Dạo một vòng phây sờ búc hiện nay, thấy té ra, đây đang mùa họp lớp.
Tôi là người... ít học, chỉ xong 10 năm phổ thông rồi lên đại học, rồi ra công tác, có học thêm mấy lớp bắt buộc như cao cấp chính trị, quản lý nhà nước, đối tượng 2 quân sự, vài lớp bồi dưỡng... nên rất kính nể các bác học nhiều lớp, nhất là các bác tại chức, có bác học một lúc ba bốn lớp tại chức, giờ thành đạt, họp lớp liểng xiểng.
HỌP LỚP RẤT VUI
Hôm qua đang lớng tớng ngoài đường, một cô cộng tác viên gọi: chú đang ở đâu, cháu mời chú cà phê. Cô này giáo viên ở huyện xa nhất tỉnh Gia Lai là Krông Pa, chạy xe máy gần 200 cây lên thành phố Pleiku để họp lớp đại học. Trong lúc chờ tối mới chính thức, lớp tổ chức đi thăm công trình thủy điện Ia Ly, thăm vài nơi nữa, cô này say xe nên ở nhà và mời tôi cà phê.
Cô kể, lớp tổ chức rất công phu, hai ngày hai đêm, ăn ở tập trung, tất nhiên là đóng tiền. Các bạn từ Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn… vân vân có mặt.
Cô cũng bảo, đây là lớp đại học. Năm nào cũng tổ chức, năm chẵn tổ chức tại Quy Nhơn là nơi trường đóng chân, năm lẻ thì luân phiên đi các tỉnh có bạn học. Cô cũng kể, đầu năm, vừa họp lớp cấp 3 tận Thanh Hóa vui lắm. Say xe nhưng cũng cố lết đi. Rồi sang năm, nghe đâu họp lớp cấp 2. Chồng cô nói mát: em xem tổ chức họp lớp... mẫu giáo đi. Nhưng cô cũng quật lại, anh thì kém gì, còn lớp chính trị, lớp cán bộ nguồn, lớp đối tượng Đảng, lớp đại học luật tại chức, lớp lái xe, lớp ôn thi thạc sĩ chưa học xong mà cũng đã... họp rồi.
Một cô khác kể: Lớp cô họp lớp muốn trêu “bọn” vợ, chồng ở nhà bèn bắt tất cả tụt… quần (dài), mặc quần đùi hoa may cả loạt giống hệt nhau, chân luồn vào nhau hỗn độn rồi chụp ảnh, đăng lên facebook của lớp. Cũng dăm nhà cháy, vài ba bếp nguội mấy ngày, chục cái mâm bay ra sân.
Cũng mới mươi năm nay, phong trào họp lớp mới phát triển. Có người nói đùa, để chứng tỏ ta có... học. Trước đấy thường là trường hoặc khoa đại học tổ chức kỷ niệm 5, 10, 15, 20 năm thành lập, nói chung là cách chừng 5 năm một, mời sinh viên cũ về, rồi các lớp tranh thủ... ké, gặp nhau một bữa rồi chia tay. Các trường phổ thông thì thưa hơn, thường là vài ba chục năm thành lập, trường tổ chức thì lớp nào ra trường chẵn năm trùng dịp ấy tổ chức hò hẹn nhau luôn.
Giờ facebook phát triển, các lớp thường có nhóm riêng trên phây, hô hào nhau. Cái chính là điều kiện kinh tế cũng không còn ngặt nghèo, đi lại cũng không khó khăn như xưa, và nhờ phây búc nên tìm được nhau dễ hơn, nên việc tổ chức cũng “nhặt” hơn.
Nhưng không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái.
