tuổi, trước đây là dân ba làng ở cạnh bến đò, sau làng bị tàn phá phải chuyển lên đây sinh sống thì mỗi người cũng nói khác nhau. Vậy là tên tuổi, năm hy sinh của người anh hùng liệt sỹ này đang dần mờ ảo, khuất dần với thời gian, về trời như muôn ngàn hình ảnh của những người hy sinh vì dân vì nước trong văn hoá dân tộc ta. Chỉ có điều đặc biệt là Cố Xin đang “hoá” ngay ở thời đương đại, ngay trong thế hệ chúng tôi, những người cùng sống và chiến đấu với Cố.
Tháng 11 – 2015 Trường cấp III Nam Đàn II kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Tôi là học sinh khoá đầu của trường. Tôi có viết một bài báo “50 năm nhớ về một mái trường” (Báo Giáo dục và Thời đại, số 243, ngày 10/10/2015) trong đó tôi có nhắc đến đò Cố Xin vượt bom đạn chở lũ học trò chúng tôi, những người bị máy bay Mỹ  bắn bị thương khi ra sông Lam chở nứa về xây luỹ lớp học, sang bệnh viện Vinh cứu chữa, kịp thời cứu sống nhiều người. Bài báo được nhà trường cho đọc ở các lớp học, nhiều học sinh đã khóc. Ngay hôm  lễ kỷ niệm, không chỉ các cháu học trò mà phần đông thầy, cô giáo (cũng chỉ ở tuổi 30 – 40) đến hỏi tôi và không ai biết Bến đò Cố Xin, Cố Xin Khuồi mà tôi viết trong bài báo ở đâu, là ai. Kể cả thầy cô giáo dạy sử mặc dù trường cách bến đò Cố Xin chỉ và cây số.
Ấy nhưng người dân quanh vùng, ở cả ba huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đức Thọ (Hà Tĩnh) ở lứa tuổi trên 50, dù đang sống ở đây hoặc tản mát khắp mọi miền Đất nước, cả sinh sống ở nước ngoài, ai cũng biết bến đò này và Cố Xin người chèo đò đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến. Chiến tranh đã qua đi 40 năm rồi nhưng  Cố Xin vẫn sống mãi trong trí nhớ và tình cảm của hàng nghìn bộ đội, thanh niên xung phong cả nước đã được Cố Xin chèo đò đưa qua sông Lam trên đường đi đánh giặc.
Thời gian trôi đi nhưng người anh hùng liệt sỹ ấy không chết trong lòng nhân dân dù đến lúc này, sau 48 năm hy sinh Cố Xin chưa nhận được bất kỳ một hình thức ghi công, khen thưởng nào của Nhà nước (ngoài một tấm bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc ký ...nhưng không có ngày, tháng, năm, cũng không có số quyết định. Nghĩa rằng đây chỉ là tờ giấy lộn, người ta nhặt được ở đâu đó).
          Bến đò Cố Xin, mai này ai nhớ ai quên?
                                                                                Tháng 4 – 2016
                                                                              Lê Thị Hạnh Liên
( Địa chỉ liên lạc: Lê Đình Cúc 01687389192)


 

5 nhận xét:

ngô xuân trường nói...

cám ơn bài viết của pgs ts lê đình Cúc . có một chi tiết chưa đúng : bệnh viện ở Hưng thông hồi đó là bệnh viện Huyện Hưng nguyên chứ không phải bệnh viện thành phố vinh .

Nặc danh nói...

bai viet viet dung su that.ma bay lau nay gd va cac con cua og k dc chung tu jay khen j ca.that dang thuong

Luuthang00135 nói...

Lịch sử,nhân dân ghi nhận công ơn người cho dù không trục tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường nhưng công lao của hai cụ sứng đáng được xã hội cũng như nhà nước ghi nhận.mặc dù chưa được đảng và nhà nước chính thức công nhận nhưng đối với quân,dân nghệ an và quân dân cả nước hai cụ đã trở thành huyền thoại,bất tử.Niềm tự hào của dòng Họ Lưu.

Unknown nói...

Đúng như sự việc đã nêu .tôi là cháu họ của chú xin Nguồn cùng quê xóm 16, hưng long biết rõ lai lịch bến đò cố xin.Bến đò này tôn tại đã chèo đò ngang liên tục đời cha của ông xin,gọi là cố xin.đời con gọi là ông xin khuồi,đồ cháu là Lưu vă Tín,Lưu văn Tâm.Bến đò này có từ trước thời Pháp thuộc.Vì trên sông lam chưa có một cây cầu nào được xây dựng.Việc qua sông phải đi bằng đò.Đò cố xin đã phục vụ các xã chín nam của huyện nam đàn,Đức thọ,bờ nam sông Lam.Huyện hưng nguyên bờ bắc sông lam
Bến đò cố xin còn tham gia chở người đi biểu tình năm 1903-1931 từ Đức thọ nam đàn qua sông tham gia biểu tình chống giặc Pháp tại vinh ,bến thủy.chở bộ đội qua sông hành quân vào nam theo đường chiến lược để qua đò linh cảm đức thọ vận chuyển vũ khí lương thực qua sông.cứu hộ phương tiện vận tải bị máy bay mỹ đánh chìm phụ vụ chuyển hàng đạn pháo cao xạ bị bom mỹ đánh xà lan chìm trên sông Lam.

thanh huyền nói...

ko liên quan lắm nhưng cháu rất hâm mộ ông khi được cầm trên tay cuốn sách của ông cũng có đọc qua bến đò cố xin rất hay ạ và cháu là cháu ngoại của bà Hạnh ạ rất vui i biết đến ông là một nhà văn