Vì làm nhà, tôi phải đi thuê một căn nhà để ở. Căn nhà này ở đường Nguyễn Du, có một hàng cây cổ thụ phía trước. Nó là nơi ve đậu và kết bè âm thanh.
Ngày đầu tiên, đang tha thẩn, thấy nước mát lạnh tưới xuống đầu và mặt. Giật mình tưởng mùa mưa đến sớm. Ông hàng xóm thổ công nói: Nước đái ve đấy. Ơ, mát đến tỉnh cả người.
Của đáng tội, nó thảng hoặc thì thú vị, chứ ở đây, nó kết bè lại, rền rĩ từ 4 giờ sáng đến nửa đêm. Vừa thiu thiu ngủ thì lại đã thấy nó kết bè rền rĩ. Tức lại đã 4 giờ sáng.
Chắc tại mình già rồi thôi, chứ các ông nhà thơ, nhạc sĩ vẫn viết về ve hay lắm, đọc cứ nao hết cả người, lại cứ muốn hùng hục trở về ấu thơ.
Thời ấy, chúng tôi quần đùi áo cộc, với cái sào gắn cục nhựa mít ở đầu, lang thang hết trưa nay đến trưa khác, đi bắt ve, bất chấp khuyến cáo của ba mẹ là nếu không ngủ trưa lang đi bắt ve là sẽ ăn đòn. Và thực tế là đã nhiều lần ăn đòn.
Thế nhưng con ve vẫn hút hồn chúng tôi đến thế.
Giờ ve đầy ra đấy, giữa phố mà vẫn có ve thì phải biết ơn thiên nhiên biết bao nhiêu, thì còn may mắn biết bao nhiêu, trữ tình biết bao nhiêu, mà chả thấy đứa trẻ con nào màng đến. Không đi bắt đã đành (bắt ve hình như không bị quy tội như bắt chim, bởi ve là côn trùng, dẫu vô hại nhưng cũng không có lợi, vả, nó cũng sẽ tự chết rất nhanh sau đấy), cũng không mơ mộng ngồi nghe ve kêu để liên tưởng hè tới. Hè với biết bao dự định sang trọng, hấp dẫn như về quê, đi chơi, tắm sông, thả diều, và tất nhiên, bắt ve. Giờ, hè về đồng nghĩa với việc vắt giò lên cổ tìm chỗ học thêm, đồng nghĩa với mùa “học thêm chính quy” bắt đầu, thời gian đâu mà dự định với tưởng tượng...
Hè năm nào đó, khi đang là sinh viên năm thứ 3 khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế, chúng tôi đi gặt lúa giúp dân ở Thủy Thanh. Đấy đúng nghĩa là mùa hè, hè của lao động, nhưng vì là sinh viên, nên chúng tôi đã biến cái mùa hè lao động giúp dân ấy thành cuộc picnic vừa vui vẻ vừa có ích.
Cũng vẫn đi gặt lúa, gánh lúa, ăn cơm giữa đồng trong cái nắng chang chang hè xứ Huế với những thúng cơm gạo mới đầy ắp thơm phức ăn với chột nưa muối chua kho với cá chạch và canh môn hoặc canh hến trở thành đại tiệc với lũ sinh viên luôn luôn đói chúng tôi. Những cái vai sinh viên bấy bớt đỏ tấy hoặc sưng vù, nhiều đứa lần đầu tiên thấy cái đòn xóc, thấy cái liềm cắt lúa, thấy đỉa… nhưng rồi vượt qua hết để vẫn bắt… nhái tối về nấu cháo xì xụp ăn với nhau, vẫn múa hát cho bà con xem hàng đêm, vẫn làm thơ và cãi nhau về Kiếc Ka Gơ, về Nít, Giăng Pôn Sạc… Mà thời ấy không kem chống nắng, không áo mũ trùm kín như bà đẻ bây giờ. Tươi vui phơi phới và… đen giòn.
Hải Phòng lâu nay chết với biệt danh “thành phố hoa phượng đỏ”, nhưng đến Hải Phòng rồi, thấy nó không nhiều như ta tưởng. Nhiều nơi phượng đẹp hơn, thậm chí có tên hẳn hoi như một cái tên rất đẹp: đường phượng bay. Và cái đoạn đường ngay đường vòng từ An Hòa qua đầu cầu Bạch Hổ mà Phượng không đẹp à. Nhưng như thế mới là… độc quyền. Lần nào đấy, tôi theo một anh bạn cùng lớp vào thăm người yêu của anh ta ở khu tập thể Nhà Bò, nghèo, chả có tiền mua hoa, mà cô bạn học Văn cao đẳng sư phạm lại lãng mạn, nghĩ người yêu mình là sinh viên văn khoa Đại học Tổng hợp Huế là phải lãng mạn, phải hay tặng hoa. Thế là anh bạn leo lên dãy phượng ấy, bẻ một ôm hoa phượng mang đến tặng bạn gái. Bù lại, mẹ bạn đãi hai thằng một bữa bánh bột lọc căng bụng sinh viên. Sau này Vũ Hoàng phổ thơ Đỗ Trung Quân bài “Phượng Hồng” thổn thức tuổi học trò, khi dựng clip có những cô gái áo dài trắng đạp xe trên giỏ xe đạp có chùm hoa phượng rừng rực như lửa mà lại gợi cảm như… mùa hè, mỗi lần xem lại nhớ hình ảnh anh bạn cong lưng leo phượng hái hoa tặng bạn gái. Giờ hai người hai ngả, lên ông lên bà cả rồi, chả biết có khi nào nhớ lại chùm hoa phượng và bữa bột lọc năm xưa…
Ngay Pleiku, một thời có mấy cây phượng rất đẹp. Ví dụ cái cây ở đường Hùng Vương, ngay chỗ hoa Văn Cả bây giờ. Hay cái cây ở vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, giờ nằm gọn trong khuôn viên Quảng trường…
Hè giờ, khổ quá. Rầm rập từ phố đến quê học trò đều náo nức… học thêm. Phượng cứ nở, ve cứ kêu mà nào có ai để ý đến. Thành phố ngột ngạt có được tí ve tí phượng thế mà rồi cũng như không, thì nói gì đến quê nội quê ngoại với cánh đồng, với đêm trăng, với những trò chơi dân gian đời này sang đời khác không nhàm không chán. Ai đấy bảo học sinh bây giờ sướng, cơm đút tận miệng, gối kê tận đầu, ngồi xẹp cả lốp xe mà bố mẹ vẫn phải đưa đón hàng ngày. Nhưng lại có người kêu chúng khổ quá, sống thế khác gì gà công nghiệp. Bởi nghĩ cho cùng, học là để sống cho sung sướng, cho thỏa mãn mình, cho niềm vui hạnh phúc của chính mình, chứ đằng này cứ như đi học thuê, lớn uỳnh uỳnh thế rồi, ngoại ngữ làu làu, múa phím như vũ công mà chưa phân biệt được con trâu với con bò, con ngan với con vịt, con rắn với con lươn…
Tôi thì vẫn thích, và nhớ, những ngày hè xưa, tung tăng trên những bãi đậu xanh vừa thu hoạch, trên tay là sợi dây diều. Căng tít phía trên kia, gió như đàn ngựa hoang, vừa lớp lang vừa hoang dã, ngàn ngạt chở mây trôi…
1 nhận xét:
Tươi sáng.
Đăng nhận xét