Năm nào đấy, một lớp văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ, nhân 40 năm ra trường, tổ chức họp lớp xuyên Việt , tức là trên xe. Tổ chức thuê một cái xe từ Hà Nội, xuôi nam, qua tỉnh nào đón bạn tỉnh ấy, đích là Sài Gòn, chơi thêm vài ngày rồi về. Thế mà rồi mới đến Nha Trang đã rã đám. Có người còn ngạc nhiên là sao lại chịu đựng nhau được đến tận... Nha Trang. Đơn giản thôi, ông bà cả rồi, đến tuổi trái tính trái nết cả rồi, ăn cơm thì dính má mà xỉa răng thì quên vứt rồi, mấy chục năm mới gặp lại nhau, ở nhà toàn là đinh là đỉnh, đến đây lên xe cứ mày tao chi tớ, thôi được, bạn cũ mày tao cho sướng. Nhưng nhiều lúc sướng quá hóa... lỡ lời, gọi nhau “thằng ngu” kia, con “đần” nọ, là cái từ yêu thương thôi, quý nhau mà gọi, nhưng người được gọi thì khùng lên, vì xét địa vị mình dẫu có... ngu hơn nó thật. Nó là nhà báo, nhà ngoại giao, lãnh đạo to, bắt tay toàn nguyên thủ, bộ trưởng, nói tên nó phát cả nước biết, mình thằng chuyên viên nhọ, thui thủi cạo giấy canh 8 giờ vàng ngọc, nhưng tự trọng. Nó cậy nó oai nó bảo mình ngu mình đần. Mà ở nhà nhé, cơm mình ăn riêng một mâm, rượu uống riêng một chén, trợn mắt phát là vợ/ chồng, con nem nép. Thế là nóng mặt lên, vặc lại. Vào bữa ăn, ông đòi thịt, bà thích cá, chị gọi canh, lại có bố chả ăn gì, chỉ uống và nói, cứ loạn cào cào lên, thế là cáu, ơ họp lớp hay là họp... chợ.
Tôi học cấp 3 ở trường cấp 3 Hậu Lộc, Thanh Hóa, có năm cũng về họp nhân kỷ niệm 35 năm ra trường. Học xong cấp 3 là tôi về quê ở Huế ngay, rồi học đại học ở đấy, đi một hơi, nên nói thật, bạn trong lớp còn nhớ lõm bõm, nói gì trường. Năm ấy có mấy bạn là đại gia bỏ tiền tổ chức rất oách, có tiệc lại có quà, còn lại ai đóng bao nhiêu thì đóng. Chưa hết, các bạn ấy còn hùn tiền làm cổng cho trường, dù cái trường chúng tôi học hồi ấy giờ chia thành ba bốn trường chi đấy.
Tôi bay từ Pleiku ra Hà Nội rồi mượn một cái ô tô về Thanh Hóa. ¾ các bạn lớp 10A của tôi làm nông ở Hậu Lộc. Tôi chạy xe một vòng đón tất cả các bạn, có bạn đang ngoài ruộng. Tuy ở xa về nhưng tôi chủ động gom các bạn vào một chỗ lúc ngồi kỷ niệm chung trong hội trường, rồi lúc ăn cũng cố gom các bạn vào một chỗ giữa nơi đông nghìn nghịt ấy mà cũng không đủ. Thì chỉ vì tôi hay đi ăn... cưới nên có kinh nghiệm, chứ không thì ngồi với các bạn không quen biết, buồn lắm. Sau giải tán cuộc chung ở trường, tôi muốn gom các bạn lớp lại ngồi với nhau cuộc nữa, nhưng bất thành vì nhiều bạn bận, bạn thì bò chưa về chuồng, bạn thì đón cháu, bạn thì chồng ốm, vả mỗi bạn ở một xã, đánh đu nữa rất khó, thế là tan, chưa kịp hỏi gì về nhau.
Đã đành khi về họp lớp, ai cũng với tâm thế là về với ngày xưa, với cái thuở mày tao chi tớ trong veo veo thuở nào. Giờ vẫn mày tao chi tớ nhưng rõ ràng muốn mấy cũng khó mà giống xưa. Rõ nhất là lúc... hô đóng góp. Phi đóng góp bất thành họp lớp, có đại gia bao thì rồi cũng vẫn góp nhẹ nhẹ gì đấy. Mà ngay mấy anh đại gia đứng ra bao ấy, bạn bè cũng phải nhìn anh ta với con mắt khác rồi, khó mà bỗ bã mày tao chi tớ như xưa. Rồi kiểu ăn kiểu chơi nó cũng khác, kiểu ngủ kiểu ngáy cũng khác, chưa kể hỏi đến hoàn cảnh của nhau, nhiều khi lộ ra những điều khó nói... Thế là ấm ức, là để bụng, là mất vui…
RẤT VUI HỌP LỚP
Biết tôi viết vui về họp lớp, một bạn nhắn: Họp lớp là…“Đóng tiền để ngắm trai già gái xấu”.
Một bạn là lái xe của một cơ quan, có ông sếp họp lớp, chở các cụ họp lớp rồi kể: “Em có một lần chở các bà các ông học đại học về N. B họp lớp. Họ ăn chơi du lịch 3 hôm ở đó. Có một ông to lắm không tiện nêu chức danh của tỉnh đài thọ chuyến đó. Đại khái là xe ô tô 29 chỗ chạy thẳng một lèo lên chùa chính của Bái Đính không phải dừng ở dưới bãi. Ở khách sạn sang. Ăn uống thì có cả một đoàn văn công biểu diễn tại chỗ. Lúc về lại Hà nội, ngồi trên xe các bà ấy mới nhiều chuyện để kể. Vui nhất là chuyện các ông hỏi số phòng các bà và dặn là đêm đừng đóng cửa nhé! Là các bà ấy kể lại còn có đóng hay mở thì họ không kể?”. Rồi cũng chính tay này nói ngay, nói thế thôi, chứ tuổi các bác ấy, các bác giai thì giới thiệu cho nhau cách làm sao để… đi tiểu khỏi ướt giày và các bác gái thì hướng dẫn nhau cách… hút mỡ hoặc dưỡng sinh.
Một cô giáo “tâm tư”: “Em thì thích... vừa vừa thôi. Vì, họp lớp cũng như họp đồng hương, đồng ngũ, các loại... đồng, cũng rất nhiều vấn đề. Em từng được là khách mời một buổi họp của lớp khác. Các chị í lớn hơn em, toàn thành đạt, giỏi giang, tên tuổi hơn em. Mà, ôi thôi, đó là buổi hẹn để đấu khẩu, truy bức, vạch mặt nhau mới đúng nghĩa. Ngay lúc đó, em đã bảo: may mà không rủ các phu quân đi. Chứ nếu không họ cười chết… Các chị nói ngay: thì chính để… làm vậy (đôi co, vạch mặt…), nên mới không cho các ổng đi đó… À ra thế! Tức là họp lớp để... Cãi nhau (!!!). Ngoài ra không tránh khỏi trong lớp từng có những người không ưa nhau, và giờ vẫn thế. Nên gặp vẫn chẳng vui vẻ, thoải mái gì. Vẫn có thể đố kỵ, móc méo nhau… Rồi người giàu người nghèo, người may người không. Người rộng rãi hào phóng, người chặt chẽ, tính toán cho những chi phí gặp mặt... Ôi thôi, nhiều thứ lắm. Nên em cũng biết nhiều hội lớp, hội đồng hương sớm nở tối tàn. Riêng em còn đùa: hội đồng hương tỉnh X, y như cái khối... ASEAN (!!!), chẳng ai ưa ai, xót ai, giúp ai. Dù lần gặp mặt nào cũng thấy...bắt chéo tay nhau!”.
Có người cho rằng, cả năm đầu tắt mặt tối, tăm tắp tuân thủ cấp trên thì không gian họp lớp là nơi mà tính dân chủ được thực thi triệt để nhất, nơi mà người “cán bộ” thân thiện nhất, đáng yêu và gần “dân” nhất. Nhưng lại cũng chưa chắc. Người doanh nghiệp, người công chức, kẻ còn làm công nhân, nông dân vất vả. Cũng nhìn nhau, dòm ngó ghê lắm. Lớp cũng có nhiều loại lớp. Họp lớp vui nhất là lớp phổ thông ấy, cùng làng cùng xóm hoặc lân cận đấy, chứ lớp đại học là phân cấp rồi. Mỗi buổi họp lớp phổ thông đều có thể viết thành sách được. Tất nhiên là cuốn nào cũng… giống nhau, nhưng đọc mãi không thấy chán. Giống như một cụ già lẩm cẩm kể mãi một câu chuyện xưa… khi họp lớp cứ ngỡ ngàng nhìn bạn "trời ơi sao mày già dã man con ngan thế", quên bố nó mất là bản thân mình cũng… già khú đế.
Cũng có người gay gắt: “Đúng là "phú quý sinh lễ nghĩa", nay đủ thứ đủ kiểu đủ lý do để tụ họp, nào nhóm nào lớp nào khoa nào trường... cứ có một ai đó ăn nên làm ra, có chức có quyền hay kiếm chác được tí... là thể hiện ngay, và sự thể hiện trực diện nhất, ra oai hiệu quả nhất là qua bạn bè các cấp từ tiểu học đến đại học, sau đại học, thậm chí cả tại chức, từ xa... Và có lẽ nay đã trở thành trào lưu, đâu đâu cũng thấy "hội lớp"… hoặc “Họp lớp là được trở về với thời gian đẹp nhất của con người. Lúc đó mỗi người thấy mình trẻ lại. Tạm gác bề bộn của cuộc sống để vui chơi... Nhưng đôi lúc họp nhiều quá, sớm quá lại phản tác dụng. Ví như các bạn học sinh vừa rời trường phổ thông một vài năm. Khi đó, cuộc sống chưa ổn định mà họp lớp theo kiểu cho "giống nhà người ta" thì thật là... Lại nữa năm nào cũng họp dễ sinh ra sự nhàm chán. Đó là chưa kể nếu trong lớp có đôi nào đó xưa không nên duyên mà đi họp lớp thì trước hay sau khi họp lớp về cũng… mệt với phe ở nhà”.
Khi tôi ngồi viết những dòng này trong một sáng chủ nhật mưa và buổi trưa không thấy cái giấy mời đám cưới nào trên bàn thì ở một nhà hàng gần đấy, cuộc tiệc của một lớp phổ thông nào đó đang đến hồi cao trào. Một hai ba dzô, ai đó bắt nhịp để cụng ly, một kiểu cụng ly rất… Việt Nam. Nhưng cái “thì” sau đây mới quan trọng: tin nhắn đến, một “ông mõ” của lớp nhắn: ngày 3 tháng 10 năm nay, họp lớp kỷ niệm 36 năm ra trường. Nhẽ là 35 năm đã tổ chức ở Huế cùng với kỷ niệm 60 năm Đại học Huế, nhưng năm ngoái lớp ít người về nên năm nay các bạn Đà Nẵng đăng cai làm riêng. Cũng hôm qua, một bạn giờ là phó giám đốc sở Giáo dục Gia Lai nhắn: Cái lớp Cao cấp chính trị dù gì cũng học với năm hơn 2 năm, anh chả tổ chức họp lớp gì cả. Mới nhớ, mình từng là lớp trưởng cái lớp 124 học viên oai hùng ấy…
Cũng may, như đã nói ở đầu, tôi là người… ít học.
1 nhận xét:
Người người họp lớp, nhà nhà họp lớp, toàn dân ra sức thi đua họp lớp. Tôi thấy rất chi là vui, nhưng mỗi năm chỉ họp lớp 8 trường huyện 1 lần thôi. Vui quá hóa mệt.
Đăng nhận xét